Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát

Trong nổ lực tìm hiểu và so sánh về nhận thức ban đầu của giới sĩ phu Đông Á khi tiếp xúc với văn minh Tây phương vào giữa thế kỷ XIX, chúng tôi đã tìm đọc một số sứ trình nhật ký cùng thơ văn mà các sứ thần Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam ghi lại trong những lần đi công cán sang các nước Tây phương.

Trong chuyến công vụ ra nước ngoài vào năm 1844, mặc dầu Cao Bá Quát (CBQ) chỉ đến vùng Hạ Châu thuộc Đông Nam Á, nhưng những bài thơ do ông sáng tác trong lần “Xuất dương hiệu lực” (1) này có thể xếp vào mảng tư liệu nói trên. Lý do là qua những bài thơ này, người đọc có thể tìm thấy những nét chấm phá nói lên cảm giác kinh ngạc của tác giả đối với nền văn minh cận đại của người Tây phương khi ông đi qua những thuộc địa hay Tô giới của họ trong vùng Hạ Châu.

Trong bài này, dựa trên những tư liệu của Việt Nam và của nước ngoài, chúng tôi sẽ đưa ra một số nhận xét và thông tin nhằm thấy rõ hơn về mục đích phái bộ Việt Nam đi Hạ Châu lần này và ấn tượng về văn minh Tây phương của CBQ.

1. Mục đích của chuyến công du: Trước hết, chúng ta cần khẳng định vị trí của vùng Hạ Châu. Theo nghiên cứu của cố học giả Trần Kinh Hòa (Ch’en Ching-ho), địa danh Hạ Châu tùy theo thời điểm có thể dùng để chỉ những địa điểm khác nhau.

Nói một cách cụ thể, địa danh Hạ Châu nguyên vào đầu thế kỷ XIX dùng để chỉ Penang và Malacca, nhưng sau khi Tân Gia Ba trở thành nhượng địa của Anh và cảng này được khai trương vào năm 1819, cả hai danh xưng Hạ Châu và Tân Gia Ba đều được sử dụng nhằm chỉ tân cảng Singapore mà còn để gọi cả Penang và Malacca – tức là các thuộc địa trên eo biển Malacca mà tiếng Anh gọi chung là Straits Settlements (2).

Nhằm hiểu rõ mục đích của phái bộ cùng phản ứng của CBQ khi mục kích những biểu tượng của nền văn minh hiện đại Tây phương, chúng ta cần để ý đến thời điểm phái bộ được gởi đi Hạ Châu lần này: Đây là một trong các phái bộ đầu tiên do triều đình nhà Nguyễn gửi sang Hạ Châu ngay sau khi Thanh triều vì bị thất trận nặng nề trong chiến tranh Nha phiến (1839-1842) nên phải nuốt nhục kí kết điều ước Nam Kinh (1842) với nước Anh. Điều ước này mở đầu cho một loạt điều ước bất bình đẳng Trung Quốc phải kí kết với các cường liệt khác.

Trên thực tế, theo điều ước Nam Kinh, Trung Quốc phải cắt nhường Hương Cảng cho Anh trong 150 năm, mở 5 cảng Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải cho người Anh đến buôn bán và cư trú, đồng thời phải bồi thường cho nước Anh 21 triệu đồng bạc Mễ Tây Cơ.

Đối với các nước có quan hệ triều cống với Trung Quốc như Việt Nam hay Triều Tiên, điều ước này còn mang một ý nghĩa quan trong khác: vị trí “Thiên triều” của Trung Quốc ở Đông Á không còn như trước. Theo chứng từ của người Anh đến Việt Nam vài năm sau đó, “Từ khi chiến tranh Nha phiến bùng nổ, Trung Quốc đã có thái độ mềm mỏng và hòa hoãn (reconciliatory) đối với Việt Nam và thậm chí đã miễn việc triều cống,… điều ước Nam Kinh đã mang lại lợi ích cho vua nước An Nam, vì sau đó mậu dịch không còn giới hạn ở Quảng Đông và Hạ Môn như trước, mà có thể khuếch đại sang 3 cảng mới được mở thêm do điều ước Nam Kinh” (3).

Phái bộ đi Hạ Châu năm 1844 có mục đích gì? Nhằm trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần thu thập một số thông tin cơ bản. Người dẫn đầu phái bộ (chánh biện) là Đào Trí Phú (nguyên Tả tham tri bộ Hộ); phó biện là Trần Tú Dĩnh (Viên ngoại lang Nội bộ phủ), quan viên tháp tùng còn có thừa biện Lê Bá Đĩnh, tư vụ Nguyễn Văn Bàn và Nguyễn Công Dao, thị vệ Trần Văn Quý, cùng hai người đi “hiệu lực” là CBQ và Hà Văn Trung. Phái bộ đi trên tàu Phấn Bằng – một loại tàu buồm giăng ngang (square-rigged ship) mà triều đình Huế dùng làm tàu buôn lúc bấy giờ (4)- khởi hành vào tháng 1/ 1844 và về lại vào tháng 7 năm đó.

Đại Nam thực lục (sẽ ghi tắt là Thực lục) cho biết là “trước kia, dưới triều Minh Mệnh [chắc hẳn là chuyến đi vào tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 21, tức 1840]”, Trí Phú đã được phái đi mua tàu hơi nước, đó là các tàu Yên Phi, Vụ Phi và Hương Phi, v.v… Nhưng những tàu này chỉ thuộc loại cỡ nhỏ. Trong cùng mục tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Thực lục cho biết: “Đào Trí Phú về lại từ Tây dương, mua một chiếc tàu hơi nước trị giá hơn 28 vạn quan tiền… Tàu mua lần này là loại tàu lớn, mang tên là Điện Phi hỏa cơ đại thuyền” (5).

Điện Phi là “tên do vua Thiệu Trị đặt”, bởi lẽ tàu “chạy nhanh như bay”, còn “hỏa cơ đại thuyền” nói nôm na là tàu hơi nước (steamer) cỡ lớn. Sau đó, Thực lục đã dành đến vài trang nhằm miêu tả tàu Điện Phi, trong đó có đoạn nói về tốc độ kinh dị của chiếc tàu này như sau: “Từ cửa biển Cần Giờ tỉnh Gia Định ra kinh [Thuận Hóa] lệ thường đi hỏa tốc bằng ngựa mất 4 ngày 6 giờ 5 khắc, tàu Điện Phi chạy chỉ cần 3 ngày 6 giờ, tức là nhanh hơn ngựa phóng nước đại trên đất liền đến 1 ngày 5 khắc” (6).

Phải chăng một trong những mục tiêu chính của phái bộ đi Hạ Châu năm 1844 là để mua chiếc tàu chạy bằng hơi nước cỡ lớn này?

Có lẽ đúng thế. Mặc dầu Thực lục chỉ cho biết một cách tổng quát là “trước đây Trí Phú đã được phái đi Giang-Lưu-Ba, làm việc phần nhiều chưa xong, cho nên lại sai đi”. Chúng ta biết rằng trước đó, Trí Phú đã được phái đi vào năm 1840, và công việc “phần nhiều chưa xong (đa vị thanh)” trong chuyến đi đó chắc hẳn hàm ý việc mua chiếc tàu lớn chạy bằng hơi nước mà sau này được mang tên là Điện Phi.

