Vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước, tôi có dịp đi tìm hiểu về văn hóa cổ truyền trong khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tới nhà một cụ, tôi đã ghi lại được bài thơ chữ Hán viết tay trên trang đầu một quyển viết chữ Nôm in trên ván khắc gỗ thời Tự Đức. Cuối bài ghi tên tác giả Dục Tú Trưng Quân.
Dục Tú là tên một làng nổi tiếng văn học trong vùng thuộc huyện Đông Ngàn xưa. Trưng Quân là tên một nhà Nho lừng danh dưới triều Nguyễn: Chu Doãn Trí (1779-1850). Ông là con tiến sĩ Chu Nguyên Mại đỗ năm 1768 thời Lê Cảnh Hưng. Từ thiếu thời ông nổi tiếng về tài văn học, nổi tiếng về văn thơ nhưng ưa sống ẩn dật, không theo đường khoa cử. Tài đức của ông nổi tiếng một vùng. Vua Thiệu Trị tỏ ý mến mộ cho vời ông vào Huế. Ông đã kiếm cớ từ chối, nên có tên là Trưng Quân (người đáng kính được vua vời).

Bản chữ Hán bài thơ của Chu Doãn Trí
Trong tập thơ của Nguyễn Văn Lý, tiến sĩ quê Đông Tác, bạn học cùng trường với Phạm Quý Thích, có một bài thơ nhan đề “Kỷ Dậu xuân, bệnh tại gia, Chu Trưng Quân tương phỏng, dạ túc. Thư tặng” (Xuân Kỷ Dậu (1869) bị bệnh ở nhà, Chu Trưng Quân đến thăm, ngủ lại đêm. Viết tặng).
Bài thơ chữ Hán tôi đã ghi lại được là một bài thơ vịnh Kiều của Chu Doãn Trí, phiên âm như sau:
Lão thiên bất thị đố chu nhan Chỉ vị tình căn khởi trái oan Xuân tín vị thông hương mộng đoạn Tài lang nhất khứ thệ bôi hàn Thanh lâu đáo xứ giai Kim Trọng Hồng phấn tàn thì hựu thổ quan Khả quái tân thanh truyền nhạc phủ Chí kim ca xướng mãi Tràng An |
Dục Tú Trưng Quân
Dịch xuôi:
Chẳng phải trời già ghét người má đỏ Gây nên oan nghiệt gốc rễ ái tình Tin xuân chưa thông suốt, mộng hương thơm đứt quãng Chàng anh tài vừa ra đi, chén thề liền nguội lạnh Chốn lầu xanh, mọi người tới đều là Kim Trọng Son phấn đã tàn, lại bị gán thổ quan Kỳ lạ thay, bản âm thanh mới truyền nhạc phủ Đến nay được ca ngân vang dội khắp Tràng An |
Chú giải:
Câu 1: “Trời già”: Trời coi như có tuổi già từ thủa khai thiên lập địa nên tích lũy được mọi sự hiểu biết. “Má đỏ” cùng với má hồng chỉ sắc đẹp phụ nữ, thường dùng từ “má đỏ” để chỉ nhan sắc vào tuổi thanh xuân.
Câu 3: “Tin xuân”: tin mùa xuân, tin mùa âm dương giao hòa.
Câu 6: “Thổ quan”: chức dịch cấp dưới, thuộc loại sai phái thừa hành ở địa phương.
Câu 7: “Âm thanh mới”: nguyên văn tân thanh, chỉ “Đoạn trường tân thanh”, tên đầu tiên của Truyện Kiều. “Nhạc phủ”: cơ quan phụ trách âm nhạc trong triều đình phong kiến; thơ “truyền nhạc phủ”: thơ giàu âm điệu, được nhạc phủ đánh giá cao và truyền đi.

Tranh vẽ hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân
Dịch thơ:
“Chẳng phải trời già ghen má đỏ Đa tình nên lắm nợ oan khiên Tin xuân chưa tới, tan mơ đẹp Người giỏi vừa đi, lạnh chén nguyền Kim Trọng bao anh lầu bán phấn Thổ quan thêm chú lúc tàn duyên Lạ thay thơ nhạc âm thanh mới Nay rộn Tràng An nhịp quản huyền” |
(Câu 8: “Quản huyền”: sáo và đàn, tạm dùng để dịch (hát và ngâm) thường được thực hiện theo nhịp của hai nhạc khí trên).
Hai câu cuối cho thấy sự chào đón nồng nhiệt của kinh thành Tràng An đối với tác phẩm của nhà thơ Tiên Điền nhưng lại mở đầu bằng hai chữ “Khả quái” (quái là thay). Tập “Âm thanh mới” với lời thơ thuộc nhóm được truyền trong nhạc phủ đến nay được ngâm nga ca hát rộn khắp đất Tràng An.
Phải chăng tác giả thuộc nhóm các nhà Nho không đồng tình cuộc tình duyên giữa Thúy Kiều và Kim Trọng, coi như phi lễ, “Vị thông môi chước tiên đính tư minh” (chưa thông qua mối manh, đã lén lút thề nguyền)? Dù sao đây cũng là tư liệu hiếm thấy phản ánh không khí náo nhiệt mừng đón tuyệt tác của nhà thơ Tiên Điền trên đất Tràng An.
Thư viện Viện Nghiên cứu Hán - Nôm hiện nay còn lưu 5 tập thơ Chu Tạ Hiên (Tạ Hiên là hiệu của Chu Doãn Trí) gồm sáng tác nhiều thể loại, đề tài phong phú. Người viết bài này rất tiếc không có điều kiện tra cứu xem bài thơ vịnh Kiều này có trong những tập thơ đó không.