Những phút lãng mạn
Năm Thanh Nga 24 tuổi (1966), trong một dịp đến bàn chuyện tuồng tích với bà bầu Thơ tại nhà riêng ở số 240 ter đường Trần Hưng Đạo, bất ngờ soạn giả Hà Triều được nghe bà kể những dư luận đồn đãi về Thanh Nga từ những năm sau này khi có nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội Sài Gòn và các doanh thương, công kỹ nghệ gia giàu sụ… lui tới thăm đoàn - Hà Triều, có tin lời thím không? Thanh Nga bề ngoài có vẻ như “vui vẻ” với bao nhiêu người lui tới cầu thân… nhưng thím nói thật với Hà Triều, Thanh Nga cho tới giờ phút này vẫn là đứa con gái trong trắng chứ không phải như bao nhiêu kẻ ác mồm, ác khẩu vẽ vời thêu dệt…

Từ trái qua: Tám Vân, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được trong vở Đoạn tuyệt. Soạn giả: Duy Lân
Hà Triều kể lại đã có đôi lần giữa anh và Thanh Nga “đụng độ” như trong một chuyến lưu diễn ở Đà Nẵng. Không biết vì giận hờn ai mà Thanh Nga không chịu ca bài “Lý giao duyên” vô câu đầu trong một buổi tập tuồng do Hà Triều đứng tập. Thấy nhạc sĩ đánh đàn cứ “rao đi rao lại” chờ, mà Thanh Nga không “bắt” lời ca vào, Hà Triều gắt: - Sao không ca… ỷ con bà bầu hả? Thanh Nga khóc ngon lành trong buổi tập sau câu nói của Hà Triều. Vậy mà thay vì phiền hà, bà bầu Thơ lại bộc lộ sự “hài lòng” về chuyện Thanh Nga “nhõng nhẽo” đã bị Hà Triều mắng thẳng tay.
Hà Triều có tài bấm số tử vi, và anh đã được người đẹp nhờ bấm dùm lá số tử vi cho nàng. Lá số tử vi của Thanh Nga đã “hiện” lên rõ ràng: Người chồng đầu tiên của nàng là người đã có gia đình. Đắn đo, suy nghĩ mãi rồi Hà Triều vẫn phải báo tin cho Thanh Nga biết: - Cung phu em xấu lắm. Hà Triều không dám “giải” tiếp trong khi Thanh Nga vẫn thản nhiên vui vẻ vì tưởng anh chỉ phá chơi. Khi nghe Hà Triều bình tĩnh cho biết lời giải ấy là nghiêm túc, Thanh Nga bàng hoàng ôm mặt và ngã người xuống chiếc ghế đối diện với Hà Triều khóc nức nở, và trong tiếng nấc nghẹn ngào, Thanh Nga nói: - Em có tội tình gì mà định mệnh lại bắt em như vậy…?

Thanh Nga trong Đại hội Sân Khấu năm 1964
Sau này, trong một phút cảm hoài, Hà Triều đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất lãng mạn giữa anh và Thanh Nga: Sau khi được tôi đến… báo hung tin về “vận mệnh” và “cuộc đời tình ái” của nàng đã thể hiện qua lá số tử vi, Thanh Nga chưa có phản ứng gì khác, cô vẫn kín đáo như từ lâu nay đối với tôi trước mặt mọi người. Mãi đến khi tôi nhận được lá thư do người giúp việc của nàng đích thân cầm đến trao tận tay tôi và bảo: - Cô ba gửi cho anh. Cầm lá thư đầu tiên của Thanh Nga gửi cho tôi, tôi ngạc nhiên tự nhủ chuyện riêng tư mà nàng để cho người giúp việc biết, chắc không có gì quan trọng, nên tôi chưa vội xem, mà xếp lại cho vào túi.
Về đến nhà – lúc đó tôi ở chung với vợ chồng Hoa Phượng tại một vi-la thuê ở đường Cô Giang, Q.II (Quận I bây giờ) sau khi vào phòng riêng tôi mới xem thư. Tôi ngạc nhiên đến bần thần cả người vì trong thư chỉ thấy vỏn vẹn có tờ giấy trắng tinh xếp làm tư, không có chữ nào, một chiếc lá khô nho nhỏ được dán vào giữa tờ giấy và bên dưới chiếc lá khô có chữ ký của nàng… Thanh Nga.
