Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ…

TS. PHAN VĂN HOÀNG (*)

KỶ NIỆM NGÀY MẤT NHÀ THƠ TỐ HỮU (9/12/2002 – 9/12/2009)

Ngày 9/12/2002, tôi vô cùng xúc động khi hay tin Tố Hữu giã từ cõi Đời để về cõi Thơ. Tôi ngồi vào bàn giấy, đặt tấm di ảnh của nhà thơ trước mặt, tôi đã viết một mạch trong cảm xúc đang dâng trào. Tôi cảm ơn nhà thơ đã dẫn dắt tôi vào con đường cách mạng và đã động viên tôi trên suốt nẻo đường kháng chiến. Với lòng thương tiếc vô biên, tôi kính cẩn đốt nén hương thơm mát dạ Người.

Mùa hè năm 1963, từ Đà Nẵng, tôi ra Huế dự kỳ thi Tú tài toàn phần ban văn chương sinh ngữ và sau đó dự kỳ thi tuyển vào ban Pháp văn Trường Đại học sư phạm Huế.

Đúng vào lúc đó, nổ ra cuộc đấu tranh phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm của Phật tử Huế. Ngẫu nhiên mà tôi có mặt trong cuộc mít-tinh chiều ngày 7/5/1963 tại khuôn viên Tòa tỉnh trưởng Thừa Thiên. Có lẽ đây là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên diễn ra ở nội thành Huế trong 9 năm dưới chế độ phát-xít của Mỹ - Diệm. Đêm hôm sau, tôi tận mắt chứng kiến cảnh thảm sát các phật tử trước Đài phát thanh Huế và lần đầu tiên trong đời hít phải hơi lựu đạn cay của cảnh sát.


Nhà thơ Tố Hữu

Phong trào đấu tranh ngày càng phát triển, lôi cuốn mọi giới đồng bào trên toàn miền Nam tham gia. Noi gương hòa thượng Thích Quảng Đức, đại đức Thích Thanh Tuệ và thượng tọa Thích Tiêu Diêu đã tự thiêu tại chùa Phước Duyên và chùa Từ Đàm trong các ngày 13 và 16/8, gây xúc động mạnh trong lòng dân chúng cố đô.

Đêm 20/8, Diệm mở cuộc tấn công đồng loạt vào chùa chiền ở Huế và khắp các đô thị miền Nam, bắt giam hàng nghìn tăng ni và Phật tử. Bất chấp lệnh giới nghiêm và thiết quân luật của Diệm, sinh viên học sinh vẫn xuống đường. Trong những ngày tháng ấy, chúng tôi chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ tới chuyện học hành.

Ngày 1/11/1963, Diệm bị lật đổ và ngày hôm sau bị giết. Sinh viên học sinh tiếp tục đấu tranh đòi trừng trị những người đã đàn áp nhân dân trong 9 năm qua.

Ngày 30/1/1964, tướng Nguyễn Khánh làm đảo chính, hô hào “Bắc tiến”. Sinh viên học sinh chuyển sang chống độc tài quân phiệt hiếu chiến, đòi hòa bình, dân chủ.

Cuối năm 1964 - đầu năm 1965, Mỹ mở rộng và leo thang chiến tranh ở Việt Nam, bắt đầu ném bom miền Bắc và đổ quân viễn chinh vào miền Nam. Sinh viên học sinh hướng mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ, chống chiến tranh xâm lược, đòi rút quân Mỹ về nước.

Các cuộc đấu tranh giúp sinh viên chúng tôi có dịp gần gũi và hiểu nhau. Một người bạn – tuy mới quen nhưng sớm thân thiết vì cùng chung chí hướng - đã bí mật chuyền cho tôi tập “Thơ Tố Hữu” do Hội liên hiệp sinh viên giải phóng miền Trung Trung Bộ in ronéo, được ngụy trang dưới lớp bìa một cuốn tiểu thuyết ba xu của Chu Tử.

Tối hôm ấy, chờ cho mọi người trong nhà trọ ngủ hết, tôi dùng đèn pin để đọc tập thơ.

Do chính quyền Mỹ – Diệm bưng bít và xuyên tạc lịch sử nên thế hệ thanh niên chúng tôi lúc đó hầu như không biết hoặc biết một cách lệch lạc những sự kiện lịch sử nước nhà thời hiện đại. Nay đọc thơ Tố Hữu, tôi mới hiểu được những trang sử oai hùng của dân tộc mình, từ những cuộc khởi nghĩa năm 1940 đến cuộc kháng chiến kết thúc với chiến thắng Điện Biên lẫy lừng:

Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng

Với hiệp định Genève, miền Bắc được giải phóng:

Đường giải phóng mới đi một nửa
Nửa mình còn trong lửa nước sôi

Ở miền Nam, Mỹ - Diệm đàn áp nhân dân, trả thù những người kháng chiến:

Có ai biết bao nhiêu máu chảy
Máu miền Nam hơn chín năm trời…
Ôi cửa Phật cũng dầu sôi lửa bỏng
Dẫu thiêu mình làm đuốc cũng cam!