Cần nói thêm là chuyến công cán mà CBQ tháp tùng chỉ đi trong vòng 7 tháng và câu “ Đào Trí Phú về lại từ Tây dương, mua một chiếc tàu chạy bằng hơi nước trị giá hơn 28 vạn quan tiền” trong Thực lục khiến người ta có thể hiểu nhầm là chỉ trong thời gian 7 tháng mà Trí Phú đi sang Tây phương và đã mua được tàu Điện Phi mang về. Sự thật thì như ta đã biết là phái bộ này không đi sang Tây phương. Vậy danh từ Tây dương trong Thực lục có nghĩa gì?

Vào nửa đầu thế kỷ XIX, kiến thức địa lý thế giới ở Trung Quốc và Việt Nam hãy còn hết sức hạn chế và tạp nhạp, ngay tờ quan báo do tỉnh Quảng Đông phát hành từ năm 1819 đến năm 1822 còn giải thích Bồ Đào Nha ở cạnh Malacca, mà Pháp và Bồ Đào Nha chỉ là một (7), hay nói một cách khác Pháp nằm kế cận eo biển Malacca! Do đó, “sang Tây dương” trong trường hợp này không nhất thiết là phải sang các nước Âu châu. Vì vô tình nhầm tưởng rằng “sang Tây dương” phải là sang Âu châu, mà nếu đi bằng thuyền buồm thì không thể nào sang Âu châu rồi về lại trong một khoảng thời gian 7 tháng, nên học giả Trần Kinh Hòa đã gợi ý là phải chăng Đào Trí Phú đã đi Giang-lưu-ba (Jakarta) bằng tàu Phấn Bằng, “rồi từ Jakarta đổi sang tàu khác để đi Tây dương (Pháp), và cuối cùng nhận tàu Điện Phi ở Pháp rồi lên tàu đó đi thẳng về Thuận Hóa” (8).

Sự thật thì không phải như vậy, vì như chúng ta đã biết, phái bộ có CBQ tháp tùng đã không sang Âu châu, mà chỉ đi các vùng thuộc địa của người Tây phương dọc theo eo biển Malacca. Nhưng căn cứ vào đâu mà chúng ta đoán định được là tàu Điện Phi đã được mua ở Đông Nam Á? Thông tin sau đây từ các nguồn tư liệu tiếng Anh mà chúng tôi tình cờ tìm thấy đã xác nhận điều đó.

Trước hết, cần nói rằng các nguồn tư liệu tiếng Anh mà chúng tôi đã xem đều nhấn mạnh vào thời điểm Xiêm (Siam) và An Nam là hai nước láng giềng có quan hệ rất xấu (very bag neighbours) (9).

Khi chiến tranh Nha phiến vừa bùng nổ, vì nghe tin đồn là các chiến hạm Anh ở Trung Quốc sẽ tiện đường “ghé viếng thăm [!] nước Xiêm” một khi chiến tranh kết thúc, vua Xiêm lo sợ nên đã đặt mua nhiều súng ống và một chiếc tàu chạy bằng hơi nước qua công ty của ông Robert Hunter lo về việc mậu dịch giữa Bangkok với các nước Âu châu.

Vì các mặt hàng vua Xiêm đặt mua đến chậm, đến lúc sắp sửa giao hàng thì chiến tranh Nha phiến đã kết thúc và nỗi lo sợ của người Xiêm bị vạ lây với Trung Quốc cũng đã nguôi lắng. Bởi thế, vua Xiêm làm khó, không chịu mua chiếc tàu chạy bằng hơi nước theo giá hai bên đã thỏa thuận lúc ban đầu. Hunter do đó mới đề nghị bán cho người An Nam - “địch thủ của người Xiêm”. Kết quả là Hunter bị trục xuất ra khỏi Bangkok, tuy sau đó được phép trở về Xiêm để thu hồi tài sản. “Trong thời gian ở Singapore, ông ta đã hoàn tất thủ tục bán chiếc tàu chạy bằng hơi nước cho người An Nam” (10).

Tóm lại, căn cứ vào thời điểm cùng những chi tiết của chứng từ trên, chúng ta có thể suy luận là: 1) chiếc tàu chạy bằng hơi nước mà thương nhân người Anh Robert Hunter bán cho An Nam chắc hẳn là tàu Điện Phi, 2) quá trình mua bán tàu Điện Phi đã diễn ra ở Singapore chứ không phải ở Âu châu.

Cũng theo các nguồn tài liệu tiếng Anh, mậu dịch giữa Việt Nam với các thuộc địa Anh thuộc vùng Hạ Châu chỉ bắt đầu sau khi tân cảng Singapore trở thành thuộc địa của người Anh (1819). Trước đó hầu như “không có dấu vết gì về mậu dịch giữa Cam-pu-chia và Cochin-China (11) với các thuộc địa Anh ở trên eo biển”. Năm 1821, số thuyền mành (junk) (12) đến Singapore từ hai nước này và Xiêm là 21 chiếc, và 3 năm sau (1824) số thuyền đến Singapore tăng lên thành 70 chiếc mỗi năm (13).

“Mậu dịch với Singapore rất bị hạn chế vào thập niên 1820, bởi lẽ phần lớn những sản phẩm của Cochin-China chỉ thích hợp với thị trường Trung Quốc, và chỉ có giai cấp thượng lưu ở Cochin-China và quân đội của nhà vua mới có nhu cầu về những hàng bông (cotton) và hàng nỉ (woollen) của Anh. Hàng nỉ của Anh dùng may trang phục cho quân đội của nhà vua hầu hết được đặt mua từ Quảng Đông”. Mậu dịch giữa An Nam và Singapore do “thần dân người Hoa trong nước đảm nhiệm”. Báo cáo của toàn quyền Anh ở Singapore, John Crawfurd, về Luân Đôn cho biết là năm 1825 đánh dấu một mốc quan trọng trong việc mậu dịch giữa Cochin-China và Singapore.

Vào năm ấy, “nhà vua [vua Minh Mệnh] gửi hai thuyền mành có trang bị vũ khí cùng quan viên sang Singapore để mua hàng nỉ và hàng thủy tinh”. Sau đó, nhà đương cuộc anh đã “khám phá là những quan viên này đến Singapore có nhiệm vụ nghiên cứu nhằm báo cáo về tình hình trên những thuộc địa của người Âu châu ở eo biển Malacca”. Tuy người ta không biết trong báo cáo đó đã ghi những gì, nhưng sau lần thăm viếng đó, triều đình “triều đình đã dành độc quyền mậu dịch với Singapore” (14).

