Thơ Trần Đăng Khoa

Có lần tôi và Trần Đăng Khoa vào một quán ăn Nga. Các cô tiếp viên ăn mặc theo kiểu Nga tươi cười đón Khoa và hỏi: có phải anh là Trần Đăng Khoa không? Trần Đăng Khoa khoái ra mặt. Họ đều thuộc lớp người đã học, đã đọc thơ Trần Đăng Khoa từ bé, trong sách giáo khoa… Hóa ra bây giờ nếu có thi sĩ nào nổi tiếng, thì Trần Đăng Khoa là số một. An hưởng cái danh hiệu “thần đồng thơ”, thơ được dịch, đi đâu người ta cũng biết, cũng nể, cuộc đời của Khoa kể chẳng còn gì để nói nữa! Nhưng…

Những bài thơ Khoa làm lúc 10 tuổi và làm nên sự nghiệp của Khoa, bây giờ đọc lại vẫn thấy hay, thấy giỏi. Hạt gạo làng ta, Mưa, Ò ó o…,… thơ thật già dặn mặc dù vẫn là thơ trẻ con. Nhiều từ hay và độc đáo, mà lại mang dấu ấn của một thời đánh giặc, đạn bom, rất nhuần nhị.

Cái chất thơ riêng có ấy của một cậu học sinh nông thôn, được Xuân Diệu, Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên… thích, đánh giá cao. 10 tuổi thì vẽ, làm thơ… cũng là sự thường, nhưng làm thơ đến cỡ ấy, thì có lẽ chỉ có một Khoa và chỉ còn lại đến hôm nay một Khoa thôi.

Trong thơ Việt, Nguyễn Trung Ngạn 16 tuổi đỗ Hoàng Giáp - làm thơ; Phạm Huy Thông 15 tuổi viết Tiếng địch sông Ô; Chế Lan Viên 16 tuổi viết Điêu tàn…, nhưng họ đều lớn tuổi hơn Khoa…

Sau này, Khoa vẫn làm thơ và nhiều bài điêu luyện, vẫn có một giọng riêng, một sự hấp dẫn riêng (Thơ tình của người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn,…). Thời học ở Mạc Tư Khoa, anh cũng có những bài thơ về nước Nga thấm đẫm hồn Nga - Việt, những bài thơ của một thời không trở lại…

Tôi nể phục Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa, gần Khoa, mới nhận ra anh là một “lão nông tri điền” trong văn học. Anh đọc và đánh giá văn chương tinh, sắc và độc đáo.

Có khi những nhận xét ấy, nhiều người cũng biết, cũng nghĩ, song ngại ngần không nói ra và không có cái “giọng” vừa sắc sảo vừa như đùa cợt của Khoa. Trang văn bình luận văn chương của Trần Đăng Khoa ấm nóng tình đời, tình người, đọc thấy sướng.

Bạn đọc cũng rất tinh, tính đến năm 2000, cuốn sách này đã in 25 lần. Ở trong đời, Khoa cũng là người xét người rất sâu và rất tinh, đưa ra những nhận xét chính xác.

Cái chất “nông dân” quyện với chất “bác học” trong người Khoa rất rõ. Nghe đâu anh có dòng dõi của một Tiến sĩ đời Lê, làm đến Tể tướng! Chuyện “truyền thống”, “dòng dõi” nhiều khi biết để chơi, nhưng cứ nhìn vào người Khoa, nghe Khoa hành xử, nói năng… cũng thấy cái lạ!

Bây giờ thì anh chàng thi sĩ ấy đã mang lấy nghiệp “nhà Đài” làm Giám đốc Truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, anh làm việc tận tụy, ngày đêm… Anh còn ở trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Cho nên: “Sự vụ ngập đầu mà vẫn phải nai lưng. Nhưng có lúc đời hiện lên rực rỡ khác thường. Và cái lớn ta chợt nhận ra qua những điều bé nhỏ” (Maiacốpxki).

Hy vọng là như thế. Nhưng mong Khoa viết Chân dung và đối thoại tập 2 là hơi khó. Thơ thì anh vẫn làm, anh nói anh đang thử nghiệm thơ có vị Thiền, dựa vào Thiền mà chạm vào nhân thế!

Làm gì đã Thiền sớm thế, ông Giám đốc nhà Đài! Chắc công việc căng thẳng, nhiều lúc anh muốn thư giãn đó thôi. Chúc anh tìm ra những vần thơ mới, và lâu lâu dành thời gian cho bình luận văn chương, bạn đọc vẫn đang chờ anh đấy.

MAI QUỐC LIÊN
(19/7/2010)

Đêm Nga

Đêm trắng lạnh, có một người không ngủ
Nhớ quê hương mà chẳng thể trở về
Ngoài cửa sổ cây bạch dương biết thế
Trổ lên trời xanh biếc đóa trăng quê...

1992


Matxcơva - Mùa Đông 1990

Rồi tất cả sẽ qua thôi, em ạ
Mọi sự kiện cũng sẽ qua, như mốt váy ngắn dài
Những trí tuệ thông minh rồi sẽ thành lẩn thẩn
Có vẻ đẹp nào không héo úa, tàn phai?