Do đó, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời để cùng nhân dân đánh đuổi xâm lược Mỹ, lật đổ chính quyền tay sai:

Tất cả nói một lời: Giải phóng!
Cứu miền Nam! Cứu miền Nam!

Giữa đêm đông rét mướt của xứ Huế, tôi cảm thấy toàn thân… sao mà nóng bỏng:

Như lửa cháy trong lòng ta gió lộng

Đọc đến câu:

Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng, hay để nước trôi?

Tôi lặng người đi. Câu hỏi mà nhà thơ đặt ra hơn hai mươi năm trước, nay thôi thúc tôi phải trả lời cho chính mình. Tôi có nên vùi đầu vào việc học, không nghĩ gì tới nước tới dân, để vài năm nữa ra trường làm công chức hạng A với chỉ số lương 470 có thể mua 2 lượng vàng mỗi tháng? Hay tôi sẽ noi gương bao chàng trai yêu nước (trong đó có hai người anh của tôi) đã và đang hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc:

Dù phải chết mà còn trời còn đất
Mà Tổ quốc ta hòa bình, thống nhất

Không, tôi không thể chôn linh hồn đắm đuối hư danh, làm một cọng rêu hèn sống gửi nhánh khô được! Tôi quyết định làm theo lời khuyên của nhà thơ:

Đã rằng vì nước, vì dân
Nước, dân còn khổ thì thân sướng gì!

Trong đêm đen giá buốt của miền Nam, thơ Tố Hữu như tia nắng ấm áp soi sáng con đường tôi phải đi:

Đời đen tối, phải đi tìm ánh sáng
Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng!

Từ ấy, thời gian của tôi được chia làm hai: một nửa dành cho công tác cách mạng, nửa còn lại phải cố học tập để cuối năm lên lớp, vì có như vậy mới được tiếp tục hoãn dịch, mới duy trì được thế hợp pháp để công tác.

Khỏi cần nói ai cũng biết bao gian khổ hiểm nguy luôn rình rập những người hoạt động bí mật trong lòng địch. Như một người anh, Tố Hữu khuyên nhủ tôi:

Đời tranh đấu có bao giờ yên tĩnh…
Thì gian nguy hiểm nạn có hề chi!…
Đi đi em, can đảm bước chân lên!…
Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt, quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ!

Thơ của anh gieo vào lòng tôi niềm tin tưởng lạc quan:

Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công
Như những con tàu giữa biển mênh mông
Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến

Dưới sự chỉ đạo của Thành đoàn Huế và sau đó của Ban thanh vận – trí vận Thành ủy Huế, tôi lao vào công tác với nhiệt tình yêu nước của tuổi trẻ. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp ban Pháp văn của hai trường Đại học Sư phạm và Văn khoa, tôi dạy học tại một trường công lập ở ngoại thành Huế nhằm duy trì thế hợp pháp, đồng thời ghi danh học tiếp bậc Cao học Pháp văn và chứng chỉ Văn minh Việt Nam để có điều kiện hoạt động trong môi trường đại học.


Tố Hữu (người mặc áo sơ mi màu thẫm) bên cạnh các văn nghệ sĩ ở Việt Bắc: Nguyễn Đình Thi (hàng trước thứ 3 từ trái sang), Thế Lữ…

Cho đến một hôm, tổ chức bị địch phát hiện và tôi bị bắt. Gần ba mươi năm trước, Tố Hữu cũng bị bắt tại Huế. Có một điều hơi khác: anh bị giam trong một xà-lim ở lao Thừa Thiên chung với 25 bạn tù, còn tôi thì bị biệt giam trong một phòng tối tăm (cachot) ở Trung tâm thẩm vấn Thừa Thiên (mỉa mai thay, nơi tôi bị giam nằm gần sân vận động mang tên Tự Do!). Chỉ một mình tôi trơ trọi trong ngục tối rộng chừng 4 mét vuông. May thay, tôi luôn có thơ Tố Hữu bên cạnh mình:

Đây âm u đôi ánh lạt ban chiều
Len nhè nhẹ qua rào ô cửa nhỏ
Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ
Đây sàn lim manh ván ghép sầm u
Cô đơn thay là cảnh thân tù!

Tôi nhớ những ngày hoạt động tuy gian khổ nhưng sôi nổi, nhớ bạn bè, nhớ quần chúng đã cưu mang mình:

Ở ngoài kia, bao kẻ đợi người chờ?
Bao đồng chí, những ai còn ai mất?…
Còn đâu nữa mênh mông trường hoạt động!

và tôi nhớ nhất là mẹ tôi:

Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi!

