1. Thế là Trung Quốc đã chính thức hóa việc xác lập các vị trí chủ chốt trong chính quyền theo dự tính của Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc: ông Tập Cận Bình (Tổng bí thư) kiêm Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương; ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng (Tổng lý Quốc vụ viện); ông Trương Đức Giang làm Chủ tịch Quốc hội… Điều này không có gì lạ: Ê kíp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc gồm 7 người trong Thường vụ Trung ương Đảng sẽ chia nhau nắm các chức vụ cao nhất.
Cái mà thế giới quan tâm là ê kíp mới này liệu sẽ có những thay đổi gì trong chính sánh đối nội và đối ngoại? Kinh tế Trung Quốc phát triển liên tục trong hơn 30 năm qua, GDP nhiều năm tăng ở mức hai con số, từ 1.237 tỉ USD năm 2002 lên 7.300 tỉ USD năm 2012, biến Trung Quốc thành cường quốc số 2 về kinh tế, và dường như họ đứng ngoài cuộc khủng hoảng của các nước tư bản hàng đầu thế giới, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Nhưng sự phát triển quá nóng của họ cũng đang chựng lại và đang hứng lấy những hệ lụy khó lường: môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tham nhũng đã đến mức như chính họ thừa nhận ở mức đe dọa sự tồn vong của chế độ, bất bình đẳng xã hội tăng cao (bao gồm bất bình đẳng giữa các tầng lớp nhân dân, bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, giữa miền Đông và miền Tây…), các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, nhất là vấn đề Đài Loan… chỉ tạm hòa hoãn chứ vẫn còn nguyên đó, chưa giải quyết… Xuất khẩu giảm, nên kinh tế bây giờ phải “hướng nội”, lấy thị trường trong nước làm đà cho tăng trưởng…, và buộc lòng phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn hơn 7%. Cái “công xưởng của thế giới” này với nhân công rẻ cũng đang phải đối đầu với những bài toán hóc búa về tăng trưởng, thu nhập, tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng…
Về đối ngoại, nhân lúc Mỹ và châu Âu đang sa lầy trong nợ nần, thất nghiệp, mắc kẹt và rút chạy ra khỏi các cuộc chiến tranh Afghanistan, Iraq, đối đầu với khủng hoảng mới ở Trung Đông, Triều Tiên…, Trung Quốc sẽ có cơ sở củng cố lợi thế của họ và thực hành chính sách ngoại giao nước lớn. Trung Quốc và Mỹ sẽ là những đối thủ chính trên chính trường thế giới. Chính sách quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ là một sự thách thức đối với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ hành động như thế nào? Trung Quốc và Mỹ rất kỵ nhau, tranh giành nhau ảnh hưởng tại nhiều nơi, và mặc dù Mỹ lâm thế yếu từ trong nội bộ, từ kinh tế, nhưng Mỹ vẫn là cường quốc số 1, Trung Quốc chưa dễ gì soán ngôi. Trung Quốc còn phải phát triển và còn phải chờ thời. Chiến lược “Thao quang dưỡng hối” 韜 光 養 晦 (tạm dịch là “náu mình chờ thời”) của Đặng Tiểu Bình vẫn sẽ được tiếp tục, Trung – Mỹ sẽ cùng “thân thiện” và cùng “đấu tranh” để chia nhau lợi ích.
