Thời sự và suy ngẫm, số 95

1. Chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam (có hai Ủy viên Bộ Chính trị là Lê Thanh Hải và Tòng Thị Phóng) tháng 7-2015 là mốc son lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ. Dẫu có trí tưởng tượng của một nhà văn lớn cũng không thể hình dung ra được tình huống này. Ai đã ở trong chiến tranh chống Mỹ, đều biết nó ác liệt dường nào, hai bên cứng rắn, kiên quyết thế nào! Đó là cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam. Thế mà chỉ 20 năm sau ngày tái lập quan hệ bình thường, người đứng đầu Đảng - cũng là đứng đầu đất nước của ta theo thể chế, thăm Hoa Kỳ và ngồi ở Nhà Trắng để nói chuyện với Tổng thống Mỹ! Đó là sự tôn trọng thể chế chính trị mà Việt Nam đã lựa chọn; đó là tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt…

Một mối quan hệ toàn diện đã được thiết lập giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong 20 năm qua và giờ đây là lúc làm sâu sắc hơn, rộng lớn hơn mối quan hệ ấy, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Mỹ là nước lớn nhất thế giới, có vai trò và trách nhiệm toàn cầu, có quyền lợi và thế mạnh ở biển Đông, ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang phát triển quan hệ với tất cả các nước - kể cả Trung Quốc - phải rất coi trọng mối quan hệ với Hoa Kỳ. Hai bên đến với nhau là lẽ tự nhiên, là “ý trời”, “duyên trời” mà cũng là lòng người. Đánh nhau xong rồi, thì phải dùng “ngọc lụa” mà “giao hiếu” như Ngô Thì Nhậm viết trong Tuyết nguyệt nghi phú. Huống chi trong thế giới ngày nay, có người muốn chiếm cứ biển của người khác, đe dọa hòa bình, an ninh, sự phát triển, thịnh vượng… của nước khác, dùng sức mạnh nước lớn bắt nạt các nước yếu hơn, thì lẽ dĩ nhiên là ta phải đa phương hóa, quốc tế hóa để kiềm chế. Trong tam giác quan hệ Mỹ - Việt - Trung, ta đứng giữa, cân bằng, không làm hại ai, không lệ thuộc ai, ta muốn có quan hệ tốt đẹp với hai nước lớn, còn ứng xử trở lại thế nào là việc của họ.

Chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải chỉ là việc của hôm nay, của hiện tại, mà là mở ra tương lai, mở ra triển vọng to lớn cho đại cục đất nước. Sự trọng thị, sự nồng nhiệt của Hoa Kỳ đối với Việt Nam không phải là sự can thiệp vào Việt Nam (Việt Nam không để ai làm chuyện đó) mà rõ ràng là Mỹ không thể để ai qua mặt mình, làm mất uy tín mình. Mỹ phải thể hiện trách nhiệm nước lớn của mình. Chúng ta hoan nghênh điều đó và đáp lại điều đó. Chúng tôi cho rằng chắc chắn là, tùy từng hoàn cảnh lịch sử, mà Việt Nam sẽ đáp ứng mối quan hệ đó với những mức độ khác nhau. Không có một giới hạn nào trong việc giữ vững độc lập, tự do của dân tộc. Không có gì là không thể, trừ việc mất nước, mất độc lập, tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 40 thế kỷ trước, đã nghĩ đến nước Mỹ. Người đã thể nghiệm nước Mỹ trong thời gian ở đó, Người đã nghiên cứu Mỹ, hiểu nước Mỹ. Người đã 14 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ và các vị lãnh đạo Mỹ, mong nước Mỹ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam theo tinh thần ủng hộ độc lập dân tộc của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ khi đó. Tiếc thay, tình hình lúc đó quá phức tạp và Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội đó để cả tin vào thuyết domino - chống Cộng của mình. Thực ra, Hồ Chí Minh là người rất thực tế. Người chỉ muốn giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc mình. 70 năm sau, ý nguyện đó của Người với nước Mỹ mới được thực hiện. Và đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao Hồ Chí Minh, là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Chúng tôi nghĩ rằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh một cách tốt đẹp, đem lại biết bao phấn chấn trong lòng nhân dân Việt Nam. Giờ đây, ta bắt tay bè bạn năm châu, làm bạn với tất cả các nước lớn, nhỏ… Nhưng trong đó, quan hệ với Hoa Kỳ vẫn là quan hệ hàng đầu. Những gì đã diễn ra và sẽ diễn ra sau đây, trên tất cả các mặt, sẽ cho ta thấy tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ ấy.