Ngoài ra, theo báo cáo của Isodore Hedde – một ký giả có đến Việt Nam vào mùa xuân năm 1844, tùy theo thời điểm, những phái bộ đi công cán ở Hạ Châu dưới hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị có mục đích khác nhau. Ví dụ, phái bộ năm 1832 là để “diễn tập đi biển”, năm 1835 nhằm “nắm vững hải trình và tìm hiểu hình thế cùng phong tục”, năm 1840 là để “chọn mua hàng hóa”, năm 1842 là để “diễn tập đi biển và để giải quyết những vấn đề chưa làm xong cho nội vụ phủ” (15).

Hedde cũng cho biết một số chi tiết các mặt hàng xuất nhập giữa Việt Nam với Singapore trong khoảng những năm đầu triều vua Thiệu Trị: mặt hàng bán gồm có lụa chế tạo ở Trung Quốc và Việt Nam, chè xanh (green tea), vải trúc bâu Nam Kinh (nankeens), quế, sừng tê giác, gạo, đường, muối, ngà voi, da trâu, những loại gỗ quý, vàng bạc, và hàng mua về gồm có vải lạc đà và hàng bông thường, có khổ dài để may áo quần cho quân đội, thiếc, nha phiến, súng ống, và một số sản phẩm Ấn Độ.

Vì sao “nha phiến” là mặt hàng cấm nhập khẩu mà lại nằm trong danh sách này? Ai là người đứng sau việc mua hàng đó? Chúng ta không đủ tư liệu để trả lời câu hỏi này một cách thỏa đáng, chỉ biết theo các thông tin tản mạn trong Thực lục thì Phó biện của phái bộ trong lần đi Hạ Châu năm 1844 là Trần Tú Dĩnh về sau bị giáng chức vì tội “buôn lậu” (16), mà “buôn lậu” gì thì không thấy nói rõ và ngay hư thực của vụ án cũng không thấy có sách nào nói đến.

Trong phạm vi của bài này, chúng ta có thể đoán định là ngoài nhiệm vụ diễn tập và mua bán, phái bộ đi Hạ Châu năm 1844 còn có mục đích mua chiếc tàu chạy bằng hơi nước cỡ lớn mà sau này sẽ mang tên là Điện Phi.

2. Ấn tượng về văn minh Tây phương của Cao Bá Quát: Trong chuyến đi “dương trình hiệu lực”, nhiệm vụ CBQ trong phái đoàn là gì? Câu hỏi này từ trước tới nay hình như chưa có ai đưa ra. Theo thiển ý của chúng tôi, phải chăng vì nổi tiếng xuất chúng về văn thơ chữ Hán, CBQ đã được giao phó trách nhiệm tiếp xúc với người Hoa trên thuộc địa Âu châu, bút đàm với họ nhằm tìm hiểu và thu thập thông tin về động tĩnh của người Âu châu trên những vùng mà phái bộ ghé qua? Trong những bài thơ CBQ sáng tác lúc xuất dương thỉnh thoảng có nhắc đến một vài thương nhân người Hoa mà tác giả đã gặp; điều này ít nhiều khẳng định giả thiết nói trên.

Ngoài ra, cần để ý là trong những bài thơ mà Cao Bá Quát sáng tác trong thời kỳ xuất dương, ông có nhắc đến chức vụ của ông là “tham quân” và đã phần nào biểu lộ ý thức trách nhiệm của ông về chức vụ này. Ví dụ, CBQ viết: “Nhật khiết ly cơ tam bách trản/ Bất phòng hoán tác tiểu tham quân” (Mỗi ngày ta có thể uống ba trăm cốc rượu/ Nhưng ta [dừng lại vì] không muốn làm cản trở công việc của một anh tham quân) (17). Hoặc “Phiếm sà mạn tự đàm Trương Sứ/ Quyết nhãn bằng thùy điếu Ngũ Viên” (Bàn tới chuyện Trương Kiện cưỡi bè đi sứ [nhằm tìm hiểu tình hình bên ngoài]/Ai là người làm Ngũ Viên khoét mắt [can vua] (18).

“Tham quân” thông thường là chức vụ của một “văn quan được phái vào doanh quân giúp trưởng đơn vị xây dựng và chiến đấu, hàm chánh Tứ phẩm Văn giai”, hoặc hàm “Tòng Tam phẩm Văn giai” (19). Như vậy CBQ đã tham gia phái bộ với tư cách là một văn quan được biệt phái và chức tham quân trong trường hợp của ông chắc hẳn có mục đích thu thập thông tin như chúng tôi đã trình bày ở trên.

Cuộc hành trình của CBQ kéo dài 7 tháng gồm những chuỗi ngày lênh đênh trên sóng nước, mênh mông biển rộng trời cao. Đọc những bài thơ CBQ sáng tác trong khoảng thời gian này, ta thấy những con tàu chạy bằng hơi nước đã gây ấn tượng mãnh liệt đối với nhà thơ.

a) “Hồng mao hỏa thuyền ca”: Như chúng ta đã biết, một trong những biểu tượng của Cách mạng công nghiệp ở Âu châu vào giữa thế kỷ 18 là sự xuất hiện của đầu máy hơi nước. Đặc biệt, sau khi chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên được thí nghiệm thành công ở Scotland (1802), càng ngày càng có những bước tiến rõ rệt trong ngành hàng hải. Hải trình thiên lý từ Âu châu sang các nước Á châu tưởng chừng như được rút ngắn lại.

Khi các con tàu chạy bằng hơi nước trang bị với những họng súng đại bác đen ngòm xuất hiện trên vùng biển châu Á Thái Bình Dương, chủ quyền của các nước Đông Á bắt đầu bị thách thức bởi làn sóng Tây xâm. Trước những cuộc khói đen, cao ngút trời và tiếng máy tàu nổ liên hồi như muốn át tiếng sóng gầm của biển cả, người trí thức Á đông giật mình trước sự tiến bộ của thế giới bên ngoài và cảm thấy bất an vì tình trạng đình trệ trên đất nước họ.

Năm 1841, tàu Pháp vào vịnh Sơn Trà (Đà Nẵng), đã ngang nhiên cho lính đổ bộ lại còn cho bắn 80 phát súng đại bác thị uy. Rồi 6 năm sau (1847), chiến thuyền Pháp lại vào cửa Hàn, nổ súng uy hiếp. Câu ca dao Quảng Nam sau đây có lẽ đã ra đời vào thuở đó:

Tai nghe súng nổ cái đùng,
Tàu Tây đã tới Vũng Thùng anh ơi!

Cần để ý là CBQ đã xuất dương chính vào lúc chủ quyền lãnh thổ ở Trung Quốc và ở Việt Nam đang bị đe dọa trầm trọng: 2 năm sau khi những chiếc thuyền mành lỗi thời của nhà Thanh không địch lại sức mạnh cơ khí của những chiến hạm chạy bằng hơi nước của người Anh trong chiến tranh Nha phiến và 3 năm sau khi chiến thuyền Pháp lần đầu tiên vào bắn phá ở cửa biển Đà Nẵng.


Tàu buồm cỡ tàu Phấn Bằng (trong thơ Cao Bá Quát).