Thời gian vẫn đi lạnh lùng, khắc nghiệt
Có kiệt tác hôm nay, mai đã bẽ bàng rồi
Bao thần tượng ta tôn thờ cung kính
Mưa nắng bào mòn còn trơ lõi đất thôi

Ở nơi nào kia, chiến tranh đang gầm rú
Những quốc gia nào đang thay ruột đổi ngôi
Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy
Trước những mưu mô toan tính của con người

Trong thế giới đổi thay và tráo trở
Anh yêu em. Ta nào thiết gì đâu
Thôi đừng bận tâm về những gì sẽ tới
Chỉ biết lúc này ta đang ở bên nhau
Ta dạt vào đâu đây, niềm đắm say ngây ngất
Tuyết trắng muốt đầu mùa. Những đỉnh tháp uy nghiêm
Hãy im lặng cho làn môi run rẩy
Nói những điều huyền bí của thiên nhiên
Tất cả sẽ qua đi. Chỉ tình yêu còn lại
Tình yêu giữ cho ta mãi mãi là Người
Nếu thế giới này không còn tình yêu nữa
Thì biết đâu trái đất đã tan rồi...

1990

Gửi Bác Trần Nhuận Minh

Bỏ làng ra thành phố
Hai anh em thợ cày
Thân cũng như hoa cỏ
Hồn gửi vào gió mây

Người bảo bác theo Đỗ (1)
Em phải học Lý (2) thôi
Bác đã bay dưới đất
Em đành đi trên giời

Bác âm thầm chìm nổi
Cùng kiếp người lang thang
Em lông nhông bầu bạn
Với kiến đen chó vàng (3)

Bao nhiêu là giun dế (4)
Đã khiêng vác em lên
Tên tuổi em xủng xoảng
Những mõ ran trống rền...

Bác làm bông lau ngàn
Thả hồn vào hoang vắng
Khi buồn thì hát ca
Lúc vui thì im lặng

Em quẩy bầu trăng gió
Bác gánh bao nỗi người
Sóng đôi mà đơn độc
Đi mang mang trong đời (5)

Giờ thì em đã chán
Những vinh quang hão huyền
Muốn làm làn mây trắng
Bay cho chiều bình yên

Trả niềm vui cho cỏ
Trả nỗi buồn cho cây
Lại áo tơi nón lá
Ta về với luống cày

Đất trời thì chật hẹp
Làng quê thì mênh mông
Thung thăng em với bác
Ta cưỡi thơ ra đồng

1998


Lính thời bình

Đất nước không bóng giặc
Tưởng về gần lại xa
Vẫn gian nan làm bạn
Vẫn gió sương làm nhà

Bãi hoang thành đô thị
Ai đi áo dài bay
Còn ta thì trần trụi
Lấm lem hơn thợ cày

Trước giặc là lính cựu
Sau trâu là tân binh
Cái nghèo và cái dốt
Bày trận giữa thời bình

Em vẫn thầm lộng lẫy
Chờ ta như thuở nào
Lặn lội tìm biết có
Gặp ta trong chiêm bao

Giờ những kẻ thù xưa
Trông mặt đều quen cả
Có gì đâu máu người
Chẳng phải là nước lã

Các cậu đến làm bạn
Thôi thì xả láng chơi
Còn nếu sang làm giặc
Chúng tớ cho chầu giời!

Pháo nằm như mơ ngủ
Núi bay dải mây tình
Ước gì ta mãi mãi
Cứ là lính thời bình...

1998


Hoa lư

Chiều mờ non nước cũ
Bóng kinh thành khói bay
Những vui buồn trận mạc
Còn nhuốm vào cỏ cây

Ngẩng nhìn núi Mã Yên
Mây ngàn năm phủ trắng
Người xưa đang nói gì
Mà đất trời im lặng?

Đường cỏ lơ mơ nắng
Mái tranh chìm chơi vơi
Vài tán cau mộc mạc
Thả hồn quê lên giời

Chợt nhớ Đinh Bộ Lĩnh
Chẳng thấy một nhành lau
Tôi cúi đầu kính cẩn
Vái mấy ngài chăn trâu...

1998


Chiều Riazan

Nhớ Xécgây Êxênhin

Bóng chiều đi êm ru
Trên những tầng tháp cổ
Có gì đang xôn xao
Trong khu vườn lặng gió

Thấp thoáng căn nhà gỗ
Nương hồn nước Nga xưa
Dòng sông trôi mộng mị
Chết đuối trong sương mờ..

Những ồn ào sắt thép
Chìm khuất ở phương nào
Ven hồ thu vàng rực
Cây cỏ nằm chiêm bao

Nước Nga rời thành phố
Về náu mình nơi đây
Để tâm hồn ở lại
Làm một làn khói bay

Chiều như người mộng du
Đi về đâu chẳng biết
Lẽ nào Xécgây còn
Mà nước Nga lại chết...

1992 


(1), (2)

Đỗ Phủ và Lý Bạch - Hai phong cách thơ rất khác nhau ở đời Đường.

(3), (4)

Những nhân vật của thơ Trần Đăng Khoa thuở nhỏ.

(5)

Câu thơ Trần Nhuận Minh.