Có một nguồn ánh sáng dịu dàng trong thơ Thanh Quế. Không chói lọi rực rỡ, đây là nguồn trong của tình thương, của điều thiện. Nguồn trong ấy, lọc ra ngay từ khói lửa chiến trường, từ những số phận khắc nghiệt trong và sau khi ngừng bom đạn. Nơi nguồn sáng trong dịu kia ta thầm nghe nhiều nỗi nghẹn ngào. Chỉ thi sĩ mới dai dẳng nỗi đau lâu đến thế. Bởi đến tận năm 1997, Thanh Quế vẫn dõi theo trong tiềm thức:
… Vậy mà ngày ngày mẹ vẫn hằng chờ đợi Một tiếng gọi “Mẹ ơi” và chân anh bước vội lên thềm… |
Người liệt sĩ con của mẹ có bao giờ bằng xương bằng thịt hiện lên như thế? Cũng trong năm 1997 ấy, trái tim nhà thơ còn day dứt với một mảnh đời:
Anh ấy ra đi Khi tôi mười tám tuổi Mới cưới tôi hai ngày Anh ấy đi mãi mãi Úp mặt xuống cánh đồng Nhặt lên từng hạt thóc nuôi cha mẹ Đêm về nằm một mình Úp mặt lên hai cánh tay cô độc Hai cánh tay chẳng bao giờ được bế bồng con trẻ Sao ngày ấy ra đi anh không để lại một đứa con? |
Chỉ có nhà thơ mới nghe rõ trong thăm thẳm đêm những tiếng không bao giờ nói lên đó của người vợ góa. Tới đây, ta nhận rõ một nét bút pháp Thanh Quế. Giản dị đến trần trụi, như sự thật. Nỗi đau là một sự thật. Không thể làm “văn chương” trên nỗi đau. Và hãy ngắn lại, hãy chính xác như dao cứa mỗi câu mỗi chữ. Một sự tự nhiên dày công giữa cái chứa đựng và hình thức chứa đựng. Thanh Quế đi theo bút pháp này từ dạo trẻ. Năm 1973, tại chiến trường, anh đã có một áng thơ vững chắc, bài Thăm chồng. Tôi cứ “bị” thích mãi cái tiết tấu quyến luyến được hai lần lặp lại một cách đầy nghệ thuật:
Chị cán bộ xã Hòa Định Đông Lặn lội trèo non đi thăm chồng. |
Từng chi tiết thơ đều “ăn chết” tuần tự ở các vị trí hai mươi hai câu thơ. Một mảnh sống chiến tranh nhân dân tươi rói rất Việt Nam, rất miền Trung.
Bên cạnh chiến tranh vẫn cứ ám ảnh, Thanh Quế còn viết về quê nhà, về ba má, về tình yêu, về vợ con, về những vùng đất thân thương dù xa ngắt… Anh viết về những gì thân yêu với anh và cả những gì chống lại lý tưởng cái Đẹp của anh: Những thói bạc bẽo, cơ hội, sự vô cảm, những nghịch lý sờ sờ mà lương năng một nghệ sĩ không thể bỏ qua.
Với những thi liệu thuận chiều yêu thương, dù hay nghiêng về mặt khắc khổ, thiếu hụt đau đớn, với bút pháp chân mộc, Thanh Quế đã gặt hái được cảm tình người đọc:
Làng Phú Thạnh nơi anh sinh ra Dăm gốc bàng một cây đa nhiều đụn cát Đất khô khốc, bông mọc trên sỏi đá Những ngôi nhà mái rạ gió xô… |
Vì đó là quê hương, nên càng thương chớ sao! Nhưng hôm nay, có những thứ, những trò vè, những người ngợm không thể thương được, thì mình làm thơ thế nào đây nhỉ? Không viết luận chiến, tung ra những chùm câu như móc thép có sức cào xé kiểu Maiakôpxki, Thanh Quế vẫn trầm tĩnh, dằn vặt trữ tình:
Suốt ngày tôi cười cợt Trêu đùa thảy mọi người Không lo nghĩ điều chi Nhưng khuôn mặt tí tởn Đó là lớp sóng gợn Trên hồ buồn đời tôi.(Khi người khác) |
Vẫn sòng phẳng tính công dân và vẫn đảm bảo nỗi buồn vĩnh cửu thi sĩ. Anh trình bày nỗi mệt mỏi chính là để cảnh báo cái xấu cái ác đã tới mức lớn thế lực, đã áp đảo chúng ta như những lớp sóng thừa cơ.