“Tờ giấy trắng… và chiếc lá khô” nằm trong bao thư ấy đã nói lên ý nghĩa gì? Thật là một lá thư độc đáo khiến cho tôi nhớ đến “Lá thư bất hủ” của văn hào Pháp Victor Hugo gửi cho nhà xuất bản: chỉ có một dấu chấm hỏi (?).
Thành Được - Mối tình Sân khấu
Trung tướng T.V.Đ., Thiếu tướng Đ.M., Đại tá L.S. (sau lên chuẩn tướng), Thiếu tá Tr. (em vợ đại tướng C.V.V), Đại úy Quân y H.B.T., Đại úy biệt động quân M (em út của đại tướng D.V.M) là những nhân vật võ biền “có tầm cỡ” lần lượt bị cuốn hút vào thế giới ánh đèn màu. Ấy vậy mà với Thanh Nga, kẻ trước người sau… lần lượt “rút lui có trật tự”. Chỉ còn một người “gan lỳ” quyết đeo bám chờ đợi, đó là Đại úy Mẫn.
Song song với các tướng tá nhà binh tìm đến đoàn hát, Thanh Nga còn được nhiều nhân vật tên tuổi giàu sụ trên các lĩnh vực khác đến “cầu thân” như cậu Th. con trai của chủ một tờ báo lớn ở Sài Gòn; cậu B. em của ông chủ hãng đĩa Asia; cậu Ngh. giám đốc của một hãng kem đánh răng lớn nhất ở Sài Gòn; ông N.T.L. chủ hãng xe đò T.T. và cây xăng lớn trên đường Trần Hưng Đạo… Nhưng “nổi cộm” hơn hết trong giới tài phiệt kể trên quyết chiếm cho bằng được trái tim của Thanh Nga chỉ có hai người là: con của ông bà chủ báo và giám đốc của hãng kem đánh răng “Ông Chà Và”.
Cậu Ngh. đã chính thức cầu hôn với Thanh Nga và bà bầu Thơ có ý thuận lòng. Nhưng sau đó các “thám tử” của Thanh Nga báo lại cho nàng biết “cậu Ngh. đã có vợ con đùm đề” khiến cho bà bầu Thơ rất giận và ngỡ ngàng… Nghe được tin trên, cậu Th. càng tấn công vào thành trì con tim của người đẹp.
Lần ký giao kèo đầu tiên về hát đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Thành Được không để ý Thanh Nga, vì bấy giờ Thành Được đã có vợ và Thanh Nga hãy còn nhỏ nên anh xem Thanh Nga như em gái. Sau đó, Thanh Nga đóng nhiều vai đào lớn hát cặp với Thành Được cũng khá “xứng đôi” trong các vở Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Người yêu của Hoàng Thượng…

Phùng Há và Thanh Nga (năm 1959). Ảnh: Huỳnh Công Minh
Nhưng cái giao kèo thứ nhì được tôi (Huỳnh Công Minh) đại diện cho bà bầu Thơ ký với Thành Được trong lần tái ngộ này, Thành Được không quan tâm tới số tiền quá ít so với giá trị của anh lúc bấy giờ, mà chỉ quan tâm đến cái tâm điểm mà anh đang hướng tới, đó là Thanh Nga.

Từ trái qua: Soạn giả Viễn Châu, bà bầu Thơ và Thanh Nga (22 tuổi). Ảnh: Huỳnh Công Minh
Sau khi biết con mình đã có “cảm tình đặc biệt” với Thành Được, bà bầu Thơ có mời soạn giả Lê Khanh đến để hỏi ý kiến: - Chị định gả Thanh Nga cho Thành Được, cậu thấy có được không? Chuyện giữa Thành Được – Út Bạch Lan đã thật sự “đường ai nấy đi chưa?” Lê Khanh thành thực đáp: - Chị hỏi thì em phải nói, chuyện giữa Út Bạch Lan với chú Được, theo em thì… đã tan rã rồi, còn chăng chỉ là trên danh nghĩa ở tờ hôn thú của hai người. Còn chuyện chị gả Thanh Nga cho chú Được, theo em Thanh Nga sẽ… không có hạnh phúc khi lấy Thành Được làm chồng. Giải thích rõ hơn về điều mình vừa nhận định, soạn giả Lê Khanh tiếp: - Thành Được là một người vô tâm, bởi tính khí của Thành Được hay bốc đồng “vui đâu chầu đấy”, không thể là người chồng lý tưởng mà cháu Nga mong đợi.