Trên boong tàu Phấn Bằng, nhìn “con vật khổng lồ quái dị” chạy bằng hơi nước đang rẽ sóng phăng phăng từ xa tiến lại, CBQ đã sáng tác bài “Hồng mao hỏa thuyền ca” (Bài thơ về chiếc tàu chạy bằng hơi nước của người Anh). Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà lời thơ của CBQ trong bài này đượm vẻ khẩn trương, hùng tráng.

Cao yên quán thanh không
Ổng tác bách xích đôi
Yêu kiều thùy thiên long
Cương phong xuy bất khai.

Khói ùn lên tuốt trời xanh,
Đùn lên cao ngút ba trăm thước liền.
Rồng trời sa xuống nghiêng nghiêng,
Mặc cuồng phong thổi con thuyền chẳng sao!

CBQ miêu tả khá chi tiết con tàu kinh dị này: cột tàu cao chót vót, con quay gió đứng im (nguy tường ngật lập, ngũ lạng tĩnh), ở giữa có ống khói phun khói lên cao ngất (tu đồng trung trĩ, phún tác yên thôi ngôi), bên dưới có hai bánh xe xoay chuyển liên hồi đạp sóng dồn (hạ hữu song luân triển chuyển đạp cấp lãng), guồng quay, sóng đánh tung tóe ầm ầm như tiếng sóng rền (luân phiên lãng phá, ẩn kì sinh nộ lôi).

b) Hình ảnh người phụ nữ Tây phương: Trong những bài thơ CBQ làm khi xuất dương, có hai bài thơ nói đến người phụ nữ Tây phương. Trước hết, ta hãy xem bài “Dương phụ hành” (Bài hành (20) “Người phụ nữ Tây phương”):

Tây dương thiếu phụ y như tuyết,
Độc bạn lang kiên tọa thanh nguyệt.
Khước vọng Nam thuyền đăng hỏa minh,
Bả duệ nam nam hướng lang thuyết.
Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì,
Dạ hàn vô ná hải phong xuy.
Phiên thân cánh thiến lang phù khởi,
Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly!

Cô gái phương Tây áo như tuyết,
Ngồi kề vai chồng dưới ánh nguyệt.
Nhìn sang thuyền ta đèn sáng choang,
Níu áo cùng chồng nói rối rít.
Uể oải cốc sữa biếng cầm tay.
Gió bể e chừng đêm lạnh đây!
Nhích lại còn đòi chồng đỡ dậy,
Tình ta ly biệt có ai hay!

Hóa Dân dịch (21)

Mặc dầu tác giả không nói rõ, chúng ta có thể hình dung là con thuyền của phái bộ Việt Nam lúc ấy đang cắm neo cạnh chiếc tàu của người phương Tây. Đêm về, tàu đậu trên bến cảng đã lên đèn, đặc biệt trong thuyền Việt Nam đèn thắp sáng trưng. Nhìn sang tàu bên, nhà thơ CBQ thấy một phụ nữ đang nũng nịu với chồng. Với cặp mắt tinh tế, không thiên kiến, và với ngòi bút điêu luyện, CBQ đã phát họa bằng những nét chấm phá cá tính năng động của một người phụ nữ phương Tây trong quan hệ nam nữ: “tự dựa vai chồng” (độc bằng lang), “níu tay áo chồng nói chuyện ríu ra ríu rít” (bả duệ nam nam hướng lang thuyết), hoặc “nghiêng mình, lại nhờ chồng nâng dậy” (phiên thân cánh thiến lang phù khởi).

Đối với CBQ, những gì hiện ra trước mắt ông hoàn toàn mới lạ bởi lẽ trong xã hội Việt Nam nói riêng hay Đông Á nói chung vào thuở ấy, thông thường người phụ nữ không có những ứng xử tự do đối với chồng như thế. Chắc hẳn cảnh sum họp này đã làm nhà thơ chạnh lòng nhớ gia đình, bởi thế CBQ mới kết thúc bài thơ bằng câu: “đâu biết có một người Việt Nam đang ở trong cảnh xa nhà” (khởi thức Nam nhân hữu biệt ly).

Mười sáu năm sau đó, năm 1860, khi Fukuzawa Yukichi (Phúc-trạch Dụ-cát; 1835-1901) – một trí thức có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình canh tân của Nhật Bản vào thời Minh Trị - tháp tùng phái bộ do chính quyền Tokugawa gửi sang Hoa Kỳ nhằm phê chuẩn điều ước giao thương Nhật – Mỹ, điều khiến Fukuzawa ngạc nhiên nhất cũng là những phong tục tập quá hằng ngày – đặc biệt là những khía cạnh có liên quan đến vấn đề giao tế nam nữ.

Chẳng hạn, khi phái bộ Nhật vừa đến San Francisco, Fukuzawa được mời tham dự một dạ vũ. Trong tự truyện, Fukuzawa thuật lại ấn tượng ban đầu khi thấy người Tây phương khiêu vũ như sau: “Tôi lấy làm lạ vì không biết người ta đang làm gì: các bà, các ông cứ chạy đi, chạy về miết trên sàn! Tôi phải ráng nín cười vì sợ thất lễ. Hoặc giả một hôm Fukuzawa cùng những người trong đoàn được mời đến ăn cơm tối với một gia đình người Mỹ gốc Hà Lan, “khi bữa ăn thịnh soạn sắp sửa được bày dọn trên bàn, điều tôi [Fukuzawa] thấy kì lạ nhất là bà chủ nhà vẫn ngồi trên ghế trò chuyện tỉnh bơ với khách, trong khi ông chủ nhà thì xăng xít điều động người giúp việc dọn thức ăn ra cho khách. Điều này thật hoàn toàn trái ngược với phong tục tập quán ở Nhật Bản” (22).

Trong tự truyện của Fukuzawa Yukichi, các mẩu chuyện nho nhỏ về quan hệ nam nữ trong việc giao tế hàng ngày ở Hoa Kỳ được xếp trong phần mang tiểu đề là “Nữ trọng nam khinh” (trọng nữ khinh nam) – một tiêu đề khá ấn tượng nhằm nói lên sự khác biệt với khuynh hướng “Nam trọng nữ khinh” (trọng nam khinh nữ) trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ.

Hai năm sau (1862), khi Fukuzawa có dịp thăm viếng Âu châu, điều khiến người trí thức samurai (võ sĩ) này ngạc nhiên cũng là những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của người phụ nữ, chẳng hạn như ở Pháp có nhiều trường học co nữ sinh, số nữ sinh cao, và chế độ ưu đãi về lương bổng cho các nữ giáo viên.

