Thời sự và suy ngẫm, số 86

Sau một năm rưỡi cầm quyền của Tập Cận Bình, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có đăng một bài báo tổng kết về ba thành tựu lớn của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Ba thành tựu đó là: 1) Kiên quyết chống tham nhũng, “đả hổ diệt ruồi” được lòng dân. 2) Mức độ và cường độ thực hiện cải cách đều vượt dự tính. 3) Cục diện ngoại giao vừa cương vừa nhu thể hiện “hình mẫu nước lớn”.

Tổng bí thư Tập Cận Bình khác với Tổng bí thư các khóa trước đã đưa ra một khái niệm mới về công tác chống tham nhũng: “cùng đánh hổ và ruồi”. Sau đó, những “con hổ lớn” lần lượt bị truy đuổi, đưa ra ánh sáng, điều tra, kết tội như Lý Xuân Thành, Lưu Chí Quân, Bạc Hy Lai, Cốc Tuấn Sơn, Từ Tài Hậu và con hổ lớn nhất là Chu Vĩnh Khang, Thường vụ Bộ Chính trị. Còn “ruồi”, những con ruồi bâu chung quanh nhân dân cũng bị đập bẹp khi vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của nhà nước. Ngoài ra, chống chủ nghĩa hình thức, quan liêu, hưởng thụ và lãng phí. Ngăn chặn tham nhũng bắt đầu từ quản lý chặt túi tiền. Nhiều quy định mới lần lượt được ban hành, liên quan đến các ngày lễ tết, ăn mặc, chỗ ở, đi lại, xe công, tác phong. Do đó, tác phong toàn Đảng chuyển biến nhanh chóng, hình thành một môi trường chính trị tốt đẹp.

Về mức độ và cường độ thực hiện cải cách vượt dự tính: 60 nhiệm vụ cải cách thuộc 15 lĩnh vực đã cụ thể hóa lộ trình cải cách. Tập Cận Bình lãnh chức danh Trưởng nhóm cải cách, kiêm Trưởng nhóm lãnh đạo an ninh mạng và công nghệ thông tin, Trưởng nhóm lãnh đạo đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội, Trưởng nhóm lãnh đạo tài chính, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia. Cải cách là vấn đề không thể trì hoãn hay tranh luận. Hiệu lệnh là thống nhất đẩy mạnh cải cách. Ngay cả cải cách trong quân đội vốn được coi là vô cùng bí mật cũng được đưa vào lịch trình.

Cần nói ngay rằng, đối với hai vấn đề trên đây, chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo và cũng có thể nói là chúng ta hoan nghênh. Trung Quốc là một nước lớn nhưng có những xuất phát điểm, những tình hình gần ta mà ta có thể học tập.

Nhưng đến vấn đề thứ ba là vấn đề mà Nhân Dân Nhật Báo tổng kết là: “Cục diện ngoại giao vừa cương vừa nhu, thể hiện hình mẫu nước lớn” thì có chỗ rất đáng bàn. Theo bài báo thì trên trường quốc tế, Ban lãnh đạo khóa mới mà Tổng bí thư Tập Cận Bình đứng đầu cũng có không ít động thái lớn. Tập Cận Bình đã thay đổi truyền thống cũ do Đặng Tiểu Bình xướng lên là “giấu mình chờ thời”, chuyển sang cứng rắn chưa từng có nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong đó có việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, thường xuyên tuần tra trên biển trên không chung quanh quần đảo Điếu Ngư, ngăn cản cô lập hoạt động tiếp tế của tàu Philippines ở Bãi Cỏ May, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí, tiến hành xây dựng các công trình trên các bãi đá thuộc biển Đông… Tác giả còn đưa ra nhiều dẫn chứng ngoại giao của ông Tập Cận Bình nữa mà ta chưa vội bình luận. Tác giả chơi chữ là ông Tập Cận Bình dùng tuyệt chiêu thái cực quyền kiểu “Tập” để đối phó với tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Chúng tôi chỉ xin dừng lại ở việc ông Tập Cận Bình hành động cứng rắn hơn với Việt Nam ở biển Đông bằng cách hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và tiến hành xây dựng bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa để làm sân bay, làm căn cứ quân sự để đẩy mạnh tranh chấp, chiếm đoạt biển Đông của Việt Nam. Đó dứt khoát không phải là thành tựu mà là một hành động như thế giới đã vạch ra là hung hăng, hiếu chiến, phi pháp và nguy hiểm. Nó là thủ đoạn của âm mưu chiếm trọn biển Đông bằng đường 9 đoạn lãng xẹt, có nguy cơ làm mất an ninh ở biển Đông - Thái Bình Dương - Đông Nam Á và toàn thế giới. Đó là một hành động phiêu lưu dựa trên tham vọng và tính toán sai lầm dù Trung Quốc đã rút giàn khoan và hai nước đã có động thái qua lại sau đó để hạ nhiệt, nhưng những lo ngại và thách thức vẫn còn đó.

