Thời sự và suy ngẫm, số 73

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 24-7 đến 26-7-2013 là một cột mốc lớn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Chuyến thăm đầy ắp các sự kiện và được cả thế giới theo dõi, bình luận… Bởi vì sau chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 19-6 đến 21-6-2013, tiếp đó là chuyến thăm Indonesia từ ngày 27-6 đến 28-6-2013 - một nước quan trọng hàng đầu trong ASEAN; Việt Nam đã tỏ rõ chính sách ngoại giao đặc sắc, độc đáo của mình. Nhưng cuối cùng vẫn cần phải đến Hoa Kỳ, nước lớn nhất thế giới, để hoàn chỉnh chính sách đó.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Hoa Kỳ, tháng 7 - 2013

Trong tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Thượng viện, với Bộ trưởng Ngoại giao… và quan trọng nhất là với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên đã nhất trí về quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Điều đó thể hiện rõ trong Tuyên bố chung giữa hai bên, đề cập đến tất cả các phương diện của sự hợp tác đó một cách cụ thể, tỉ mỉ… Nhưng kết quả đạt được còn lớn hơn tất cả những gì đã nói, đã tuyên bố, cam kết… Bởi vì đằng sau đó là những ý nghĩa quan trọng… Tất nhiên, ai cũng hiểu là mỗi nước theo đuổi những lợi ích chiến lược của mình.

Việt Nam, với vị trí trong ASEAN, với vị trí ở châu Á – Thái Bình Dương…, với chính sách kiên quyết, kiên trì, kiên nhẫn của mình, đã tỏ rõ là một bên luôn thiện chí, luôn hợp tác, và mong muốn điều có lợi cho tất cả các bên, chính vì thế mà Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý, Anh, Myanmar, ASEAN, châu Phi, Mỹ La tinh… đều thân thiện, ủng hộ Việt Nam, nhất là trong kinh tế và trong vấn đề biển Đông. Những chuyến thăm tấp nập đến các nước đó của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, cũng như sự đón tiếp trọng thị của họ nói lên sức thu hút của Việt Nam.

Và với Hoa Kỳ, người “bạn mới”, sau khi đã là “cựu thù”, là điều rất có ý nghĩa. Rồi đây thực tế sẽ tỏ rõ tầm ảnh hưởng đó của sự hợp tác. Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP, những cam kết về nông nghiệp, những hợp tác về khoa học, khai thác dầu khí… là những điều sẽ hiện rõ nay mai. Hoa Kỳ qua chuyến thăm Ấn Độ và Singapore của Phó Tổng thống Joe Biden, đang tích cực thúc đẩy COC của ASEAN và Trung Quốc, vì đó cũng là lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ. Còn Trung Quốc,

qua Hội nghị kỷ niệm 10 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc ở Bangkok mới đây, cũng tuyên bố sẽ tiến hành đàm phán COC vào tháng 9. Trong vấn đề biển Đông, giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn những cách biệt, nhiều khi là quá lớn, nhưng chúng ta hy vọng rằng tư duy thực tế sẽ thắng và quan hệ chiến lược giữa hai bên sẽ không vì thế mà bị cản trở.

Mong muốn của Việt Nam, phấn đấu của Việt Nam là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, tất cả các bên đều có lợi. Thiện chí ấy là điều có thể tạo nên “lòng tin chiến lược” như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở Shangri-La, Singapore.

Đối ngoại sẽ làm nảy sinh nội lực, tận dụng thế thuận về đối ngoại để hỗ trợ và tăng cường sức mạnh nội lực là điều ai cũng mong, nhưng rốt cục, ta phải hết lòng khắc phục những yếu kém đã có từ lâu thì mới mong tiến lên được.

Ai cũng thấy rõ là từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các Bộ Ban Ngành đều đã hết sức nỗ lực. Tình hình dần dần lộ rõ những nét khả quan, tuy vẫn còn đó biết bao ngáng trở không dễ vượt qua. Kinh tế năm nay GDP có thể tăng ở mức trên 5%, nhưng trước mắt việc các xí nghiệp phá sản, thua lỗ… đã làm thất thu ngân sách… Chính sách cho vay tiền tạm trữ lúa gạo có phát huy tác dụng là kéo giá lúa lên chút ít, nhưng trên toàn cục, nông nghiệp và nông dân vẫn khó khăn. Chúng ta mong rằng từ nay đến cuối năm, tất cả sẽ còn cố gắng cao hơn nữa để tình hình năm 2014 sẽ rạng sáng.

pic

GS Klitzing, nhà vật lý người Đức đoạt giải Nobel năm 1985 đến Bình Định tham dự sự kiện Tuần lễ khoa học "Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX" ngày 4 - 8 - 2013

Trong khi kinh tế là như thế, thì các vấn đề xã hội vẫn còn có mặt nặng nề. Nhưng đáng lo hơn cả vẫn là vấn đề giáo dục - văn hóa… Đây là lĩnh vực lâu dài, phức tạp, bao gồm quá khứ, hiện tại, tương lai… nên không dễ. Chúng ta quá yếu vì nhân lực. Đài Loan hay Singapore, kể cả Trung Quốc đi sau lạc hậu hơn, vẫn là đi lên từ nhân lực, nguồn lực, nhân tài, kể cả nhân tài lãnh đạo. Ta hiện nay đang thiếu quá, vắng quá, đủ mọi ngành, mọi chỗ, nhìn đâu cũng thấy thiếu “anh hùng dụng võ”. Thế hệ kế nghiệp còn rất yếu, còn chưa được đào tạo kỹ về bản lĩnh, tâm huyết, năng lực, còn chưa được tạo đúng và đủ điều kiện để học và hành, và số khá đông vẫn còn chạy theo những cái trước mắt ngắn ngủi, chưa tỏ rõ tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc. Không thể đổ lỗi cho tất cả họ, còn hoàn cảnh, môi trường… Thế mà việc này muốn làm là cần cả một cuộc cách mạng, từ trên xuống dưới, trước hết động từ trên, khởi từ trên với các chính sách vĩ mô hiệu quả, chính xác; rồi dưới thực hiện quyết liệt, sáng tạo… Nhưng sao chúng tôi thấy vẫn còn chậm trễ, còn im ắng…, chưa biết đến bao giờ?

Phải hành động nhanh, bài bản, phải có quyết tâm lớn, phải có chí lớn vì một Tổ quốc Việt Nam, ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ. Trung ương dĩ nhiên sẽ ra Nghị quyết, nhưng ra một Nghị quyết đúng, đã là khó, thực hiện Nghị quyết trăm nghìn lần khó hơn. Từ sau 1975 đến nay, Trung ương đã ra bao nhiêu Nghị quyết về Giáo dục, đã bao lần chủ trương cải cách giáo dục? Hiện nay mà còn bàn về chiến lược giáo dục, triết lý giáo dục… thì có lẽ hơi chậm và hơi nhàm, đã đành đó là những vấn đề phải coi trọng. Tuy nhiên, trước hết đẩy cỗ xe giáo dục đang sa lầy ra khỏi bãi lầy, rồi mới tính tới được. Quyết tâm, nhận thức và năng lực lãnh đạo của Trung ương, của Bộ, Ngành là quyết định. Hãy xem Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí Trung Quốc làm thế nào rồi học mà gỡ dần…

Tại cuộc Gặp gỡ Quy Nhơn vừa qua, hầu như tất cả các nhà khoa học giải Nobel Vật lý của thế giới đều khuyên ta coi trọng, đầu tư vào khoa học cơ bản – cái nền tảng của cả nền khoa học. Chỉ chạy theo tăng trưởng GDP trước mắt sẽ là cái nhìn ngắn hạn, và sẽ có hậu quả lâu dài. Ta đã nghe thấu những lời khuyên này chưa? Trước mắt, có những cái về sách giáo khoa – chương trình, về số năm học phổ thông (nên chăng 11 năm?), đại học (có nên chỉ 3 năm như Anh, Singapore…), về bằng cấp, thi cử (quá hình thức và yếu thực chất, kể cả các bằng loại cao…). Động lực học, động lực dạy, cách dạy… là những vấn đề phải rà soát lại. Không lẽ học sinh Việt Nam chỉ đi học ở nước ngoài mới giỏi?

Về văn hóa thì, khi đi vào thị trường hội nhập… ta coi chừng sự đánh mất mình, mất văn hóa dân tộc mà ông cha ta đã xây dựng mấy ngàn năm. Hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng ta đã làm mất phần quan trọng của văn hóa dân tộc. Vấn đề này rất khó và rất lớn vì nó liên quan đến mấy ngàn năm văn hóa Việt Nam – Đông Á, liên quan đến nhiều giải pháp, có khi rất “sốc”, như học chữ Hán – học chữ Nho, chữ “ta”, thực chất là Hán Việt, tức là Hán đã Việt hóa, cũng như Nho giáo đã Việt hóa để có Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Phải có nhân tài vững vàng, thấm nhuần tự tim óc lòng yêu dân tộc, có tầm cao văn hóa nhưng cũng phải có bản lĩnh cốt cách Việt Nam, không a dua, hiếu danh, sùng bái, quỳ mọp trước văn hóa phương Tây. 1.000 năm nô lệ đủ cho ta thấm thía cái “nô lệ tính” mà Lỗ Tấn từng phân tích ở người Trung Hoa. Thật khó quá! Trong các nước châu Á như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên… thì Việt Nam ta có lẽ xếp hạng cuối về niềm tự hào văn hóa, vì sao thế nhỉ?

Hồn Việt