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã “lẩy Kiều” tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Lần trước, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton cũng “lẩy Kiều”: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân). Kỳ diệu thay là thơ ca, kỳ diệu thay là Truyện Kiều. Nguyễn Du đã tham gia vào ngoại giao thời đại! Còn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đã trích dẫn câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt: “Khi tin là có thể thì bạn đã đạt được một nửa thành công” (Believe you can and you’re halfway there).

Chúng tôi muốn “hay hèn lẽ cũng nối điêu” mà nhân sự kiện này “lẩy Kiều” về quan hệ hai nước:

Huệ lan sực nức một nhà

Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa

(nhà đây có thể hiểu là Nhà Trắng, nơi ông Barack Obama tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng)!

Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, Việt Nam và Hoa Kỳ nhất định sẽ “có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau” (phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS).

2. Một sự kiện có thể nói là “động trời” thế giới là tập đoàn tư vấn McKinsay & Company (Hoa Kỳ) công bố báo cáo về tình hình vay nợ ở Trung Quốc, theo đó, số nợ xấu của Trung Quốc tính đến cuối 2014 là 28.200 tỉ USD (lớn gấp gần 3 lần sản lượng kinh tế của nước này, khoảng 10.000 tỉ USD).

Vì sao nên nỗi? Chuyện kinh tế là chuyện dài dòng, phức tạp, nhưng có thể tóm lược lại là như thế này: Trung Quốc mắc nợ và rối loạn kinh tế bắt đầu từ 2008. Lý do là từ chiến lược kinh tế của Bắc Kinh. Tháng 9-2008, Mỹ bị khủng hoảng tài chính. Bắc Kinh sợ hiệu ứng, bèn tăng chi ngân sách 587 tỉ USD cho xây dựng hạ tầng. Đồng thời, ra lệnh cho các ngân hàng ào ạt cấp phát tín dụng để kích thích kinh tế. Kinh tế do đó tăng vọt, vượt qua Nhật Bản năm 2010, đứng thứ nhì thế giới. Bắc Kinh lấy đầu tư làm lực đẩy, tránh thất nghiệp và rối loạn xã hội. Nhà nước nắm đất đai và các phương tiện tài trợ sản xuất. Ngân hàng tài trợ cho doanh nghiệp nhà nước ở trung ương, địa phương, thực hiện các dự án sử dụng đất đai… Sản xuất tăng nhưng nợ tăng mạnh hơn. Nợ tăng gấp 4 lần trong thời gian 5 năm. Vấn đề này liên quan đến nhà đất. 30% số nợ nằm ngoài sổ sách ngân hàng. Núi nợ này dễ đổ sụp. Đất đai của Trung Quốc cũng có giới hạn, trung bình chỉ bằng 1/3 trung bình của thế giới. Mà hầu như tất cả là từ đất, nhờ đất, nhờ chính quyền bán đất. Còn mua là các công ty địa phương lập ra để tạo công ăn việc làm, các công ty này chưa xây xong, làm xong đã hỏng. Hoặc là họ thực hiện các dự án ảo. Trung Quốc hiện có 155.000 doanh nghiệp, nợ doanh nghiệp nhà nước khoảng 6.500 tỉ USD. Thực tế là tư doanh không len vào được chuyện làm ăn này. Các doanh nghiệp nhà nước này mặc sức vay mượn nhau, đẻ ra nợ xấu… Cũng mấy ngày nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo, mất giá đến hơn 30%. Trung Quốc đã chuyển 20.000 tỉ USD tiền gửi sang thị trường chứng khoán để hồi phục kinh tế, sau khi thị trường bất động sản sụp đổ và các ngân hàng ngầm bộc lộ rủi ro. Mục tiêu là tạo đà tăng ổn định cho thị trường chứng khoán. Nó đã phình to và theo Wall Street Journal, có 4 dấu hiệu bất thường: giá cổ phiếu không liên quan gì đến kinh tế nền tảng, mua cổ phiếu bằng tiền đi vay, nhà đầu tư giao dịch quá mạnh và giá cổ phiếu quá cao. Hiện Trung Quốc có khoảng 90 triệu nhà đầu tư cá nhân. Nông dân, người không có bằng phổ thông… cũng chơi chứng khoán… Gần 3.000 tỉ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán, bất chấp hàng loạt biện pháp cứu gỡ của Bắc Kinh. Phen này không những “nhà giàu cũng khóc” mà cả “nhà nghèo cũng khóc” vì vỡ nợ, phá sản, trắng tay. Có người đã tự tử.

