Thoạt đầu, ở thời Bắc Ngụy, một số tội phạm sau khi bị hình phạt (bị thiến), rồi được dùng làm nô bộc - đó là nguồn gốc đầu tiên của Hoạn quan. Bởi thế, người ta hay gọi Hoạn quan là “người thừa”. Dùng Hoạn quan có nhiều cái lợi trong cung cấm. Dần dần, Hoạn quan trở thành nhu cầu không thể thiếu trong triều đình.
Đến đời nhà Đường, nhà Tống, triều đình không lấy Hoạn quan từ các tội nhân nữa, mà tuyển chọn từ những người trẻ tuổi, có ngoại hình đẹp và thông minh, lanh lợi.

Thái giám Lí Liên Anh (bìa phải), Thái giám An Phúc Hải (bìa trái) hầu kiệu Thái hậu Từ Hy ở Cung điện Mùa hè
Đời nhà Tống, Hoạn quan đã thành một nghề nghiệp, nhiều người tự nguyện, thậm chí tranh nhau được thiến để làm Hoạn quan, được vào trong cung. Những người tự nguyện, số đông là ở tuổi thiếu niên. Và phần lớn những thiếu niên tự nguyện này, thực chất là bị cha họ cho đi tìm con đường tiến thân. Cả gia đình gởi gắm hy vọng nơi đứa trẻ đi làm Hoạn quan sẽ cứu được cả nhà thoát khỏi nghèo khó. Đó là nguyên nhân khiến các Hoạn quan sau này rất thù hận cha đẻ của mình. Cũng có một số kẻ vô lại đã tìm đường tiến thân bằng cách đi làm Hoạn quan. Có nhiều kẻ đã lấy vợ, có con rồi, sau thấy làm Hoạn quan có nhiều uy quyền, bổng lộc, nên cũng bước vào con đường Hoạn quan…
Cũng từ thời Tống, đã có quy định về việc tuyển Hoạn quan, như: Phải xem kẻ đến tuyển có tướng đẹp hay không; sau đó, phải phẫu thuật vào ngày tốt, giờ tốt. Nếu người được thiến không bị chết, vết thương lành đẹp, thì được đưa vào cung. Và, cái giờ, ngày tháng, năm bị thiến đó, được coi là giờ, ngày tháng năm sinh của Hoạn quan đó. Tử vi của Hoạn quan đó được lập theo ngày, giờ, tháng năm đó.
Các thư tịch có ghi lại việc tuyển chọn Hoạn quan, cho thấy, từ thời Đường đến thời Minh có rất nhiều Hoạn quan xuất thân từ vùng Lĩnh Nam và Mậu Trung, thuộc tỉnh Phúc Kiến. Hai địa phương này rất nổi tiếng là nguồn cung cấp Hoạn quan. Như thời Đường, triều đình chọn bắt Hoạn quan ở đây như việc thu lương, thu thuế vậy.
Những năm đầu đời Minh Anh Tôn, Thái giám Nguyễn Nhượng trấn giữ vùng Hồ Quảng, Quý Châu. Có một lần ông ta cho bắt sống 1.560 thanh niên người dân tộc Miêu, đem thiến. Sau khi thiến, số bị nhiễm bệnh chết 329 người. Ông ta lại thiến bổ sung, được 1.894 người, để gửi cho triều đình. Sau khi biết sự việc quá tàn bạo này, vua Minh Anh Tôn có hạ chỉ cách chức Nguyễn Nhượng. Đây là một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử Trung Quốc.
Những người tự nguyện dấn thân vào đường Hoạn quan, đến thời Minh đã tăng đột biến. Do vậy, trong xã hội nảy sinh những kẻ làm nghề thiến người. Ngay bên ngoài Tử Cấm Thành có cửa hiệu tư nhân làm “phẫu thuật tịnh thân”. Quá nhiều người tự nguyện vào cung, triều đình không sao tiếp thu nổi. Ví dụ, trong 17 năm đời Sùng Trinh, nhà Minh, có 3 lần tuyển Hoạn quan, tổng số 10 ngàn. Số người đã “tịnh thân” lại nhiều gấp hai, ba lần. Do vậy, những người không được tuyển đã tản mát sống đây đó, nhiều người đến ở trong các chùa, đền. Dân gian gọi những người này là “vô danh bạch”.
