Thời sự và suy ngẫm, số 96

Vấn đề biển Đông vẫn là vấn đề nóng nhất của hội nghị cấp cao ASEAN, các hội nghị giữa ASEAN và các đối tác chiến lược. Tất cả đều bày tỏ sự lo ngại sâu sắc đối với hành động của Trung Quốc làm biến dạng đảo Trường Sa. Hành động mà Trung Quốc cứ nói là vì mục đích “dân sự”, nhưng thực chất là hành động mở đầu cho sự chuẩn bị quân sự, chiếm lĩnh biển Đông. Trung Quốc, như có tờ báo nước ngoài nhận định “dùng tiền để thực hiện tham vọng”, và vẫn như cũ, nói những điều khó có thể chấp nhận. Như nói: không lấy được biển Đông, thì “hổ thẹn với tổ tiên” - vì họ nói rằng, 1.000 năm trước, biển Đông đã là của họ. Hổ thẹn với tổ tông ư? Mình làm cái gì quấy, phi nghĩa… thì mới hổ thẹn chứ! Đằng này là làm nhục tổ tông thì có! Tư Mã Thiên viết rằng: “Hạnh mạc ư nhục tiên 行莫醜於辱先” (Không có gì đáng xấu trong đức hạnh hơn là làm nhục tổ tiên). Mao Trạch Đông có dặn đoàn cố vấn Trung Quốc sang Việt Nam năm 1950 rằng: các anh qua đó phải xin lỗi Việt Nam vì tổ tiên ta đã từng xâm lược họ. Điều Mao Trạch Đông nói năm 1950 đó, giờ còn giá trị hay không?

Rốt cuộc, thì tạm thời Trung Quốc cũng phải tạm lùi bước, tuyên bố sẽ cùng các nước ASEAN thương thảo bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, có tính ràng buộc, có tính luật pháp hơn. Ta hãy biết vậy.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ - phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đang là việc nóng. Quỹ Tiền tệ Thế giới nhận định, đây là việc Trung Quốc nên làm. Nhưng cũng theo Quỹ này, Trung Quốc phải cải cách hơn nữa. Trung Quốc thì cho rằng, mình làm thế là thực hiện phương châm để thị trường chi phối (nhà nước không can dự). Trước mắt, xuất nhập khẩu Trung Quốc sẽ tăng và sẽ có lời hơn. Nhưng về lâu về dài, nếu tỉ giá NDT và USD tiếp tục biến động, thì nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và đang gặp phải không ít rủi ro, cũng sẽ gặp biến động xấu.

Đặc điểm của nền kinh tế Trung Quốc là: dựa vào nhân công giá rẻ, xuất khẩu hàng sang Mỹ, châu Âu và thế giới (dĩ nhiên thị trường 1,4 tỉ người Trung Quốc cũng là rất đáng kể), chịu khó làm những thứ hàng mà Âu - Mỹ “chê” vì ô nhiễm môi trường, vì kỹ thuật thấp… Nhưng Trung Quốc có khả năng học và làm theo rất nhanh những mặt hàng kỹ thuật cao, làm công nghiệp phụ kiện… và họ trở thành “công xưởng của toàn thế giới”. Nhờ thế, kinh tế tăng vọt. Nhưng chưa phải là nền kinh tế công nghệ tiên tiến. Một lúc nào đó, nền kinh tế này sẽ tới điểm dừng. Và đây là thời điểm đó chăng?

Thủ tướng ta thăm Malaysia, Singapore và kết nối quan hệ đối tác chiến lược với Malaysia, là một trong những thắng lợi của ta. Việc này tăng cường sự đoàn kết nhất trí của ASEAN. Malaysia năm nay là chủ tịch luân phiên ASEAN.

Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry thăm Việt Nam, khẳng định lại những cam kết trong hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia vào dịp 20 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ, cũng là một điểm son trong quan hệ hai nước.

Tất cả những thắng lợi đó làm chúng ta phấn chấn, vững tin ở thực lực, vị thế của ta.

Vừa rồi, có một ông làm tổng lãnh sự ở Đức gần 4 năm về nước. Vì là người nhà, chúng tôi có gặp để hỏi chuyện. Ông ta nói: ông ta có tiếp xúc nhiều với giới đại tài phiệt ở Đức, vì là chỗ thân tình, họ cũng nói nhiều nhận định thật tình về chuyện làm ăn ở Việt Nam. Về tình hình chung, họ cho là chủ nghĩa tư bản đang chuyển sang một giai đoạn mới.