Thanh Nga năm 16 tuổi, nhận Huy chương vàng đầu tiên (năm 1958). Ảnh: Huỳnh Công Minh
Nghe soạn giả Lê Khanh nói về tâm tánh của chàng rể tương lai của mình, bà bầu Thơ vẫn không bỏ ý định gả Thanh Nga cho Thành Được với hai lý do: Sân khấu đang thiếu một anh kép như Thành Được để hát cặp với Thanh Nga và quan trọng hơn là con gái cưng của bà đã tỏ ra “yêu sâu đậm” Thành Được rồi, khó bề chia lìa được, nên bà nói với Lê Khanh: - Chị có cách kềm giữ nó.
Những năm 1965, 1966, 1967, Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, Ngọc Giàu cùng với các bạn diễn Hoàng Giang, Kim Giác, Minh Điển, Kim Quang đã đưa Đoàn Thanh Minh Thanh Nga lên hàng đầu những đại ban chuyên hát tuồng xã hội. Lúc này tình yêu giữa Thanh Nga và Thành Được đã sâu đậm, ai cũng tưởng hai người có hạnh phúc. Thành Được không còn bay bướm nhưng anh không bỏ tật mê đổi xe hơi và đánh cờ tướng. Mỗi đêm, Thành Được tới rạp rất sớm, không phải để sắm tuồng hay để kiểm soát sân khấu trước giờ trình diễn mà để đánh cờ tướng với anh Năm Ri, quản lý rạp Hưng Đạo lúc bấy giờ.
Thành Được luôn tập tuồng trễ, hát mỗi đêm cũng trễ, lại không chịu học tuồng, chung qui cũng tại mê cờ tướng trong khi Thanh Nga rất nghiêm túc trong nghề nghiệp. Những diễn viên nào có lớp diễn chung với Thanh Nga nhất định không được hát cương, không thể không học tuồng, nếu hát không khớp và không theo đúng kịch bản thì Thanh Nga bực bội, nhiều khi giận phát khóc. Thành Được làm cho Thanh Nga khóc nhiều lần chỉ vì không chú tâm với nghề nghiệp…
Cuộc hôn nhân bất ngờ…
Tôi không nhớ rõ Đại úy Mẫn phụ trách an ninh kho Long Bình gặp Thanh Nga trong dịp nào, nhưng tôi biết đó là người kiên trì nhất theo đuổi Thanh Nga. Thực sự, khi Thanh Nga tuyên bố làm đám cưới với đại úy Mẫn, ai cũng bất ngờ và cứ tưởng là cô chỉ nói lẫy trong lúc đang giận Thành Được.
Tôi còn nhớ đêm đó đoàn diễn vở Sân khấu về khuya của soạn giả Năm Châu ở rạp Hưng Đạo, Thanh Nga đang diễn vai cô đào Giáng Hương và Thành Được vai kép Lĩnh Nam. Đang diễn, cô nhìn xuống khán giả và thấy người tình cũ của Thành Được từ nước ngoài trở về đang ngồi ở ghế thượng hạng mà Thành Được dành mời khách thân hữu của anh. Cùng lúc ấy, cô được biết Thành Được vẫn còn săn đón người phụ nữ này. Cô cảm thấy như bị dối lừa và đau đớn vì chính vở hát cũng có nhân vật thứ ba là Mỹ Tiên, một quý bà giàu có đã lôi kéo Lĩnh Nam rời bỏ Giáng Hương. Sau vở diễn, cô đã rời bỏ Thành Được chính vì nỗi ghen hờn với câu nói đầy uất hận: - Ngày mai trở đi tôi sẽ là… vợ của người khác. Và cô đã làm thật.
