Thiếu văn hóa giao tiếp gây bao chuyện đáng tiếc

Ngày nay, nhiều vùng nông thôn nước ta đã được nâng cấp lên đô thị, đã bắt đầu hội nhập quốc tế, nếu ta không học, không thực hành văn hóa giao tiếp của người hiện đại thì khó tránh được những thua thiệt cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Vài chuyện đáng tiếc được nhiều người biết sau đây:

1. HỌC VÀ HÀNH

Sếp D. tập kết ra Bắc, công tác lâu năm ở một tỉnh miền núi phía Đông Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, ông về quê và được chọn làm sếp một địa phương. Hằng ngày, ông ngồi bên lái xe đến sở làm việc. Một nhân viên công tác đô thị lâu năm thấy thế bảo ông: “Bác là sếp, sao lại ngồi với lái xe? Bác phải ngồi hàng ghế sau, và ngồi bên phải chứ!”. Ông D. cảm thấy mình quê nên từ đó ông luôn ngồi ở vị trí của sếp trên ô-tô con.

Sau đó ít lâu, ông có dịp sang Paris họp hội nghị. Họp xong, chưa có chuyến bay về nước, ông ngồi bó gối trong khách sạn chờ ngày về. Một kỹ sư hưu trí - Chủ tịch Hội đồng hương với ông ở Pháp thương tình lái xe đến đón và định đưa ông đi thăm Thủ đô nước Pháp lấp đầy những ngày ông ngồi chờ tàu.

Ông kỹ sư mở cửa trước mời ông ngồi bên cạnh để vừa đi vừa thuyết minh cho ông nghe về Paris. Nhưng không, ông D. tự mở cửa sau và ngồi bên phải, giống như hằng ngày ông ôm cặp ngồi ô-tô đến sở làm việc ở tỉnh nhà. Vô tình, ông đã xem ông kỹ sư - vị Chủ tịch Hội đồng hương của ông thành tài xế của ông. Ông kỹ sư quá bực mình trước thái độ ứng xử thiếu văn hóa của người đồng hương. Nói thẳng thì sợ tự ái, không tiện, ông kỹ sư bèn lặng lẽ lái xe chở ông D. chạy một vòng dọc sông Xen (Sien) rồi trả ông về khách sạn thay cho chương trình mấy ngày đi tham quan Paris.

Sau này, có dịp được hiểu sự thực, ông D. rất thấm thía và tâm sự với một bạn hưu trí rằng: “Việc giao tiếp đô thị hiện đại cần phải học, nhưng cũng phải hành cho đúng không là bị người ta cười, lỡ việc!”.

2. VĂN HÓA ĐÔ THỊ KHÔNG HỢP VỚI PHONG CÁCH NÔNG DÂN

Bà Đức (Bí danh của một phụ nữ trong Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ), có nhiệm vụ chăm sóc một ngôi mộ tổ ở Thành phố Q. Ngôi mộ này có kiến trúc pha trộn giữa Việt và Champa, xây dựng bằng một chất liệu cổ hiếm có. Không may sau đó, có lệnh giải tỏa khu vực có ngôi mộ để xây dựng một khu nhà ở cho người lao động của TP. Q. Cái lệnh đó làm cho bà Đức rất lo. Di dời ngôi mộ này là làm mất đi một kiến trúc cổ hiếm có ở quê bà.

Có người địa phương đến mách: Bà nên liên lạc với lãnh đạo thành phố xin giữ lại ngôi mộ, nếu được chấp thuận gia đình bà sẽ xây dựng cảnh quan khu mộ thật đẹp và xây tặng cho khu dân cư mới một cái nhà trẻ. Bà thấy ý tưởng đó rất hay. Bà vận động bà con nội ngoại trong và ngoài nước đóng góp tài chính giúp bà cứu vãn ngôi mộ cổ.

 

Cuộc vận động tài chính của bà thành công. Khi đã có đủ tiền, bà nhờ người đưa thư xin gặp vị lãnh đạo có quyền quyết định cho giữ hay phá ngôi mộ cổ ấy. Vị lãnh đạo nhận lời, sẽ tiếp bà ở nhà riêng vào 3 giờ chiều ngày Chủ nhật gần nhất. Đúng hẹn, bà khăn áo chỉnh tề đi xích-lô đến đúng địa chỉ. Nhưng không hiểu sao, đi một lúc bà về lại ngay.

