Thời sự và suy ngẫm, số 76

►Quốc hội Việt Nam họp một cuộc họp vào loại dài nhất trong lịch sử của mình. Chương trình cuộc họp quan trọng, phong phú, có thể nói vấn đề nào cũng hay, cũng quan trọng cả. Dù một ngày họp tốn 1 tỉ VNĐ, nhưng không sao cả, đây là cuộc họp có thể đẻ ra hàng nghìn lần lợi ích như thế ấy chứ!

Dù sao, các vấn đề kinh tế - xã hội như sự tái cơ cấu các doanh nghiệp, phát triển kinh tế, ổn định lạm phát, giá cả… vẫn được quan tâm. Kinh tế đang dần thoát ra khỏi cửa quan hiểm yếu, nhưng lấy lại được đà 7%-8% tăng trưởng như một số năm trước đây là khó. Bây giờ kỳ vọng là tăng được 5,8% (và bội chi ngân sách ở mức 5,3% trong 2013 và 2014).

Quốc hội kỳ này thông qua sửa đổi Hiến pháp, và điều dư luận hết sức quan tâm là vấn đề Luật đất đai, làm sao ngăn chặn tình trạng tham nhũng từ đất, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nông dân.

Tham nhũng vẫn chưa giảm được, vì dường như nó lẩn tránh, ẩn trốn quá giỏi! Nó biết liên minh, biết ẩn mình, biết xoa tay “sạch”, biết biến hóa như thần (mà trắng trợn như quỷ!). Nó biết dùng “cơ chế” chống “cơ chế” – vô hiệu cơ chế thì đúng hơn! Còn lãng phí thì có ý kiến là nó còn lớn hơn tham nhũng. Xài “tiền chùa” thỏa thích: lễ hội tưng bừng, phong bao sồn sột, nước ngoài tham quan, ăn nhậu bắt cấp dưới phải trả tiền một chai rượu ngoại quý giá hàng chục triệu, hội thảo, hội nghị, tổng kết… nhiều cái nhạt phèo! Lãng phí trong đầu tư công còn rất lớn. Cần có một Luật đầu tư công mới để chế tài. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nói về ý nghĩa của Luật: “Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có sự tham nhũng. Nếu dễ dãi sẽ đưa đất nước xuống vực”. Thật là hay! Nói sao cho hết sự lãng phí! Còn tiền dự án “ngâm cứu”, “ngâm mãi” không ra kết quả gì, nhưng tiền chi phải hàng tỉ, hàng chục tỉ một đề tài! Thế cũng có phải là lãng phí không?

►Quốc hội kỳ này chuẩn y hai Phó Thủ tướng, một Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tưởng đó chỉ là việc ở “cung đình”, nhưng “thảo dân” rất quan tâm. Nhìn vào lý lịch thì thấy đều là những người từng trải, có học, đã đảm đương nhiều chức vụ từ thấp lên cao. Nhưng vấn đề “nhân sự” luôn luôn là vấn đề nóng mà ai nấy đều có ý kiến, nên xin có mấy lời bàn “Mao Tôn Cương” như trong Tam quốc cho vui.

Trước hết là xin nhiệt liệt chúc mừng cả ba vị và cầu chúc cho sự cống hiến đích đáng của mỗi người trên cương vị mới. Sau nữa là chúc mừng Đảng, Chính phủ đã chọn ra người! Đây là hai vị Phó Thủ tướng thế hệ mới, không kinh qua chiến trận, được đào tạo ở nước ngoài (phương Tây), lần này đi vào trung tâm quyền lực.

Về đối ngoại, thì từ thời trước trong Chính phủ Hồ Chí Minh đã rất coi trọng. Phạm Văn Đồng làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (thời ấy ông Nguyễn Cơ Thạch là thứ trưởng). Nguyễn Duy Trinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… Vì rằng với nước nào thì đối ngoại đều rất quan trọng (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ở Mỹ chỉ xếp sau Tổng thống).

