Cần nhắc lại là Hội nghị San Francisco diễn ra từ ngày 4-8/9/1951 tuyệt đại đa số các nước trên thế giới (47/51 nước) đã bác bỏ việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa và Trường Sa hồi đó do Pháp quản lý, sau đó bàn giao lại cho Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 19/1/1974, lợi dụng Mỹ đang thua ở miền Nam, và sau Thông cáo chung Thượng Hải, biết được ý đồ Mỹ sẽ triệt thoái khỏi Nam Việt Nam, Trung Quốc tiến chiếm Hoàng Sa… Ý đồ của Trung Quốc bá chiếm biển Đông, bá chiếm cả Đông Nam Á là rất rõ, là nhất quán từ sau năm 1949 khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa thành lập. Ngày nay, cho rằng sức mạnh quân sự, kinh tế… đã đủ để đe dọa, để có thể dùng vũ lực thực hiện ý đồ to tát đó, họ đã dùng nhiều hành động từ chính trị, kinh tế, quân sự… để mưu biến biển Đông thành cái ao nhà của họ.
Gần đây, sau các vụ cắt cáp tàu trong lãnh hải Việt Nam, nay họ rao bán 9 lô khai thác dầu nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ra sức quân sự hóa biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi đó là hành động “phi pháp”. Tuy mạnh mẽ, nhưng nói như thế là nói theo ngôn từ ngoại giao, chứ thực chất vấn đề nặng nề hơn. Bởi bất chấp luật pháp Quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 quy định về quyền và chủ quyền biển (mà Trung Quốc là một bên ký kết), Trung Quốc đã tự đặt ra luật cho mình và bắt người khác phải theo, biến “luật biển” thành “luật rừng”. Cho nên, Tổng thống Philippines đã mỉa mai rằng, có ngày Trung Quốc sẽ đòi chủ quyền trên mặt trăng, với lý do là vì có chim di trú Trung Quốc trên đó.
|
Tấm bản đồ lưỡi bò do Lâm Tuân vẽ năm 1947 |
Ngoài ra, họ còn thành lập thành phố Tam Sa thuộc Hải Nam bao chiếm cả Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông (hơn 2,6 triệu km2 gồm đất liền và mặt nước), cho 30 tàu đánh cá đến đánh cá ở Trường Sa… với dụng ý khẳng định chủ quyền.
Điều đáng chú ý là hàng mấy chục năm nay, Trung Quốc ra sức tuyên truyền trong nhân dân, dạy cho học sinh biển Đông là của Trung Quốc, các nước khác xâm phạm chiếm đoạt khai thác “lậu” tài nguyên Trung Quốc, thách thức “sự tôn nghiêm của nước lớn Trung Quốc”, và Việt Nam “vong ân bội nghĩa” (!?). Người dân thường Trung Quốc nghe riết rồi thành quen tai, tưởng thật!
Các tướng lĩnh Trung Quốc, vì nhiều lý do, trong đó có lý do để khẳng định vị thế của quân đội, của cây súng, theo thuyết “chính quyền dựng trên đầu mũi súng” nên ra sức kêu gọi đánh Việt Nam, đánh Philippines, “dạy cho Việt Nam một bài học” nữa! Tuy thế, bên cạnh đó, cũng có những tiếng nói của những trí thức lương tri trung thực, biết sự thật, tuy còn ít ỏi, đã nói lên sự thật là đường chín đoạn là vô nghĩa, Trung Quốc phải tuân thủ Luật biển 1982 mà Trung Quốc đã ký với các nước láng giềng, hòa bình giải quyết các vấn đề thì mới có lợi cho đất nước và nhân dân Trung Quốc.
Các nước ASEAN đang ra sức tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông với Trung Quốc, và việc này được toàn thế giới ủng hộ. Quy tắc đó, trước hết là việc tuân thủ Luật biển 1982, là không được dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, là đảm bảo hòa bình, ổn định trên biển Đông… Bởi biển Đông là con đường huyết mạch không chỉ của Trung Quốc, mà còn là của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" - xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, không bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa: |
|
Trung Quốc không có chứng cứ về mặt lịch sử, lại càng không có chứng cứ về mặt pháp lý. (H.V) |
Chuyến đi ngoại giao “con thoi” của Ngoại trưởng Indonesia đã đem lại kết quả là ASEAN đồng thuận về 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề biển Đông “Tương lai của biển Đông là dự đoán được, quản lý được và đáng lạc quan” (Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono) – Không thể để một mình Trung Quốc với tham vọng và mưu chước của họ làm phức tạp tình hình. Uy tín, danh nghĩa và cả quyền lợi lâu dài của nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa là vô cùng hệ trọng.
Bất kể lợi ích gọi là “cốt lõi” nào, nếu là “tự vẽ ra” đều xâm phạm uy tín đó. Người Trung Hoa, nước Trung Hoa đã nêu lên từ lâu “nhân nghĩa”, nêu lên mệnh đề nổi tiếng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân -己所不欲,勿施於人” (Cái gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác – Khổng Tử).
Đừng để người ta hỏi: “Nhân nghĩa mà lại như thế ư? Xã hội chủ nghĩa mà lại như thế ư?”. Thế giới ngày nay là một thế giới hiện đại, cách hành xử cũng phải hiện đại, không phải như hành xử thời Trung cổ được!