Tam nguyên Yên Đổ với bài Đống ông cuội

Cuộc đời làm quan ngắn ngủi và bất đắc dĩ của vị tam nguyên làng Yên Đổ: Nguyễn Khuyến được bộc lộ qua lời dặn con vừa ý nhị vừa thâm thúy của cụ:

Lại đề mấy chữ vào bia,
Rằng quan triều Nguyễn cáo về đã lâu!

Sinh thời, trong những năm tháng về hưu, trong túi cụ chẳng mấy khi rủng rỉnh đồng tiền. Kính trọng đức độ và tài học uyên bác của cụ, Hoàng Cao Khải nằn nì mời cụ làm gia sư dạy cho con cả y là Hoàng Mạnh Trí. Chẳng qua là chuyện bắt buộc phải chiều đời, cụ nhận dạy, được vài năm lại trở về vườn Bùi nơi cố cư với mấy gian nhà bẹp, sống cảnh thanh bần, khước từ mọi thủ đoạn mua chuộc, chèo kéo của thực dân Pháp, thông qua bọn tay sai mời cụ ra cộng tác với chúng.
Tuổi già lại hay ốm đau, bổng lộc chẳng có, lương hưu thì không, văn chương thời ấy bán ai mua! Đọc những câu thơ cụ viết nay còn thấy đau lòng:

Phù danh hữu hạnh do tiên cái
Thực lực phi tài thượng nhượng nô.

(Xuân bệnh I)

(Chỉ có chút danh hão, may ra hơn đứa ăn
mày,
Chẳng có tài cán thực sự, còn kém cả thằng
đi ở!)

Cũng trong bài Mùa xuân bị ốm, cái cảnh nghèo của Yên Đổ càng gay gắt, cụ thể hơn:
Sầu đa, dạ lãn thính nhi độc,
Tửu quý, xuân nan hoán khách thường

(Xuân bệnh II)

(Buồn quá, đêm ngại nghe con đọc sách,
Rượu đắt, khó có tiền để mời khách thưởng
xuân).

Mùa xuân chỉ có chén rượu đãi khách làm vui mà cũng phải nhịn suông. Não nề thay cái cảnh nghèo, não nề hơn là cái nghèo của một vị đại khoa đạo cao đức trọng!
Cũng có người cho cụ vay tiền để sửa chữa ngôi nhà bẹp. Đó là lão phó tổng làng bên, làng Phú Đa, nhưng cụ phải trả lãi tháng 10 phân.
Đồng tiền của kẻ ác càng ranh mãnh, khôn ngoan. Phó tổng Phú Đa biết cụ khó lòng theo nợ lãi hàng năm như thế, hắn sang thưa với cụ, lời lẽ ngọt ngào: “Thưa cụ, năm nay được mùa, cụ thu xếp trả cả vốn lẫn lãi. Sang năm cụ cần, chúng tôi lại cho cụ vay tiếp”.

Cụ Tam nguyên cả tin, chỉ còn cách bán hết lợn sề, chó cái và thóc vụ mùa để lo trả nợ, giữ chữ tín để sang năm vay tiếp. Tháng 3 năm sau, gia đình cụ thiếu ăn, theo lời hứa của phó tổng, cụ lại sang Phú Đa hỏi vay tiền. Lần này phó tổng từ chối khéo: “Xuân này tôi xem cụ ốm yếu hơn năm ngoái, năm kia, chả biết mệnh hệ cụ thế nào. Nhỡ ra… thì vợ con tôi nó xé xác. Cả làng Phú Đa này nó bêu riếu là rước vạ vào thân! Kính cụ, xin cụ đi gõ cửa nhà khác!”. Như bị bước hụt, cụ Tam nguyên không ngờ mình lại bị đối xử tồi tệ như vậy. Về nhà, cụ lặng thinh, ngồi vào bàn, mài mực và viết ngay bài Vũ phu đôi bằng chữ Hán, rồi cụ tự dịch ra quốc âm. Đó là bài Đống ông cuội (vũ phu thạch là đá cuội).

Ngày xưa trên đường đi thường có người chết đường. Người qua đường mang đất, đá củ đậu, gạch vỡ đắp điếm lại lâu ngày chất thành đống. Khách qua lại thắp hương, bỏ giấy tiền hoặc ném tiền kẽm vào cái mả vô danh đó, gọi chung là “mả cuội”, “đống ông cuội”, “miếu ông cuội”. Đống ông cuội nằm ở đầu đường làng Phú Đa. Đường này chỉ tiện cho người làng Phú Đa đi lại, còn người làng Yên Đổ ít khi qua nên bỏ không đắp, để thành vũng lội.

Phiên âm bài thơ: 


Vũ phu đôi
Hoành lộ phế cửu bất thành lộ
Vũ phu nguy nguy nghiễm như cố.
Lân ấp phụ nữ thường vãng lai
Thiển xứ cập phì, thâm cập cổ.
Vũ phu tọa kiến hoản nhiên tiếu:
“Nhĩ hữu hà vật như hử tố?”
Thương hoàng yểm tế tiềm trí từ:
“Ngẫu nhĩ quai sơ, hạnh vật nộ!”
Ông ngôn: “Ngã hà nộ nhĩ vi?
Nộ nhĩ hà cang ngã dương cụ!
Nhĩ phụ nghi cáo nhĩ hương lân
Tảo lai ông tích nhĩ dận tộ”
Cố kim thử hương sinh xuất nhân,
Khẩu thoại nhất ngôn thiêm loại vũ.

Tác giả, cụ Nguyễn Khuyến, tự dịch:

Đống ông cuội
Đầu đường ngang có một chỗ lội,
Có miếu ông cuội cao vòi vọi.
Đàn bà đến đó vén quần lên,
Chỗ thời đến háng, chỗ đến gối.
Ông cuội ngồi trông mỉm miệng cười:
“Cái gì trông trắng như con cúi?”
Vội vàng khép nép đứng, liền thưa:
“Trót dại hở hang xin xá tội!”
Ông rằng: “Mày cũng chẳng tội gì,
Chỉ tội làm ông cứng con buội!
Muốn tốt mày về bảo làng mày,
Ra đây ông cho giống ông cuội”
Cho nên làng ấy sinh ra người,
Sinh ra rặt những thằng nói dối.

* * *

Lạm bình:
“Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”, về khía cạnh nào đó của văn chương, nên chăng cần cảm ơn cử chỉ của phó tổng Phú Đa không đắt nợ cụ Yên Đổ, đã tạo cảm xúc cho cụ, để ngày nay ta được thưởng thức dòng thơ trào lộng sâu cay của một ngòi bút tài hoa bậc thầy: Tam nguyên Nguyễn Khuyến?

Nguyễn Tiến Đoàn