Nước ta đang ba bề bốn bên có việc, mà đối ngoại không chỉ giải quyết đối ngoại, mà còn cả kinh tế, “đối nội”, lấy đối ngoại tăng thế nước, lực nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền… Ông Phạm Bình Minh là con “nhà nòi” ngoại giao. Mấy năm nay, thành tích ngoại giao của ta nổi trội, người ở Bộ Ngoại giao phần lớn là “dân” được đào tạo kỹ, có văn hóa cao, ngoại ngữ giỏi, lịch lãm thế giới, thông thạo công việc, nhiều sáng kiến. Với chức Phó Thủ tướng, thì ông Bộ trưởng phải bao quát toàn bộ lĩnh vực đối ngoại (của Chính phủ), không chỉ ở Bộ Ngoại giao.

Ông Vũ Đức Đam, đã qua Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, được đào tạo ở châu Âu (Bỉ), xuất thân nhà nông dân ở Hải Dương (là đất có các “nho thần”), cốt cách ông cũng có vẻ “nho thần”, cẩn trọng, kín kẽ… Nay làm Phó Thủ tướng phụ trách Khối Văn – Xã – Khoa – Giáo (gồm “ngũ bộ”: Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Y tế, Giáo dục-Đào tạo, Khoa học-Công nghệ, Thông tin- Truyền thông…). Các việc thì trông cậy vào các “Tư lệnh vùng” (Bộ trưởng), nhưng ông đứng đầu (thay ông Nguyễn Thiện Nhân trước đây) thì trách nhiệm, công việc là nặng nề, khó khăn, mênh mông. Trước làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đầu dây mối nhợ ở cửa Chính phủ rất quan trọng. Nhưng nay lại qua ngạch “Văn”, mà đây đang là điểm yếu của đất nước, từ văn hóa cho đến giáo dục, khoa học…; xoay xở làm sao cho nó không còn “sa lầy”, đã là việc khó muôn vàn!

Chỉ nói riêng văn hóa dân tộc, thì giữ sao cho được “bản sắc dân tộc” đã là thiên nan vạn nan trong tình hình thị trường – toàn cầu hóa… Ta xa rời lịch sử cha ông, xa rời văn hóa cổ truyền đã quá lâu: “Văn minh Đông Á trời thu sạch” (Tản Đà), thì làm sao đây? Cái vốn của ông cha tích lũy mấy ngàn năm, có nền văn minh sông Hồng, văn minh Thăng Long, văn minh Hồ Chí Minh… nay còn ở đâu? Muốn giữ phải quay về ông cha, quay về cả văn minh Đông Á mà ta đã tiếp nhận, gạn lọc tinh hoa để thành của Việt Nam rồi, với Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Vậy phải làm văn hóa Hồ Chí Minh thời mới, không thì mất hết đạo nghĩa, văn hóa. Nhưng người quan tâm, người làm là ai?

Một chuyện “nhỏ như con thỏ”, nói cho vui chứ biết rằng có nói cũng chẳng lọt tai: Ở đền thờ Hùng Vương có khắc 4 chữ: “Cao sơn cảnh hành” 高山景行 (lấy từ “cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hàng hành chỉ” trong Kinh Thi: trông lên núi cao – đi trên đường lớn). Ông Bộ trưởng Văn hóa Nhật đọc được mà phía ta thì không đọc được, họ nói ta mù chữ ông cha trên chính quê mình! Bill Clinton qua ta trong diễn văn nhắc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương với ngụ ý Hoa Kỳ hiểu văn hóa của ta lắm, ta nghĩ sao?

Thành ra, đây lại là việc “phương diện quốc gia”, ông Vũ Đức Đam nay đứng đầu nền “văn hiến” ấy của Việt Nam, nói như ý của Khổng Tử và Nguyễn Trãi “nền văn hóa ấy mà không mất” (tư văn vị táng) là do ta đấy!

