Thời sự và suy ngẫm, số 92

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 7-4 đến 10- 4) vừa qua là một sự kiện lớn. Ngoài việc, Đoàn cấp cao này do Tổng Bí thư dẫn đầu, gồm có 4 Ủy viên Bộ Chính trị (Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang), 1 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao (Phạm Bình Minh), 3 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các bộ trưởng…, ta thấy cách đón tiếp của Trung Quốc là rất trọng thị (bắn 21 loạt đại bác - một việc Trung Quốc lâu nay ít làm với ai), chiêu đãi “quốc yến” trọng hậu… Còn hội đàm thì thẳng thắn, chân thành. Đã ký 7 văn kiện hợp tác. Đã nhất trí duy trì đại cục ổn định, phát triển. Đã nhắc đến DOC và tiến tới COC (Hiệp ước giữa Trung Quốc và ASEAN về ứng xử trên biển Đông). Vấn đề quan trọng nhất giữa hai nước là vấn đề biển Đông. Đó cũng là vấn đề Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc và cả thế giới quan tâm. Về vấn đề này, hai bên đạt được nhất trí không gây thêm phức tạp, căng thẳng; và tính đến một giải pháp lâu dài hai bên đều có thể chấp nhận. Trước mắt, tiến hành những gì mà không trái với lập trường của mỗi bên.

Như thế là uyển chuyển, mềm mỏng lắm, là nhân nhượng nhau nhiều lắm. Trung Quốc có lập trường của Trung Quốc, ta có lập trường của ta. Nhưng trước hết, làm cái gì ổn định, hợp tác… cái đã, rồi dần tính sau. Vấn đề còn phức tạp, dài lâu, không thể một sớm một chiều…

Chúng tôi nghĩ rằng, dù thế nào thì đây cũng là một thắng lợi, một bước tiến. Không ai ngây thơ nghĩ rằng một vấn đề lớn rộng như biển Đông (4 triệu km2) mà ngồi vào hội đàm là giải quyết được.

Trung Quốc là nước lớn, là siêu cường thứ hai trên thế giới. Mà đã là nước lớn, thì trên ngoại giao, họ chủ động “chơi cờ”. Lần này, Trung Quốc, trước tình hình quốc tế và khu vực, họ tính toán, điều chỉnh lại chính sách. Hòa hoãn với Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, cả với Mỹ cũng tính toán đến sự hợp tác giữa hai siêu cường trong khi vẫn vấp phải mâu thuẫn… Mỹ đang xoay trục về Đông, về châu Á - Thái Bình Dương… Trung Quốc phải tính toán lại, nếu không sẽ bị kẹt. Rồi các nước ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc… cũng không chịu Trung Quốc. Trung Quốc ngoài các vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm lại, vấn đề môi trường, vấn đề phân cực giàu nghèo, tham nhũng… thì vấn đề Đài Loan đang nổi lên. Chính quyền Mã Anh Cửu của Quốc dân Đảng hòa hoãn với Bắc Kinh chắc chắn sẽ bị thua trong bầu cử tới… Lên nắm quyền sẽ là thế lực “Đài độc” (Đài Loan độc lập). Đánh Đài Loan không dễ vì Đài Loan mạnh về quân sự, hiểm yếu về phòng thủ, đằng sau lại có Mỹ.

Nga liên minh với Trung Quốc, cũng không ủng hộ Trung Quốc làm dữ, dùng vũ lực, đe dọa vũ lực ở biển Đông. Nga hợp tác chiến lược với Việt Nam: chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev đến nước ta vừa qua chứng tỏ điều đó. Ta sẽ vào liên minh thuế quan do Nga chủ trì, kim ngạch buôn bán hai chiều sẽ tăng từ 4 tỉ USD/năm lên 10 tỉ USD/năm vào năm 2020… Nga vẫn bán vũ khí cho ta phòng thủ, vẫn có quan hệ hữu nghị bạn bè về nhiều phương diện với ta.

Các nước công nghiệp phát triển G7 vừa họp ở Đức cũng ra tuyên bố về vấn đề an ninh hàng hải. Trong khi kêu gọi sự hợp tác, sự tôn trọng luật pháp trong giải quyết vấn đề, Tuyên bố tiếp tục theo dõi tình hình biển Đông, phản đối mọi hành động đơn phương như khai mở đất quy mô lớn, làm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng cho khu vực. G7 cũng phản đối mạnh mẽ mọi âm mưu nhằm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải thông qua đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực. G7 kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)… Như thế là rõ ràng. Giới quân sự Mỹ cũng vừa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là “hung hăng” trong việc mở rộng việc xây dựng các đảo đá ở biển Đông (đặc biệt là đảo đá Chữ Thập với đường băng bê tông dài hơn 3.000m), biến nó thành căn cứ quân sự, thực hiện âm mưu lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông để kiểm soát biển này. Mỹ cũng dạm đưa ra kế hoạch cùng nhiều nước ASEAN, Nhật Bản… tuần tra chung trên biển Đông. Việt Nam ta cũng cực lực phản đối phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9-4 về việc Trung Quốc mở rộng xây dựng các đảo đá ở Trường Sa: “Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà không được phép của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động nêu trên và yêu cầu các bên nghiêm túc thực hiện về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)…”.

Tình hình như vậy là mặt Bắc tạm yên, biển Đông tạm thời không bị dậy sóng. “Đông, Bắc lang yên vô phục khởi 東 北 狼 煙 無 復 起”(*) (Khói báo động có quân xâm phạm biên thùy phía Đông, phía Bắc không nổi lên nữa). Nhưng nếu muốn có hòa bình vĩnh viễn, thực chất, thì ta phải cố gắng mạnh lên bằng nhiều mặt, kể cả phòng thủ quân sự. Đó là điều đương nhiên, ai cũng biết.

