1) So sánh thì bao giờ cũng khập khiễng, nhưng Nga thu hồi được Crimea, thì chẳng khác gì Lưu Bị lấy được Kinh Châu! Vị trí chiến lược yết hầu, cửa ngõ trông ra, khống chế bao nhiêu nước, mà là đất cũ của mình. Người Crimea xem việc trở về Nga là trở về nhà. Cựu vật hoàn cựu chủ, cũng có đạo lý lắm chứ! (Crimea là đất của Nga từ thời Nga hoàng, đến năm 1954, Khruschev mới “tặng” cho Ukraine là quê ông ta. Phần lớn cư dân ở Crimea là người Nga).
Mỹ và phương Tây ra sức ủng hộ phái cực đoan, dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine, nổi lên biểu tình vũ trang, lật đổ thể chế hợp hiến, uy hiếp trực tiếp Nga. NATO thì “đông tiến”, tiến sát nhiều nước vốn là vùng ảnh hưởng của Nga, bắc dàn tên lửa nhằm vào Nga. “Con gấu Nga” đã chiến thắng trong cuộc chiến của Napoléon đầu thế kỷ 19 (mà ta có dịp hiểu qua Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi), đã hy sinh 29 triệu người và chiến thắng phát xít Đức… há lại có thể khoanh tay ngồi nhìn người ta uy hiếp mình sao?
Mỹ và phương Tây kích động gây bạo loạn ở Kiev, ở Ukraine… thì phải trả giá. Ta biết rằng, nhiều nhân vật chính giới Mỹ và phương Tây đi trong đoàn biểu tình, phát bánh mì và nước uống. Và đặc biệt họ tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) thân Mỹ ở đó 815 triệu USD, chi 20 triệu USD mỗi tuần để ủng hộ các nhóm thuộc phe đối lập Ukraine, tặng quà 184 triệu USD cho các “chương trình” khác nhau (theo tờ Russiane (Người Nga) của cộng đồng người Nga tại Mỹ- theo TTXVN 25-2-2014). Như thế là đã rõ sự can thiệp hết sức thô bạo, không cần che giấu của các thế lực bên ngoài vào Ukraine. Tiện đây nói luôn, tất cả các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Đông Âu và Liên Xô thời cải tổ đều hiện nguyên hình là tổ chức chính trị sau đó. Cho nên cổ vũ cho việc thiết lập “xã hội dân sự” với các tổ chức phi chính phủ trá hình là điều có chủ đích.
Mỹ và phương Tây nói: phải lắng nghe nguyện vọng của nhân dân. Nguyện vọng ở đây là đi với phương Tây, gia nhập EU, bài Nga, chống Nga. Nhưng khi Crimea trưng cầu ý dân về việc trở về Nga, thì họ cho là bất hợp pháp! Thế nhưng Kosovo cũng chủ yếu là người Albania tách ra khỏi Serbia (Nam Tư cũ) lại được họ hết lòng ủng hộ, thì sao?
Đúng là tất cả là vì lợi ích cả thôi. Còn nói thì nói thế nào chả được.
Họ dọa là Nga phải “trả giá đắt”. Cái gì mà không có giá! Giá ngay từ đầu, họ làm “vừa phải”, nương tay với Nga trong vụ này, thì đâu đến nỗi. Nhưng họ muốn áp sát biên giới, muốn bắt Nga quỳ gối, làm “chư hầu” thì đâu có được!
Nhưng thôi, đây là việc ngoài biên. Trung Quốc bỏ phiếu trắng ở Hội đồng Bảo an, mặc dù là đồng minh của Nga trong Hiệp ước Thượng Hải. Cũng là vì sự tính toán lợi ích của họ. Việt Nam ta mong cho Ukraine ổn định, lo bảo vệ người Việt làm ăn ở đó, đó là lập trường chính trị chính thức, quang minh chính đại được người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta tuyên bố. Nhưng trong tâm tư người dân thì người dân không thích ai “bắt nạt” Nga – bạn cũ chí cốt đã giúp ta xây dựng đất nước, chống ngoại xâm và là một người bạn không hề phản bội… Ta cũng rút ra bài học thích đáng về các cuộc cách mạng màu ở Ukraine, ở các nơi. Sự trui rèn chính trị qua mấy cuộc chiến tranh cho ta năng lực nhận biết nhạy bén về các vấn đề chính trị nhạy cảm.