Đến thời nhà Thanh, do thị trường các nô bộc đã “tịnh thân” tăng lên quá nhiều, nên triều đình đã cho phép các quan đại thần được sử dụng Hoạn quan làm nô bộc. Các quan lại người Mãn Châu thì sử dụng nô bộc loại này vô cùng nhiều…
Có thể nói, không có nơi nào trên thế giới, con người lại tạo ra một bi kịch gớm ghiếc như việc “thiến người” ở Trung Quốc phong kiến để tạo ra thế giới của những Hoạn quan!
Hoạn quan, một mặt đặc biệt trong cuộc sống của họ, được Hoàng đế rất tin cậy; họ là những kẻ rất có thân thế. Nhưng mặt khác, họ tự biết mình là loại người “bất thành nhân”, bị những người “thành nhân” khinh miệt.
Do mặc cảm bị khinh miệt, các Hoạn quan có xu hướng cụm lại với nhau, và họ trở thành một lực lượng đáng kể trong cung cấm. Ở họ, tâm lý cấu kết thành tập đoàn rất mạnh. Trong lịch sử đã có nhiều chuyện các tập đoàn Thái giám làm nghiêng ngửa triều chính, khuynh đảo xã tắc. Sự biến ghê gớm do 10 Thái giám đã làm tan rã nhà Hán, mở đầu cho thời kỳ Tam quốc phân tranh, trong lịch sử Trung Quốc gọi là “Loạn Thập thường thị”.
Nguyên nhân sâu xa của vụ nổi loạn này là: Hán Linh Đế, lên ngôi từ năm 12 tuổi, do quá gắn bó với các Thái giám Trương Nhượng và Triệu Trung từ thời ấu thơ, đến mức làm vua rồi mà còn hay nói: “Trương thường thị là cha ta, Triệu thường thị là mẹ ta”. Và từ đó, bọn Hoạn quan trong cung lấy Trương, Triệu làm thủ lĩnh, hoành hành tác oai tác quái, lấn cả đại thần, lấn cả vua.
Cuối cùng là làm nên sự biến “Thập thường thị”. Đến đời nhà Đường, lại có vua Hy Tôn từ thuở nhỏ đã cùng ăn cùng ở với Hoạn quan Điền Lệnh Tư, khi lên ngôi thì gọi Điền Lệnh Tư là “Á phụ”, và còn giao cả việc chính sự cho y. Và đó là tai họa to lớn dội xuống triều đình các vua Đường.
Các Hoạn quan trong cung đình nhà Đường là thế lực lớn đến mức họ ép bỏ vua cũ, lập vua mới đến 7 lần. Các vua Đường Hiến Tôn, Đường Kính Tôn bị Hoạn quan sát hại. Các vua Đường Thuận Tôn, Đường Văn Tôn ôm nỗi uất hận mà chết. Lịch sử có ghi một sự kiện ghê gớm mà các Hoạn quan thời Đường gây nên, gọi là “Sự kiện Cam Lộ”. Bọn Hoạn quan do Cừu Sĩ Lương cầm đầu đã ép Đường Văn Tôn cho quân cấm vệ vây bắt và giết đến một nửa số quan lại trong triều. Sau đó, chúng phế bỏ Văn Tôn…
Đến thời Minh, thậm chí còn xuất hiện một đám quan liêu gọi là “đảng thiến”. Đời Minh Anh Tôn thì có Hoạn quan Vương Chấn tác oai tác quái. Đến mức, các đại thần trong triều có người còn phải quy lụy Vương Chấn; có kẻ phải nhờ vả Vương Chấn để được cất nhắc.