Đám cưới của Thanh Nga và Đại úy Mẫn tổ chức tại nhà hàng Đại La Thiên trong Chợ Lớn vào cuối tháng 11 năm 1967. Chỉ có một con đường duy nhất để vào nhà hàng, Đại úy Mẫn đã thuê hơn mười cảnh sát gác trước cửa. Đêm lễ cưới của Thanh Nga, các ký giả kịch trường nổi tiếng từng viết nhiều bài ca ngợi tài sắc cô như Trần Tấn Quốc, Hoài Ngọc, Lê Hiền, Nguyễn An Ca, Phong Vân và hai nghệ sĩ tiền phong là Năm Châu, Phùng Há đều không đến dự. Lễ cưới về hình thức như là buổi tiệc giới thiệu Đại úy Mẫn và Thanh Nga, không có ký hôn thú.
Năm 1968, sau Tết Mậu Thân các đoàn hát đều bị ảnh hưởng lệnh giới nghiêm, hát đêm không được, hát trưa không có khán giả, mà đi lưu diễn các tỉnh cũng không được. Bỗng có tin Đại úy Mẫn bị bắt, bị tù vì lấy đồ trong kho Long Bình bán. Do không có sự trói buộc về tờ hôn thú, không phải vì tình yêu mà thành vợ chồng nên cuộc hôn nhân ngắn ngủi này cũng chấm dứt…
Nhân dịp Tết Kỷ Dậu 1969, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga được ông Phạm Duy Lân, Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin gợi ý xuất ngoại sang Pháp trình diễn cho Việt Kiều xem. Đối với Bộ Thông tin đó là một công tác tranh thủ tình cảm của Việt Kiều ở Pháp, đối với đoàn hát thì đó là lối ra duy nhất để đoàn có doanh thu và cũng để cho dư luận lắng dịu sự đổ vỡ hôn nhân của Thanh Nga và Đại úy Mẫn. Bà bầu Thơ đồng ý. Vậy là ông Phạm Duy Lân thường xuyên đến giúp đỡ cho bà bầu Thơ giải quyết mọi thủ tục đưa đoàn xuất ngoại. Tất nhiên ai cũng biết ông Phạm Duy Lân đặc biệt quan tâm đến Thanh Nga…
Trong chuyến lưu diễn kéo dài 2 tháng từ nhà hát Maubert đến Pleyel, qua Toulouse và đến các tỉnh miền Nam nước Pháp như Lourdes, Valras plage, Thanh Nga được khán giả Việt Nam ở Pháp nhiệt liệt khen ngợi.
Trở về sau chuyến lưu diễn, Thanh Nga chính thức kết hôn với Phạm Duy Lân.
Năm 1972, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga tạm ngưng hoạt động, Thanh Nga đi hát cho Đoàn Việt Nam của bà bầu Thu, vợ của Minh Vương. Sau đó, phần lớn thời gian cô đóng phim hoặc thu truyền hình các tuồng cải lương…
Sau giải phóng 1975, Thanh Nga hạnh phúc được trở lại sân khấu và có lẽ chưa bao giờ cô được sống trọn với nghề như lúc này. Cô toả sáng, uy nghi, xinh đẹp với nhiều nhân vật trong những vở hát mà đến bây giờ, gần 30 năm sau dường như chưa có nghệ sĩ nào thể hiện qua được cô: vai Quỳnh Nga trong Bên cầu dệt lụa, Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga trong Thái hậu Dương Vân Nga…
Nghệ sĩ Thanh Sang cảm nhớ: Thanh Nga diễn vai nào ra vai nấy, những vai giàu sang đài các thì rất sang, rất kiêu kỳ, vào những vai nghèo lại không có chút gì gượng gạo, vẫn bình dị đáng yêu. Cái cách Thanh Nga “nói” mà như diễn, “ca” mà như ru hồn người nghe. Nhiều lúc diễn chung, nghe Thanh Nga nói, nhìn Thanh Nga cười, tôi ngơ ngẩn có khi quên cả tuồng. Đẹp quá… nhân vật tuồng Thanh Nga thủ diễn như vai Trưng Trắc, sao mà oai phong lẫm liệt, đẹp một cách hào hùng. Sau Thanh Nga, tôi chưa thấy có ai diễn được như vậy.
Thanh Nga mất đi, đã để lại một khoảng trống lớn trong làng nghệ thuật cải lương. Và dù đã gần 30 năm qua, hình ảnh Thanh Nga vẫn chưa bao giờ phai mờ trong lòng công chúng…
Bài liên quan: