Thời sự và suy ngẫm

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn cấp cao Việt Nam (từ ngày 19 đến 21 tháng 6) là một sự kiện chính trị lớn. Cả hai bên đều khẳng định sự mong muốn, sự cần thiết duy trì và phát triển tình hữu nghị láng giềng truyền thống, bảo đảm hòa bình ổn định, phát triển...; củng cố sự tin cậy chính trị lẫn nhau, tăng cường hợp tác kinh tế, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng đàm phán, thi hành DOC, thi hành những thỏa thuận về những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, tìm kiếm những giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận. Việt Nam dĩ nhiên là nhấn mạnh mặt luật pháp quốc tế, Công ước về Luật biển 1982, nhấn mạnh vấn đề bảo vệ, đối xử nhân đạo đối với người đánh cá trên biển Đông; nâng kim ngạch buôn bán hai chiều lên 60 tỉ USD, nhưng có giải pháp giảm nhập siêu cho Việt Nam và hàng loạt thỏa thuận khác…

pic

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tháng 6-2013

Có thể nói, mong muốn sâu xa của nhân dân Việt Nam là sống hòa bình, hữu hảo với nhân dân Trung Quốc, giữ vững và phát triển tình hữu nghị đã có hàng ngàn năm, hàng trăm năm… Có yên lành với người láng giềng hùng mạnh phương bắc, yên mặt bắc mặt đông… thì Việt Nam mới ổn định, phát triển. Mặt khác, tuy đang hùng mạnh, phát triển, Trung Quốc cũng phải đối đầu với thế giới phương Tây, với những vấn đề quốc nội không kém gay gắt… Thế thì hòa hiếu với các nước láng giềng chứ không phải dùng thế nước lớn để bức bách họ là thượng sách, là văn hiến văn minh, là “đối xử khắp chốn bằng đức nhân” như văn minh truyền thống Trung Quốc quan niệm.

Than ôi! “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, huống chi hai nước đã từng coi nhau là anh em, đồng chí! Kinh Thi có câu: “Tích linh tại nguyên, huynh đệ cấp nạn” (Chim tích linh kêu ngoài đồng nội, anh em cứu giúp nhau). Đã là anh em thì cứu giúp nhau, hòa hiếu với nhau, tối lửa tắt đèn có nhau, không tham lợi bỏ nghĩa…, truyền thống nhân văn tự nghìn xưa đó Việt Nam mong mỏi cùng Trung Quốc thực hiện.

Nhìn Chủ tịch nước ta được đón tiếp trọng thị tại Bắc Kinh, cái bắt tay giữa Chủ tịch nước, cuộc hội đàm thẳng thắn, chân tình…, lòng chúng ta rưng rưng nhớ đến thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, mỗi lần Bác đến Trung Quốc dạt dào tình thương mến… mà khắc khoải mong cho mọi việc giữa hai nước được tốt đẹp như thời xa xưa ấy… Không ai hiểu Trung Quốc bằng Bác, và không ai có cách xử sự với Trung Quốc đúng đắn, sâu đằm, kiên nhẫn như Bác. Chúng ta con cháu Bác Hồ, học Bác Hồ, thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, biến thiên nào, chúng ta cũng đi theo con đường của Bác.

Kết quả của việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu (hoặc phê chuẩn) là một kết quả chân thật, hợp lý. Điều quan trọng không phải chỉ là kết quả phiếu bầu. Cái quan trọng là cánh cửa dân chủ – cánh cửa “thực hành dân chủ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã rộng mở. Đây là một chủ trương, một quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua Nghị quyết 4 của Trung ương về chỉnh đốn Đảng. Rồi đây, ở các địa phương, các Hội đồng Nhân dân cũng sẽ tiếp tục việc này ở địa phương, bước đầu thể hiện sự giám sát gián tiếp của nhân dân đối với các quyền lực hành pháp, tư pháp,  lập pháp… Trên con đường còn dài, còn phức tạp, xen kẽ nhau giữa những cái thuận và cái nghịch, từng bước một kiên trì, kiên định… nhất định kết quả tốt đẹp sẽ đến. Để cho chế độ vững vàng, đất nước phồn vinh như ý nguyện của bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh và đang sống… Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thành công, và cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, cuộc chất vấn… quả thực đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống chính trị xã hội.

Kết quả chất vấn các vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng… của Quốc hội kỳ này cũng làm người dân theo dõi (qua truyền hình) hài lòng, thích thú và có những suy ngẫm về hiện tình đất nước. Trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dư luận cho là thẳng thắn, rạch ròi. Cũng phải kể đến sự điều hành và kết luận sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội.

Về tình hình nông nghiệp, có thể nói là rất bộn bề. Nhưng nổi bật lên việc nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất lúa gạo xuất khẩu, đang bị lỗ vốn, đang bị kẹt. Làm thế nào để vực dậy tình hình, ra khỏi khó khăn, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ đã có những biện pháp. Nhưng phải chờ “tái cơ cấu” nền nông nghiệp. Phải chờ một quyết sách đồng bộ từ nhiều bộ, nhiều ngành… Trong khi nông dân chẳng những không được lãi 30% như mong muốn, mà lại lỗ vốn, bị ép giá…

Chúng tôi chỉ lưu ý một điều là: bên cạnh nhiều nguyên nhân cơ bản, thì có nguyên nhân cuộc cách mạng sinh học, cuộc cách mạng về giống, về canh tác… ở nước ta còn ì ạch, mặc dù giới khoa học nông nghiệp đã có nhiều cố gắng và thành tựu. Tham quan một số nước và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan… chúng tôi thấy họ đầu tư cho việc này khá tốt và họ khá mạnh về mặt này. Họ tập trung được các chuyên gia giỏi về nông nghiệp, chăm lo đầy đủ để họ nghiên cứu vượt lên ngang tầm hiện đại của thế giới. Đến Đài Loan từ 1990, chúng tôi chứng kiến những viện khoa học hiện đại, kết quả của một nền giáo dục, một nền khoa học ngang tầm Mỹ - Nhật của họ. Có thể nói họ đã cải tiến rất nhiều loại giống cây của nước ngoài, đem về trồng ở Đài Loan khá tốt. Ấn Độ cũng là một tấm gương. Còn Trung Quốc họ đã đi trước ta ít ra là 30-40 năm rồi, ta phải mua giống tốt hơn của họ…

Tất cả là vì chính sách giáo dục - khoa học của ta cứ lẹt đẹt theo sau, không đào tạo ra nhân tài và cũng không dùng tốt nhân tài. Cái gốc là ở đó. Cả nhân tài quản lý nền nông nghiệp, nền kinh tế - xã hội nữa, ta cũng đang thua kém nhiều nước quanh vùng, thì rốt cuộc bà con nông dân, nhân dân ta chịu thiệt. Nhân nào,  quả ấy, nhỡn tiền! Đã nói muốn “hưng quốc” thì phải “hưng sư”, phải lo giáo dục - khoa học là cái cơ bản, là cái “hạ tầng trí tuệ”, là cái việc “trăm năm” của đất nước. Mà ta từ quản lý, chỉ đạo... đến thực hiện chính sách đều chưa “tới”, chưa “đạt”, còn lúng túng, còn “hiền” quá… Đảng, Chính phủ… vẫn nhận thức Giáo dục - Khoa học là “quốc sách hàng đầu”, nhưng nước nghèo, chậm lụt, không kiên quyết, còn lãng phí nhiều, còn đầu tư dàn trải, không trúng chỗ… nên cứ dẫm chân tại chỗ. Và những người nông dân, dường như ở xa quá những vấn đề trọng đại đó, gánh chịu hậu quả, “lãnh đủ” vậy. Cứ đi, học theo các nước quanh vùng mà làm, kể cả kinh nghiệm Âu – Mỹ tuy xa vời vẫn cần học cần áp dụng.

Đến Văn hóa – Du lịch – Thể thao là vấn đề gần gũi, là “chuyện trong nhà” của Quốc Học – Hồn Việt… thì e rằng trên một trang báo ngắn này không nói hết được “tâm tình - tâm sự”. Sau trả lời của Bộ trưởng trước Quốc hội, các báo đã có nhiều ý kiến, bình luận… chúng tôi không dám rườm lời. Chỉ xin nói thêm là: ngoài du lịch (“công nghiệp không khói”) đang “năm nay tăng trưởng hơn năm trước” nhưng vẫn mới chưa bằng một nửa Thái Lan, Malaysia, ngoài thể thao – cái môn không phải chỉ để lấy danh - thành tích, mà liên quan đến sức khỏe toàn dân… thì văn hóa (ở đây cũng chỉ mới nói theo nghĩa hẹp) cũng là cái cực kỳ quan trọng. Nó mới đích thực là sức mạnh tinh thần của dân tộc, là năng lượng trên đường ta đi tới tương lai. Lo ăn (cái bụng), mặc, ở… đã là khẩn thiết, nhưng lo cho cái đầu, cái tâm, lo cho đạo lý và tinh hoa của người Việt… là điều nghìn năm nay ông cha ta hết sức coi trọng. Thế nhưng, chỉ xin nói một điểm trong chiến lược văn hóa của ta là Điện ảnh thôi, chúng ta đang ở đâu và đang có gì? Điện ảnh là “nghệ thuật quan trọng nhất”, là một nền “công nghiệp điện ảnh” có lãi to đối với Mỹ, Hàn… Phải lấy du lịch, xổ số, các thứ tiền khác, kể cả thuế mà đầu tư cho nó, phát triển nó. Và phải xem nó là “danh dự dân tộc”. Chứ không thể nào cứ đi “ăn vay”, tiêu xài “lương thực tinh thần” của Hán, Hàn (phim Hán phim Hàn xem mệt nghỉ). Rồi trong nền điện ảnh đó cũng như trong nền văn nghệ dân tộc, phải có cái “cảm hứng chủ đạo”, cái “giai điệu chủ đạo”, cụ thể là lòng yêu nước, là lòng trung thành với lịch sử, với xương máu của nhân dân, chứ không thể nhẹ dạ chạy theo người, theo những “mốt” (mode) của một lịch sử, một hoàn cảnh khác ta xa quá, đành rằng phải học cái hay, cái tinh hoa, trước hết là tinh hoa cổ điển của họ… Chỉ đạo vấn đề này phải kiên quyết, kiên định, có đường hướng, không nên ngại là không “đổi mới” để chạy theo người.

Như thế có biết bao chuyện cần làm ở đây, ở điện ảnh, ở âm nhạc, ở văn chương… và ở đó, có vai trò quản lý - chính sách của Nhà nước mà Bộ Văn hóa là người đại diện. Sự lãnh đạo, chỉ đạo… ở đây là hết sức khó khăn, tinh tế và phức tạp, vì đây là lĩnh vực của cái tinh hoa, của lòng người, của tình cảm và nhận thức cá nhân, của sự sáng tạo độc đáo… Nhưng không thể không quan tâm hết mức, trước hết là sự quan tâm của lương tâm dân tộc, trách nhiệm dân tộc và bởi vậy chúng tôi rất tâm đắc với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) về vấn đề này giữa diễn đàn Quốc hội bộn bề việc nước.

Về Luật Đất đai, thì các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu bổ sung những ý kiến rất “sát sườn”, rất thực tế… Chỉ còn lại là vấn đề Ban Soạn thảo tiếp thu và đưa vào Luật như thế nào mà thôi. Chung quy là Luật phải bảo vệ dân, bảo vệ nông dân, chủ chốt là việc đền bù giải tỏa thế nào cho hợp tình hợp lý, cho trong sáng, lương thiện. Như ai cũng biết và cũng đã nói: đã “thu hồi tràn lan”, mà lại tranh cái lợi về phía chủ đầu tư, về phía cầm quyền, còn bỏ mặc cho dân bị ép, bị thiệt, bị oan khốc, khiếu kiện thì lờ đi không thèm giải quyết, thì đó là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng lợi ích của nhân dân và luật pháp. Đáng ra phải xử lý nghiêm minh một số trường hợp tham ô, phạm pháp để làm gương chứ sao lại bỏ qua trong khi tình hình vi phạm trắng trợn mà nghiêm trọng như thế. Luật kỳ này làm sao vừa phải bảo đảm không còn kẽ hở để một số không ít quan chức lợi dụng, vừa phải quy định xử lý hết sức nghiêm những trường hợp lợi dụng tham ô thì lòng dân mới yên vui làm ăn…

Một tin vui: Nhà báo Đặng Minh Phương vừa báo tin: chiến sĩ quốc tế tham gia chiến tranh giải phóng Việt Nam (xem bài của Đặng Minh Phương đăng trên Hồn Việt số 67, tháng 3- 2013) Kostas Sarantidis, người Hy Lạp, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (Quyết định số 934 QĐ/CTN ngày 23-5-2013). Chúng tôi mong đợi Kostas Sarantidis sẽ đến Việt Nam nhận danh hiệu cao quý này và sẽ được nắm chặt bàn tay anh hùng, nhân hậu của anh.

Hồn Việt