Thời sự và suy ngẫm

Tác Giả: Mai Quốc Liên
Nhà xuất bản: Văn Học
Số trang: 289
Kích thước: 14,5x20,5cm
Hình thức bìa: Bìa cứng
Ngày sản xuất: 5/20/2011 3:53:25 PM
Trọng lượng:
Giá bìa: 99.000VNĐ

Thời sự và suy ngẫm là cuốn sách tổng hợp các bài viết tiêu biểu gần đây của GS-TS Mai Quốc Liên đã được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống.

Đối với tác giả: “Viết thì dễ, chỉ cần 1 tiếng, thậm chí 45 phút”. Nhưng cái lao động quá khứ, cái vốn tích lũy, cái theo dõi cuộc đời… để làm sao cho được 600-700 chữ ấy, coi được, tử tế, được bạn đọc chấp nhận thì phải tốn rất nhiều tâm lực. Thế nhưng khi cầm bút, tự nhiên tâm huyết, tâm tình ập đến, nhất thời quên đi hết, chỉ còn có câu chữ. Nên viết đã gần 10 năm nay mà xem ra vẫn chưa cạn ý. Đó là nhờ công phu theo dõi thời sự, nhờ sống “hiện tiền” với cuộc sống, bên cạnh việc đi về với các cụ Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tố Hữu, Chế Lan Viên… trong nghiên cứu văn học.

Cuốn sách không chỉ là kỷ niệm một phần đời của tác giả, mà còn là tư liệu quý cho những ai quan tâm tới thời cuộc, quan tâm đến quá khứ và hiện tại. Đồng thời là tài liệu học tập cho sinh viên các ngành bào chí, khoa học xã hội…
 

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học trân trọng giới thiệu với bạn đọc một bài viết của GS-TS Mai Quốc Liên trong quyển sách này.

VĂN HÓA CÔNG SỞ - VĂN HÓA CẦM QUYỀN

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Qui chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Đây là một Quyết định hợp lòng dân và hết sức cần thiết, nhất là trong tình hình văn hóa ứng xử xuống cấp như hiện nay.

Trong Quyết định này, có điểm nêu: "Cán bộ, công nhân viên chức phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, phải tỏ thái độ lịch sự, tôn trọng người đến làm việc, không được nói tục, không được sử dụng tiếng lóng, không được quát nạt người đến làm việc..."

Điều qui định này rất quan trọng. Trên giấy tờ, qui ước, ta hay nói cán bộ, viên chức là công bộc (đầy tớ công) của dân, vì dân phục vụ. Nhưng trên thực tế, cả người dân lẫn người có quyền đều quan niệm cán bộ, viên chức là kẻ "có chức quyền", là "người cai trị". Mà đã là kẻ có quyền, họ có quyền hành xử, ứng xử theo kiểu cấp trên thống trị, kiểu "quan lại" của thời xưa... Do đó quát nạt dân, ăn nói không văn hóa, "vô lễ" với dân xảy ra không còn là chuyện lạ. Mặt khác, cán bộ viên chức của ta một phần chưa được giáo dục đúng mức, nhất là chưa bị kiểm tra, xem xét, kỷ luật... về những hành động trên, cho là "việc nhỏ"!

Thực ra, chuyện không nhỏ chút nào. Nó làm thành văn hóa của một chế độ, rộng hơn của một đất nước, một dân tộc. Bản chất văn hóa, văn minh, hiện đại... của một chế độ thể hiện qua ứng xử, lời ăn tiếng nói... của cán bộ có quyền. Trong kháng chiến, tất cả phải dựa vào dân, được dân chăm lo, hy sinh, đùm bọc mới chiến đấu và chiến thắng. Đến khi thắng lợi, cầm quyền, quyền lực dễ làm hư hỏng, tha hóa con người, mà hỏng nhất là coi dân như đối tượng cai trị, đối tượng chịu ơn, như người mình có thể lợi dụng để "xà xẻo". Cho nên trước hết, cần có những qui định càng cụ thể càng tốt để ngăn chặn những tệ đoan trong công sở, trong bộ máy cầm quyền.

Sự thật là những ai, những người dân nào có việc phải đến "cửa công" thì mới biết những nhũng nhiễu, những khuất tất của bộ máy, của một số cán bộ công chức. Điều này rất khó triệt tiêu trong một bộ máy hành chính mà lương còn thấp, luật, qui định lại chưa đầy đủ và nhiều nơi hệ thống chính trị hoạt động hình thức.

Qui định vừa qua còn có những điểm cụ thể hơn như nghiêm cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc, không được lập bàn thơ, thắp hương, không đun nấu trong phòng làm việc. Nghiêm cấm việc thu phí gởi phương tiện giao thông của người đến giao dịch, cấm quảng cáo thương mại tại công sở. Những qui định này là hết sức cần thiết. Và mong sẽ có những qui định thêm về một số nội dung cần thiết khác.

Ở nông thôn, người dân phải chịu chừng vài mươi loại phí, mà đều do chính quyền địa phương đặt ra ("tạp phí"). Tình trạng ức hiếp dân trong đền bù giải tỏa; trong tranh chấp nhà đất... và nhiều việc khác vẫn còn nghiêm trọng. Làm trong sạch bộ máy, phát huy dân chủ từ cơ sở, cải cách hành chính, "văn hóa hóa" cán bộ, viên chức... đó là làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, người tiêu biểu cho lý tưởng vì dân phục vụ, vì dân quên mình, kết tinh văn hóa dân tộc và nhân loại. Quyết định vừa qua của Thủ tướng tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn, mở đường cho văn hóa thực hành của toàn xã hội.

GS-TS Mai Quốc Liên

Sách hiện có bán tại các nhà sách Hà Nội, Minh Khai (TP Hồ Chí Minh), nhà sách Đông Tây (Hà Nội) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Bạn đọc trực tiếp đến Trung tâm mua sách sẽ được giảm giá 20%. Bạn đọc ở xa có nhu cầu đặt mua sách xin vui lòng gọi điện thoại đến Trung tâm, chúng tôi sẽ gửi sách qua đường bưu điện, tính giá bìa.