Quan hệ với Trung Quốc là như vậy. Với Mỹ, siêu cường số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ đi thăm sắp tới. Ta với Mỹ xác lập là “đối tác toàn diện”. Quan hệ hai bên đang ở mức độ tốt đẹp, nhưng có nhiều cái không đơn giản. Thí dụ vấn đề nhân quyền, vấn đề cảng Cam Ranh vừa rồi Mỹ phản đối ta cho Nga sử dụng cảng (để tiếp nhiên liệu cho máy bay quân sự của Nga), thì đó là sự can thiệp vào chủ quyền của ta. Nhưng ta với Mỹ hiện đang có cùng nhiều lợi ích hợp tác khác. Nếu TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) được ký, Việt Nam sẽ có cơ hội buôn bán xuất khẩu tăng lên gấp 2-3 lần trong những năm tới. Năm nay, Việt Nam đã xuất siêu vào Mỹ gần 2,5 tỉ USD, bù lại cho việc nhập siêu từ Trung Quốc. Việc buôn bán cũng quan trọng, nhưng lớn hơn là Mỹ có lợi ích quốc gia, sự quan tâm về con đường trên biển Đông, con đường mà gần nửa hàng hóa thế giới đi qua. Nếu để Trung Quốc chiếm, chặn đường… thì sự thể sẽ ra sao? Đông Nam Á, châu Á, Thái Bình Dương là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất. Mỹ quay trở lại để củng cố vị thế “lãnh đạo”, “bá chủ” của mình và họ sẽ va chạm với Trung Quốc ở đây. Nói chung, dư luận Mỹ, nghị viện Mỹ, các chính khách Mỹ… đều phản đối, lo ngại việc Trung Quốc xây “Vạn lý trường thành” ở các đảo biển Đông nhằm mục đích quân sự…

Một số người ở ta, muốn “thoát Trung”, ngả hẳn sang Mỹ. Đó không phải là đường lối của ta. Ta không thể ngả hẳn về bên nào: “đảo nhất biên”. Vì như vậy là rất nguy hiểm. Ta phải đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực làm bạn với các nước. Ngoài Trung Quốc, Mỹ, còn Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, EU…; ta không dại gì “bó thân” về với một bên nào, vì như thế là mất chủ quyền.

Kinh tế ta năm nay có thể tăng trưởng trên 6%. Đó là điều kiện đáng mừng cho năm nay và những năm tới. Tuy tăng trưởng tích cực như thế nhưng mỗi lo vẫn còn đầy: nợ xấu, cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước, hạn hán miền Trung, lúa gạo giá không ổn định, nông dân còn thiệt; chỉ số hấp dẫn đầu tư, công nghiệp phụ kiện chưa bảo đảm cho đầu tư; và rồi giáo dục, văn hóa vẫn còn ở mức thấp. Nhất là sản phẩm văn hóa: điện ảnh, ca nhạc… nhưng thức ăn tinh thần thiết yếu cho dân còn ở mức thiếu hụt, mức “nhạc chợ - nhạc thị trường” và phim thì còn xa mới có một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam cỡ như Hàn Quốc, một nền công nghiệp điện ảnh nổi lên ở châu Á với màu sắc dân tộc, không những tác động trở lại nền kinh tế mà còn làm nên thể diện, uy tín, phẩm giá của cả dân tộc họ. Những cái này nói mãi nói hoài, nhưng đấy cũng chỉ mới là cái ngọn của văn hóa. Cái gốc của văn hóa còn phải bàn, phải lo nhiều điều, phải tranh luận, thảo luận nhiều điều. Ta nói ta lấy con người làm gốc, làm trọng tâm, làm động lực cho sự phát triển toàn xã hội. Nói thì dễ, nhưng ta còn thua xa Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan…, những nước châu Á khác, về con người, về giáo dục, về văn hóa. Nhưng dường như cán cân quan tâm của chúng ta lệch hẳn về kinh tế, còn văn hóa - giáo dục (và trong đó là “con người”) thì “đành lòng vậy, dầu lòng vậy”!

Chính phủ vừa chi hơn 700 tỉ để làm sách giáo khoa mới. Đó cũng là một sự quan tâm thiết thực. Nhưng sử dụng sao cho số tiền ấy có hiệu quả thì là việc công luận, giáo giới, giới nghiên cứu… còn phải theo dõi sít sao.

 

_______

(*) Phỏng theo câu thơ của Trần Quang Khải.

...Hai bên đã tổng kết những kinh nghiệm và gợi mở quan trọng về sự phát triển của quan hệ Việt - Trung: tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân vun đắp là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được quý trọng, gìn giữ và phát huy; hai nước Việt Nam - Trung Quốc có lợi ích chung rộng rãi làm cơ sở cho đại cục quan hệ hai nước, hai bên cần luôn kiên trì tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương chân thành, cầu đồng tồn dị, kiểm soát bất đồng; tin cậy chính trị Việt - Trung là cơ sở cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định, hai bên cần tăng cường thăm viếng và trao đổi cấp cao, từ tầm cao chiến lược, đưa quan hệ song phương phát triển về phía trước; hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực, cần tăng cường và làm sâu sắc toàn diện.

...Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt - Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trong năm nay...

(Trích Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 8-4-2015)

 

HỒN VIỆT