So với Fukuzawa Yukichi, mặc dù những nhận xét về người phụ nữ Tây phương của CBQ chỉ giới hạn trong lĩnh vực cá nhân và chỉ được diễn tả qua những nét chấm phá đơn sơ của một bài thơ, nhưng không phải vì thế mà không đáng được chú ý. Lý do là:

1) Dù chưa đi các nước Âu Mỹ và chỉ có dịp quan sát con người Tây phương qua thuộc địa của họ vùng Hạ Châu, CBQ đã tỏ ra tinh tế và nhạy cảm; 2) trong mảng thơ văn đi sứ hay đi công cán ở nước ngoài của các sứ thần Việt Nam vào thế kỷ XIX, bài thơ của CBQ về người phụ nữ Tây phương là một trường hợp rất hiếm và có ý nghĩa bởi lẽ điều này nói lên cá tính phóng khoáng của CBQ – không chịu bó mình trong khuôn phép Nho giáo. Chính những khuôn thước gò bó của Nho giáo đã ngăn chặn các sứ thần Việt Nam hay Trung Quốc khi đi sứ ở Tây phương quan sát hay ghi lại những điều gì có liên hệ đến nếp sống của người phụ nữ nói riêng hay sinh hoạt hằng ngày của dân chúng nói chung, mà phần lớn chỉ để ý đến các hình thức bên ngoài có tính cách lễ nghi.

c) Ý thức đồng văn đồng chủng đối với người Trung Quốc:

Như đã trình bày ở trên, trong chuyến di dương trình hiệu lực CBQ giữ chức “Tham quân” và nhiệm vụ của ông có lẽ là thu thập thông tin về động tĩnh của các nước Tây phương ở vùng Hạ Châu.

Khi tiếp xúc với người Hoa, vì ngôn ngữ bất đồng, “bút đàm” (nói chuyện bằng bút” là phương tiện duy nhất để CBQ có thể trò chuyện với người Hoa. Nói cụ thể là cả hai bên đều viết chữ Hán lên giấy để đàm thoại. Cần nói rõ là không riêng gì thế hệ của CBQ, mà mãi về sau – hơn 60 năm sau chuyến đi công cán ở Hạ Châu của CBQ – khi Phan Bội Châu sang Nhật Bản và khởi đầu phong trào Đông Du, bút đàm vẫn là phương tiện để trao đổi ý kiến khi tiếp xúc với người nước ngoài.

Như chính Phan Sào Nam tiên sinh đã thuật lại trong tự truyện: “Trung tuần tháng tư, Nhật-Nga chiến sự đã xong, mới có thuyền Nhật Bản đến Thượng Hải. Chúng tôi có nhờ ông lưu Nhật học sinh người Trung Quốc tên là Triệu Quang Phục người Hồ Nam làm người chỉ đường cho chúng tôi, chung nhau ngồi thuyền Nhật Bản đi Hoành Tân. Đến lúc đó mới phát sinh một việc rất khốn nạn: tiếng Nhật đã không thông mà tiếng Tàu lại ú ớ, nói phô bằng bút, giao thiệp bằng tay, phiền lụy không biết chừng nào! Ngoại giao mà như thế thật đáng xấu hổ!” (23)

Hoàng Liên Phương (Huang Lian fang) là một thương nhân người Hoa ở Singapore mà CBQ chắc hẳn đã tiếp xúc để bang chuyện thời sự nhằn tìm hiểu tình hình. Qua bút đàm, có lẽ CBQ cảm thấy tâm đầu ý hợp với Hoàng, chính vì thế nên một số bài thơ trong tập Hạ châu tạp thi của CBQ có đề cập đến nhân vật này.

Ví dụ, trong bài “Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự, hữu cảm, tẩu bút dữ chi” (Cùng Hoàng Liên Phương bàn chuyện hải ngoại, có điều cảm xúc, viết nhanh tặng ông) đã trích dẫn ở trên, CBQ bày tỏ niềm vui mừng được gặp Hoàng là người cơ thể san sẻ nỗi lòng: “Khói sóng muôn dặm, ta thấy vẫn là người khách lạ/ Trăng gió ba xuân, nay được gặp ông” (Vạn lý yên ba do tác khách/ Tam xuân phong nguyệt thặng phùng quân).

Trước nạn Tây xâm (CBQ nói bóng là Tây phong), do ý thức “đồng văn đồng chủng” (cùng văn hóa cùng chủng tộc), CBQ xem số phận người Việt Nam và người Trung Quốc không mấy khác nhau – thậm chí gắn liền với nhau. Chính do ý thức đó ông đã viết: “Ta cũng là nhân vật cũ của Trung nguyên/ Ngoảnh đầu hướng gió tây, lệ tuôn lã chã” (Ngã thị Trung Nguyên cựu nhân vật/Tây phong hồi thủ lệ phân phân).

Hoặc giả khi trông thấy người Hoa ở Singapore ngồi xem diễn tuồng một cách vô tư như thể đã quên cái nhục nhà Thanh thua trận trong chiến tranh Nha phiến, trong bài “Dạ quan thanh nhân diễn kịch trường” (Đêm xem người Thanh diễn tuồng), CBQ đã trách họ như thể là trách người cùng nước: “Chuyện Hổ Môn gần đây anh chẳng biết sao?/ Đáng trách ai ngồi nghển mũi ngồi xem!” (Hổ môn cận sự quân tri phủ/ Thán tức hà nhân ủng ty khan).


Tàu chạy bằng hơi nước của Anh trong chiến tranh Nha phiến.

Theo lối nhìn của CBQ, vì ngay chính Trung Quốc cũng phải thất bại đau đớn khi đụng độ với Tây phương, sau chiến tranh Nha phiến (“Tự tùng Hán mã thông Tây khí”) ở Đông Á không còn nước nào có thể ngăn chặn làn sóng Tây xâm hung hãn (“cuồng ba”). Bởi thế nên ông đã viết:

Giang hải thôi di thế mạc hồi,
Y xuyên dã tế sử nhân ai.
(24)
Từ tùng Hán mã thông Tây khí
Thùy chướng cuồng ba vạn lý lai?

Chuyển di sông biển thế ngày nay,
Đền miếu y xuyên ngẫm tủi thay!
Từ độ tàu Tây hơn ngựa Hán,
Sóng cuồng muôn dặm tính sao đây?

Hoặc giả:

Bắc cố yên vân nhãn quyện khan,
Trung nguyên dĩ biến cựu y quan.
Mao đầu nhất khí vô nhân thức,
Dương hóa do thông Bá-lý-đan.

Ngùi trông phương bắc khói mênh mang,
Mũ áo Trung nguyên đã đổi màn.
Cờ mao đâu nhỉ, ai nào biết
Bá-lý-đan nay cũng nhập hàng!

Tuy nhiên, không phải CBQ đã hoàn toàn bi quan trước hiểm họa Tây xâm. Ông tin tưởng là thiên nhiên sẽ có sức kì diệu xua đuổi kẻ xâm lăng. Bởi vậy, CBQ đã kết thúc bài “Hồng mao hỏa thuyền ca” như sau: “Các người chẳng thấy: Khi nước từ vũng Vỹ Lư rót vào tảng đá Ốc Tiêu? Ngọn lửa khủng khiếp sẽ bốc lên đến tận mây xanh/ Khi kim nam châm của la bàn đi biển chỉ hướng đông thì hãy coi chừng/ Thủy triều sớm chiều chả giống như ở biển Tây đâu! (Quân bất kiến: Vỹ Lư chi thủy hối Ốc Tiêu/ Kiếp hỏa trực thượng thanh vân tiêu/ Khai châm Đông khứ thận tự giới/ Bất tỷ Tây minh triêu mộ trào). Dịch thơ:

Ngươi chả thấy: Vỹ Lưu nước chảy
Chạm Ốc Tiêu lửa cháy bừng bừng,
Mây xanh lên thẳng mấy từng,
Về Đông ngươi hãy coi chừng tấm thân,
Ngay như con nước xuống, dâng,
Không như Tây hải, lần chần chuốc nguy!