2) Trung ương sẽ họp Hội nghị vào tháng tư, và sẽ có Nghị quyết mới về văn hóa - văn nghệ. Tình hình văn hóa - văn nghệ từ Nghị quyết Trung ương 5 - 1999 đến nay đã biến đổi sâu sắc. Chúng ta đã hết sức cố gắng giữ gìn, phát triển những điều tích cực và tốt đẹp trong văn hóa - văn nghệ. Nhưng đó là điều không dễ. Văn hóa - văn nghệ phụ thuộc vào rất nhiều điều, rất phức tạp, vì đây là lĩnh vực sản xuất tinh thần. Nó quan hệ với những biến chuyển của đời sống “thế tục”, với kinh tế (kinh tế thị trường, ở đó vấn đề sở hữu đặt ra gay gắt); với con người (người đọc thay đổi thị hiếu thẩm mỹ, nhất là lớp trẻ), với thế giới bên ngoài (phương Tây nhập vào ta những cái xa lạ với truyền thống, nhưng lại ít nhập những cái tinh hoa, cổ điển, vì chính phương Tây cũng là thị trường, văn hóa của họ cũng bị chế ước bởi những quy luật lời lỗ bán mua…) v.v… Người viết, người sáng tạo nghệ thuật bây giờ lớp thì già, lớp thì đã tắt cảm hứng với truyền thống, số còn lại vẫn gắng gỏi nhưng cũng rất khó khăn trong cơ chế thị trường…
Sáng tác, cơ bản là vấn đề nhiệt hứng (Belinsky gọi nó là pafox). Đó là ngọn lửa thiêng, là cái quyết định giá trị của văn học nghệ thuật. Không có cảm hứng, nhiệt hứng; đặc biệt là cái cảm hứng chủ đạo thì không thể có nghệ thuật. Thơ Mới (1932-1945) là sự từ bỏ cái cảm hứng cũ, viết theo cảm hứng về con người cá nhân, cá thể. Thơ cách mạng lại là sự phủ định biện chứng cái cảm hứng ấy của thơ mới, viết theo cảm hứng cách mạng: tôi và ta, riêng và chung, cá thể và cộng đồng là một, “từ chân trời một người đến chân trời tất cả” (P.Eluard). Đến nay, thì nhiều người lại chạy theo viết về cái cá nhân cô đơn, tuyệt vọng theo kiểu phương Tây (và dĩ nhiên họ được phương Tây dịch và hoan nghênh). Dĩ nhiên, là có một cái nhìn, một cách nhìn khác, toàn diện hơn, biện chứng hơn như ta quan niệm và mong muốn. Nhưng không dễ để các văn nghệ sĩ sáng tác theo hướng ấy, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ.
Cần thiết phải làm một cuộc vận động văn hóa, văn nghệ mới. Khẩu hiệu của cuộc vận động ấy chắc vẫn phải là dân tộc, dân chủ, nhân văn… Nhưng đó là những khái niệm chung chung, mỗi người hiểu theo một cách. Còn nói yêu nước - xã hội chủ nghĩa… thì nhiều người lại không khứng nêu, sợ “cũ”! Trung Quốc thì họ nêu thẳng là xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa. Nhưng nói và làm là hai việc khác nhau. Cả một cái biển thị trường của Trung Quốc đã đi vào “vùng nước sâu” như họ nói, thì đó quả là chuyện “dò đá qua sông”!
Dù sao, để bảo vệ sự nghiệp Cách mạng, bảo vệ Tổ quốc; thì không có cách gì khác là phải bảo đảm, kiên trì tính tư tưởng Cách mạng.
Phải nhận rằng, mặt trận tư tưởng - văn hóa là đặc biệt khó. Đó là mặt trận của lòng người. Xưa kia, những bậc đại chiến lược không phải chủ trương “đánh thành” (công thành) mà chủ trương “đánh vào lòng người” (công tâm)… Ta không phút nào được coi thường sự diễn biến của bên trong và sức tác động của bên ngoài tới văn hóa của ta. Đừng để đến lúc nó khoét rỗng hết trận địa, đến lúc “khúc Sở vang bốn bề” (tứ diện Sở ca thanh) rồi mới lo, “khát nước rồi mới đi đào giếng”. Văn hóa – văn nghệ bao giờ và ở đâu cũng là bộ phận nhạy bén, là cái phong vũ biểu của đời – nói theo nghĩa tốt.
Cho nên chúng ta chờ kết quả của Hội nghị Trung ương. Trên đại thể, nguyện vọng của anh chị em là Trung ương, là Đảng và Nhà nước phải gánh lấy trách nhiệm lo xây dựng, kiến tạo một nền văn hóa Việt Nam. Lý, Trần, Lê, Nguyễn gì họ cũng lo cho giáo dục, văn hóa, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, làm nên sự nghiệp văn hóa rạng rỡ, làm nên Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Và sau đó là văn học 1930-1945, văn nghệ kháng chiến - Cách mạng… Đến nay đã có mòi suy thoái, có ít nhân tài, ít tác phẩm nổi trội… Chúng ta đi “thị trường”, nhưng không thể để “thị trường” làm văn hóa - văn nghệ – Không thể để tư nhân, để cái gọi là “xã hội hóa” lo việc này. Họ lo, thì họ phải tính lợi nhuận, họ không thể tính nhiều tới tư tưởng, nghệ thuật là cái chúng ta mong muốn. Phải có tiền và có người, người đàng hoàng, đứng đắn, hiểu biết và say mê văn hóa - văn nghệ, chăm lo văn hóa - văn nghệ một cách hết sức kiên trì, kiên định như thời Cách mạng - kháng chiến đã làm. Chứ như bây giờ thì một số nơi còn yếu và mỏng quá; chạy theo công việc sự vụ còn chửa kịp, nói chi đến phát triển.