Thư học sinh miền Nam: Một vườn ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất của đất nước

Anh Ngọc Tỉnh thân mến,

Nếu không có gì thay đổi thì trung tuần tháng 12 năm nay, Ban liên lạc Học sinh miền Nam (HSMN) tổ chức kỷ niệm 60 năm tập kết ra Bắc (1954-2014). Mới đó mà đã “đáo tuế” rồi! Nhanh quá, phải không anh?

Anh còn nhớ, trong những điều khoản của Hiệp định Genève năm 1954 là bộ đội và cán bộ miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) phải tập kết ra Bắc. Trong điều khoản không nói tới lực lượng tập kết là thiếu nhi và học sinh. Nhưng nhìn xa, hiểu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đưa một số lớn học sinh, thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc học tập trong thời gian đấu tranh Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, trong đó có tôi và anh.

Cuối 1954, HSMN đi theo đường biển tập kết an toàn lên hai cửa biển Cửa Hội (Nghệ An) và Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sau ngày Đồng khởi 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam gửi con em chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhiều người trong đó đã trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Thanh niên xung phong” của miền Nam, vượt Trường Sơn ra Bắc, cũng vào học các trường HSMN.

Miền Bắc vừa giải phóng, bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ rất quan tâm và thường xuyên thăm hỏi HSMN. Ngày 1-6-1955, Bác gửi thư thăm và dặn dò chúng ta. Tôi xin trích một vài đoạn để anh cùng nhớ lại: “… Trong thời gian ở đây, gần Đảng, gần Chính phủ, gần Bác, các cháu và các cô, các chú nên hăng hái học tập và công tác sao cho đến ngày nước nhà thống nhất, trở về quê hương, các cháu và các cô, các chú đều là những người gương mẫu về tư tưởng, đạo đức cũng như về mọi mặt khác…”.

Bác dặn cụ thể:

“Trước hết, các cháu phải thường xuyên giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ.

- Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé.

- Đoàn kết giữa các cháu vùng này và các vùng khác.

- Đoàn kết giữa các cháu miền Nam với các cháu và đồng bào địa phương.

- Đoàn kết giữa các cháu và các cô các chú cán bộ.

- Các cháu phải yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, vì tự do phóng túng là không tốt.

- Trong sinh hoạt hằng ngày, các cháu phải tập “tự lực cánh sinh”. Các cháu bé cũng vậy, không nên làm nũng”.

Chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống các trường HSMN được thành lập, tại nhiều địa phương ở miền Bắc. Chắc anh còn nhớ, đó là Hải Phòng, Hà Đông, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Đây là loại trường nội trú phổ thông và một số trường Bổ túc Văn hóa đặc biệt, dành cho học sinh lớn tuổi mà mới học lớp hai, lớp ba, nên có chương trình học hai năm ba lớp.

Anh Ngọc Tỉnh thân mến,

Viết cho anh những dòng này, khi tôi và anh đều đã ngoài 70 tuổi rồi nhưng không sao quên được những năm tháng chúng ta học tập ấy. Hồi đó, việc đào tạo thế hệ HSMN trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của miền Bắc lúc bấy giờ là một sự cố gắng to lớn vượt bậc của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc. Mãi mãi chúng ta không bao giờ quên. Sống và học tập trong lòng miền Bắc, chúng ta luôn nhớ ơn cha mẹ, anh chị em, người thân và đồng bào miền Nam chiến đấu ngày đêm, chờ con em mình sớm trở về.

Tôi còn nhớ thuở ấy, có một thầy giáo già đã nói: “Người ta xem hoa mà có thể biết trái ngon sau này”. Chính vì thế mà các thầy không tiếc công sức để chăm sóc cả cành lẫn hoa. Người thầy già ấy đã vào chiến trường miền Nam từ năm 1963 và rất tiếc thầy đã hy sinh, thầy không thấy được sự trưởng thành của học sinh mình.

Tuy chỉ tồn tại và phát triển 21 năm (1954-1975), song hệ thống 28 trường HSMN trên đất Bắc đã tổ chức nuôi dạy và đào tạo cho đất nước hơn 30.000 cán bộ có trình độ chất lượng cao. Nhiều người trong số này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, nhiều tướng lĩnh cấp cao trong các lực lượng vũ trang. Đó là các anh chị: Trương Quang Được - Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Khoa Điềm- nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Mai Thúc Lân – nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương; Trần Thị Thanh Thanh - nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam; Phan Xuân Đợt - Bộ trưởng Lâm nghiệp; Trần Thị Trung Chiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế… và rất nhiều anh chị khác từng giữ chức Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch ở nhiều tỉnh, thành đều là HSMN.
Nhiều nhà khoa học đầu ngành với học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng và nhiều nhà báo nổi tiếng, nhiều nhà doanh nghiệp tài ba, nhiều người trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động.