Về danh từ Vỹ Lưu, thiên “Thu thủy” (thiên nổi tiếng nhất trong sách Trang Tử) có đoạn nói như sau: muôn sông đều chảy ra biển nhưng biển không bao giờ tràn nước; ngược lại, nước biển chảy ra không ngừng qua lỗ thủng ở Vỹ Lưu mà nước biển chẳng có lúc nào cạn. Lời chú của Kê Khang trong bài “Dưỡng sinh luận” còn cho biết rằng khi nước từ Vĩ Lưu chảy dồn đến một tảng đá cực lớn gọi là Ốc Tiêu thì bốc cháy dữ dội, thiêu hủy mọi vật. Ở đây dĩ nhiên CBQ muốn cảnh cáo ý đồ bành trướng sang Đông Á của các nước Tây phương.

Cũng cần nói thêm Kê Khang (25) (223-262 sau CN) là người nước Ngụy thời Tam Quốc, tự là Thúc Dạ, nhân vật được nể vì nhất trong nhóm “Trúc lâm thất hiền”. Tuy làm quan đến chức Trung tán đại phu, Kê Khang chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang, tính tình phóng khoáng, cầm, kỳ, thi, họa nghề gì cũng giỏi. Việc tác giả trích dẫn từ Trang Tử hay các điển cố đượm màu sắc Lão Trang thay vì lấy từ những kinh điển của Nho giáo như Tứ thư, Ngũ Kinh (26) cũng nói lên đôi nét về diện mạo tư tưởng cùng cá tính phóng túng, không muốn ép mình theo khuôn thước Nho giáo của CBQ.

Ý thức cảnh giác của CBQ về sự hiện diện có tính cách dòm ngó của các chiến hạm Tây phương trên vùng biển Đông Á hình như đã ăn sâu vào tâm khảm của nhà thơ sau khi về nước. Trong bài “Thập ngũ nhật đại phong” (Ngày rằm gió lớn) sáng tác sau một đêm nghe tiếng sóng gầm từ cửa biển Thuận An vọng về kinh thành, CBQ ước mơ sẽ có ngọn “gió Đông” của Chu Du ngày trước đuổi sạch chiến hạm Tây phương ra khỏi bờ cõi:

Nhất dạ trường phong hám hải đài,
Thuận An môn ngoại lãng như lôi.
Thiên thu thượng tác Chu Lang
(27) khí,
Yếu đả Hồng Mao
(28) cự hạm hồi!

Đêm qua sóng biển thét gầm vang,
Hải trấn rung mình – cửa Thuận An!
Ngàn thu nộ khí Chu Lang vẫn,
Đuổi bạt tàu Tây chạy ngút ngàn!

*

Trên đây chúng tôi đã tìm hiểu mục đích cụ thể của chuyến đi công vụ ở Hạ Châu năm 1844 mà CBQ là một thành viên. Trong nửa phần sau, chúng tôi đã phát họa đôi nét chính về những cảm nhận ban đầu của CBQ khi tiếp xúc với văn minh Tây phương trong thời gian xuất dương.

Ngoài những điểm mà chúng tôi đã trình bày trên đây, qua những bài thơ CBQ sáng tác lúc xuất dương, chúng ta còn thấy tác giả đã cảm nhận được vấn đề kỳ thị chủng tộc trên các vùng đất thuộc địa của người da trắng. Nói cụ thể, người Tây phương thì “ngồi mát ăn bát dầy” trong khi người dân da màu phải làm quần quật, thể hiện qua cảnh “người da đen đánh xe cho người da trắng” (cá cá ô nhân ngự bạch nhân).

Qua chuyến xuất dương, CBQ bừng tỉnh là trước đây, khi còn ở trong nước tựa như ếch ngồi đáy giếng, nào khác “trông con báo mà chỉ thấy một vằn” (ngu kiến chân thành báo nhất ban) (29). Bởi thế, sau khi về nước, CBQ ý thức thói trọng từ chương, ưa hư văn trong lối học cử tử bất quá chỉ là trò đùa con trẻ: “Tân Gia từ vượt con tàu/ Mới hay vũ trụ một bầu bao la/ Giật mình khi ở xó nhà/ Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi/ Không đi khắp bốn phương trời/ Vùi đầu án sách uổng đời làm trai” (30).

Điều cần để ý là mãi hơn 70 năm sau đó, vào giữa thập niên 1910, sau nhiều năm bôn ba hoạt động ở hải ngoại và bị quân phiệt Trung Hoa bắt giam ở Quảng Đông, Phan Bội Châu cũng đã ghi lại trong Ngục trung thư tâm trạng thất vọng về tình hình giáo dục trong nước nói chung và cho chính bản thân cụ nói riêng: “Tôi từ nhỏ tới lớn, vốn có tư chất thông minh, công phu đèn sách dùi mài cũng không bê trễ, nhưng kết quả chẳng qua chỉ là sự học khoa cử mà thôi… Bà con ta muốn cỡi mây lướt gió không thể nào không mượn con đường khoa cử, dầu ai có muốn chẳng theo thời đi nữa, cũng không có đường học nào khác hơn mà đi. Than ôi! Chổi cùn trong nhà, tự mình xem là của quý, sự ưa thích lâu đời đã thành thói quen thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời trang trói buộc đến nỗi tiêu hao ngày tháng về nghiệp khoa cử gần hết nửa đời người. Đó là vết nhơ rất lớn trong đời tôi vậy” (31).

Tóm lại, qua những bài thơ CBQ sáng tác trong thời kỳ xuất dương và sau khi về nước, ta thấy tác giả không chỉ là một nhà thơ đa tài mà còn là một trí thức mẫn cảm trước thời cuộc. Trên thực tế, CBQ có lẽ là một trong số ít người Việt Nam đã cảm nhận rất sớm – ngay giữa thập niên 1840 – về mối hiểm họa Tây xâm và chế độ khoa cử lỗi thời chỉ dựa trên từ chương và hư văn. Những vấn đề này sẽ tiếp tục là đề tài nóng bỏng đối với đất nước trong suốt hơn một thế kỷ sau đó.

