Anh Cao Văn Khánh sinh ở Huế năm 1917, tham gia cách mạng năm 1945, ngay từ những ngày đầu, năm 28 tuổi. Mấy chục năm chinh chiến, anh phục vụ trong quân đội cho đến khi ra đi mãi mãi, tuổi mới 63.
BS. Bùi Minh Đức, một chuyên gia Tai, Mũi, Họng hàng đầu định cư ở Mỹ, tác giả cuốn Từ điển Tiếng Huế đồ sộ 2000 trang, sinh năm 1934, kém anh Khánh 17 tuổi. Anh tự nhận thuộc thế hệ Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT) “thế hệ đã lên đường đi cứu nước và dựng nước, đem tâm trí phục vụ quê hương xứ sở”, mỗi người một hướng, trong mọi lĩnh vực.
Cũng có thể coi đây là thế hệ học Tây mà đánh Tây, thế hệ kẻ sĩ thế kỷ 20. Nói như Nguyễn Khắc Viện: “Đạo lý là Nho..., nhưng ghép vào là khoa học thực nghiệm, chủ nghĩa tự do dân chủ”.
Theo tôi, trong giới trí thức, có thể xếp cả Bùi Minh Đức và Cao Văn Khánh vào thế hệ Quốc văn giáo khoa thư, thế hệ những người đã từng học (hoặc đọc) bộ sách tập đọc cho trẻ 7-9 tuổi vào thời Pháp thuộc.
Có thể nói đại khái là thế hệ gồm những người sinh ra từ khoảng sau 1910, cho đến trước thế chiến thứ II (1939) vì QVGKT ra đời có thể vào năm 1925 (?). Cứ kể dùng chữ “thế hệ” để bao gồm những lứa tuổi cách nhau hơn 30 năm thì cũng không chính xác, nhưng có một điều họ giống nhau: Chịu ảnh hưởng mặt tích cực của QVGKT.
Kể cũng lạ, sách do thực dân Pháp soạn để nhồi sọ trẻ em Việt Nam về công trình khai hóa của Pháp, mà các em chỉ thấm nhuần cái đẹp của quê hương với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, qua những bài như: Chỗ quê hương đẹp hơn cả, Ai bảo chăn trâu là khổ, Thờ cúng tổ tiên, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi…
Không có ý thức chính trị rõ rệt, thế hệ QVGKT đa số trong tiềm thức ghét Tây, nên khi cơ hội tháng 8 năm 1945 đến, họ lên đường vì tinh thần dân tộc, tâm tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trước Quốc hội năm 1946: “Hồ Chí Minh chỉ có một Đảng, đó là Đảng Việt Nam!”.
Cao Văn Khánh lên đường năm 1945.
Tôi là bạn đồng nghiệp dạy học và bạn Hướng đạo của anh Khánh ở Huế vào những năm 1942-1945. Chúng tôi cùng dạy trường Trung học tư thục Lyceum Việt Anh. Sau vì ghét tên chủ nhiệm Tây khinh khỉnh Lafféranderi, chúng tôi cùng một số thầy bỏ Việt Anh, lập trường riêng là Hồng Đức.
Trường mới, tuy nền đất, kiến trúc sơ sài, nhưng vẫn đông học sinh vì uy tín các thầy giỏi và ghét tên chủ nhiệm Tây. Huế hồi đó có nhiều trường Trung học tư vì học sinh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đều đổ về đây.
Thầy trường tư thục y như ca sĩ, dạy giỏi thì các trường mới mượn. Anh Khánh dạy Toán, tôi dạy Pháp văn và Sử địa cho các lớp thi tốt nghiệp, đều được học sinh ưa thích.

Đám cưới Cao Văn Khánh ở Điện Biên Phủ (1954).
Sau khi cưới trong hầm De Catries, vợ chồng chụp ảnh
trên chiếc xe tăng chiến lợi phẩm. Ảnh do gia đình cung cấp.
Trong thời gian 1939-1945, các giáo viên tư thục Huế thuộc hai loại: một số chính trị phạm ở tù ra, một số trí thức tìm nơi yên tĩnh và thơ mộng. Một số thuộc thế hệ trên (Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt), đa số thuộc thế hệ QVGKT (Tạ Quang Bửu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Bình, Hoài Thanh, Tảo Trang (Vũ Tuân Sán),…) đều theo tiếng gọi của non sông năm 1945.
Huế, bề ngoài im lìm, nhưng luôn luôn “nhắc nhở cho quốc dân… nhiệm vụ” cứu nước do sự lưu đày của ông già Bến Ngự Phan Bội Châu” (Đào Duy Anh).
Phong trào Hướng đạo ở Huế, dưới sự lãnh đạo của Tạ Quang Bửu, cũng là một cách “nhắc nhở”. Anh Khánh đã giới thiệu tôi vào đội, tôi có biệt danh là “Chim bói cá”. Nhớ lại những buổi lửa trại vang lên những bài ca yêu nước: Sông Bạch Đằng, Ải Chi Lăng… Anh Khánh tỏ ra rất nhiệt tình. Đó là một nét tính cách của anh, đã làm cái gì thì làm hết mình.
Anh để lại cho tôi những ấn tượng khó quên: Một chàng trai cao lớn, thân hình cân đối, tính nết giản dị, nói năng cân nhắc, nụ cười hiền lành. Nhớ những khi chúng tôi thong dong, cùng đạp xe (anh đi xe “cuộc” và nói chuyện qua cửa Thượng Tứ, những buổi tối đi trại hát vang bài “1km, 2km…”. Không ai đoán trước được một thầy giáo phong thái nho nhã như vậy có thể trở thành một tướng tài.