Chúng tôi mới nói: giai đoạn mới thế nào thì chưa biết, nhưng hiện nay thì thấy kinh tế toàn cầu đang chựng lại, thất nghiệp tăng, khủng bố, các lò lửa chiến tranh nóng vẫn tồn tại và đe dọa, biến đổi khí hậu nguy hiểm…; nhiều nền kinh tế, kể cả EU, là u ám. Muốn chuyển sang một giai đoạn mới thì phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề phải có dạng năng lượng mới thay thế dầu mỏ sẽ đến ngày cạn kiệt. Khoa học kỹ thuật là cái quyết định thì dường như sau hàng thế kỷ phát triển, đột phá… đến nay có vẻ chạm ngưỡng… Trong khi đó, văn hóa - xã hội, nhất là văn hóa, nhân sinh… lâm vào khủng hoảng. Sau 5-6 thế kỷ cầm ngọn cờ chủ nghĩa nhân văn Phục hưng dẫn dắt nhân loại, văn hóa Tây phương đạt đến những thành tựu văn hóa vĩ đại bên cạnh bước tiến vĩ đại về kinh tế trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Nhưng đến nay, ngọn cờ ấy không còn sức hiệu triệu và đẻ ra những thành tựu, những tác phẩm lớn nữa. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu… sụp đổ, kéo theo sự hàng phục về văn hóa, đánh mất văn hóa… Một hoàng hôn đang rủ xuống trên toàn bộ nền văn hóa Tây phương….

Ông cựu tổng lãnh sự kia mới nói rằng: chính nhiều nhà đại tài phiệt ở Đức cũng có nhận xét lo lắng như vậy. Họ thấy chưa tìm ra lời giải cho câu hỏi lớn đó. Vì đây là vấn đề rất khó, còn khó hơn kinh tế nữa…

Đây là vấn đề toàn cầu, lớn và khó. Nhưng vì là ở ta, trong khi đi vào thị trường “mới nổi”, còn có phần “hoang dã” thì nền văn hóa dân tộc đang bị uy hiếp bởi văn hóa ngoại nhập, bởi mặt trái thị trường là tiền chế ngự công việc và cảm hứng văn hóa. Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về vụ sát hại một gia đình ở Yên Bái mà thủ phạm là một thanh niên, chỉ vì thù riêng… và hàng loạt vụ án giết người khác. Công an ta đã phá các vụ án rất nhanh. Bạo lực sao dễ dàng quá sức, chưa từng có trong đời sống Việt Nam trước đây, nguyên nhân do đâu? Trong văn hóa ngoại nhập đó, có thể có nhân tố tích cực, nhưng phần tiêu cực không ít, nhất là trong giới trẻ đang như bị “thôi miên”, mà ta không có sức chống đỡ. Ta đang lo lắng vì nhiều vấn đề kinh tế lớn, cốt lõi, như cấu trúc lại các xí nghiệp, cân đối lại nền kinh tế, giải quyết nợ xấu, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, đầu tư công nghệ phụ kiện, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết những vấn đề lớn của nông nghiệp… Những vấn đề hệ trọng này cơ hồ thu hút hết sự quan tâm của lãnh đạo, của xã hội. Trong khi đó, văn hóa - giáo dục là những vấn đề trầm kha, vấn đề miên trường hàng thế kỷ, “chưa chết ai”…

Cho nên nhiều khi nói thì có nói, rồi nó cũng bị cho qua, bị xếp vào hàng cuối cùng của sự quan tâm. Nhưng xét cho cùng, cái cuối cùng quyết định là con người, là văn hóa. Văn hóa ta hầu như từ lâu đã đoạn tuyệt với văn hóa truyền thống. Ta làm lễ hội, khôi phục di tích, được UNESCO phong mấy di sản thế giới…, nhưng những cái đó chẳng qua là cái bề nổi của tảng băng chìm văn hóa hàng mấy ngàn năm - từ trước công nguyên - từ thế kỷ thứ 3 TCN, khi Triệu Đà dựng nước Nam Việt gồm cả Giao Châu đối đầu với nhà Hán, và có thể còn trước đó nhiều. Nền văn hóa cổ truyền, từ dân gian, từ bác học, có nhiều cái được Việt hóa (chữ Hán - Hán Việt là một thành tựu của cha ông ta về việc Việt hóa đó)… thì nay đang ở đâu? Bây giờ hầu như ta chỉ có văn hóa của mấy thế kỷ chữ quốc ngữ, khác hẳn với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Ta chỉ đi lướt qua, đi bên cạnh nền văn hóa cổ truyền để nhìn ngắm và phần lớn là xa lạ với nền văn hóa đó. Những cái tên như Trần Thái Tông - Khóa hư lục, Trần Nhân Tông - thơ và phú Nôm, thậm chí Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… cũng dần xa lạ. Học sinh chỉ tập trung học văn học hiện đại để thi, vì thi không bao giờ có văn học cổ điển! Ta hãy trông gương văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đủ rõ, đủ thấm thía là cần làm thế nào. Nhưng ta kêu gọi học tập đạo đức Hồ Chí Minh mà lại không đi từ gốc, từ nguồn… thì làm sao học được?

Tóm lại, có nhiều vấn đề lớn, căn cơ lắm, sâu rộng lắm cần đề cập, thảo luận, đi đến quyết sách, thực thi. Có con mắt văn hóa thì nhìn ra vấn đề dễ hơn. Và nhìn ra toàn cầu, ta càng thấy cần phải giữ và phát huy tính ưu việt của nền văn hóa Việt Nam bản địa. Giờ đã quá chậm, nhưng chậm còn hơn không.

Vấn đề này mong sẽ được thảo luận, đề cập đến nhiều nữa, sâu hơn, khẩn thiết hơn nữa để đạt tới một cái nhìn đồng thuận, trên tinh thần yêu nước Việt Nam.

HỒN VIỆT