Cuộc khủng hoảng này, đà lao dốc của chứng khoán này có thể làm cho Trung Quốc rơi vào vòng xoáy suy giảm và hậu quả sẽ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và sẽ lớn hơn nhiều so với Hy Lạp - “một đốm nhỏ”, còn Trung Quốc thì lại là “trung tâm thiên hạ”. Nền kinh tế lớn thứ nhì toàn cầu mà đột ngột tuột dốc thì sẽ là một thảm họa. Cả thế giới đang theo dõi sự kiện này. Việt Nam ta buôn bán, làm ăn với Trung Quốc, nhất định cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn rủi ro khi Trung Quốc tụt dốc. Nhật, Hàn… còn bị ảnh hưởng lớn hơn. Nên chúng ta cũng cần theo dõi chặt chẽ. Dù thế nào, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay sẽ đạt mức 7%, mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua (hay có người nói hàng ế, hàng thừa thì Trung Quốc cũng tính cả vào tổng sản lượng).

Nhà nước Trung Quốc đang rót tiền, can thiệp để bình ổn chứng khoán. Nhưng ai cũng thấy sự can thiệp cơ học như thế không làm giảm rủi ro.

Tất cả được quy vào sự can dự quá sâu, quá mức vào kinh tế của nhà nước. Hình thái kinh tế tư bản - nhà nước của Trung Quốc là như vậy. Nó có thể làm cho Trung Quốc phát triển chóng mặt, nhưng sự phát triển này không hề vững chắc. Một lúc nào đó, các mâu thuẫn tích tụ có thể làm vỡ tung chiếc bong bóng kinh tế ấy.

Trước mắt, trong kinh tế, những kẻ có quyền lực lớn, “nghiêng thiên hạ” như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, Lệnh Kế Hoạch… và mới đây nhất là Phó chánh án Tòa án tối cao Hề Hiểu Minh mắc tội tham nhũng.., thì người ta thấy rõ các mâu thuẫn cốt lõi trong lòng xã hội Trung Quốc là như thế nào. Kinh tế phát triển thì tham nhũng phát triển, mâu thuẫn giàu nghèo cực kỳ lớn. Nông dân ở nông thôn nhiều nơi vẫn phải ở trong những ngôi nhà đất như bao đời, chịu nghèo khổ, ngơ ngác nhìn các ông chủ mới giàu có, xa hoa chưa từng thấy trong bất cứ thời gian lịch sử nào của Trung Quốc, trên đất nước Trung Hoa một thời “công nông làm chủ”… Bi kịch lịch sử là ở đấy. Ông Tập Cận Bình chống tham nhũng hăng thật đấy nhưng các học giả Trung Quốc cho là mới chỉ chống ở ngọn, cái gốc là quần chúng nhân dân, là thể chế chính trị… còn chưa được đề cập tới. Những gì đang diễn ra trong chống tham nhũng cũng chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.

Nhưng cũng chính vì tình hình trong nước như vậy mà phải đề phòng Trung Quốc dùng việc gây chiến với bên ngoài để củng cố bên trong. Đó là mưu kế của nhiều đời ở Trung Quốc – chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 do Đặng Tiểu Bình chủ trương là như vậy.

Trước mắt Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 ở ranh giới vịnh Bắc Bộ, cách ranh giới với ta 1 hải lý và ra sức xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa làm căn cứ quân sự để âm mưu bá chiếm biển Đông. Họ dùng kế “thập diện mai phục” với Việt Nam ở các vùng biên, gây sức ép trước chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có ý răn đe Việt Nam không được xích lại gần Mỹ…

Ông ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 27-6-2015 tuyên bố là: “Trung Quốc ngay từ 1.000 năm trước đã là nước lớn hàng hải, là nước phát hiện, sử dụng và quản lý sớm nhất quần đảo Trường Sa, cho nên về luật pháp quốc tế truyền thống, chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa có đầy đủ căn cứ pháp lý và sự thật”. Thế kỷ 21 là thế kỷ khoa học, kể cả khoa học lịch sử, đã tiến xa, đã chuẩn xác rất nhiều. Không thể nào nói Trung Quốc là một nước lớn hàng hải từ 1.000 năm trước (chứng cớ đâu - trong khi nhiều sử gia Trung Quốc thừa nhận Trung Quốc là nước phi hàng hải trong lịch sử. Còn nói những chuyến hải trình của Trịnh Hòa thì là từ đời Minh (1405-1433). Các bản đồ thế giới và trong nước đều vẽ lãnh thổ Trung Quốc đến Hải Nam, làm gì có chuyện Trung Quốc quản lý “sớm nhất” quần đảo Trường Sa… Ông Ngoại trưởng phải là nhà thông thái, là một nhân vật quan trọng đại diện cho trình độ văn hóa của Trung Hoa, làm sao có thể nói như thế được!

Nhưng thôi, đây là “chuyện thường ngày ở huyện” của Trung Quốc về vấn đề biển đảo. Nó chẳng thuyết phục được ai.

Philippines đang kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về đường chín đoạn này và Việt Nam cử đoàn quan sát viên tại phiên tòa đang diễn ra. Ta ngày càng phải rõ ràng thái độ, hữu nghị với nhân dân, với đất nước Trung Quốc, nhưng kiên quyết đấu tranh bằng nhiều biện pháp với những điều ngang ngược của Trung Quốc. Có bạn Việt Nam ở nước ngoài lập luận rằng ta không kiện Trung Quốc về Hoàng Sa, Trường Sa ra tòa, thì “để lâu cứt trâu hóa bùn”, Trung Quốc sẽ đương nhiên chiếm hữu. Cũng như có bạn khuyên ta nên tuần tra biển chung với Hoa Kỳ, Nhật, Ấn, Úc… Chắc cấp trên đã nghĩ tới cả rồi nhưng có lẽ là chưa cần, chưa tới lúc, mà “hãy đợi đấy”. Ta phải cân nhắc mọi bề vì đi sai một nước cờ, có khi xảy ra chuyện!

Ấy, tình hình ta với Trung Quốc thì vẫn hữu nghị, buôn bán, giao thiệp bình thường, nhưng căng như thế đấy, mà ta phải gồng mình lên chịu đựng. Và mọi tấm lòng, mọi con mắt đều hướng cả về kết quả Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm tới, sao cho đất nước mạnh lên, rồi ta sẽ tính tới mọi bề…

