Thư pháp chữ Hán trong cuộc sống đương đại

Thư pháp nghĩa rộng chỉ cách thể hiện phù hiệu ngôn ngữ thành chữ viết cho đúng, còn theo nghĩa hẹp, thư pháp là hình thái nghệ thuật của loại chữ tượng hình như chữ Hán.

Hành trình qua các thời đại...

Ở Trung Quốc, từ khi có chữ Hán là đã có mầm mống thư pháp. Đến đời Tần, khi chữ viết được thống nhất, người đời Tần đã tạo nên thể chữ triện, chữ lệ, đặt cơ sở vững chắc cho nghệ thuật độc đáo này và mở ra con đường rộng rãi cho chữ triện, chữ lệ, chữ thảo, chữ hành đời sau biến cách phát triển. Thư pháp là tác phẩm nghệ thuật ngang với tranh vẽ. Thư pháp được tôn xưng là “vô ngôn đích thi, vô hàng đích vũ, vô đồ đích họa, vô thanh đích nhạc” (thơ không lời, múa không hàng lối, vẽ không tranh, nhạc không lời). Những nhà thư pháp nổi tiếng nhất Trung Quốc là Vương Hy Chi (321-379), Âu Dương Tuân (557-641) và Nhan Chân Khanh (709-784).

Lý luận thư pháp xuất hiện muộn hơn nghệ thuật thư pháp, sớm nhất là ở đời Hán. Học giả đời Tây Hán là Dương Hùng nêu ra một luận điểm nổi tiếng: “Thư, tâm họa dã” (chữ viết là bức họa của cõi lòng). Tuy thư ở đây chưa chuyên chỉ thư pháp nhưng là mệnh đề cơ bản của lý luận thư pháp Trung Hoa, chỉ tính chất đặc biệt trong mối quan hệ giữa tư tưởng, tình cảm của nhà thư pháp với nghệ thuật thư pháp.

Hán là thời kỳ mở đầu của lý luận thư pháp. Bài viết sớm nhất về thư pháp là bài Thảo thư thế (Thế viết chữ thảo) của Thôi Viện đời Đông Hán. Ông ca ngợi vẻ đẹp hình thái và vẻ đẹp động thái của chữ thảo, khẳng định chức năng và giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật thư pháp. Tiếp theo có mấy bài bàn về thư pháp, trong đó Bút luận Cửu thế của Thái Ung có vị trí quan trọng trong lịch sử lý luận thư pháp Trung Quốc.

Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều là thời kỳ chín muồi của lý luận thư pháp. Thời kỳ này, nghệ thuật thư pháp hết sức hưng thịnh, xuất hiện một loạt danh gia và sách lý luận về thư pháp. Sách Lệ thư thể (Thể chữ lệ) của Thành Công Tuy, Tứ thể thư thế (Thế viết của bốn thể chữ) của Vệ Hằng thiên về lấy đủ mọi hình tượng, động thái của vạn vật trong thiên nhiên để miêu tả, so sánh với hình thái của các thể thư pháp, biểu hiện xu thế “thượng tượng” (chuộng hình tượng) của thời này. Thời Đông Tấn, các nhà thư pháp không thỏa mãn với miêu tả hình thái bề ngoài của thư pháp, bắt đầu chú ý nghiên cứu quy luật kỹ xảo của dùng bút, kết thế và chương pháp (bố cục), chú ý nghiên cứu quan hệ giữa ý chí chủ quan của con người và thư pháp. Thư luận, Bút thế luận, Dụng bút phú của Vương Hy Chi tiêu biểu cho trường phái này.

pic

Ngục trung nhật ký, thơ chữ Hán của Bác Hồ, qua nét viết của nhà thư pháp Lỗ Nguyên (Trung Quốc)

Đến Nam Bắc triều, chịu ảnh hưởng của thói quen và sự ưa chuộng đương thời, coi trọng bình luận về các nhà thư pháp nhằm tìm tòi quá trình và đặc trưng của sáng tác thư pháp có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển nghệ thuật thư pháp như thế nào. Về mặt này, Thư phúBút ý tán của Vương Tăng Lỗ có đóng góp trội nhất.

