“Ta phá ta” trong thị trường tranh

Tranh Việt vẫn chưa có một thị trường tranh nội địa đúng nghĩa, không ít tác phẩm sau khi được hoặc bị phê bình lại biến thành “cô gái quá lứa nhỡ thì”. Nhiều tranh nghệ thuật đích thực không bán được hoặc bị dìm giá...

Hội họa Việt Nam luôn đứng ở “thế yếu” so với quốc tế cả về sáng tác lẫn lý luận. Đó là lý do tại sao tranh Việt không có giá trên thị trường quốc tế và bị “đo ván” trong các cuộc đấu giá. Tuy nhiên, thị trường tranh Việt bị đóng “băng” trong một thời gian dài và cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng không hẳn thuộc về các nhà sáng tác hay lý luận mà một phần thuộc về nhận thức thẩm mỹ và điều kiện kinh tế.

Ta phá ta...

Thuật ngữ “Ta phá ta” đã xuất hiện rất lâu trong giới phê bình mỹ thuật Việt Nam. Có thể lý giải bằng một số phân tích sau:

Việt Nam vẫn chưa có một thị trường tranh nội địa đúng nghĩa mà dường như đều phải dựa vào tiềm lực và sự thẩm định của các nhà buôn nước ngoài. Các nhà sưu tập trong nước thì quá nhỏ lẻ nên không thể là chỗ dựa cho các họa sĩ. Bản thân các họa sĩ lại đôi khi công kích nhau trên các diễn đàn hoặc trong các cuộc “trà dư tửu hậu” khiến công chúng không khỏi mơ hồ về giá trị và chất liệu tranh nội địa. Người viết bài này cũng từng chứng kiến một hoạt cảnh buồn, đó là khi một nhà buôn nước ngoài sau khi thăm triển lãm hội họa và muốn mua tranh của họa sĩ A nhưng họa sĩ B lại lôi kéo và công kích tranh của đồng nghiệp để khách mua tranh của mình. Ông khách tuy là chuyên gia thẩm định tranh nhưng sau khi nghe những lời phê bình nước đôi thì tỏ ra băn khoăn về dòng tranh Việt và quyết định: Không mua tranh Việt Nam vì sợ bị... nhái.

Các phương tiện truyền thông đại chúng mở các chuyên đề giới thiệu tranh Việt rất rầm rộ, ý nghĩa. Nhưng các nhà chuyên môn đều cho rằng, số nhiều các bài viết đều bị sai lệch về thông tin và thuật ngữ chuyên ngành làm lộ rõ những thiếu hụt về hiểu biết của các nhà truyền thông đối với hội họa. “Những tác phẩm kinh điển thì chỉ được giới thiệu hời hợt, còn những tác phẩm không có giá trị thì được “nâng lên trời” – Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận xét.

Bản thân các nhà phê bình đôi khi không biết đâu mà lần sau hàng loạt các bài viết của đồng nghiệp về một tác phẩm hay một triển lãm. Nhà phê bình A nói một kiểu, nhà nghiên cứu B nói một phách, người khen kẻ chê... khiến cho tác phẩm được và bị phê bình biến thành “cô gái quá lứa nhỡ thì” và xếp kho cho bụi bám ?!

Tuy nhiên không nên đổ lỗi cho các nhà phê bình vì bản thân các họa sĩ cũng không khỏi lắt léo. Khi thì giới thiệu vẽ theo trường phái này, lúc lại chất liệu kia, ra giá không thống nhất, thậm chí theo “trường phái hai giá – Ta và Tây”, cho Ta giá rẻ, cho Tây giá đắt khiến cho hội họa vô tình biến thành nơi để mặc cả, cò kè – điều cấm kỵ nhất trong Tâm họa.


Bức Chim Phượng hoàng của họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

Không có “phao bơi”

Chính những nguyên nhân nêu trên đã “đóng băng” thị trường tranh Việt Nam nên nhiều nhà sáng tác thậm chí không đủ tiền mua toan, màu để thể hiện những tác phẩm mới. Chiếc “phao” bơi của họ là tiền đã bị “xì hơi” và hậu quả mà các họa sĩ phải chịu là “chết đuối” giữa những ý tưởng sáng tạo mà không đủ tiềm lực để thực hiện.

Không chỉ các nhà sáng tác mới lâm vào cảnh bi đát như vậy, nhiều phòng tranh đã phải đóng cửa hoặc sống “lay lắt” với việc bán tranh trang trí nội thất cho người Việt hay những bức tranh dăm bảy trăm đôla cho du khách yêu thích nghệ thuật về làm kỷ niệm.