Đặc biệt là đội ngũ nhà giáo tốt nghiệp các trường đại học sư phạm, sau ngày giải phóng, trở thành những giáo viên nòng cốt, Ban giám hiệu các trường THPT các tỉnh thành phía Nam. Trong ngành sư phạm cũng nhiều người có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ, đảm nhiệm các chức vụ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở các trường đại học.

Có hai lĩnh vực mà nhiều HSMN trưởng thành và thành đạt nhưng ít người biết đến, đó là lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam và lực lượng An ninh có trình độ cao. Nhân dịp này, tôi xin kể để anh cùng nhớ lại và cũng để bạn đọc sinh sau năm 1975 biết về những liệt sĩ Anh hùng Không quân Việt Nam, hy sinh lúc còn rất trẻ. Đó là: Võ Văn Mẫn - phi công lái máy bay chiến đấu Mic-21, quê Bến Tre; phi công Nguyễn Văn Bảy (B) - lái máy bay chiến đấu Mic-17, quê Cà Mau; phi công Đồng Văn Đe - lái máy bay chiến đấu Mic-17 và Mic-21, quê Bến Tre; phi công Trần Thiện Lương - lái máy bay chiến đấu Mic-21, quê Bến Tre; phi công Nguyễn Văn Lung - lái máy bay chiến đấu Mic-21, quê Vĩnh Long; phi công Trần Văn Mão - lái máy bay chiến đấu IL-28, quê Bến Tre; phi công Nguyễn Quốc Hiền - lái máy bay chiến đấu IL-28, quê Bến Tre,…

Hoạt động trong ngành văn hóa, nghệ thuật có không ít bông hoa đẹp là HSMN mà nhiều thế hệ người Việt Nam còn nhớ. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, biết nhiều, nhớ lâu, mẫn cán với biết bao đổi thay thế sự, cũng là người “trong nhà” của đại gia đình HSMN, anh đã viết nhiều về những người bạn của mình như: nhà thơ, Anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân; nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền; nhà văn-Anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong; diễn viên điện ảnh- NSND Trà Giang; diễn viên điện ảnh- NSND Lâm Tới; TS Âm nhạc NSƯT Nguyễn Bích Ngọc; nhiếp ảnh gia Lâm Tấn Tài; họa sĩ Vương Hoàng Oanh (Châu Hoàng); soạn giả cải lương Văn Hồng Cẩm (Văn Thành Trọng); nhạc sĩ Trương Tuyết Mai; nhạc sĩ Phạm Lý; nghệ sĩ múa Đinh Xuân La… và nhiều anh chị em khác nữa.

Anh Ngọc Tỉnh ơi, tài hoa những người bạn học sinh miền Nam chỉ là hạt muối bỏ biển giữa thế cuộc hôm qua và hôm nay, nhưng cũng là hạt muối mặn với đời, vì sự nghiệp lớn của dân tộc mà chúng ta đã góp một phần nhỏ phải không anh? Tôi còn nhớ hôm nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền mất, anh thương tiếc viết những dòng đưa tiễn đầy xúc động: “Sáng nay (24-11-1997), hàng trăm bạn học sinh miền Nam ngày ấy đã đến tiễn anh. Chúng ta đã mất anh không phải là mất một nhạc sĩ, một nhà thơ… mà còn mất một cái gì hơn thế - một con người nhiệt huyết, chân chất, ngay thẳng và làm gì cũng hết mình…”.

Cách đây hơn 10 năm, nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm HSMN trên đất Bắc, tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi có nhiều trường HSMN đóng ở đây, chúng ta đã đặt một phiến đá granit nặng gần 10 tấn, ghi dòng chữ kỷ niệm của các trường HSMN, và coi đó như “những hạt giống đỏ” mà chúng ta hằng mong ước.

Viết thư này cho anh, tôi nhớ không ít các thầy, cô giáo, các cán bộ cùng nhân viên nuôi dưỡng và nhiều bạn HSMN đã qua đời. Và chắc rằng một thời gian không lâu nữa, các thế hệ HSMN sẽ thưa dần và thưa mau. Tuy không còn nữa, nhưng giá trị và bài học của các trường HSMN, cùng hình ảnh của các thầy cô giáo… và những lớp HSMN vẫn còn in đậm trong chúng ta, phải không anh? Vì nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Việc thành lập hệ thống các trường HSMN trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng (…). Có thể nói đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó ấy, nay đã mang lại hiệu quả rất to lớn cho đất nước.”

Chuyện về HSMN trên đất Bắc kể không biết bao giờ hết. Tôi chỉ nhớ và viết lại chừng ấy những việc và con người mà chúng ta đã gắn bó biết bao kỷ niệm để anh thêm tự hào. Chúc anh luôn mạnh khỏe. Chúc Hồn Việt ngày càng phát triển.

Thân mến,

Trần Thanh Phương*

 

--------------------

* Nguyên Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.

TRẦN THANH PHƯƠNG