Càng ngày Thanh Quế viết càng cô chắt, sự kìm nén càng bình tĩnh, tự nhiên. Anh hiến cho bạn đọc đã lớn tuổi như tôi một bài học hữu ích, thấm thía mà nhẹ nhõm về ứng xử trước tình thế duy nhất của đời một con người, một kẻ cầm bút (Ngày ngắn, Nhà thơ, Hành trang).
Những câu thơ Trước nhà em sông Vu Gia thật đẹp, tràn đầy tình yêu, ân nghĩa, thiên nhiên:
Mải nghe gió thổi trên đồng Giật mình đã đứng bên sông đây mà Đò xưa vẫn đợi ta qua Bóng ai đó cứ nhập nhòa mặt sông… |
đã rời bỏ Thanh Quế cùng với tuổi trẻ từ dạo năm 1974. Bây giờ anh giấu chất thi sĩ sung mãn dàn ra mặt ấy vào đáy sâu ký ức. Thanh Quế chiến đấu cho thơ mình bằng thứ ngôn ngữ ít cách điệu, hay nói thật chính xác là anh cách điệu bằng thứ ngôn ngữ sát sạt đời sống, sâu xa ẩn kín trong vỏ thô tháp - bởi đã làm nghệ thuật thì thể tất phải có cách điệu. Anh đang lao động sáng tạo khó khăn hơn để đạt tới hiệu quả nghệ thuật hiện đại một cách… cổ điển kiểu Thanh Quế.
Mỗi nhà thơ đích thị có một kênh thẩm mỹ riêng. Người đọc đi vào trúng kênh của nhà thơ ấy thì sẽ thu nhận đúng những đóng góp của ông ta. Đừng lấy gu của riêng mình áp đặt lên thơ người khác. Các nhà lý luận vẫn nói rất hữu lý về sự đồng sáng tạo của bạn đọc. Ở kênh thơ Thanh Quế, ta hãy để lòng mình lắng chìm vào sự thầm thì, cùng tác giả lắng sâu vào những nghẹn ngào kín ẩn. Một tiếng thở dài nội tâm không bao giờ cất lên.

Nhà thơ Thanh Quế qua nét vẽ của con trai Phạm Tuy An.
Và tôi cảm ơn Thanh Quế về nguồn sáng trầm dịu, khiêm nhường, trong trẻo nhà thơ đã dâng tặng cho đời.
Người Mẹ Trên bàn thờ là chiếc ảnh của anh Trong tấm bằng Tổ quốc ghi công tên anh chói lọi Vậy mà ngày ngày mẹ vẫn hằng chờ đợi Một tiếng gọi “Mẹ ơi” và chân anh bước vội lên thềm… (6/6/1997) |
Chu Cẩm Phong Dáng gầy cao Nụ cười cởi mở Đầu hơi ngả về sau Anh vừa ba mươi tuổi Chu Cẩm Phong (1) Anh còn trẻ mãi Như buổi sáng tháng Năm năm Bảy mốt Anh đội tung nắp hầm Ném lựu đạn vào quân giặc Bác Cả Tỵ quăng chài Trái chín vườn mẹ Thám Già Vớc nhồi thuốc rê (2) Nóng ruột chờ anh về Sao anh vẫn nằm lại Bên bờ sông Thu Bồn Vì sao thế, anh Phong? |
Người vợ góa Anh ấy ra đi Khi tôi mười tám tuổi Mới cưới tôi hai ngày Anh ấy đi mãi mãi Úp mặt xuống cánh đồng Nhặt lên từng hạt thóc nuôi cha mẹ Đêm về nằm một mình Úp mặt lên hai cánh tay cô độc Hai cánh tay chẳng bao giờ được bế bồng con trẻ Sao ngày ấy ra đi anh không để lại một đứa con? (5/6/1997) |

Mùa thu Hà Nội.
Hà Nội ơi Hàng sấu nào tuổi nhỏ Mình vung đá ném chơi Con đường nào ngày ấy Mình với người song đôi Mùa thu trời xanh lắm Nắng vàng ơi là vàng Áo xanh bên kia phố Gửi mùi hương cốm sang Nơi không xa cách được Mà mình xa cách rồi Trái tim luôn se thắt Hà Nội, Hà Nội ơi! (1994-1995) |
(1) | Nhà văn, tác giả các tập truyện và ký Mặt biển mặt trận, Rét tháng Giêng, Nhật ký chiến tranh. |
(2) | Các nhân vật trong tác phẩm của Chu Cẩm Phong. |