THĂM ĐƯỜNG MANG TÊN CHA

1. Năm 1985, TP Hồ Chí Minh đặt tên đường Nguyễn Huy Tưởng thì một năm sau, Mẹ tôi và hai chị đầu trong số sáu chị em đã đến thăm đường. Lần ấy, chị thứ hai và con trai từ Liên Xô về chơi giữa nhiệm kì công tác của anh rể. Còn Mẹ thì vào thăm các chị em, tức bác gái và các dì của chúng tôi.

Bức ảnh chụp Mẹ cùng hai chị và cậu cháu ngoại thế là đã được 37 năm. Biết bao chuyện đã xảy ra kể từ khi ấy, trong đó có việc Mẹ đã về với Cha được 14 năm nay... Còn sáu chị em chúng tôi thì cô út giờ đã yếu, không còn có thể đi chơi đâu. Chị thứ tư bận trông cháu cũng không mấy khi rời nhà được.

Tôi kể những chuyện này để muốn nói rằng, thật may mắn cho bốn chị em tôi và em dâu, tức vợ tôi, hôm nay lại có dịp đến thăm đường phố mang tên Cha mình mà 37 năm trước, Mẹ mình cũng đã đặt chân. Bồi hồi nhất chắc chắn phải là hai chị đầu, vì được sống lại những kỉ niệm cùng Mẹ cái ngày đặc biệt ấy. Để giờ chia sẻ cùng các em những kí ức mình may mắn có được...

2. Trên đường phố này tôi có được quen biết một người là chị Hồ Hoa. Bảo chị là đồng nghiệp với mình cũng được, vì suốt trong những năm chị làm ở báo Sài Gòn giải phóng thì tôi cũng có một thời gian làm báo Thiếu niên tiền phong ngoài Hà Ni. Mà bảo chị là một bạn đồng học với chị cả tôi cũng chả sai, vì hai người từng có thời gian cùng là lưu học sinh ở Cộng hòa Dân chủ Đức thời kì chiến tranh lạnh, trước sau nhau hai ba năm gì đó. Nhưng cái cơ duyên để giờ đây tôi tự coi mình là một người em người bạn của chị là qua một người bạn chung. Số là chúng tôi cùng được người bạn đó mời đi ăn lẩu cua nhân lần chị ra chơi Hà Nội, ở một nhà hàng cách thành phố cả mấy chục cây. Qua câu chuyện, tôi được biết chị ở chính đường phố mang tên cha mình mà giờ đây mấy chị em chúng tôi đang dạo bước! Và rồi, trở về TP Hồ Chí Minh, chị đã gửi cho tôi một bức thư rất đặc biệt. Thư chỉ có vài chữ thôi, nhưng cái chính là được gửi từ địa chỉ nhà chị, 17/18 phố Nguyễn Huy Tưởng, Q. Bình Thạnh. Bì thư cũng rất đặc biệt, vì có in hình cha tôi - một bức kí họa người do họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tốc tả trong kháng chiến. Cùng với hình ảnh đó, thư còn được dán những chiếc tem kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do Bưu điện Việt Nam phát hành vào dịp ấy, tháng 5/2012. Và điều cuối cùng tôi muốn nói, đó là bức thư cũng được gửi về một đường phố mang tên ông ở Hà Nội - số nhà 262 phố Nguyễn Huy Tưởng, địa chỉ của tôi, người nhận thư... (Với người chơi tem, đó là một bì thư rất có giá trị khi chứa đựng biết bao yếu tố liên quan đến cùng một danh nhân được làm tem. Song đó là chuyện của người chơi, người sưu tầm mà tôi xin phép không đi sâu ở đây.)

3. Và hôm qua đến hôm nay, tôi lại "chuyển trường" từ đường Nguyễn Huy Tưởng ở Hà Nội nơi mình ở, vào con đường cùng tên ở TP HCM, nơi mấy chị em có chuyến đi ngắn ngày thăm gia đình, họ mạc trong Nam. Để cùng nhau chụp những bức ảnh góp chung vào kí ức gia đình.

(5 người con của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bên bảng tên đường của cha)

NGUYỄN HUY THẮNG