Ông Tập Cận Bình đang muốn thực hiện một “giấc mơ”, một giấc mơ lớn ngàn năm là phục hưng sự vĩ đại của Trung Hoa. Trước hết, giấc mơ ấy muốn làm cho người dân Trung Quốc trở nên “khá giả” (tiểu khang); cùng với đó, nước Trung Quốc trở nên siêu cường, hùng mạnh về công nghiệp, về sản lượng, và lúc ấy Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới, vượt Mỹ. Nhưng nếu để thực hiện giấc mơ ấy, trong cuộc chạy đua cạnh tranh với Mỹ làm bá chủ thế giới, Trung Quốc lại làm chẳng khác gì Mỹ, có khi còn tệ hơn Mỹ, ở châu Phi, ở châu Á… thì thật là tai họa cho nhân loại. Đặc biệt cái phương cách dùng vũ lực, dùng quân sự để đe dọa, xâm chiếm lãnh thổ các nước khác mà nói là để bảo vệ lãnh thổ của mình như trong trường hợp đối với biển Đông, đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì rõ ràng nó là vô pháp vô thiên. Trung Quốc tự bịa ra chứng cớ lịch sử và luật pháp, bịa ra tình trạng tranh chấp biển đảo, dùng sức mạnh nước lớn để hòng biến không thành , biến nói dối thành sự thực, muốn bắt cả thế giới phải phục tùng mình. Đó là thái độ của “thiên triều nước lớn”, có gì là “hình mẫu nước lớn”, đáng ca ngợi là thành tựu. Do đó, có thể quả quyết rằng: Nhân Dân Nhật Báo ca ngợi hai thành tựu đầu của Tập Cận Bình thì còn có thể nghe được, nhưng “nâng bia” về thành tựu ngoại giao, nhất là đối với Việt Nam thì không thể chấp nhận được.

Ông Tập Cận Bình có một giấc mơ lớn, nếu như ông thực hiện được giấc mơ ấy mà không gây ra chiến tranh, gây ra áp bức, gây ra xâm chiếm và tước đoạt đối với các dân tộc khác thì đó sẽ là một điều tốt lành. Và lúc đó có thể ông cũng thực hiện được giấc mơ của cá nhân mình - bên cạnh giấc mơ Trung Hoa - là thành một vĩ nhân của Trung Hoa và nhân loại. Nhưng chắc ông cũng thừa biết rằng theo biện chứng pháp của Lão tử thì “vĩ nhân” và “tội đồ” chẳng cách xa nhau là bao(2). Đã có tiền lệ lịch sử: Mao Trạch Đông giải phóng và thống nhất Trung Hoa, đó là “vĩ công” nhưng ông ta lại làm Công xã nhân dân đại nhảy vọt, làm Cách mạng văn hóa tàn hại hàng chục triệu đồng chí, sinh linh. Rồi lại làm tan vỡ khối đoàn kết Trung - Xô, làm tan rã phe XHCN. Thật là “thiên thu công tội”! Cho nên, muốn cho giấc mơ của ông Tập thành hiện thực viên mãn thì ông nên quay lại quan điểm của một người mácxít chân chính, quay về thái độ của một người thực sự cầu thị. Thực ra thì chân lý rất đơn giản. Nếu không để cho lòng tham che khuất thì nó sẽ hiện ra sáng rõ dưới ánh mặt trời. Chúng tôi từng nghe nói ông Tập khi đi lao động trong Cách mạng văn hóa đã nghiền ngẫm kỹ càng chủ nghĩa Mác. Đó là một điều đáng trân trọng. Trong đoạn đời gian khó đó ông đã vượt lên chính mình, thể hiện thái độ người quân tử: Quân tử cố cùng (Người quân tử bền trong lúc cùng) - Khổng Tử. Xin ông kế thừa và phát huy đức tính tốt đẹp đó, không nên nay vì làm Tổng bí thư một nước lớn, quyền nghiêng thiên hạ mà bẻ cong chân lý, theo “tục nhân”, chăm chắm lo cho riêng dân mình, xâm phạm lợi ích các dân tộc khác. Còn đâu là đạo của người quân tử! Còn đâu cơ hội trở thành vĩ nhân của lịch sử Trung Hoa ngàn năm. Vết xe đổ của Mao Trạch Đông há chẳng nên tránh sao?

Cũng chính trong Lão Tử, tác phẩm ưu việt bậc nhất của triết học - văn hóa Trung Hoa mà phương Tây rất hâm mộ, có câu này: “Họa mạc đại ư bất tri túc” (禍 莫 大 於 不 知 足 - Không có cái họa nào lớn hơn lòng tham). Đó là lời của tổ tiên ông đấy! Chúng tôi nghiên cứu Lão Tử, nghiên cứu nền văn hóa ấy, thấy nó thật sâu xa, thấm thía!

* * *

Nhân đầu năm học mới, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cho công bố về quy chế thi cử trung học phổ thông. Theo đó thì kỳ thi trung học được lấy làm cơ sở để các đại học căn cứ vào đó mà tuyển chọn sinh viên. Mặc dầu còn nhiều bàn cãi, lo lắng, nhưng phải nhận rằng đây là một cố gắng của Bộ trong tiến trình cải cách cơ bản, toàn diện nền giáo dục.

