Tôi chú ý đọc cả phần thư mục (38 quyển) và sách báo nghiên cứu - lý luận phê bình (134 sách và bài nghiên cứu). Một con số như thế thật đáng nể trọng.
Dưới đây tôi có vài ý kiến nhỏ, bổ sung cho rõ:
Về bài Vịnh cô Cáy chợ Rồng (tr.102 sách đã dẫn). Sách Tú Xương - Tác phẩm và giai thoại do anh Nguyễn Văn Huyền chủ biên, cùng Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn.
Lời giới thiệu của GS Nguyễn Đình Chú (tr.159) là theo “Tài liệu mới sưu tầm”, đăng trên tạp chí Văn Học số 2-1978 do tôi cung cấp. Theo di cảo của ông nội tôi là cụ Nguyễn Công Chuẩn (1883-1956), một nhà Nho yêu nước từng theo Đông du rồi Đông Kinh nghĩa thục ở Thái Bình(1).
Di cảo của ông tôi để lại có viết tỉ mỉ về cuộc đi chơi chợ Rồng với Tú Xương như sau:
Anh Trần Như Khuê.
Anh quê ở làng Vị Xuyên, dòng vọng tộc, còn nhỏ tuổi anh theo học hành để lập thân và nối nghiệp ông cha. Tư chất anh rất thông minh, có tài, chơi bời phóng khoáng. Anh thấy ai có học, có tài thì anh chơi bời, đi lại săn bện. Anh cũng có tính khôi hài. Nhà nghèo mà hay chiều tính bạn hữu.
Một hôm anh gặp tôi ở phố thì anh vui hứng quá, rủ tôi đi rong chơi. Đến Hàng Mành, anh bảo tôi: “Ta vào đây mua bánh đậu xanh”, mà thật ra thì cả hai người đều đã mua chịu bánh đậu ở đây hai, ba lần rồi, vẫn chưa giả tiền. Lần này tôi định giả thì anh không cho tôi giả mà lại mua chịu bốn gói nữa. Người bán bánh là hai tiểu thư Hoa kiều. Chúng tôi mua chịu mấy lần rồi, mà hễ mua là chịu tiền nhưng cũng vẫn bán, không bao giờ nhắc đến tiền chúng tôi còn chịu. Hình như họ biết rằng bọn ác thiếu(2) này cốt mua chịu để kiếm chuyện, chứ không phải là không tiền. Cho nên mỗi lần hỏi mua chịu thì họ nhận nhời bán cho ngay mà không nhắc lại tiền chịu. Chúng tôi vẫn đoán phỏng như thế, không biết có đúng không?
Lần này mua chịu được bánh đậu rồi, hai người cùng về phố Khách dưới. Qua hiệu Ninh Thái mua thêm quả hạnh ướp đường và chè tàu đem về nhà anh Khuê thưởng chè nói chuyện. Lần lần anh đọc đến văn thơ và hỏi tôi có nhớ hai bài thơ của ông Ba Tự(3) viếng cụ Tu(4) đem quân lên giữ thành Nam Định rồi mất ở cửa thành đông không? Tôi không nhớ. Anh đọc cho tôi nghe.
Bài 1:
洒淚城東重憶君
半江斜月照孤墳
誰教黑夜成虚計
不向潢江飲義軍
撫劍可憐空扼腕
彈冠容易賦亭雲
九源憶否燈前話
為助帆風洗翳氛
Sái lệ thành đông trọng ức quân
Bán giang tà nguyệt chiếu cô phần
Thùy giao hắc dạ thành hư kế
Bất hướng Hoàng giang ẩm nghĩa quân
Phủ kiếm khả lân không ách uyển
Đàn quan dung dị phú đình vân
Cửu nguyên ức phủ đăng tiền thoại
Vị trợ phàm phong tẩy ế phân.
Tạm dịch:
Thành đông gạt lệ nhớ ai
Nửa sông chênh chếch trăng soi mộ phần
Đêm dầy ai khiến mưu tan
Chẳng cùng quân đến Hoàng giang chén đồng
Vỗ gươm thương tiếc bâng khuâng
Hòa ư, nộ khí bừng bừng xung thiên
Suối vàng nhớ chuyện trước đèn
Hôi tanh quét sạch gió lên thuận buồm
Bài 2:
慨然付敵出城東
用武真如地已窮
解甲更堪酬夙昔
戰塲容易泣英雄
壯心豈怕西洋礟
天意空乖昨夜風
千古南州人物論
肯教寸土讓黎翁
Khái nhiên phó địch xuất thành đông
Dụng võ chân như địa dĩ cùng
Giải giáp cánh kham thù túc tích
Chiến trường dung dị khấp anh hùng
Tráng tâm khởi phạ Tây dương pháo
Thiên ý không quai tạc dạ phong
Thiên cổ Nam châu nhân vật luận
Khẳng giao thốn thổ nhượng Lê ông.