Tùy, Đường là thời kỳ hưng thịnh của lý luận thư pháp. Đời Tùy tuy ngắn ngủi nhưng đã xâyđựng được lý luận về nghệ thuật khắc bia đời Nam Bắc triều, gợi mở và đặt nền móng cho kiểu chữ khải đời Đường. Thư pháp đến Đường đạt mức cực thịnh, lý luận thư pháp cũng hưng thịnh theo. Bàn về thư pháp đã có hệ thống, phương pháp đạt được kỹ xảo ở những chi tiêt được chú trọng, mổ xẻ qui luật sáng tác thư pháp dần dần thay thế cho miêu tả ấn tượng tổng thể về nghệ thuật thư pháp, thể hiện xu thế “thượng pháp” (chuộng phương pháp) của đời Đường.Tam thập lục pháp của Âu Dương Tuân, Thư phổ của Tôn Quá Đình, Thuật Trương Trưởng Sử bút pháp thập nhị ý (Kể về mười hai ý trong bút pháp của Trương Trưởng Sử) là những tác phẩm lý luận tiêu biểu.

Tống là thời kỳ biến cách của lý luận thư pháp. Thư pháp đời Tống không sánh được với đời Đường nhưng lại mở ra một lối đi mới là thiếp học (nghiên cứu thư pháp trên thiếp) thịnh hành, do đó cũng cách tân và phát triển về  lý luận thư pháp. Người Tống chủ trương thư pháp không chịu sự trói buộc của phương pháp, không cần phải chú ý phương pháp cụ thể về chi tiết điểm họa, bố trí, mà coi trọng “phong thần ý vận” trong tác phẩm, tức là tinh thần và khí chất nội tại của nhà thư pháp, để họ tự do trữ phát nỗi niềm, chủ yếu tìm tòi sáng tạo cái mới. Quan điểm này phản ánh phong cách “thượng ý” trong thư pháp đời Tống. Thư luận của Tô Thức, Luận thư của Hoàng Đình Kiên là tác phẩm tiêu biểu.

Tới Nguyên, Minh, nghệ thuật thư pháp không phát triển mấy. Lý luận thư pháp hai đời này chủ yếu coi trong “pháp độ” của đời Đường, phủ định “thượng ý” của đời Tống, coi trọng vẻ đẹp hình thức của nghệ thuật thư pháp, đề cao phong cách Ngụy Tấn, nhấn mạnh chuộng cổ nhã, đề xướng cốt lực (sức mạnh gân cốt) và vẻ đẹp.   

Thanh là thời kỳ nối tiếp đời trước, gợi mở đời sau về lý luận thư pháp. Ỏ thời này, thiếp học và bia học (nghiên cứu thư pháp trên bia) dần dần chia thành hai phái, thiếp học từ thịnh đến suy, bia học ngày càng hưng thịnh. Lý luận thư pháp đời Thanh đã tổng kết toàn diện, hệ thống các vấn đề về lịch sử nghệ thuật thư pháp, lịch sử diễn biến các thể thư pháp, kỹ xảo, phong cách của nghệ thuật thư pháp.

Các nhà lý luận thư pháp

Nhà lý luận Chu Trường Văn đời Bắc Tống trong Tục thư đoán cho rằng nghệ thuật thư pháp cao hay thấp của một người có quan hệ mật thiết với phẩm chất, tu dưỡng. Ông viết: “Lỗ công (Nhan Chân Khanh) có thể gọi là bề tôi trung liệt. Đức ấy phát ra ngọn bút thì cương nghị, hùng hồn, thể trang nghiêm, pháp đầy đủ, chẳng khác nào trung thần, nghĩa sĩ sắc mặt trang nghiêm đứng giữa triều đình, gặp hiểm nguy cũng không thể đoạt được chí. Dương Tử Vân nói “Thư, tâm họa dã” là rất đúng với Lỗ công”. Nhà lý luận thư pháp cận đại Lưu Hy Tái trong Nghệ khái, Thư khái nói rõ hơn: “Thư là như, như học vấn, như tài năng, như chí khí của người viết, tóm lại là như người mà thôi”.