3. Thời sự nhỏ trong thời sự lớn mấy ngày vừa qua là các Đại hội Văn học - Nghệ thuật trong đó có Đại hội Hội Nhà văn. Nói chung, đều thành công, ổn định. Đại hội Nhà văn bầu ra Ban chấp hành gồm 6 người (“lục tài tử”), đủ sức gánh vác công việc Hội, nếu như biết tổ chức các chi hội cơ sở, các tổ chức chuyên môn giúp việc… Hơn 1.000 hội viên phần lớn là những người thiện chí, xây dựng, sẽ xắn tay áo cùng các vị lo toan. Chẳng hạn, chỉ cần 6 vị công bố e-mail (địa chỉ hộp thư điện tử) của quý vị, hội viên sẽ liên lạc góp ý, đề nghị. Lãnh đạo, điều hành hiện thời là lãnh đạo, điều hành hiện đại, không phải như hai ba chục năm trước, phải có “cán bộ nằm vùng”. Vấn đề là nhiệt huyết cống hiến, quyết tâm chính trị của quý vị… Nhưng cái chính vẫn phải là các nhà văn phải có sáng tác hay, lớn, xúc động, đóng góp vào văn hóa tinh thần của đất nước giai đoạn này. Cái chính là phải hâm nóng, thổi lên rừng rực cháy cảm hứng yêu nước, nhiệt hứng vì con người - nhân văn mà lâu nay cơ hồ nguội lạnh đi trong cơ chế thị trường… Ta đã không kế thừa được truyền thống quá khứ mấy nghìn năm, gần nhất là quá khứ kháng chiến - cách mạng còn nóng hổi máu, nước mắt, chiến công... Nhiều người tìm tới phương Tây như một cứu tinh cho văn hóa. Xin thưa, ở bên ấy, một hoàng hôn cũng đang phủ xuống(*), một khủng hoảng sâu sắc về nhân sinh, về văn hóa cũng đang được báo động. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan của phương Tây đã phát triển đến đỉnh điểm, giờ là lúc họ không còn là ngọn cờ tư tưởng nhân loại như thời kỳ Phục hưng và mấy thế kỷ sau…

Thực sự ở phương Tây bây giờ có tác giả, tác phẩm nào lớn? Còn nếu học về thi pháp, bút pháp… của họ thì cũng có cái phải học, nhưng có cái phải tự mình kế thừa truyền thống tốt đẹp xuất sắc của ta mà tự tìm tòi, sáng tạo, không nên thấy họ “ăn khoai thì cũng vác mai đi đào”, vớ được mấy cái lạ mà nay họ đã phủ nhận rồi xem như mình đã là “hiện đại”, “hội nhập”… thì đó là điều bất cập.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ở Đại hội Hội Điện ảnh (diễn ra ngay sau Đại hội Hội Nhà văn) có nhận xét rằng: Nếu không chuyển biến, điện ảnh Việt Nam sẽ lạc hậu lạc điệu (tin trên VTV1 tối 14-7). Điện ảnh, một ngành nghệ thuật quan trọng, đã tuột dốc từ lâu, mặc dù cũng có nhận định rằng nó lại đang khởi sắc. Mà cũng như Văn, như Nhạc…, cái chính là do mất cảm hứng chủ đạo. Văn nghệ mà hay là do cái đó, phải đâu do vài phương thức thể hiện, hoặc đi tìm cái lạ để ăn khách bên ngoài. Vấn đề là với Điện ảnh, một ngành công nghiệp - văn hóa, thì trách nhiệm của nhà nước là rất lớn. 200 hãng điện ảnh tư nhân cũng không thể nào gánh vác nền điện ảnh của một đất nước. Xã hội hóa, tư nhân hóa, hội nhập… mà không có tài năng, không có tư tưởng, cảm hứng lớn thì văn nghệ đến việc giải trí đơn thuần cũng chưa làm tốt. Đúng như NSND Đặng Nhật Minh, tác giả bộ phim kinh điển Bao giờ cho đến tháng mười, phát biểu, ở đây người ta không tính đến lỗ lời, ăn khách, chỉ tính đến sáng tạo.

Đây là những vấn đề phức tạp, có những ý kiến khác nhau. Hy vọng có dịp ta sẽ thảo luận thêm. Nhưng một thời đại lớn đến trong văn học nghệ thuật là điều bao gồm tính quy luật, khách quan và chủ quan, tính từ kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa, giao lưu quốc tế… và cuối cùng, cái quyết định vẫn là tài năng cá nhân.

 

_____

(*) “Ánh sáng của trí tuệ do nền văn minh Tây Âu tạo ra cũng đang bị nhấn chìm trong bóng tối” (A. Zinov’ev, xem Hồn Việt số 94, tháng 7-2015). Nhân tiện cũng xin nói là A.Zinov’ev xem nền văn minh Hoa Kỳ thuộc hệ hình văn minh Tây Âu; Nga cũng vậy.

HỒN VIỆT