Sự suy sụp của nhiều xí nghiệp vừa và nhỏ, 70% doanh nghiệp thua lỗ trong 6 tháng đầu 2012, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) 7 tháng đầu năm ở mức 66,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,3 tỉ USD, nợ xấu ngân hàng 202 nghìn tỉ (làm nghẽn tắc một nguồn vốn trong vận hành kinh tế), nhất là hiệu quả kém kèm tham nhũng của một số xí nghiệp nhà nước (Vinalines, Vinashin… - những lệ chứng kinh điển)… là những thách thức cho những tháng cuối năm nay và năm 2013.

Đạt được mức GDP 6,5% cho năm 2013 cần đến những nỗ lực phi thường. Phải làm sao vực dậy được các doanh nghiệp, làm sao cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vay (trong khi ngân hàng không muốn chịu rủi ro). Chính phủ đã cho chi 29 nghìn tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng hạ lãi suất cho vay, và hiện ngân hàng có tiền muốn cho vay mà doanh nghiệp không vay được.
Làm sao giải quyết tình hình này?
Nhìn vào đời sống thường ngày ở ta hiện nay, ta thấy sức mua giảm đi rõ rệt. Giá xăng tăng giảm một cách thảng thốt (trong khi ở nhiều nước, người ta nói, giá xăng lên xuống chính xác từng phút một theo giá nguồn), giá điện bắt buộc phải tăng vì bù lỗ lâu quá…, kéo theo người dân phải lo lắng, chắt bóp chi tiêu… Muốn chuyển hướng cho sản xuất hướng vào thị trường trong nước trong hoàn cảnh xuất khẩu khó khăn hiện thời, mà sức mua giảm như thế, thì Nhà nước phải có chính sách kích cầu, hỗ trợ… Để vực dậy nền kinh tế, cần có những phản ứng nhanh, mạnh, táo bạo…
Nhưng bên cạnh cái lo kinh tế - tài chính là cái lo về chính sách, nổi bật là chính sách thu hồi đất ở nông thôn. Chẳng cần gì phải nhắc lại tầm quan trọng sống còn của vấn đề nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Hàng chục năm nay đã diễn ra hàng nghìn cuộc khiếu kiện, tố cáo… làm nhức nhối lòng người, nhưng sự điều chỉnh, giải quyết rốt ráo có phần quá chậm.
Không ít các chính quyền địa phương (tỉnh, huyện và cả xã) ở nhiều nơi, nhân danh và lợi dụng việc lập các khu công nghiệp – đô thị; cho nước ngoài đầu tư, để lấy đất làm nông nghiệp của dân. Họ định giá đền bù quá rẻ mạt và bán ra với một giá siêu lợi nhuận (một tài liệu điều tra về nông thôn Hà Nam của kỹ sư nông học Nguyễn Thế Nữu 83 tuổi, cho chúng tôi con số: 300 lần).
Tham nhũng của nước ta, làm giàu nhanh ở nước ta phần không nhỏ là từ đất đai. Có tiền là mua đất, xây nhà, xí nghiệp cũng đem vốn buôn bất động sản, và bị kẹt, nên nợ xấu ngân hàng.
Trở lại vấn đề lấy ruộng, mà có nhiều nơi là lấy “bờ xôi ruộng mật” phải hàng ngàn năm mới có được…, nhiều khi là bán lại cho tư nhân kinh doanh…, ép giá nông dân, làm nông dân bị mất ruộng, mất khả năng sinh sống, phiêu dạt ra đô thị làm thuê…, trong khi một số người kiếm lợi kếch xù trên lưng nông dân khốn khổ.
Tình hình như thế, phổ biến ở nhiều nơi, nhiều vụ oan khuất lòa mây mà nông dân không có cách nào tố cáo. Đơn ở dưới, dưới không giải quyết, chuyển lên trên, trên chuyển xuống, thì dưới báo cáo “đã giải quyết tốt rồi”. Cứ thế người nông dân thật đã hết đường sống, và không có ông Bao Công thời hiện đại nào nhảy vào để làm vơi oan khuất!
Tình hình như thế là sự vi phạm, sự làm trái dựa trên kẽ hở của luật pháp vốn còn quá nhiều kẽ hở. Tình hình đó là sự phá hoại niềm tin, là sự trỗi dậy của các thế lực tham lam tàn bạo, làm sao chúng ta có thể điềm nhiên ngồi nhìn mà không xúc động? “Lương tâm hỡi! lẽ nào ta tự sát” (Tố Hữu).
