Đây là một công trình nghiêm túc, công phu, đặc biệt là tác giả đã giới thiệu và khẳng định toàn bộ mảng thơ dịch của Tú Xương. Minh chứng rằng, Tú Xương không những là nhà thơ trào phúng xuất sắc mà còn là một dịch giả có tên tuổi trong làng dịch thuật nước nhà, thơ dịch của ông xứng đáng được Từ điển Văn học và Từ điển Bách khoa Việt Nam ghi nhận.
Từ trước đến nay đã có hàng trăm văn bản, công trình nghiên cứu, tiểu luận và bài viết về Tú Xương, mỗi tác phẩm đều đi sâu phân tích một vài khía cạnh và thậm chí có tác giả còn nêu lên những hạn chế trong thơ ông, nhưng nhìn chung đều thống nhất đánh giá Tú Xương là một đại biểu xuất sắc trong làng thơ trào phúng Việt Nam.
Khi nghiên cứu Tú Xương có một trở ngại là vấn đề xác nhận văn bản, vì hiện nay chúng ta không có di cảo hoặc bút tích của tác giả mà phần lớn thơ Tú Xương đều do người khác chép lại sau khi ông mất, nên có nhiều bài nhầm lẫn với thơ người khác cũng có một giọng na ná giống Tú Xương.
Vì vậy, việc thu thập một cách tương đối đầy đủ rồi phân loại, so sánh đối chiếu và loại ra những bài không phải của Tú Xương là một việc làm cần thiết để tránh tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia. Về mặt văn bản, tác giả đã khảo sát một số lượng lớn những tư liệu có liên quan đến Tú Xương và thơ văn của ông từ trước đến nay kể cả những văn bản chưa được khai thác và ít người biết đến như Tiên đan gia bảo, Thi văn tạp lục, Việt túy tham khảo, Nam âm thảo…

Bìa quyển sách Tú Xương toàn tập
Điều đặc biệt là cuốn sách đã dành gần 1/3 dung lượng (248 trang) để giới thiệu 83 bài thơ dịch của Tú Xương chép trong cuốn Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật. Có lẽ đây là lần đầu tiên mảng thơ dịch của Tú Xương được giới thiệu một cách đầy đủ và có phân tích một cách hợp lý có sức thuyết phục để độc giả thấy được giữa thơ trào phúng với thơ dịch trữ tình trong thơ ông không mâu thuẫn mà ngược lại có sự nhất quán.
Thực ra, cách đây trên nửa thế kỷ, khoảng cuối những năm 50, một số nhà nghiên cứu lớp trước như Hoàng Ngọc Phách, Lê Phước, Đỗ Đức Hiểu, Nam Trân cũng đã có đề cập đến vấn đề dịch thơ Đường của Tú Xương và có giới thiệu năm sáu bài dịch của ông và cũng được một vài nhà thơ lớn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên hưởng ứng.
Nhà thơ Xuân Diệu rất tâm đắc với bản dịch Xuân dạ hỉ vũ của Tú Xương và có lời bình: “Mưa xuân ban đêm hẹn nhau với hoa nảy sớm mùa, cái mưa xuân ấy đưa nhẹ một cơn thì hoa bừng giấc thắm, tỉnh dậy và nở thắm, cha chả là hay! Hai câu đối nhau, đọc liền một lúc mới thấy lộ hết cái hay”(1). (Hai câu dịch của Tú Xương là: “Đưa nhẹ một cơn bừng giấc thắm/ Rơi ra từng sợi thấm cành khô”). Đây là bài thơ của Đỗ Phủ. Nguyên văn hai câu đó là “Tùy phong tiềm nhập dạ/ Nhuận vật tế vô thanh” (隨風潛入夜, 潤物細無聲).
Còn Chế Lan Viên thì tán thưởng “… Tú Xương rất dân tộc. Dân tộc ngay cả lúc dịch thơ Đường: “Mây xanh mặt bể trông cao ngất/ Giăng trắng đầu non trụt lại bên”. Thơ Lý Bạch mà bỗng dưng có “trụt lại bên” thì thật là Việt Nam một trăm phần trăm và Tú Xương một trăm phần trăm rồi vậy”(2). Hai câu nguyên văn trong bài Thu tứ này là: “Hải thượng bích vân đoạn/ Thiền vu thu sắc lai” (海上碧雲斷,單于秋色來).
Với sự tinh tế và nhạy cảm của một nhà văn có nhiều kinh nghiệm, Nguyễn Tuân tuy không đề cập trực tiếp đến thơ dịch của Tú Xương, nhưng ông cũng nhận xét: “… Thơ Tú Xương đi bằng cả hai chân hiện thực và trữ tình, mà cái chân hiện thực ở người Tú Xương chỉ làm một cẳng chân trái tả thực. Chủ đạo cho đà thơ là ở chân phải và Tú Xương đã băng được mình thơ tới chúng ta bằng nước bước lãng mạn trữ tình”. Ông còn nói thêm: “… giả tỉ thơ Tú Xương không có cái khía trữ tình, cái hơi lãng mạn của nó, mà chỉ rặt những “cống hỉ, mét xì, thôi thôi lạy mợ xanh căng lạy”… thú thật tôi thấy chối tai đấy”(3).