Ấn tượng nhất về anh Khánh là tính trung thực. Một thí dụ là về việc anh vào Đảng muộn. Đầu chiến tranh anh là khu trưởng duy nhất chưa là Đảng viên. Anh tâm sự: “Trước năm 45, mình không tham gia chính trị vì còn phải ở lại Huế săn sóc mẹ. Đảng thành công, mình không muốn vào vì chưa có đóng góp gì”.
Có người cho nghĩ thế là “gàn”, “tạch tạch xòe”. Tôi cho đó là tự trọng. Anh lại nói: “Mình chỉ cần là người công dân tốt. Tổ quốc cần, đi đánh giặc. Xong, về lại dạy học. Thế là mãn nguyện: “Làm công dân tốt hơn là làm Đảng viên mồm luôn nói làm theo gương Bác Hồ mà lại làm ngược lại”.
Không ngờ anh Khánh đánh Pháp - Mỹ đều giỏi. Ta có đến hàng trăm tướng, nhưng Tướng Khánh nổi bật về hai điểm:
Một: anh là vị tướng luôn có mặt ở tuyến đầu trong gần 30 năm, chỉ huy những trận đánh ác liệt nhất mà mang lại những thắng lợi chiến lược: Sông Thao 1949, Biên giới 1950, Điện Biên Phủ 1954, Khe Sanh 1968, Đường số 9/1971, Quảng Trị 1972, Tây Nguyên (1972-1974).
Hai: cùng Lê Trọng Tấn, Cao Văn Khánh được coi là những tướng có tầm tham mưu chiến lược. Từ năm 1953, hai tướng này đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu chuyên đề “Tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm”.
Năm 1974, anh Khánh được điều về Bộ Tổng Tham mưu. Đúng vào lúc ta đang chuẩn bị giải phóng miền Nam là một dịp để anh Khánh đóng góp các kinh nghiệm tham mưu về chỉ huy. Anh trở thành một cánh tay đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.
Theo lời ông Giáp: “Tôi quyết định thành lập Tổ thường trực giúp tôi tổ chức chỉ đạo tác chiến. Mỗi ngày bốn lần, sau buổi giao ban, tôi trực tiếp nghe tổ báo cáo, đề đạt ý kiến. Đồng chí Cao Văn Khánh là Phó Tổng Tham mưu trưởng ở tổ này. Là một trí thức yêu nước, tham gia Cách mạng Tháng Tám từ năm 1945, anh là một cán bộ quân sự chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống Pháp, từng là Tư lệnh 370 (Trị Thiên) trong kháng chiến chống Mỹ, một người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy, tác chiến, hợp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu”.
Trong cuộc đời tư, anh Cao Văn Khánh không được số phận ưu đãi mấy. Đám cưới của anh ở hầm Đờ-cát hai tuần lễ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lãng mạn như chuyện cổ tích, là đỉnh cao hạnh phúc đời anh.

Mộ Tướng Cao Văn Khánh (chị Toản thắp hương).
Ảnh do gia đình cung cấp.
Anh đã gặp được “ý trung nhân”: chị Toản, gái Huế học Đồng Khánh, thế hệ QVGKT đi giải phóng quân năm 15 tuổi. Đôi bạn đời quý mến nhau, nhưng trong 28 năm vợ chồng, tổng cộng ở với nhau chưa được 8 năm vì anh luôn ở chiến trường, chị là bác sĩ chuyên gia phụ khoa, cũng luôn đi công tác.
Anh chị có 4 con thì một con trai ở bộ đội bị tai nạn trên đường sắt, một cậu chết do chất độc da cam. Từ năm 1966 đến 1974, anh Khánh chỉ huy đánh ở miền Nam, nơi bị rải chất độc hóa học. Anh mất năm 1980 vì ung thư gan do chất độc da cam.
Trước đó, anh chị đã chuyển mộ cho con lên một ngọn đồi ở Yên Kỳ. Theo anh, chỗ đó phong thổ tốt, phía trước là núi Tản Viên làm bình phong, chân núi Ba Vì có nhiều đồng đội Đại đoàn 308 yên nghỉ, lại hợp với phong tục người Huế, không để mộ ở chỗ đất thấp có thể úng nước.
Anh ra đi, chị Toản chiều theo ý anh, để anh yên nghỉ ở Yên Kỳ, cũng để bố con gần nhau. Chị từ chối không để mộ anh ở Mai Dịch - Hà Nội.
Cách đây khá lâu, nhân đi tảo mộ cùng gia đình ở Yên Kỳ, tôi ngẫu nhiên đến trước mộ anh Khánh. Trên bia chỉ ghi: Tướng Cao Văn Khánh, ngày sinh, ngày mất, quê quán. Không có thêm chức tước gì khác. Đúng tính cách anh Khánh. Tôi đứng trầm ngâm một lúc, nghĩ bụng, nếu có ghi thêm, chỉ xin khắc 3 chữ: “LÍNH CỤ HỒ”.
Tôi nghĩ đến vợ anh. Tôi biết chị Toản khi chị mới 9-10 tuổi, hồi tôi dạy học ở Huế, trọ ở nhà chị. BS Toản nay tóc đã bạc, vẫn không ngừng đấu tranh về vấn đề chất độc da cam trên phạm vi quốc tế. Để là một lính Cụ Hồ như chồng và con.