Ở các gallery Hà Nội thường có hai loại tranh - tranh dành cho nhà sưu tập, là những tranh vẽ nghệ thuật và tranh décor, dùng để trang trí nhà cửa, văn phòng, khách sạn… đơn thuần. “Hiện nay, hầu hết các phòng tranh mà tôi được biết nếu không đi theo khuynh hướng thị trường thì sẽ thất bại thảm hại” - Họa sĩ Đỗ Lực cho hay. “Phần lớn những họa sĩ thành đạt trong việc bán tranh đều là những họa sĩ vẽ theo nhu cầu thị trường. Đó là những bức tranh mà mọi người nhìn đều hiểu với màu sắc tươi sáng, sạch sẽ và đường nét thị giác bắt mắt phù hợp với nội thất hiện đại”.

Giá thành của loại tranh này thường chỉ dao động trong khoảng một trăm đến vài trăm đôla. Còn tranh nghệ thuật thì lâm vào cảnh sống vô cùng “chật vật” như một hoạ sĩ trẻ than thở: “Thời điểm này, việc bán một bức tranh với giá trên 1000 USD (dù giá trị thật của nó phải hơn thế) cũng đã là rất khó”. Hoạ sĩ Nguyễn Anh Tuấn ngao ngán cho biết: “Vài năm nay, hoạ sĩ chúng tôi mỗi lần bán được một bức tranh là như người sắp chết đuối vớ được cái phao. Có phao lại có thêm sức để bơi tiếp…”.

Tuy nhiên, số tranh nghệ thuật đích thực bán được không phải là nhiều nếu không muốn nói là... ế. Thực tế mà nhiều người đều biết đó là, người yêu tranh thì không có tiền để mua, người có tiền để mua lại không mặn mà với tranh hoặc không có khả năng thẩm mỹ mà chỉ chọn những bức phong cảnh bình thường, nhái lại với giá rẻ để thưởng thức...

Giải pháp cho tranh Việt?

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường tranh xứ ta vẫn mãi “giậm chân tại chỗ”: tranh Việt Nam không còn sự tươi mới so với thời kỳ đầu đổi mới mở cửa; nạn tranh nhái, tranh sao chép, tranh giả tràn lan… Mặt khác, như một nhà sưu tập tranh nhận xét: “Những hoạt động nhằm giới thiệu tranh Việt ra thế giới vẫn theo kiểu tự phát, phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân của họa sĩ hoặc gallery chứ chưa được tổ chức bài bản, chưa được giới thiệu, quảng bá một cách dài hơi, có kế hoạch để ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước đồng thời thâm nhập, chinh phục những thị trường trong khu vực”.

Để giải bài toán về thị trường tranh Việt, nhiều nhà nghiên cứu đã ngồi lại với nhau để thống nhất giải pháp và đưa ra phương cách “luồn” vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, như đã nói ở trên tranh Việt không có giá so với thế giới nên việc đấu giá là không khả quan (ngoài các tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương).

Một nguyên nhân cũng rất quan trọng nữa là Việt Nam thiếu những người thẩm định, phát hiện tác giả và tác phẩm chuyên nghiệp. Ở nhiều nước, chính những người này phát hiện ra nhiều nghệ sĩ có tài năng nhưng chưa được biết đến và giới thiệu họ với các nhà phê bình mỹ thuật, những người yêu nghệ thuật, với công chúng và dư luận nói chung, từ đó mới dẫn đến thành công về mặt thương mại (bán được tranh).

Họa sĩ Hoàng Đức Toàn cho rằng, để thị trường tranh phá khỏi thế “đóng băng”, trước tiên làm sao phải nâng cao tính mới lạ hấp dẫn cho tác phẩm - điều này phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ. Sau đó làm thế nào để các nhà kinh doanh tác phẩm hội hoạ nâng cao hơn tính chuyên nghiệp trong việc giới thiệu các tác phẩm hội họa tới đông đảo người yêu tranh trong nước cũng như phải tổ chức, có những kế hoạch dài hơi mang tính chiến lược với mục tiêu cụ thể ra thị trường khu vực và thế giới.

Tuy nhiên để làm được điều đó không phải đơn giản. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho biết, giải pháp cho tranh Việt vẫn chưa đủ “nhiệt” để phá thế bí hiện nay nên các họa sĩ phải biết tự lực để “bơi” khi thị trường tranh chưa thoát khỏi thử thách.

Theo SK&ĐS

TRẦN THẾ HÒA