Thái giám Lí Liên Anh (phải), Thái giám An Phúc Hải (trái) trước Cung điện Mùa hè
Trong đó, có viên Thị lang Bộ công Vương Hựu luôn luôn tỏ ra mình chỉ là tôi tớ Vương Chấn. Đến đời Minh Thần Tôn, có Hoạn quan Ngụy Trung Hiền tác oai tác quái. Đến mức, cuối thời Minh, quan Tể tướng Cố Bính Khiêm cũng chỉ làm một môn hạ tay sai của Ngụy Trung Hiền. Về thời Thanh, Từ Hy Thái Hậu có hai Hoạn quan thân cận là An Thức Hải và Lý Liên Anh đã làm sa đọa cả triều đình. Đặc biệt, Lý Liên Anh được Từ Hy Thái Hậu sủng ái suốt 40 năm, và quyền thế của y lớn đến mức các triều thần phải tung hô y là “Cửu thiên tuế”!
Thế giới các Hoạn quan là một thế giới người méo mó ghê gớm. Từ thiếu hụt về thể chất dẫn đến những méo mó gớm ghiếc về mặt tâm tính. Chính các Hoạn quan đã nghĩ ra những trò dâm loạn bạo liệt nhất, có lẽ vừa phục vụ cho các ông vua khát thèm lạc thú, vừa tìm cách phấn khích quái đản cho đầu óc mình.
Có chuyện các Hoạn quan bắt hàng trăm cung nữ khỏa thân cho vua thưởng lãm, và cả bọn họ thưởng lãm. Có chuyện các Hoạn quan bắt con gái đẹp “massage” các bộ phận đã mất của chúng. Có chuyện chúng tìm các cảm giác kỳ quái bằng cách uống thuốc có thành phần nhau thai, hoặc có tinh dịch trai tơ, thậm chí có cả não người!
Trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, có những ông vua lại rất thích những trò do các Thái giám bày ra. Ví như Đường Huyền Tông đã rất sủng ái Thái giám Cao Lực Sĩ. Thậm chí năm 695, Huyền Tông còn giao cho Cao Lực Sĩ điều tra vụ hỏa hoạn ở đền Minh Tang.
Cao Lực Sĩ không cần điều tra gì hết, cho giết tất cả các tăng nam và xẻo vú tất cả các ni cô, và còn dùng biết bao nhục hình khác mà chỉ có cái đầu Hoạn quan quái dị mới nghĩ ra.
Khi Cao Lực Sĩ chết, người ta thấy trong nhà y có 500 “bà vợ” do y dùng tiền và quyền cưỡng đoạt, cùng nhiều dụng cụ gây dâm, kích dục rất quái đản!
Có dạo, Đường Huyền Tông nảy ra ý là không muốn đàn bà đẹp nữa, thì một Hoạn quan khác là Vương Thắng liền đi tìm những phụ nữ dị hợm, xấu xí cho vua đổi “món”…
Có thể nói, trong tâm lý các Hoạn quan luôn có mặc cảm bị khinh miệt, và cũng luôn muốn lăng nhục lại người khác. Bởi thế, họ có thể nghĩ ra những điều nhơ nhuốc và dã man đến mức quái quỉ. Và đó là thế giới của những bi kịch thật dị thường!
Cuối đời, Từ Hy Thái Hậu có trăng trối: “Mai sau, không để cho đàn bà tham dự vào việc triều chính. Càng không được để bọn Thái giám can vào. Nhà Thanh chính vì thái giám mà sụp..”. Có lẽ, câu nói đó chỉ có ý nghĩa đối với những người quan tâm đến quyền lợi một triều đại, vương quyền. Còn đối với quyền lợi của CON NGƯỜI thì không đủ.
May thay, đến nay, người Trung Quốc cũng giống như mọi người trên thế giới đã biết, việc thiến người là một tội ác gớm ghiếc. Và, thế giới của các Hoạn quan, thế giới của những bi kịch, chỉ là một câu chuyện ngày xưa thôi!