Chiến lược biển (gồm Hoa Đông và biển Đông) sẽ không thay đổi. Đây là lợi ích “cốt lõi”của họ, như họ nói. Một Trung Quốc lớn mạnh không chỉ cần năng lượng dưới đáy biển(1), mà còn cần không gian chiến lược, cần “quyền lợi của Trung Quốc mở rộng ra đến đâu thì biên giới Trung Quốc mở rộng ra đến đó” như có người nói toạc ra. Giấc mộng “phục hưng Trung Quốc” thực ra là giấc mộng thao túng toàn cầu. Vấn đề là giữa ý muốn của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đó của một bộ phận lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là của bộ phận giới quân nhân cực đoan - hiếu chiến của Trung Quốc và các giới khác tỉnh táo hơn, ai sẽ là chủ đạo? Hiện thời, báo chí thế giới nhìn vào ông Tập Cận Bình, đồn đoán ông ta có nhiều quan hệ với giới quân nhân (trước đây ông ta từng là Bí thư riêng của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Tiêu) nên ông ta sẽ cứng rắn hơn. Thực ra quốc sách của một nước chắc không thể chỉ phụ thuộc vào điều đó, mà nó còn phụ thuộc vào hàng loạt lý do khác. Duy chỉ căn cứ vào lời phát biểu của bà Thứ trưởng Ngoại giao Phó Oánh, người phát ngôn của Hội nghị lần này, là Trung Quốc sẽ rất “kiên quyết” trong các vấn đề tranh chấp, thì ta cũng rõ…
Đối với Việt Nam ta, vấn đề biển Đông với Trung Quốc là vấn đề luôn luôn nóng. Cần nói lại rằng đó không phải là vấn đề do Việt Nam gây ra, mà hoàn toàn là vấn đề áp đặt của Trung Quốc. Nó không phải là vấn đề do lịch sử để lại gì hết, như Trung Quốc lớn tiếng “cả vú lấp miệng em”. Thử hỏi với một cái bản đồ tự vẽ theo ý thích của mình từ năm 1947 thời Quốc Dân Đảng(2) để lại, mà cho đó là “vấn đề lịch sử để lại” sao được? Từ mấy trăm năm nay, biển Đông – Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Việt Nam có dư thừa lý lẽ về việc đó. Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa là bất hợp pháp. Trung Quốc muốn chiếm Trường Sa là bất hợp pháp. Trung Quốc muốn triển khai đường lưỡi bò – chiếm đoạt lại càng bất hợp pháp. Đó chỉ là lý lẽ của kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, là tham vọng bá quyền. Việt Nam đòi phải giải quyết các vấn đề này cùng với các nước có liên quan thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển 1982. Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác… là quyền lợi của tất cả các bên, kể cả của Trung Quốc. Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN, cùng Trung Quốc tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, nhằm duy trì hòa bình ổn định, để cùng nhau phát triển.
Trung Quốc triển khai kế hoạch “thành phố Tam Sa”, đưa tàu hải giám vào giám sát, kiểm soát vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam… và tiến hành nhiều hành động gây căng thẳng khác là dấu hiệu của sự “thực thi”, “hành động thể hiện quan điểm (sai trái) của mình”, gây sức ép, gây căng thẳng đối với Việt Nam. Chúng ta kiên trì tình hữu nghị Trung - Việt, mong muốn giải quyết mọi quan hệ giữa hai bên trên tinh thần cùng có lợi… nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ chính nghĩa. Sự tuyên truyền trong nhiều thập kỷ qua về sự “khiêu khích” của Việt Nam đối với Trung Quốc, khiến cho một anh hàng quán ở Bắc Kinh dám treo biển “Nhà hàng không tiếp đãi người Nhật, Philippines, Việt Nam và… chó” là kết quả của sự tuyên truyền kiểu Goebbels ấy. Kích động đầu óc dân tộc cực đoan, đầu óc hận thù dân tộc… một cách trái với đạo lý và lương tâm, thiết nghĩ là điều một nước lớn và có truyền thống văn hóa không bao giờ nên làm.
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác – Khổng Tử). Hành động thì nên tính tới hậu quả lâu dài. Trong một thế giới hiện đại, những tham vọng bá quyền thời vua chúa ngày xưa, há có thể trở thành luật thống trị toàn cầu, dù Trung Quốc có lớn mạnh đến đâu chăng nữa. Chứ chưa nói những toan tính đó có thể một ngày nào đó trở thành “gậy ông đập lưng ông”. Xưa nay trong lịch sử nhân loại, những tham vọng kiểu ấy chưa bao giờ thành hiện thực.