Cần sửa ngay, không chậm trễ, luật đất đai và các luật khác, và cần những điều chỉnh để chấm dứt sớm tình trạng này, nếu không, nông thôn không yên, lòng dân không yên. “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Hồ Chủ tịch thường dẫn câu cổ ngữ đó. Niềm tin là tất cả. Nếu anh làm điều gì dối trá, thậm chí tàn bạo, hậu quả sẽ khôn lường. Cũng là cổ ngữ, có câu: “Quan lại coi dân như cá thịt, dân coi quan lại như cừu thù”.
Nhân kiểm điểm thực hiện Nghị quyết 4 về chỉnh đốn Đảng, nên đặt nặng vấn đề này và nên có xử trí làm gương những trường hợp vi phạm trắng trợn.
Nương nhẹ, bỏ qua… chỉ khuyến khích cái Ác. Đã là Đảng Cộng sản thì chỉ có vì dân, gắn với dân mới tồn tại, chứ quay lưng với dân thì còn gì để nói? Gần đây các tỉnh Long An, Tây Ninh… và rục rịch Bắc Ninh trả lại dân ruộng đất trong “quy hoạch treo” (“treo” hàng chục năm), là một dấu hiệu tích cực, đáng mừng.
Về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, về vấn đề biển Đông, trong khi hết sức đề phòng cuộc khủng hoảng ở biển Đông nóng lên, gây nguy hiểm cho toàn cục do thái độ của Trung Quốc lấn tới muốn độc chiếm biển Đông thì chúng ta cũng tin tưởng rằng, tình hình là có thể kiểm soát được, và vẫn có sự lạc quan, do:
1. Về phía Trung Quốc, tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh với Tân Hoa Xã về vấn đề quan hệ Trung Quốc – ASEAN mới đây, trong đó có vấn đề biển Đông, có nói đến những thành quả 20 năm qua của quan hệ này, và quan điểm “cùng có lợi, cùng thắng” trong mối quan hệ đó.
Trung Quốc và ASEAN mật thiết về kinh tế, thương mại hai chiều lên đến gần 300 tỉ USD/năm (con số chính xác là 297,776 tỉ USD, trong 10 năm tăng 7,4 lần). Về vấn đề biển Đông, bà Phó Oánh nói đến việc thực hiện DOC (“Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông”), tiến tới COC (“Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên tại biển Đông”) khi “điều kiện chín muồi” (?). Đó là những dấu hiệu hạ nhiệt sau khi ASEAN với vai trò của Ngoại trưởng Indonesia, thống nhất được trong Tuyên bố 6 điểm.
Tuy Trung Quốc vẫn còn có động thái làm cho người ta nghi ngại về việc chia rẽ ASEAN (mà Mỹ cũng lên tiếng phản đối), nhưng nhìn chung thái độ như thế là phải lẽ. Bởi hòa bình, ổn định, phát triển… không phải chỉ cần cho ASEAN, mà cần cho cả Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay, bên cạnh các quan điểm dân tộc cực đoan đòi đánh Việt Nam, Philippines… và đối đầu trong quan hệ với nhiều nước, thì cũng đã có nhiều tiếng nói tỉnh táo hơn, nhân danh chính lợi ích của đất nước Trung Quốc.
Các vị này nói rõ ràng rằng cứ đưa đường chín đoạn (“lưỡi bò”) để độc chiếm biển Đông, thì các nước chẳng ai người ta chịu, và căng thẳng chiến tranh chỉ dẫn tới sự cô lập nhiều hơn, sự thua thiệt về ngoại giao của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy đây chỉ là những tiếng nói còn ít ỏi, nhưng nó quan trọng vì nó thể hiện tư duy lành mạnh trước một tình hình phức tạp. Cũng cần lưu ý rằng, cho đến thời điểm này, sau khi Trung Quốc được xếp vào nước có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, tình hình kinh tế Trung Quốc đang xấu đi, đang sụt giảm… và người ta cho là “phép màu kinh tế của Trung Quốc đang kết thúc”.
Một “bong bóng” kinh tế có thể sẽ nổ tung (sản xuất công nghiệp chiếm ½ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, thấp hơn mức trung bình hàng năm là 15% trong thập kỷ trước, và chậm hơn tốc độ trong 12 tháng qua khoảng 25%..., tiêu thụ điện giảm, xuất khẩu chỉ tăng 4%, nhập khẩu ngưng trệ…).