Những thắc mắc chung quy là: Kết quả kỳ thi trung học đáng tin cậy ở mức độ nào để các đại học lấy đó làm căn cứ tuyển sinh? Một số trường đại học lớn thì đã có kế hoạch tuyển sinh riêng, chỉ còn lại đại học, cao đẳng làng nhàng thì mới phải căn cứ vào kết quả này. Thực ra phương án này là làm theo kiểu Hoa Kỳ đây. Nhưng ở Hoa Kỳ thì kết quả thi trung học do chất lượng của họ khá nên đáng tin cậy. Vả lại, vào được đại học rồi, họ vẫn còn tiếp tục thải loại. Còn ở ta thì nghe nói muốn đi du học, học sinh chỉ cần có tiền là có giấy chứng nhận học sinh giỏi để qua nộp cho các đại học và các đại học này sau đó chịu trách nhiệm chứ Trường hay Sở ký giấy thì có mắc mớ gì.

Nói là chất lượng phổ thông là nền tảng của chất lượng đại học nhưng đại học thì có bao nhiêu ngành. Vậy sao, ta không thử làm như nước Anh, học xong 10 năm thì phân hóa học sinh theo ngành chọn ở đại học (tức là làm chuyên ban từ lớp 11, 12). Điều này là rất đúng. Ở Anh, đại học chỉ có 3 năm mà ai dám bảo chất lượng sinh viên của họ không đáp ứng yêu cầu (ở Singapore cũng vậy, theo mô hình Anh). Và rồi thạc sĩ thì cũng chỉ có 1 năm, còn ở ta thì nặng nề quá mà lại không có chất lượng. Tiến sĩ của ta đào tạo ồ ạt, chạy theo số lượng mà thầy hướng dẫn ít người là những nhà khoa học thực sự, giỏi nghề, chuyên tâm đào tạo và có kiến thức đáng làm thầy. Từ Tiến sĩ lên Phó Giáo sư thì tiêu chí là có tính hình thức cho nên ít người bị loại. Mà phó giáo sư thì được nhiều ưu tiên, được một mình hướng dẫn nghiên cứu sinh, được kéo dài niên hạn… Thế cho nên, có một bài báo nói ngành Y bây giờ người ta sính cái danh hiệu PGS-TS-BS và người ta đua nhau “sắm” cái mỹ hiệu ấy.

Chuyện giáo dục còn dài và còn bao nhiêu chuyện đáng bàn, chẳng hạn như chuyện tiếng Anh đã làm gì có một chiến lược tiếng Anh cho giáo dục? Đào tạo ở đâu, làm sao đào tạo cho đủ giáo viên tiếng Anh, vừa đủ vừa có chất lượng? Mà như ông Lý Quang Diệu đã từng nói: Singapore đi lên là nhờ tiếng Anh. Ta thì đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc nhưng lại có nói rằng trường nào không dạy thì cho chọn một môn tự chọn. Nghĩa là tiếng Anh cũng chưa được rải đều khắp. Tóm lại, giáo dục – quốc sách – là chuyện quốc gia đại sự. Bao giờ Đảng, Nhà nước vừa quan tâm, vừa hiểu biết giáo dục vừa có tiền đầu tư cho giáo dục, vừa thiết kế nên được một lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện, tối ưu thì lúc đó chúng ta có thể hy vọng là độ mươi năm, hai mươi năm, giáo dục chúng ta có thể sẽ cất cánh. Chứ còn như bây giờ thì ai ngồi vào cái ghế nóng giáo dục cũng phải hứng lấy cái di sản mà nó để lại. Rồi hiện tình này thì có “tài thánh” cũng khó giải quyết mau lẹ, rốt ráo. Cho nên bàn thì cứ bàn nhưng… “Lời cao khiết đó thôi cũng đành bất lực. Giữa mênh mông sa mạc vọng chi lời” (thơ Christo Botev).

 

_____

(1) Gạc Ma: Thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Đó chỉ là một bãi đá nhỏ, nay Trung Quốc đổ đất đá xi măng xây thêm. Trung Quốc sẽ làm đường băng trên đảo để máy bay có thể hạ cánh, xuất kích. Nó sẽ là điểm trung chuyển giữa Hải Nam đến tận eo Malacca. Trung Quốc cũng có thể đưa dân đến ở, rồi với lý do đó tranh chấp biển đảo trong tiến trình độc chiếm biển Đông. Vậy, hành động xây đảo ở Gạc Ma là cực kỳ nguy hiểm.

(2) Lão Tử: 唯之與阿, 相去幾何? 善之與惡, 相去若何? (Lão Tử, chương 20): Duy chi dữ a, tương khứ kỉ hà? Thiện chi dữ ác, tương khứ nhược hà? (Ừ và hử cách nhau bao xa? Thiện và ác cách nhau bao xa?).

HỒN VIỆT