Mượn hình tượng sinh động mà so sánh để ví với cảm thụ của người thưởng thức, bình phẩm thì có Bút luận của Thái Ung đời Đông Hán. Ông cho rằng thế của chữ trong sáng tác thư pháp nên dung hòa với các hình thái sinh động của vạn vật trong thiên nhiên. Từ đó, thư luận các đời sau kế thừa truyền thống này. Lý luận thư pháp đến Tôn Quá Đình (648-703) đạt đến độ cao mới. Thư phổ của ông đã lấp lánh ánh sáng của phép biện chứng : thống nhất giữa đa dạng, cân bằng giữa cao thấp, vẻ đẹp chỉnh thể và sức sống ; chỉ ra những vẻ đẹp mẫu mực về thư pháp, như “móc đọng nơi kim treo, nặng như mây băng, nhẹ tựa cánh ve, có thế sấm chạy đá rơi, nhạn bay thú hãi, dẫn ra như suối đổ, dừng lại như núi yên, nhỏ mảnh như trăng non nhú khỏi chân trời, lãng đãng như sao điểm sông Hà sông Hán”. Từ Hạo đời Đường trong Luận thư nêu thêm : “ Chữ không được thưa, cũng không được rậm ; bút không thể nhanh, không thể chậm, cũng không thể bằng, không thể nghiêng; nghiêng thì dựng lại cho bằng, bằng thì kéo lên cho nghiêng. Bút nhanh thì phải ổn định, chậm thì phải sắc bén v.v…”. Hàn thực thi thiếp (Thiếp viết thơ về tiết Hàn thực) của Tô Đông Pha thể hiện đầy đủ những vẻ đẹp này(*).

Hiện nay, Trung Quốc có Hội nhà thư pháp thành lập từ ngày 9/5/1981, gồm nhà thư pháp, nhà khắc chữ triện, nhà lý luận thư pháp, nhà giảng dạy thư pháp và nhà tổ chức hoạt động thư pháp ở tầm cỡ quốc gia. Cơ quan ngôn luận có Thư pháp báo, Trung Quốc thư pháp, Thư pháp phê bình, tạp chí Thư pháp gia… Ngày 31/7/2012, Hội thảo thư pháp được tổ chức ở Trịnh Châu nhằm nhìn lại tình hình phát triển của thư pháp trong mười năm gần đây. Hơn 2/3 đại biểu chỉ mới ngoài 20 tuổi, các nhà lý luận thư pháp cũng chỉ chừng 40 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với các nhà thư pháp lứa trước. Triển lãm thư pháp toàn quốc cũng đã tổ chức đến lần thứ ba, hơn 3.000 tác giả có thư pháp triển lãm, chất lượng hơn hẳn hai lần trước. Lần này bình chọn có điểm mới, thư pháp của một số nhà thư pháp lão thành tuy có trình độ cao song vẫn bị rớt vì không chú ý đổi mới, an tâm với lối cũ. Còn lớp trẻ tuy một số đã có tên tuổi song phát huy lại không bình thường trong triển lãm lần này thì tiếng tăm vốn có cũng không cứu nổi. Điểm yếu của thư pháp hiện đại là phong độ và khí phách bạc nhược, có người quan niệm thư pháp chỉ là viết chữ, kỹ xảo là duy nhất, vì thế cá lẫn lộn với rồng, không ít người chưa nắm vững mấy về nghệ thuật thư pháp cũng tự xưng hoặc bốc thơm nhau là thư pháp gia. Đó là do phê bình thư pháp không thường xuyên.

 

--------------------

(*) Tìm trên Google, gõ bốn chữ han shi shi tie thì thấy tranh .

Phạm Tú Châu