Điều đó nói lên rằng, Trung Quốc tuy phát triển nhanh như thế, vẫn luôn luôn đối mặt với những biến động bất ngờ, nhất là trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới đang có dấu hiệu lún sâu hơn (ở châu Âu và cả ở Mỹ). Năng lượng vẫn là vấn đề số 1 của “công xưởng thế giới” này, và giải quyết nó phải là sức mạnh mềm toàn cầu của Trung Quốc (đối với châu Âu, châu Mỹ La tinh, Trung Đông; và việc muốn độc chiếm biển Đông cũng là có cái ý đó: năng lượng!).
Chưa nói đến tình hình nội bộ, nội trị Trung Quốc, chưa nói các vấn đề đối ngoại với Mỹ - Nhật - Ấn Độ, Triều Tiên - Hàn Quốc, ASEAN… đang đặt ra bao nhiêu vấn đề mà nếu xử lý theo tinh thần dân tộc cực đoan của một số lực lượng hiếu chiến, tình hình sẽ ra sao? Trung Quốc quá lớn, nhưng chưa đủ mạnh để dùng sức mạnh khống chế toàn cầu. Họ phải sử dụng “sức mạnh mềm”, có lợi cho họ hơn. Bài học ngụ ngôn “cứng như cái răng, mềm như cái lưỡi” là bài học sâu sắc của Trung Quốc.
|
Tình hình biển Đông đang diễn biến khá phức tạp |
2. Về phía Việt Nam chúng ta, nếu không có vấn đề biển Đông, vấn đề “đường lưỡi bò”, Hoàng Sa – Trường Sa… thì chúng ta chẳng có mâu thuẫn gì với Trung Quốc. Một số người, một số bộ máy tuyên truyền như tờ Thời báo Hoàn cầu luôn luôn xuyên tạc sự thật, vu vạ, đổ lỗi cho Việt Nam. Tạm thời chưa cần bàn đến chuyện này vội. Cái quan trọng nhất là Việt Nam luôn muốn sống hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu… với Trung Quốc.
Nhân dân hai nước trong hàng nghìn năm đã xây nên tình hữu nghị sâu sắc “lễ nghĩa văn chương như một nhà” (“lễ nghĩa văn chương tự nhất gia”), mặc dù các cuộc chiến bạo tàn của Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… Nhưng nhân dân Việt Nam vẫn biết đó là chuyện của bọn phong kiến cầm quyền. Sau khi hai nước đã giành độc lập, một tình hữu nghị anh em đích thực, tốt đẹp đã có giữa hai nước, và ở đó người ta không phân biệt đâu là kẻ gia ơn: “chúng ta là anh em, chúng ta giúp đỡ lẫn nhau” cùng chống đế quốc.
Máu Việt Nam đổ trên chiến trường không phải là nước lã, máu đó đổ cho cả sự an ninh, lợi ích của Trung Quốc. Và không có gì có thể so với máu! Nói Việt Nam vô ơn là nói vu! Người Việt Nam từ trong tâm khảm của mình, không bao giờ quên ơn ai, dù một chút xíu, nói gì đến tình nghĩa của nhân dân Trung Quốc, lúc còn đang nghèo, đã chi viện cho quân dân Việt Nam đôi giày, tấm áo, khẩu súng…! Nhưng lấy đó mà lấn tới, đòi lại, đòi chiếm đảo của Việt Nam, biển của Việt Nam, thì trời đất cũng không chịu nổi, huống nữa là người!
Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu, muốn hòa bình đàm phán ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực! Có gì hàng xóm láng giềng anh em, cả đồng chí nữa, nói chuyện với nhau như Tuyên bố chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư – Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ký…
Còn chuyện Trung Quốc với Mỹ, Trung Quốc và ASEAN, Trung Quốc và các nước khác, tất có dính líu đến Việt Nam, quan hệ không thể chỉ là “song phương” mà có phần “đa phương”. Nhưng dù “song phương” hay “đa phương”, nếu mục đích quả như Trung Quốc nói: “cùng lợi, cùng thắng”, thì chúng tôi nghĩ rằng, đúng như Tổng thống Indonesia nói: “Tương lai của biển Đông là dự đoán được, quản lý được và đáng lạc quan”.