Trong kháng chiến chống Pháp, anh trai tôi sa vào tay địch lúc mới hai mươi tuổi. Chúng dùng mọi cực hình nhưng vẫn không moi được ở anh một lời khai báo nào, nên đã tra tấn anh đến chết rồi thủ tiêu xác của anh. Mẹ tôi thương nhớ anh, đã khóc suốt mấy tháng trời, đến nỗi mắt mờ đi. Nay đứa con út của mẹ lại bị địch bắt, lòng mẹ đau đớn biết chừng nào!

Khi bắt tôi, địch có trong tay một số tang chứng để buộc tội. Chúng biết tôi có quan hệ công tác với một thành ủy viên Huế nên đại úy Robert, cố vấn của Trung tâm thẩm vấn, nói với tôi: “Mỹ không nhắm bắt anh đâu, mà nhắm bắt thành ủy viên và phá vỡ tổ chức thanh vận – trí vận của Việt Cộng. Nếu anh giúp Mỹ đạt được mục tiêu ấy, anh sẽ được thưởng công xứng đáng”. Vừa dứt câu dụ dỗ, Robert chuyển ngay sang hăm dọa: “Anh ngoan cố đến mấy, chúng tôi cũng có đủ biện pháp để buộc anh phải khai báo.

Nếu nhân viên của Trung tâm có lỡ tay làm anh chết, họ cũng chẳng có tội tình gì trước pháp luật, vì anh đã đi theo Việt Cộng, phục vụ kẻ thù không đội trời chung của Nhà nước Việt Nam Cộng hòa”. Thi hành lời của viên cố vấn Mỹ, hết cán bộ Phượng Hoàng đến nhân viên CIA Mỹ thay nhau thẩm vấn, tra tấn tôi bất kể ngày đêm với câu hỏi duy nhất: “Anh gặp thành ủy viên ở đâu? Tổ chức gồm những ai?”.

Tôi cố gắng bình tĩnh suy nghĩ để tìm cách đối phó với những thủ đoạn tàn ác của địch nhưng bọn chúng có vô vàn mưu ma chước quỷ, còn tôi thì trơ trọi một mình, làm sao tôi có thể kéo dài mãi cuộc chiến đấu không cân sức này? Tôi quyết định: phải tìm cách vượt ngục để trở về với tổ chức cách mạng, dù khả năng thành công rất thấp, thậm chí có thể hy sinh nếu nửa chừng bị địch phát hiện. Nhưng:

Không thể nữa lưng chừng hay tính toán…
Sống là đây, mà chết cũng là đây!

Quyết tâm đã có, song thời cơ chưa đến:

Ta muốn bay ra ánh sáng bao la
Mà thịt vẫn nằm lì trong ngục tối!
Phải âm thầm chuẩn bị.

Nửa đêm 24 rạng ngày 25/12, giữa lúc các cai tù say sưa sau buổi tiệc nhân lễ Noel, tôi vượt ngục, trở về trong vòng tay của đồng đội.

Hay tin, địch vô cùng tức giận, viên thiếu tá quản đốc Trung tâm thẩm vấn và viên đại úy trưởng Ban thẩm vấn bị cắt chức, cho dán hình tôi ở những nơi công cộng, treo giải thưởng cho ai bắt sống hoặc giết được tôi.


Từ trái sang: TS. Thu Trang, Huy Cận, Viễn Phương, Tố Hữu, GS Trần Văn Giàu, GS Mai Quốc Liên trong hội thảo Bản sắc dân tộc trong VH-VN

 

Tôi không còn điều kiện hợp pháp để tiếp tục hoạt động trong nội thành Huế. Vì vậy, một sớm mùa đông, khi sương mù còn giăng giăng khắp lối, tôi bùi ngùi giã từ thành phố Huế, quê hương thứ hai của tôi:

Từ ấy xa quê mẹ đến rày
Lắng nghe từng buổi, nhớ từng ngày

Dù sống và chiến đấu xa Huế nhưng lòng tôi luôn ở lại Huế, tự hào về Huế.

Huế của ta không một bước lùi
Huế của ta đây cầm vững súng

mong một ngày toàn thắng:

Đường vào sẽ nối lại đường ra
Như con của mẹ về quê mẹ…

để sống lại những kỉ niệm của một thời trai trẻ, khi mặt trời chân lý chói qua tim.

Ngày 9/12/2002, tôi vô cùng xúc động khi hay tin Tố Hữu giã từ cõi Đời để về cõi Thơ. Tôi ngồi vào bàn giấy, đặt tấm di ảnh của nhà thơ trước mặt, tôi đã viết một mạch trong cảm xúc đang dâng trào. Tôi cảm ơn nhà thơ đã dẫn dắt tôi vào con đường cách mạng và đã động viên tôi trên suốt nẻo đường kháng chiến. Với lòng thương tiếc vô biên, tôi kính cẩn đốt nén hương thơm mát dạ Người.


(*)

Cựu sinh viên ban Pháp văn trường ĐHSP Huế (khóa 1963-1967). Nguyên giảng viên trường ĐHSP TP.HCM. Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam.