Câu tục ngữ thật hay, với cách diễn đạt theo lối ẩn dụ, tuy nghĩa không lộ rõ nhưng vẫn cảm nhận được. Đặc biệt là hình ảnh một chợ quê đông vui và một chiều hôm nắng quái đã in đậm hồn quê vào câu tục ngữ.
Gái thương chồng đang đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm
Câu tục ngữ thật hay, với cách diễn đạt theo lối ẩn dụ, tuy nghĩa không lộ rõ nhưng vẫn cảm nhận được. Đặc biệt là hình ảnh một chợ quê đông vui và một chiều hôm nắng quái đã in đậm hồn quê vào câu tục ngữ.
Trước cảnh một cặp vợ chồng trẻ lấy nhau chưa được bao lâu mà người chồng đã lạnh nhạt, thậm chí phụ bạc người vợ trong khi người vợ vẫn mặn nồng chung thủy, thì các bà, các chị dân quê thường dẫn ra câu: “Gái thương chồng…”, với ý chê trách người chồng nghĩa tình ngắn ngủi, lòng dạ đổi thay như đóa phù dung sớm nở tối tàn.
Qua cách vận dụng đó, ý nghĩa của câu tục ngữ đã thể hiện rõ ràng. Song để củng cố nhận thức này, cần phải hiểu rõ về hai đối tượng rất quan trọng, đó là cảnh chợ đang đông và nắng quái chiều hôm.

Chợ quê ngày xưa thường họp theo phiên, vì thế chợ thường đông suốt từ sáng sớm đến chiều mới vãn. Hết phiên chợ này, người ta lại mong đến phiên sau để lại được mua bán, gặp gỡ, chuyện trò…
Bởi vậy mà chợ quê là biểu tượng của tình cảm, niềm vui, sự gắn kết, niềm mong nhớ, là đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê. Biểu tượng đó đã được người vợ gắn vào người chồng trong câu tục ngữ.
Về đối tượng thứ hai, tôi khẳng định là nắng quái, chứ không phải là nắng xế. Tôi chưa bao giờ nghe thấy ai nói nắng xế trong câu tục ngữ này. Còn về mặt thanh điệu thì nắng quái tuy có làm cho câu đọc không được xuôi lắm, nhưng vần oái lại có âm rất kêu, nó có tác dụng nhấn mạnh một hình tượng rất đặc trưng cho miền quê vì chỉ ở đó mới có thể thấy và cảm nhận được nắng quái.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, một lần được cha mẹ cho về quê chơi (quê tôi là một vùng thuộc xứ Đoài). Một buổi chiều, anh em tôi thả diều trên đê tình cờ gặp ông hương sư của làng. Đang trong câu chuyện, bỗng nhiên ông hỏi: “Các cháu có thấy cái nắng lúc này có gì khác thường không? Nắng quái đấy, chỉ lát nữa là nó tắt thôi!”.
Bấy giờ, tôi mới để ý thấy hình như có gì khác thật, nó bàng bạc, màu da đồng nhạt, hơi nóng của nó tuy nhẹ, nhưng dấm dứt như có con rôm đốt ở đâu đó trên cơ thể mình.
Về sau, tôi mới biết thêm rằng, không phải chiều nào cũng có nắng quái mà chỉ những chiều có những điều kiện nhất định về khí tượng như mây, gió, độ ẩm, không khí… thì mới có nắng quái. Những điều kiện khí tượng đó biến đổi khá nhanh, nên nắng quái không tồn tại được lâu. Như vậy, nắng quái không thể đồng nghĩa với nắng xế (chiều nắng nào cũng có), do đó không thể thay nắng quái bằng nắng xế trong câu tục ngữ này được.
Tóm lại, tôi hiểu ý nghĩa câu tục ngữ trên là lời chê trách những người chồng đoản tình, đoản nghĩa với vợ, trong khi người vợ vẫn sâu nặng tình nghĩa với chồng.
Còn nếu hiểu như ông Hà Văn Thùy (Hồn Việt số 21, Tháng 3/2009): “Câu tục ngữ chỉ nói về thời điểm thương nhớ trong một ngày của vợ chồng người nông dân ngày xưa. Chỉ đơn giản vậy thôi…” thì câu tục ngữ này hầu như chẳng có ý nghĩa gì và do đó chẳng thể có tác dụng gì trong xã hội. Thế thì làm sao nó tồn tại được trong lòng nhân dân cho tới ngày nay!
Bài liên quan: