Hỏi: Ngày còn nhỏ, tôi được cụ thân sinh chép cho tôi bài thơ chê Thúy Kiều. Tôi có hỏi, tác giả là ai, ông cụ trả lời là của Liễu Văn Đường, cháu ngoại Nguyễn Du, bạn thân của Phạm Quý Thích, người dịch Truyện Kiều. Bài thơ có nội dung như sau:
Tài sắc Kiều nghĩ cũng thừa / Hiển vinh không nhớ Đạm Tiên xưa / Đền ơn còn sót ông Trung lão / Báo oán sao quên chú bán tơ / Bạc gió thoi đưa người nữ thiếp / Mại thân há phải mượn cung tờ?/ Kề vai Tôn Hiến cười không hổ / Ôm gối Từ công khóc chẳng dơ / Có khôn chẳng thẹn Kim xưa / Có ngoan chẳng phải mắc lừa Sở khanh / Hiếu cha chẳng phải bán mình / Có trinh chẳng để Giám Sinh mở hàng?
Xin Ban Hỏi - Đáp vui lòng trả lời cho chúng tôi biết, bài thơ này có phải của Liễu Văn Đường không?
(Lê Minh,
Số 280, xóm Trạm Bom Yên Xá,
xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội)
Học giả Nguyễn Quảng Tuân trả lời: Bài thơ này ngụ ý chê Thúy Kiều nhưng chép lại không được đúng hẳn. Vì không tìm được văn bản gốc bằng chữ Nôm và ở các tuyển tập Vịnh Kiều cũng không thấy có bài này, nên chúng tôi đề nghị sửa lại 3 câu trên như sau:
Tài sắc Thúy Kiều nghĩ cũng thừa / … / Đền ơn còn sót ông Chung lão / … / Bạt gió thoi đưa người nữ thiếp / …
Cuối bài thơ Đường luật này có bốn câu lục bát gọi là thổng để nối tiếp những lời chê Thúy Kiều mà bài thơ chưa nói hết: Có khôn chẳng thẹn Kim xưa / Có ngoan chẳng phải mắc lừa Sở Khanh? / Hiếu cha chẳng phải bán mình / Có trinh chẳng để Giám sinh mở hàng?
Trong bài thơ ở câu thứ ba có chữ “Trung” bị viết sai chính tả. Chữ ấy phải viết “Chung” để chỉ ông Chung lão như Nguyễn Du đã viết: Họ Chung có kẻ lại già / Cũng trong nha dịch lại là từ tâm / … / Họ Chung ra sức giúp vì / Lễ tâm đã đặt tụng kỳ cũng xong.
Riêng về hai câu luận chúng tôi nhận thấy phép đối không được chỉnh và chữ “bạt” có thể đã bị viết sai chính tả thành “bạc”; vì “mại” là động từ thì “bạt” cũng phải là động từ. Tiếc rằng, “bạt” là chữ Nôm, mà “mại” lại là chữ Hán.
Về tác giả của bài thơ này thì chúng tôi không biết được là ai vì Liễu Văn Đường chỉ là tên của nhà tàng bản Truyện Kiều. Còn Phạm Quý Thích cũng không phải là dịch giả Truyện Kiều, mà theo truyền thuyết, ông chỉ là người đã đưa in Truyện Kiều của Nguyễn Du thôi.
Bài liên quan: