THANH QUẾ - nhà thơ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật: “Anh Phạm Phát khiêm tốn nói mình là “dân nghiệp dư”, và thường rất kiệm lời khi nói về các sáng tác của mình mặc dù phần lớn những cái anh viết đều được đăng trên Tuần báo Văn Nghệ và báo chí địa phương. Đọc anh, ai cũng nghĩ ngay: anh là một người sáng tác chuyên nghiệp. Với một vốn sống phong phú, một vốn văn hóa cao do được học ở trường và tự học, nhiều năm làm báo, tiếp xúc với nhiều loại người nên anh đã có tay nghề vững vàng ngay từ những bài viết đầu tiên. Bài thơ mà tôi nhắc ở đầu bài viết này - bài Đám tang giữa mùa lũ - là bài vừa có tứ hay vừa có câu chữ cô đọng, vững chắc và kìm nén…
…Thơ Phạm Phát giàu chất triết lý, anh đã đưa được cái chất ấy vào tất cả các bài thơ của mình, làm cho thơ anh có độ âm vang sâu đằm, dễ gây xúc động cả về tâm hồn lẫn trí tuệ người đọc, đặc biệt là các bài thơ Ngửa mặt nhìn trời, Mồ hôi tiền, Một giọt, Nghe đàn bầu và nhiều bài thơ Hai-ku”.
NGUYỄN BÙI VỢI - nhà thơ: “Bài thơ Đám tang giữa mùa lũ anh viết giản dị, cảm động, viết như không. Bài thơ không còn chữ nữa mà chỉ còn tình”.
Huyền thoại Bến Trễ
Ở Bến Trễ
Có một ngôi mộ
Nằm dưới mộ là một người anh hùng
Chọc trời khuấy nước
Gặp khi lực kiệt thế cùng
Quỳ lạy mẹ
Ngẩng đầu ra pháp trường
Thơ tuyệt mệnh hàng hàng khảng khái
Ở Bến Trễ
Có một vầng trăng lạ
Đầu người rơi
Trăng ở lại
Vầng trăng thu, vầng trăng huyền thoại(*)
Vằng vặc bốn mùa
Vằng vặc trăm năm
_____
(*) Bến Trễ (Hội An) là quê hương Nguyễn Duy Hiệu, lãnh tụ Nghĩa hội Cần Vương. Câu kết trong bài thơ tuyệt mệnh của ông “Trung thu minh nguyệt bạn ngô quy” có nghĩa: Trung thu trăng sáng bạn về cùng ta.
Đứng cùng ngọn gió
Ngày con đi tập kết
Lội mười ngày đường
Cha vô tiễn con ở cảng Quy Nhơn
Tàu nhổ neo
Giữa cơ man là người
Con chỉ thấy
Mình cha đứng cùng ngọn gió
Ngày giải phóng về
Con đến bên cha
Cha đã nằm dưới mộ
Giữa ngày vui hội ngộ
Cha có nhìn thấy con
Một mình đứng cùng ngọn gió?
1980
Quà muộn
Em
như một áng mây trôi
vào trong khô khát khoảng trời hồn anh
Em
là một hạt mưa lành
vườn anh hứng được mà xanh đến giờ
Vườn anh thưa nụ ít hoa
vài bông hiếm muộn chút quà tặng em
1994
Đá, hãy cứng như Mẹ!
Kính tặng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ
Bằng Tổ quốc ghi công kín vách
Bàn thờ xếp chật bát hương
Trên chín mươi mắt còn tỏ
Còn nhìn rõ
Bát hương chồng
Bát hương từng đứa trong chín đứa con
Những nén hương đêm thơm lặng lẽ
Đá, hãy cứng như Mẹ!(*)
_____
(*) Mượn ý một câu thơ Nga
Đám tang giữa mùa lũ
Tưởng nhớ H.
Đơn vị vượt suối dữ
Một đứa sảy chân trôi
Chỉ kịp ối một tiếng
Lũ đã cuốn mất rồi
Ghép nứa làm áo quan
Khâm liệm người tưởng tượng
Gỗ vụn thay trầm hương
Nghi ngút làn khói mượn
Rừng mùa này hiếm hoa
Đành kết hoa bằng lá
Tội mày lắm Hiệp ơi
Vòng hoa này cũng giả
Đồng đội lặng cúi đầu
Quanh chiếc quan tài rỗng
Trăm nỗi đau dồn vào
Không lấp đầy khoảng trống
Thương bạn bày lễ đưa
Giả như người không mất
Nhưng đâu dễ tự lừa
Cái chết luôn rất thật!
1986
Trăng xuân đài
Tưởng nhớ cụ Hoàng Diệu
Gốc táo trước sân Võ Miếu(*)
Trăm năm biết có còn
Xuân Đài trăng treo Lời Biểu
Vằng vặc soi tấm lòng son
_____
(*) Nơi cụ Hoàng tự vẫn trong Long Thành.
(**) Câu cuối cùng trong “Lời Biểu” của cụ gửi về Triều trước khi chết: “Nguyện xin Mặt Trăng soi thấu lòng son của Thần”.
Thăm nhà Nguyễn Du
Ngựa đưa Ông trẩy về đâu
Ba trăm năm để ngàn câu đoạn trường
Còn đây dấu buộc dây cương
Ngẩn ngơ gốc muỗm đầu vườn ngày xưa(*)
_______
(*) Sinh thời, mỗi lần về thăm nhà Nguyễn Du thường buộc ngựa ở cây muỗm đầu vườn.
Rêu Hội An
Mịn cứ mịn như nhung
Bền cứ bền như đất
Rêu mịn bền chân thật
Cứ như là Hội An
Những nắm cơm thừa
Một đời anh nuôi
Cứ nhớ
Những nắm cơm thừa sau trận đánh