Về Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mới, ông Nguyễn Văn Nên, dẫu sao cũng người “giới” chúng tôi – “Tuyên giáo”, là một gương mặt thuần hậu của Tây Ninh, Nam Bộ, rất đáng tin tưởng vì ông đã đi “từ dưới đất lên”. Nắm giữ chức vụ này là một chức vụ cực kỳ nhạy cảm, người dân mong ông nêu gương liêm khiết, không bị áp lực, hoàn thành chức trách, thế là đáng mừng! Ông nói rất đúng: làm lãnh đạo là phải “hy sinh”, và mình như cầu thủ đá bóng, đá hay đá dở mọi người thấy hết.

Nga cũng đang xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương. V. Putin thăm Việt Nam, Hàn Quốc. Việt Nam, người bạn cũ của Nga, người yêu Nga hết mực và Hàn Quốc, nước công nghiệp lớn của châu Á. Mỹ xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc “trỗi dậy” ở vùng này, Nga là nước Âu – Á với miền Viễn Đông rộng lớn mênh mông, giàu của cải, Nga muốn khôi phục vị trí hàng đầu thế giới, làm sao có thể khoanh tay ngồi nhìn?

pic

Chủ tịch Trương Tấn Sang tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2013. Ảnh: EPA

Nhưng khách quan mà nói, chuyến đi của V. Putin, người rất được ái mộ ở Việt Nam, là một chuyện tốt lành cho Việt Nam. Tốt về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học… Nó củng cố vị thế của Việt Nam ở trong ASEAN, châu Á, tăng thêm thế cho Việt Nam. Hợp tác về khai thác dầu khí, tham gia cổ phần nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bảo đảm an toàn hiện đại…, cấp 1.000 học bổng du học Nga, lập trường đại học ở Việt Nam…, bán tàu ngầm, tên lửa, hợp tác quân sự với Việt Nam…, biết bao điều tốt đẹp, nức lòng người Việt. Nga vẫn là người bạn thủy chung, chân thành, không vụ lợi, không phản bội, “còn hơn cả là đối tác chiến lược” như Putin nói. Và ông còn nói (trong dịp này): khó tìm một ví dụ thứ hai về lòng dũng cảm (như dân tộc Việt Nam).

Chuyến thăm Ấn Độ cấp nhà nước (19-11- 2013) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra những triển vọng lớn về hợp tác chiến lược nhiều mặt của hai nước. Ấn Độ là một nước lớn, một nền kinh tế lớn, có ảnh hưởng chính trị lớn, thân thiết với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trên những vấn đề lớn, đặc biệt là biển Đông.

Nhân dịp Cách mạng tháng Mười Nga (7-11), nhiều ý kiến đi tìm nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô. Trong đó có ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng do Liên Xô mất dân chủ trong tập trung - dân chủ, đặc quyền đặc lợi; ý kiến khác lại là: do đóng cửa không theo kịp đà tiến của khoa học – kỹ thuật, quản lý kinh tế thế giới… Đúng là một chuyện lạ, nếu không lý giải, là làm sao một đất nước từng đứng thứ hai trên thế giới, hùng mạnh như vậy, lại sụp đổ?

Nguyên nhân chính có lẽ là do bên trong, do sự suy thoái, tan rã, dao động, cơ hội, đầu hàng, phản bội… của lãnh đạo Liên Xô. Không phải tất cả, nhưng đám này chiếm số đông. Họ là những kẻ nói nhiều làm ít, ba hoa, lắm lời, bốc đồng như M. Goócbachốp; mị dân giỏi mà say bét nhè cũng giỏi, “chống Cộng bẩm sinh” như Enxin, làm công tác tư tưởng – báo chí mà vô nguyên tắc, hữu khuynh, vô trách nhiệm như Iakôvlép… Họ thay đổi đường lối, từ cơ hội – hữu khuynh, dao động sang đầu hàng phương Tây. Theo chúng tôi, đó là lý do của mọi lý do. Chứ tình hình là có thể cứu vãn, nếu người lãnh đạo kiên định, bình tĩnh, đặt lợi ích Tổ quốc và nhân dân lên trên… Đằng này, cuối cùng lộ rõ bộ mặt chống Cộng, giải tán Đảng Cộng sản.

