Ngô Văn Phú viết rất nhiều thể loại, làm nhiều việc trong văn chương: làm giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn trong một thời gian dài, viết truyện ngắn (và đặc biệt truyện ngắn dã sử), dịch thơ (thơ Đường, thơ Pháp), làm thơ (đã ra nhiều tập thơ), viết tiểu luận… Anh như một con ong cần cù hút nhụy, tham công tiếc việc, cần cù lặng lẽ làm việc cả một đời… Một thống kê của Ban sáng tác Hội Nhà Văn cho thấy anh là người xuất bản nhiều sách nhất Hội…
Nhưng rồi cuối cùng cái đặc sắc nhất của anh nằm ở thơ anh. Và trong thơ anh thì đặc sắc nhất là thơ về vùng quê của anh, vùng Vĩnh Phúc, trung du Bắc Bộ với những con người, những mối tình… Anh đi theo mạch thơ của Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ... về thôn quê, nhưng thơ anh không lẫn với thơ họ.
Đọc thơ anh, thấy thương nhớ một vùng quê, thương nhớ một thời của ruộng đồng, quê kiểng, tâm lý, tục lệ…, với những người trồng lúa nước đã mấy nghìn năm. Cuộc sống công nghiệp, thị thành tất bật, ồn ào bây giờ ùa về vùng quê, cũng sắp xóa đi những di tích cuối cùng của vùng quê ấy rồi, nên thơ anh đáng cho ta trân trọng, quý mến…
Dưới đây, mời bạn đọc đọc một số bài thơ đó của anh, trích từ tập thơ Cỏ bùa mê.
HỒN VIỆT
Mưa ngâu Thuở ấy, mưa ngâu cứ sụt sùi. Đường về có một áo mưa thôi, Em đưa anh mặc, em về vội, Chiếc áo phong phanh ngược gió trời. Chẳng nói chi mà hai phía thương, Mình đi nào có nhớ chi đường. Thương ai chiều rét về không áo, Mưa trời, hạt hạt mỗi dầy hơn. Rét lạnh lòng anh nhiều bữa khác, Bao giờ quên được chuyện đôi ta. Có ai ngờ thế mà dang dở, Trời mưa, mưa mãi đến bây giờ. (1957) |
Cỏ bùa mê Cỏ ở thung xanh, trên núi Tản. Không hề có gió cũng đu đưa (*) Ai yêu, chẳng được yêu thương lại, Hái cỏ, ngầm đem đi bỏ bùa. Hẳn có bao người lẻn đến đây Trăng non, cỏ ngát một phương trời, Mỗi người chỉ được hái một lá Và bỏ riêng cho mỗi một người Tôi cũng lên đây cũng sững sờ, Cũng toan xin cỏ một nhành tơ, Đem về ngầm thả cho ai đó, Hồi hộp đêm đêm thức đợi chờ. Một đêm, hai đêm, ba bốn đêm, Cỏ bùa tôi bỏ đã lên men Cái đêm em đến trăng đưa lối Cỏ lại bay về núi Tản Viên. (Sơn Tây, 1988) |

Tranh tết “Hứng dừa” Vui bước du xuân đến gốc dừa, Cây nghiêng nghiêng lá, quả đang vừa. Trai trèo thoăn thoắt đu ngang ngọn, Gái thắt lưng bay, tóc gió đùa. Xòe váy hồn nhiên hứng quả vào, Ỡm ờ, ai đã vội tung đâu, Trai trao, gái đón, trời ơi mắt, Trái cấm hình sao giải yếm đào. Đôi lứa hồn nhiên không phải giấu, Yêu nhau cây cối cũng la đà, Đá cũng ngây nhìn, mây cũng thắm, Sóng cỏ rờn xanh tận bãi xa. Thời gian lưu mãi trong tranh tết Người xưa còn thế huống gì ta. (1989) |
Dượng tôi Dượng rất ham say nghề lái trâu, Nói nhiều không chắc được một câu. Bà tôi đùa bảo ai nghe dượng, Trước lúc qua sông lại chặt cầu. Lưng vốn nhờ người, chuyên dắt mối. Tay thì đập chạc, miệng ba hoa. Được tiền uống rượu, tìm sòng bạc, Hết lại buôn trâu chợ huyện nhà. Dì tôi không được đồng xu nhỏ, Cấy thuê làm rẽ mà nuôi con. Rượu say dượng đánh dì tơi tả, Dì khóc thút thít bên thềm son, Dì tôi thương dượng hơn cha mẹ, Nghe đâu hát đúm mà mê nhau. Cái cầu dải yếm câu ca bắc, Khoác nợ cho nhau đến bạc đầu. (1986) |
Ngày mùa II Nắng thếp vàng lên những dải đồi Lúa đồng chỗ gặt, chỗ nghiêng phơi, Làng trong vàng nắng, trong vàng lúa, Hình như là đất đẹp hơn trời. Thơm tận đầu tay, tận ngọn liềm Mùi thơm rạ mới dễ gây men, Tháng mười quen lắm mà luôn lạ, Thứ đã mê rồi, say đắm thêm. Cỏ giữa mùa đông hay cỏ xuân Long lanh bờ cỏ, dải sương ngần, Chim no tiếng hót trĩu chùm nhạc, Vụt hiện lên từ những dấu chân. Những vệt mồ hôi cũng lạ thêm Chao ôi đôi mắt giữa đồng điền. Tháng mười quen lắm mà luôn lạ, Em của tôi rồi, tôi của em. Con trẻ đùa vui lăn giữa rơm, Bát cơm gạo mới, mẹ vừa đơm, Tầng vui của đất dâng lên khắp, Mùa gặt, vầng trăng có dáng liềm (1987) |
(*) | Trên núi Tản Viên, có loại cỏ tên là Vô phong động dao, muốn yêu ai, hái cỏ bùa mê này mà bỏ. |