2. Triều Tiên đang rất căng thẳng với Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ… Họ dọa bắn tên lửa vào cả Nhà Trắng và dĩ nhiên là cả vào Hàn Quốc, Nhật Bản. Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hiệp định ngừng bắn ký năm 1953 (đây chưa phải là hiệp ước hòa bình, mới chỉ là ngừng bắn), cắt các đường dây liên lạc nóng giữa hai miền, thử hạt nhân, tăng cường hoạt động quân sự, phớt lờ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an… Dĩ nhiên là Triều Tiên cũng có nhiều lý do để làm như vậy. Trong khi Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc, trực tiếp trợ giúp, tập trận với Hàn Quốc, bảo vệ Hàn Quốc, thì đối với Triều Tiên, Mỹ chỉ đối thoại qua kênh nhiều nước, không đối thoại trực tiếp. Tình hình bán đảo này lúc nóng lúc lạnh (thời chính sách “Ánh Dương” của Tổng thống Kim Đại Trọng). Nay thì căng dữ. Nhưng như nhiều ý kiến nhận định, dù căng nhưng chắc là chiến tranh sẽ không thể xảy ra.
Trung Quốc là nước duy nhất có quan hệ kinh tế - chính trị… nhiều mặt với Triều Tiên, vừa qua cũng bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an lên án Triều Tiên thử hạt nhân. Nếu vạn nhất xảy ra chiến tranh, hay sự biến động ở bán đảo này, thì chỉ dòng người chạy loạn từ Triều Tiên sang Trung Quốc cũng đã là một vấn đề lớn. Dù gì thì gì, Trung Quốc cũng phải duy trì sự ổn định ở Đông Bắc Á, miền đất cốt tử của Trung Quốc. Triều Tiên tuy căng thẳng nhưng không thể phớt lờ quan hệ sinh tử với Trung Quốc, và nhiều nước cứ buộc trách nhiệm cho Trung Quốc trong vấn đề này.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất là lực lượng so sánh. Triều Tiên đông hơn Hàn Quốc về quân số (1,1 triệu quân so với 687.000 của Hàn Quốc), có 4.200 xe tăng so với 2.400 của Hàn Quốc (hiện đại hơn), có tên lửa tầm bắn 3.000km… Nhưng theo các chuyên gia, Triều Tiên phải mất nhiều năm nữa mới có thể tấn công vào Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Họ phải “nghĩ kỹ” vì Hàn Quốc đã cảnh báo Triều Tiên sẽ “biến khỏi trái đất” nếu Triều Tiên tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc còn nói Hàn Quốc có vũ khí bắn chính xác qua cửa sổ phòng Tổng Tư lệnh (Triều Tiên). Mỹ, Hàn, Nhật đều đã có đủ vũ khí hiện đại để đề phòng và chống trả Triều Tiên. Mới đây, Mỹ tuyên bố rút tên lửa từ Romania, Czech về bố trí ở Alaska để đề phòng Triều Tiên…
Căng thẳng nhiều khi như trò ú tim giữa Nhật Bản và Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng là một lò lửa nóng. Nhưng hai nền kinh tế lớn này của thế giới rất cần đến nhau, và Mỹ về nguyên tắc là đứng về phía Nhật (do hiệp ước), nhưng Mỹ cũng sẽ rất tỉnh táo, cân nhắc để “can” hai bên… Cho nên, dù nóng lên, tưởng như đánh nhau đến nơi, nhưng rồi sẽ có động thái hạ nhiệt. Tình hình kinh tế - xã hội, chính trị thế giới trong khoảng 10 năm tới sẽ còn ảm đạm, thì bất cứ một cuộc đối đầu nào, một cuộc đe dọa chiến tranh nào, dù với Iran hay với ai, đều phải được cân nhắc, tính toán kỹ bằng cái đầu lạnh.
--------------------
(1) Theo khảo sát của Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), ở biển Đông có 11 tỉ thùng dầu, 190 nghìn tỉ feet (feet: số nhiều của foot, 1foot = 30,48cm) khối khí. Tuy chưa kiểm chứng, cơ quan này cho rằng ở Trường Sa, đặc biệt ở Cỏ Rong, trữ lượng dầu đặc biệt lớn.
(2) Xem Theo dòng thời sự (Hồn Việt số 61, tháng 8/2012).