Có những câu thơ hay về ý tưởng cho ta quý trọng tư duy nhà thơ (Người ta đôi khi bị giết/ Bằng những bó hoa! - Văn Cao). Có những câu thơ hay về tu từ cho ta yêu mến sự tạo câu độc đáo của nhà thơ (Người đi mỏi phố mùa chưa cúc/ Sắc áo vàng kia nở sớm ư - Hải Từ).
Nhưng có những cái hay của thơ không dễ lý giải. Chúng mơ hồ như khói sương không cầm nắm được, không nhìn rõ được hình thù... Có lẽ phải vận dụng toàn bộ mọi giác quan. Mà không phải sự tiếp nhận tiệm tiến từng giác quan, mà ngay lập tức, ta tiếp nhận một “đòn” tổng hợp làm cho choáng váng, khiếp phục... Rồi sau đó mới ngơ ngác tự hỏi: Câu thơ, bài thơ ấy hay ở chỗ nào nhỉ?
Cảm giác đó xuất hiện khi lần đầu tôi được đọc:
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió, người không thấy về
(Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông)
Đó là tâm trạng nhà thơ nhớ mẹ nay đã thành người thiên cổ. Quang cảnh bãi sông thì vẫn thế, mà đâu rồi dáng mẹ lui hui, tần tảo?
Hoặc:
Có ai nghe thấy một tiếng vọng
Thì thả con thuyền sang với tôi
(Tiếng vọng - Trần Lê Văn)
Tiếng gọi vắng lạnh và thê thiết, không dễ có sự giao cảm ở cõi đời này, nên mới phải gọi vào vô định như vậy!
Rồi:
Đêm nghiêng gió - chập chờn mưa gõ lá
Không có sông
Sao có tiếng gọi đò!
(Tìm em - Phùng Cung)
Phùng Cung sau tai nạn văn chương một chuyến đi dài trở về, người em (có thể là người bạn đời) đã bỏ đi biệt tăm, chỉ còn vách giường thơm lạnh - mùi khăn áo cũ. Một câu thơ buông vu vơ không gắn bó thuận lý vào dòng suy tưởng của bài thơ (nhưng nếu không có nó thì bài thơ đổ sụp) đã động tới cõi sâu, cõi xa trong tâm hồn người đọc.
Không có sông
Sao có tiếng gọi đò!
Chính là có con sông ấy, con sông tâm linh với hai bờ tâm tưởng, kẻ ở hai bờ vẫn ngong ngóng tìm nhau...
Các nhà lý luận về thơ thời xưa coi những câu thơ hay một cách siêu nhiên là thơ thần, thơ quỷ. Dù là thơ thần, thơ quỷ thì cũng do con người làm ra. Chỉ khác, chúng được làm ra trong phút xuất thần, lúc mọi yếu tố tình cảm, tâm hồn đạt đến độ căng nhất, chín nhất.
Lượng đổi thì chất đổi, câu thơ bật ra một cách vô thức như nhà thơ không cần day trở nghĩ ngợi gì nhiều!
Một lần đến thăm nhà thơ Hoàng Trung Thông, nghe tiếng ông rì rầm trên căn gác xép, tôi tưởng ông có khách, nhưng người nhà nói: “Ông cứ lên, ông cháu đang chuyện trò với mấy bức tượng”. Hiện tượng đó có lẽ gần với hiện tượng nhà thơ Hoàng Cầm nghe có tiếng người đọc thơ, và ông ghi lại, chúng trở thành bài thơ hay của ông. Rồi nhà thơ Hàn Mặc Tử với những ảo giác về trăng... Người thì được rượu, á phiện kích thích, sản sinh ảo giác, người thì những cơn đau sượng sần tê điếng cảm ứng với mùa trăng sinh ra bao ảo ảnh! Những trạng thái này dường như khá gần với tâm trạng các nhà thơ Trúc Thông, Trần Lê Văn, Phùng Cung ở trên khi các vị này đã tới tột cùng cảm giác hoài nhớ, cô đơn, hay mất mát...
Ta tạm gọi dạng thơ này là thơ tâm linh. Bản thân nhà thơ khó có dịp gặp lại những trạng thái như vậy! Cái hay khó lý giải của dạng thơ trên như đứng cao hơn cả tài năng và trải nghiệm nghệ thuật!
Có lẽ nàng Thơ được nhân loại yêu mến chính vì Nàng đã từng lúc làm phát lộ được những thăng hoa trong tâm hồn các nhà thơ như vậy!