Những nhận thức và nỗi bức xúc trong CBQ dĩ nhiên chưa vượt khỏi phạm vi cảm tính. Nguyên nhân suy yếu của đất nước và con đường canh tân sẽ được Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), một nhân vật có sở học uyên bác mà không bị trói buộc bởi lối học khoa cử, trình bày cụ thể và có mạch lạc qua các bản điều trần của ông gởi cho triều đình trong thập niên 1860. Điều thật đáng tiếc là những lời điều trần đầy tâm huyết của nhà trí thức nhìn xa trông rộng nhất ở Việt Nam vào hậu bán thế kỷ XIX này, vì bị đình thần nghi ngờ và đố kỵ cũng đã không thay đổi được gì vận mệnh của đất nước.

Trong chữ Hán, danh từ “tiến gác” dùng để chỉ người thấy sớm hơn những người cùng thời các sự việc chưa xảy ra. Tiến đoán về tiền đồ u ám của đất nước ngay vào giữa thế kỷ XIX, CBQ đáng được xếp vào trong số những nhà tiên tri tiên giác rất hiếm hoi ở Việt Nam vào thời điểm đó.

Ở Nhật Bản, sau khi bốn chiến hạm của Đề đốc Hoa Kỳ Matthew Perry đến yêu cầu chính quyền Tokugawa bakufu mở cửa giao thương (1853), tình hình chính trị ở Nhật Bản trở nên vô cùng xáo động.

Yoshida Shôin (Cát điền Tùng âm; 1830-1859) là nhà tiên giác (senkakusha) hàng đầu ở Nhật Bản. Sinh bình, Shôin là một chí sĩ thường quan tâm đến hiểm họa Tây xâm. Dưới danh nghĩa phò Thiên hoàng, Shôin hô hào lật đổ chính quyền Tokugawa nhằm đối phó với tình hình khẩn trương lúc đó. Sau khi việc mưu sát sứ giả của chính quyền Tokugawa nhằm đối phó với tình hình khẩn trương lúc đó. Sau khi việc mưu sát sứ giả của chính quyền Tokugawa ở Tokyo mà Shôin có tham gia bị thất bại, ông bị hạ gục và hành quyết năm 1859 – 5 năm sau khi CBQ bị hành quyết ở Mỹ Lương.

Phải chăng sự trùng hợp đầy tính bi kịch giữa hai nhà tiên giác CBQ và Yoshida Shôin chỉ có tính cách ngẫu nhiên?

Đông chí, 2003.


(1)

“Hiệp lực” đây có nghĩa là ráng sức, đặc biệt trong trường hợp này dùng gọi tắt 4 chữ “hiệu lực thục tội” (ráng sức chuộc tội), tương tự như thành ngữ “đái tội lập công” (lập công chuộc tội). Như vậy, “xuất dương hiệu lực” hay “dương trình hiệu lực” có nghĩa là được phái “đi ra nước ngoài nhằm lập công chuộc tội”. Đại Nam liệt truyện ghi về tội án của CBQ như sau: “Đầu năm Thiệu Trị (1841), sung làm sơ khảo ở trường Thừa Thiên, cùng với đồng viện là Phan Nhạ lén đem muội đèn thêm lời lẽ trong văn của sĩ nhân cộng 24 quyển, sau đỗ được 5 tên, sĩ tử bàn luận xôn xao. Viên giám sát trường vụ là Hồ Trọng Tuấn tham hặc, khi bản án dâng lên, kết định tội chết. Vua cho bọn Quát sính ý làm càn, nguyên không có tình tiết gì, gia ơn đổi xử giảo giam đợi lệnh, sau được tha lại khởi dụng”. (Huế: NXB Thuận Hóa, 1993), tập 4 (người dịch: Trương Văn Chinh, Nguyễn Danh Chiên), trang 511.

(2)

Chin Kei-wa [Trần Kinh Hòa], “Genchô shoki no Kashu kômu ni tsuite” (Về những chuyến đi ở Công vụ Hạ Châu vào đầu triều Nguyễn). Sôdai Ajia kenkyu (Tokyo, Sôka Daigaku, vol. 11, March 1990, tr.75-81.

(3)

China: Pictorial, Descriptive and Historical. With Some Account of Ava and the Burmese, Siam and Anam [sic] (Trung Quốc: Tranh ảnh, miêu tả và lịch sử. Có phụ thêm phần nói về Ava, Miến Điện, Xiêm và An Nam) (London: Henry G. Bohn, 1853), tr.305.

(4)

Như trên, tr.306. Theo tư liệu này, triều đình Huế lúc đó có “5 chiếc tàu mới loại này dùng làm tàu buôn, và một hay hai tàu chạy bằng hơi nước”. Tuy nhiên, theo Đại Nam thực lục, ngay trước khi mua tàu Điện Phi, như chúng ta đã thấy ở trên, triều đình Huế đã có 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước.

(5)

Đệ tam kỷ, quyển 40, tờ 19a-22a.

(6)

Như trên. Trong bản dịch quốc ngữ Đại Nam thực lục ở Trịnh Đình Rư và Trần Duy Hân (Hoa Bằng hiệu đính), “đồn Cần Giờ” dịch nhầm là “của biển Cần Thơ” (Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1971, tr.111). Xin thành thật cảm ơn GS Mai Quốc Liên và TS Nguyễn Lê Tiến đã sốt sắng cung cấp cho chúng tôi một số tư liệu tiếng Việt.

(7)

John K. Fairbank, Ediwin O. Reischauer, Albert Craig, East Asia: Tradition & Transformation (Đông Á: Truyền thống và biến dạng) (Boston: Houghton Mifflin Company, 1978), tr.448.

(8)

Chin Kei-wa, bài đã dẫn, tr.71.

(9)

China, tr.306.

(10)

Wong Lin Ken, The Trade of Singapore, 1819-69 (Mậu dịch của Singapore, 1819-69) (Singapore: Printed for the MBRAS by Tien Wah Press Ltd., 1961), tr.142-143. Về thông tin này, Wong Lin Ken đã trích lại từ Straits Settlements Records (SSR), 13 February, 1845 and Enclosures; Robert Hunter to Governor Butterworth of the Settlements, 6 February, 1845.

(11)

Danh xưng này thường xuất hiện trong một số sách báo của người Âu châu vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX nhằm chỉ vùng đất “Miền Trong” dưới quyền kiểm soát của các chúa Nguyễn ngày trước, mặc dầu trên thực tế chính quyền thống nhất của nhà Nguyễn đã bắt đầu từ năm 1802. Sau khi Pháp thôn tính Việt Nam, danh từ Cochin-China dùng để chỉ vùng đất tương ứng với 6 tỉnh ở Nam Kỳ.

(12)

Loại thuyền mành có 3 cột buồm, mặt đáy thuyền bằng phẳng, trước đấy rất thông dụng ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

(13)

Wong Lin Ken, sđd, tr.34.

(14)

Như trên, tr.155-156.

(15)

Vol. XV, tr.113-124. Trích lại từ Wong Lin Ken, sđd, tr.155-156.