Tôi hỏi: “Ông T. có chấp nhận cho giữ ngôi mộ không, thưa cô?”. Bà đáp: “Cô không xin. Thôi tìm chỗ dời mộ thôi!”. Tôi thắc mắc: “Vì sao cô không xin?”. Bà đáp: “Cô không xin, nhưng có xin chưa chắc ông ấy đã cho!”. “Nhưng tại sao cô không xin?”. Bà trả lời tôi bằng chuyện kể ông T. đã tiếp bà trong phòng khách nhà ông như thế nào.

Bà kể đại ý: Trời nóng, ông mặc pi-ja-ma mỏng, hai nút áo trên bỏ lửng. Ông ngồi, một chân co trên xa-lông, một chân đặt dưới sàn nhà láng bóng. Ông thò hai ngón tay trỏ và ngón giữa móc xác trà cũ trong một bình trà trắng tinh, chuẩn bị pha trà mời khách. Bức tường sau lưng ông treo một chiếc đồng hồ điện to tướng chớp xanh, chớp đỏ. Hai bên đồng hồ, ông treo đủ các thứ vỏ tôm hùm, mai rùa, bộ lông chim trĩ, và nhiều loại tranh chạm khắc gỗ với những lời đề tặng trang trọng khác.

Bà có cảm giác như vào một phòng giới thiệu đồ mỹ nghệ ở các phố có nhiều khách du lịch. Một ý nghĩ vụt dậy trong tâm trí bà: “Phong cách của ông T. còn nặng nông dân quá có lẽ không hợp với chuyện bảo vệ văn hóa truyền thống cổ”. Ý nghĩ đó khiến bà hủy bỏ ý định xin giữ lại ngôi mộ. Để cuộc gặp được diễn ra bình thường, bà lịch sự nói: “Thưa ông, quê tôi ở đây, nhưng đi học, rồi lập gia đình và hoạt động cách mạng ở nơi khác. Nhân về quê, được biết ông cũng vừa ở tỉnh khác chuyển về lãnh đạo địa phương, tôi đến chào và thăm ông. Chỉ có thế!”. Ông T, đáp lại vài câu xã giao rồi đứng dậy tiễn bà ra về.

Chỉ vì thiếu văn hóa giao tiếp, nặng phong cách nông dân mà di tích một ngôi mộ cổ bị phá hủy, khu dân nghèo mất một cái nhà trẻ, những người cùng hoạt động cách mạng ở đô thị không gần được nhau.

3. NHÀ GIÀU CŨNG BỊ MANG TIẾNG ĂN CẮP VẶT

Con gái bạn tôi làm giám đốc một Nhà máy liên doanh với Thụy Điển sản xuất nước giải khát nổi tiếng. Lương cô mỗi tháng lên đến năm sáu ngàn đô-la (trên dưới 100 triệu đồng Việt Nam).

Trong một chuyến đi làm việc tại Thái Lan, cô vào siêu thị, chọn một cái kính. Theo nguyên tắc siêu thị cô phải bỏ kính vào giỏ của siêu thị hay cầm ở tay một cách công khai trước khi ra bàn thanh toán tiền. Nhưng cô lại “tiện tay” cho vào túi sách và “quên” không trả tiền. Ra đến cửa, chuông reo, cô sực nhớ mua kính mà chưa trả tiền, sợ quá, cô không biết xử lý như thế nào bèn vứt cái kính vào sọt rác. (Điều này chứng tỏ cô không có ý ăn cắp).

Theo dõi camera giám sát siêu thị, bảo vệ siêu thị đã tìm ra cô và sau lời phân trần họ đã chấp nhận đưa cô đến quầy thanh toán tiền. Chuyện chỉ có thế. Không ngờ những người cùng đi không rõ chuyện đó, nóng vội lớn tiếng với người bảo vệ siêu thị. Anh bảo vệ tức giận gọi cảnh sát. Kết quả là cô phải ở lại Thái Lan mấy tháng chờ tòa xét xử.

Thông tin nhà giàu bị mắc tội ăn cắp vặt lan truyền về nước. Chỉ vì thiếu văn hóa giao tiếp một chút mà một doanh nhân thành đạt “thân bại danh liệt” trong phút chốc. Chức giám đốc lương bao bố giao lại cho người khác.

Nhãn tiền như thế. Xin đừng xem nhẹ văn hóa giao tiếp.


Bài liên quan:
SONG NGUYỄN