Báo chí, khoa học xã hội… không phải không có một phần trách nhiệm. Lợi dụng dân chủ để bôi đen, vu cáo, kích động lật đổ. Khoa học xã hội có phần trì trệ, cứng nhắc, giáo điều, ăn theo nói leo để mưu lợi cho cá nhân (danh và lợi), chạy theo học hàm học vị, đãi ngộ… Mà lại cũng vì “đóng cửa”, “độc chuyên” trong khoa học nữa… Không có được một Đặng Tiểu Bình như Trung Quốc xướng lên “mở cửa, cải cách”.

Kể từ thời Khrútsốp, Liên Xô đã có biến. Sửa chữa sai lầm phải bình tĩnh, phải tính tới đại cục. Thời Brêgiơnhép có khắc phục được điểm này, nhưng lại quá trì trệ, quan liêu, để dân oán dân ghét, kẻ chống đối lợi dụng làm tan rã lòng dân, “trăm vạn người thì trăm vạn lòng”, rồi thần phục phương Tây (trước thì tuyên truyền phủ định một chiều, sau thì tụng ca quá mức, tự đấm vào ngực mình mà sám hối!). Cho là “lỗi hệ thống”, nhưng thử hỏi hệ thống tư bản chủ nghĩa có “lỗi hệ thống” không, mà nó điều chỉnh (đôi khi điều chỉnh dưới áp lực XHCN) và tồn tại?

Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp và ra Nghị quyết 3, “cải cách sâu rộng toàn diện” nền kinh tế của họ. Chưa có gì thật rõ ràng lắm qua Thông báo của Hội nghị, nhưng có điều chắc chắn là họ đẩy tới vai trò của thị trường, để thị trường phân bố các nguồn lực theo lối cạnh tranh lành mạnh, có vai trò của Nhà nước. Trung Quốc làm điều này là để giải phóng các nguồn lực, để tạo đà cho sự phát triển tiếp theo. “Hội nghị nhất trí rằng đứng trước tình hình quốc tế hết sức phức tạp và nhiệm vụ cải cách, phát triển ổn định trong nước vô cùng gian khó, nặng nề, Bộ Chính trị… kiên trì quan điểm cơ bản của công tác là tiến lên trong ổn định, ra sức tăng cường ổn định, điều chỉnh kết cấu, thúc đẩy cải cách, bình tĩnh ứng phó với các thách thức rủi ro, đẩy mạnh toàn diện xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và xây dựng văn minh sinh thái xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy toàn diện công trình vĩ đại về xây dựng Đảng, đẩy mạnh vững chắc hoạt động thực tiễn giáo dục đường lối quần chúng của Đảng”… “Hội nghị nêu rõ cải cách thể chế kinh tế là trọng điểm đi sâu cải cách toàn diện, vấn đề cốt lõi là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính phủ với thị trường, làm cho thị trường giữ vai trò mang tính quyết định trong phân phối tài nguyên và phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ, kiện toàn cơ chế nhất thể hóa phát triển thành thị nông thôn, xây dựng thị trường đất đai thống nhất giữa thành thị và nông thôn, kết cấu nhị nguyên thành thị - nông thôn là trở ngại chủ yếu trói buộc nhất thể hóa phát triển thành thị - nông thôn, lấy thành thị vực nông thôn, đông đảo nông dân bình đẳng tham gia tiến trình hiện đại hóa, cùng chia xẻ thành quả hiện đại hóa, xây dựng hệ thống kinh doanh nông nghiệp kiểu mới, trao cho nông dân nhiều quyền và tài sản hơn nữa…” (trích Thông báo).

