Tác giả "Truyền kỳ mạn lục" là Nguyễn Dư hay Nguyễn Dữ?

Nguyễn Văn An ở Bình Dương, hỏi: Trong quyển Từ điển Văn học - Bộ mới, xuất bản năm 2004, chúng tôi thấy ông Bùi Duy Tân đã ghi tác giả quyển Truyền kỳ mạn lục là NGUYỄN DỮ. Chúng tôi không biết tên gọi ấy có đúng không hay do phiên âm sai từ sách xưa viết bằng chữ Hán?

Học giả Nguyễn Quảng Tuân, trả lời: Nếu theo bản Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, in năm 1763 thì tên tác giả là 阮 璵 NGUYỄN DƯ. Chữ 璵 viết với bộ 玉 (ngọc) do chữ 璵 璠 DƯ PHAN là tên một thứ ngọc quí.

Cũng có sách viết là 阮 嶼 thì chữ 嶼 viết với bộ 山 (sơn) lại có mấy cách đọc khác như sau:

1. TỰ: Theo Thiều Chửu trong quyển Hán - Việt tự điển, Lạc Thiện trong Hoa - Việt thông dụng tự điển (Sài Gòn - 1972) và Nguyễn Quốc Hùng trong Hán - Việt tân từ điển (Sài Gòn - 1975).

2. DỮ: Theo Đào Duy Anh trong quyển Hán - Việt từ điển (Huế - 1931). Nguyễn Quốc Hùng trong quyển Hán - Việt tân từ điển còn ghi thêm hai âm DƯ và DỮ. Như vậy, chữ 嶼 có thể đọc là TỰ, DỮ và DƯ.

Nếu đọc là DỮ thì theo âm Nôm lại có nghĩa là dữ tợn, độc ác chắc không ai lại chọn chữ ấy để đặt tên cho con mình. Theo chúng tôi thì, dù viết 璵 hay 嶼 thì hai chữ ấy đều đọc là DƯ được cả nhưng chữ 嶼 DƯ (còn đọc là TỰ hoặc DỮ) với nghĩa là hòn đảo nhỏ không cao đẹp bằng chữ 璵 DƯ là hòn ngọc quí.

Trong quyển Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (bản in lần thứ nhất năm 1944) ở trang 290, dòng 12 đã in sai là NGUYỄN DỮ nhưng ở cuối sách soạn giả đã đính chính là NGUYỄN DƯ. Vì không biết đến bản đính chính này nên các lần tái bản sau, kể cả những lần mới tái bản gần đây cũng vẫn cứ in sai là NGUYỄN DỮ. Sự sai lầm do đó càng ngày càng phổ biến rộng hơn và đã trở thành quen miệng.

Vậy theo chúng tôi, tên của tác giả quyển Truyền kỳ mạn lục nên đọc lại cho đúng là NGUYỄN DƯ.