Tuy nhiên cho đến nay, hình như nhiều nhà nghiên cứu còn quá thận trọng và không mấy mặn mà với mảng thơ dịch của Tú Xương đã cho rằng chưa có độ tin cậy cao về mặt văn bản (chép tay, không ghi tên người chép và thời gian chép…). Nếu thế thì hàng trăm bài thơ Nôm của Tú Xương mà ta ca ngợi và ngâm vịnh lâu nay cũng đâu phải là di cảo và bút tích của tác giả? Và, chúng tôi không hiểu tại sao trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới) cũng không có một dòng nào nhắc đến việc Tú Xương có dịch thơ Đường.
Trong lời giới thiệu các bài thơ dịch của Tú Xương, tác giả Đoàn Hồng Nguyên đã dành gần 20 trang để giới thiệu và phân tích nét tài hoa của ông trong thơ dịch. Ở đây, chúng tôi xin dẫn chứng thêm một vài bài mà mình cảm thấy tâm đắc.
Về mặt hình thức, dịch giả không dùng thể thơ lục bát như nhiều người đã vận dụng mà dùng thất ngôn hay ngũ ngôn luật. Lối dịch này công phu và cầu kỳ hơn vì phải đảm bảo niêm luật chặt chẽ trong thơ Đường. Đáng chú ý là hầu hết những bài dịch của Tú Xương rất phóng khoáng, lời thơ thanh thoát, nhẹ nhàng, trang nhã, nhiều khi không bám sát tình tiết diễn biến trong nguyên bản nên người đọc không có cảm tưởng là thơ dịch. Có một số bài dịch theo nguyên thể ngũ ngôn luật, chẳng hạn:
Gió thơm lồng trước gấm Nắng sáng lọt nhà vàng Thềm ngọc hoa đua nở Hề trong cỏ dâng hương Lầu cao con gái múa Cây biếc tiếng chim vang Đào lý ngày xuân tốt Cung tiên nỗi nhớ thương |
(Cung trung hành lạc – Bài thứ hai tr.296)
Bài Thu tứ (tr.300) của Lý Bạch dịch theo thể thất ngôn luật, lời đẹp, ý hay, dịch giả chỉ cốt lấy ý trong nguyên bản rồi sắp xếp lại:
Lá nhuộm ngàn thu rực núi Yên Trên lầu thơ thẩn dạ thuyền quyên Mây xanh mặt bể trông cao ngất Giăng trắng đầu non trụt lại bên Ngoài ải, quân Hồ lầm cát bụi Trên quan, tướng Hán kíp tin truyền Cỏ thơm đưa đẩy sầu như giục Chinh khách lòng quê nghĩ đã yên. |
Lời dịch hai bài Thập thất dạ đối nguyệt (tr.391) và Đảo y (tr.394) sau đây của Đỗ Phủ vừa thanh thoát, có nhiều chất thơ và giàu nhạc điệu:
Vành vạnh đêm rằm chút chửa sai Giang thôn lụ khụ một mình ai Mở rèm trông thấy như chào tớ Chống gậy ra chơi lại đón người Trong suốt rồng nằm dòng nước giãi Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi Nhà tranh ngồi tựa bên chồi quất Hoa móc lòng ai vẻ trắng ngời. |
(Thập thất dạ đối nguyệt)
Gần thu mảnh đá gượng lau chùi Cũng biết chàng nay việc chửa rồi Áo kép chờ nay ba tháng lạnh Chăn đơn chực đó mấy năm trời Nghề riêng dám trễ tay canh cửi Cửa chút làm ghi dạ một hai Kim chỉ phòng thêu đà hết sức Tiếng chày văng vẳng thấu chăng ai. |
(Đảo y)
Về mặt phiên âm các bài thơ dịch của Tú Xương, tác giả Đoàn Hồng Nguyên đã có nhiều cố gắng để độc giả cảm thụ được cái hay, cái đẹp và những sắc thái tinh tế trong thơ dịch của ông. Tuy nhiên, việc đọc chữ Nôm cũng có những chỗ phức tạp, mỗi người hiểu và lý giải một cách. Tôi hy vọng có dịp sẽ trao đổi thêm với tác giả về vấn đề này.
(1) | Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Văn Học, 1970. |
(2) | Tú Xương – Thơ và đời, NXB Văn Học, 1996. |
(3) | Thời và thơ Tú Xương, Nguyễn Tuân - Tạp chí Văn Nghệ, 5/1961. |