(16)

Thực lục cho biết là do Lê Bá Đĩnh tố cáo và Lê cũng là thành viên của phái bộ đi công cán ở vùng Hạ Châu năm 1844. Thông tin nói về việc Phó biện Trần Tú Dĩnh (tức Trần Ngộ Hiên) về sau bị cách chức vì buôn laaun là dựa theo nghiên cứu của Claudine Salmon và Tạ Trọng Hiệp, “L’émissaire vietnamien Cao Bá Quát (1809-1854) et sa prise de conscience dans les ở Contrées méridionales” (“Sứ giả Cao Bá Quát và nhận chức của ông trong lần đi công vụ ở vùng Hạ Châu”), Bulletin de l’École fransaise d’Extrême-Orient, vol. LXXXI, tr.128, chú thích 19.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kiệm đã dịch bài này sang tiếng Việt và bản dịch đăng trên Nghiên cứu lịch sử dưới tiêu đề “Sứ thần Việt Nam Cao Bá Quát và nhận thức của ông qua chuyến đi công cán ở vùng Hạ Châu”, số 5, 1996 và số 1, 1997.

Hai tác giả của bài nghiên cứu này cho rằng những thương nhân Trung Hoa mà CBQ đã gặp trong vùng thuộc địa của người Hà Lan đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành nhận thức chính trị của CBQ – “một nhận thức chính trị mà chắc chắn là ông không thể có nếu ông đã không rời khỏi đất nước ông”.

Tuy không hoàn toàn phủ nhận ý kiến này, chúng tôi cho rằng vì nhiệm vụ của CBQ là tiếp xúc với các thương nhân người Hoa nhằm thu nhập tin tức qua bút đàm, CBQ và phái bộ của ông đã phần nào chủ động trong việc gặp gỡ này chứ không phải do ngẫu nhiên mà ông đã gặp họ và chịu ảnh hưởng.

Ngoài ra, trong bài này chúng tôi cũng cố gắng tìm hiểu rõ hơn dáng vóc tư tưởng của CBQ qua những bài thơ sáng tác lúc xuất dương và mục đích của phái bộ đi Hạ Châu năm 1844 mà CBQ là một thành viên – một đề tài cho đến nay hình như chưa có ai bàn đến.

(17)

Cao Bá Quát, “Hạ Châu tạp thi”, bài C, Cao Chu Thần thi tập, Nguyên bản Hán văn (Gài Gòn: Trung tâm học liệu, 1971), tr.444.

(18)

Trương Kiện (?-144 TCN) thừa mệnh vua Vũ Đế đời tiền Hán đi nước Đại Nguyệt Thị ở Tây vực nhằm dò thám tình hình. Sau cuộc hành trình kéo dài đến mười mấy năm, Trương Kiện mang về cho Trung Quốc nhiều thông tin về tình hình ở Tây vực. Ngũ Viên (?-484 TCN), người nước Sở thời Chiến Quốc, tự là Tử Tư. Cha và anh đều bị vua Sở là Bình Vương giết hại, Tử Tư trốn sang nước Ngô, phò vua Ngô là Hạp Lư đánh Sở trả thù cha, anh ngày trước. Hạp Lư mất, cháu là Phù Sai lên ngôi.

Tử Tư phò Ngô Phù Sai đánh Việt, bắt được vua Việt Câu Tiễn. Vua Việt dùng mỹ nhân kế, dâng nàng Tây Thi, vua Ngô tha cho vua Việt về mặc dù Tử Tư đã hết lòng can ngăn. Ngô Phù Sai lại còn nghe lời gièm pha, ép Tử Tư tự tử. Trước khi chết, Tử Tư yêu cầu sau khi chết thì khoét mắt mình đem treo ở cửa thành để nhìn thấy ngày Câu Tiễn xua quân vào chiếm nước Ngô. Quả nhiên về sau Ngô Phù Sai bị Việt Câu Tiển diệt, đúng như lời tiên đoán của Tử Tư.

Phải chăng CBQ đã dùng điển tích này nhằm tỏ bày nguyện vọng muốn khuyên triều đình về mối hiểm họa Tây xâm trước mắt? Hai câu này trích từ bài “Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự, hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi” (Cùng Hoàng Liên Phương bàn chuyện hải ngoại, có điều cảm xúc, viết nhanh tặng ông).

(19)

Xem Trần Thanh Tâm, Quan chức nhà Nguyễn (Huế, NXB Thuận Hóa, 2000), tr.261-262.

(20)

Một thể thơ của nhạc phủ trong cổ thi. Nhạc phủ là loại thơ làm theo thể cách những khúc nhạc trong nội phủ, tức là cung vua.

(21)

Trong bài này, phần dịch thuật nào không để tên người dịch tức là do người viết tự dịch.

(22)

Fukuzawa Yukichi, Fukuô jiden (Phúc Ông tự truyện; tức Tự truyện của Phúc-trạch Dụ-cát). Tokyo: Keiô Tsushin, 1990), tr.102.

(23)

Tự phán (Huế, NXB Anh Minh, 1956), tr.51.

(24)

Y Xuyên là hiệu của Trình Di (1053-1107), nhà đại nho Bắc Tống. Trình Di quê ở Hà Nam, vùng lưu vực sông Y Xuyên, được người đời kính nể gọi là Y Xuyên tiên sinh. “Dã tế” là tế ngoài trời. Phải chăng tác giả muốn nói là ở Trung Quốc vì nạn Tây xâm nên vật đổi sao dời, miếu đường thờ Y Xuyên bị bỏ bê hoang phế, do đó việc tế lễ cũng phải làm ngoài trời?

(25)

Kê Khang cũng là tác giả của khúc đàn cầm “Quảng Lăng tán” nổi tiếng. Trong đoạn “Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe” của Truyện Kiều, Nguyễn Du có nhắc đến khúc đàn này: “Kê Khang này khúc Quảng Lăng/ Một rằng Lưu thủy hai rằng Hành vân”.

(26)

Tứ thư gồm có Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử; Ngũ kinh gồm có Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Lễ Ký, Xuân ThuhHHinh.

(27)

Tức Chu Du (175-210 sau CN), võ tướng kiêm quân sư của Tôn Quyền nước Ngô vào thời Tam Quốc. Chu mượn gió Đông (Đông phong) đánh bại quân Tào Tháo nước Ngụy trong trận Xích Bích (theo Ngô chí, “Chu Du truyện”). Ở đây CBQ có lẽ muốn dùng điển tích về Chu Du nhằm gợi ý là “Đông phong” sẽ thắng “Tây phong” (Tây xâm).

(28)

Danh từ Hồng Mao vào khoảng giữa thế kỷ XIX thường dùng chỉ nước Anh, nhưng cũng có khi dùng nhằm chỉ Tây phương nói chung như trong trường hợp này.

(29)

Trong bài “Nhị thập nhị nhật đắc long, hý trình đồng châu” (Ngày 22 được gió, đùa cùng người trên thuyền).

(30)

Trích từ bài “Đề sát viện Bùi Công Yên đài Anh ngữ khúc hậu” (Đề sau khúc Yên đài Anh ngữ của quan đô sát Bùi Công [Bùi Ngọc Quỹ]). Lời dịch của Trúc Khê.

(31)

Ngục trung thư (Sài Gòn: NXB Tân Việt, 1950), tr.11-12.

VĨNH SÍNH