Họ cũng đã nhận thấy những cái ách tắc trong kinh tế và xã hội. Ví dụ: vấn đề đất đai, họ cũng như ta. Đây là vấn đề nhức nhối, là miếng mồi ngon, thơm, cực kỳ hấp dẫn cho các cấp địa phương (bán đất trả nợ công, ngân sách địa phương dựa vào nguồn này…). Khiếu kiện, bạo động (có vụ to nổi tiếng như ở Ô Khảm – Quảng Châu) là bắt nguồn từ đấy. Trung Quốc nhìn vào các thành thị như Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu… thì còn hơn cả Âu Mỹ, nhưng nông thôn thì còn nghèo lắm, nhất là ở miền Tây… 1,3 tỉ dân chứ ít đâu, vấn đề phân cực giàu nghèo là nhức nhối, giữ cho yên, cho “hài hòa” cân bằng là điều cực khó, nên phải luôn điều chỉnh. Nghị quyết Trung ương 3 là sự điều chỉnh lớn của Trung ương mới do Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường đứng đầu. Ta hãy chờ xem khi đem áp dụng nó sẽ có kết quả đến đâu. Đến 2021 này Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, họ muốn có một cột mốc vào năm ấy cho mộng ước “phục hưng” Trung Hoa!

Ta thoát cơn bão Haiyan (Hải Yến) nhưng lại bị lũ lụt miền Trung. Thoát là do trời, chứ dầu hết sức như ta làm phòng chống, mà “bị” thì cũng chưa biết sao! Thủy điện làm liều, xả nước xuống trong mưa ngập cũng là thủ phạm. Nhưng đây là vấn đề của cả nhân loại. Nhân loại đang giết nhau và tự giết mình vì lòng tham, lòng vị kỷ! Hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Vácsava (Ba Lan) là một tiếng kêu phẫn uất, chưa biết rồi kết quả tới đâu!

Bão Haiyan - "hồi chuông cảnh tỉnh" về biến đổi khí hậu

Hôm qua, xem trên Sài Gòn Giải Phóng chủ nhật (17-11) một bài báo của PGS-TS Trần Luân Kim (nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) mới biết là tiền thu phòng vé chiếu phim ở ta năm 2012 là 1.000 tỉ đồng (do các chủ đầu tư nước ngoài nắm giữ). Hệ thống phát hành phim đó hầu như không chịu chiếu phim Việt Nam – phim Việt Nam không có đầu ra – vì nhiều lẽ. Thị trường điện ảnh Việt Nam là một thị trường phát triển cao nhất thế giới (140 tỉ năm 2008 lên 1.000 tỉ năm 2012, tăng 614%). Nếu có khoản từng ấy tiền đầu tư cho Điện ảnh Việt Nam thì tốt biết bao!

Đó là một vấn đề tưởng trong tầm tay giải quyết của Bộ VH-TT-DL và các cơ quan chức năng khác. Sao lại buông lơi điện ảnh đến mức như thế?!

Nhưng còn xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam dân tộc - nhân văn XHCN thì là một việc lớn lắm, mà ta hầu như chưa quan tâm, đầu tư đúng mức! Đêm 17-11, trong chương trình Phim cuối tuần trên VTV1 có chiếu Bướm đêm – đề tài “gái nhảy”. Phim nêu được một vấn đề của xã hội hiện thời. Cái đáng quý là cái nhìn hướng thiện, thương yêu, nâng niu, hy vọng (dù hy vọng còn rất mong manh) của phim. Nếu không có cái nhìn ấy, thì phim dễ đi vào chỗ kết thúc bế tắc. Bế tắc cũng đúng, nhưng “kết thúc có hậu” vẫn hợp lòng người Việt Nam hơn.

18-11-2013

Hồn Việt