Products tagged with 'tehanh'
HV59 - Hồi ký của người vợ đầu nhà thơ Tế Hanh (Phần 1)
Cơ duyên tôi có được Tùy bút thân thương
Năm 1954, tôi vào học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường tư thục Hoàng Diệu tại Đà Nẵng. Bấy giờ, người dạy tôi môn Toán là cô Bùi Đặng Hà Phụng. Qua năm sau, tôi thi đỗ vào học lớp đệ lục (lớp 7) trường công lập Phan Châu Trinh. Trong khi đó trường Hoàng Diệu bị chính quyền (thời Ngô Đình Diệm) đóng cửa vì thầy hiệu trưởng Trịnh Thể – một đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng – bị ám sát hụt và bị bắt đi tù. Cô Hà Phụng về dạy tại các trường tư thục Tây Hồ, Phan Thanh Giản… Từ đó biền biệt mấy chục năm tôi không có dịp gặp lại cô. Tuy chỉ học với cô một năm nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến cô vì cung cách giảng dạy của cô khiến tôi vô cùng kính thương cô. Cho nên năm 1999, tôi nhờ người bạn thân là anh Trần Văn Đạo, người thầy thuốc gia đình của cô đưa tôi đến thăm cô. Khi anh Đạo giới thiệu tôi thì cô nhớ ra ngay cậu học trò năm xưa.
Trong cuộc chuyện trò thăm hỏi về sức khỏe, cuộc sống của cô và về Ý Nhi – người con gái của cô và nhà thơ Tế Hanh – cô tỏ ra rất xúc động và say sưa kể cho tôi nghe một mạch về ba cái mốc quan trọng nhất trong mối tình giữa nhà thơ Tế Hanh và cô: lần đầu hai người gặp nhau ở Huế vào năm 1944, lần Tế Hanh tiễn cô xuống ghe để về Đà Nẵng chữa bệnh năm 1949, và lần đầu cũng là lần cuối hai người gặp lại nhau sau ngày đất nước thống nhất năm 1975 kể từ năm 1949. Trước khi tôi từ biệt cô ra về, cô đã ưu ái ký tặng tôi tập hồi ký mang tên Tùy bút thân thương.
Đọc tập Tùy bút thân thương, tôi nhận ra sự trong sáng trong tình yêu, lòng chung thủy của cô Hà Phụng dành cho nhà thơ Tế Hanh khác với sự đánh giá của các nhà phê bình, cho nên tự nghĩ rằng có dịp nào đó sẽ giới thiệu với bạn đọc Tùy bút thân thương để các nhà phê bình văn học hiểu rõ hơn về người vợ đầu của Tế Hanh, sẽ viết công bằng hơn.
Nay (năm 2012), nhà thơ Tế Hanh cũng như nhà giáo Hà Phụng đã là người thiên cổ từ lâu, và những lời nhận định của các nhà phê bình văn học vẫn như cũ. Cho nên tôi cố tìm lại quyển Tùy bút thân thương mà cô Hà Phụng đã tặng tôi năm xưa để giới thiệu. Nhưng do dọn nhà đi nhiều lần, tập hồi ký bị thất lạc đâu chưa tìm thấy. Hạ tuần tháng 4/2012, có dịp ghé qua Đà Nẵng, tôi đã liên lạc được với anh Đặng Cường, chồng của Ý Nhi (đã mất) xin lại một bản sao của tập Tùy bút thân thương và nói rõ với mục đích là giới thiệu tập hồi ký này đến bạn đọc. Anh Cường giới thiệu với tôi chị Cẩm Hoa (em của Ý Nhi, con gái của cô Hà Phụng và ông Trần Thanh Dung) đang ở TP.Hồ Chí Minh. Chị Cẩm Hoa đã nhanh chóng gửi đến tôi một bản sao của hồi ký, một số ảnh của cô giáo Bùi Đặng Hà Phụng, và tôi cũng đã gặp Hanh Thông (con trai của Ý Nhi) mượn thêm một số ảnh.
Sau đây tôi xin trích giới thiệu một số đoạn trong Tùy bút thân thương để bạn đọc và đặc biệt là các nhà phê bình văn học có thể hiểu rõ hơn về tình yêu và tình nghĩa mà nhà thơ Tế Hanh và cô Hà Phụng đã dành cho nhau.