Tạm dịch:
Chống thù khảng khái giữ thành đông
Dụng võ xem ra đất đã cùng
Bỏ giáp coi sao đến chuyện cũ
Chiến trường dễ khóc bậc anh hùng
Lòng hăng há sợ gì Tây pháo
Trận gió đêm qua chỉ uổng công
Nhắc nhở nghìn thu người nước Việt
Tấc gang nào chịu kém Lê ông(5).
Đây là cuộc chuyện văn chương, đêm đã tàn. Bàn bạc xong ý nghĩa hai bài thơ rồi ngủ.
Sáng hôm sau đã 8 giờ hơn, nghe tiếng người nói râm ran bên nhà ông ấm Kiểm(6). Anh Khuê lắng tai nghe, cười ruồi rồi nói: “Tú Xương, ông Tú Xương”. Chúng tôi biết thế nhưng vẫn ngồi yên bên này. Một lát sau thì ông Tú sang bên này, lên gác chỗ chúng tôi đang còn ngồi ở đây. Chân ông bước lên cầu thang thì miệng ông hỏi, có ai ở trên gác này không? Chúng tôi vẫn im tiếng chờ ông lên. Trông thấy chúng tôi thì ông và chúng tôi đều cười. Ông đặt cái ô xuống chỗ ngồi và hỏi, các cậu làm gì thế? Chúng tôi nghe tiếng ông nói bên kia, nhưng đoán chắc thế nào ông cũng sang bên này, cho nên còn ngồi yên đây để chờ ông. Ông hỏi luôn, các cậu ăn cơm sáng chưa?
Anh Khuê cười và nói: “Chúng tôi sắp ăn cơm. Mời ông ở đây ăn cơm với chúng tôi”.
Ông Tú nhận nhời. Một lúc thì có cơm đem lên. Xong bữa cơm còn ngồi. Ý ai nấy cũng đều vơ vẩn, thì ông Tú bỗng nói: Chúng mình có thích đi chơi không? - Đi đâu? - Thì cứ đi, rồi người ta đưa cho mà đi đến chỗ chơi thì thôi mà! Nói dứt nhời, ông đứng dậy hỏi luôn câu nữa: - Có đi không nào!
Anh Khuê cười gật đầu và bảo tôi cùng đi. Ra khỏi cửa thì gặp một anh thiếu niên nữa rồi cùng đi. Thế là thành bạn 3 thiếu niên chừng 17, 18, 20 tuổi trở lại. Ông Tú là bậc hơn chúng tôi độ 10 tuổi. Đi ra ngả chợ Rồng đến một chỗ bán gạo. Trong đó thấy một tiểu kiều tuyệt xinh. Anh Khuê ghé tai nói thầm với tôi rằng, cô bán gạo ngồi kia là Cáy. Anh trông đã tuyệt thế chưa?
Mà tôi trông cũng thấy mê hồn. Sau nghe nói Cáy là người làng Phú Ốc gần Nam Định.
Xem cô Cáy bán hàng một lúc rồi cùng về. Ông Tú quay lại lũ thiếu niên cười ruồi và hỏi: “Các cậu trông thấy cô Cáy mà cười chứ gì? Có đẹp không?”.
Chúng tôi ít tuổi quá, chửa hiểu đường đời là gì, cũng chỉ biết là thích mà giả nhời ông bằng một cái cười mà thôi.
Cách đó ít lâu, tôi lại gặp anh Khuê đọc cho nghe bài thơ ông Tú Xương vịnh cô Cáy(7):
Vịnh cô Cáy
Ai đẹp hơn cô Cáy chợ Rồng,
Mình cô thì một chợ thì đông(8).
Giời còn bể đó tùy ngang dọc(9),
Người phải cua đâu chớ hãi hùng(10).
Buôn trứng những toan kề cửa lỗ(11),
Sợ còng chẳng dám động chân lông(12).
Hỡi ôi thiên hạ ra cùng rốc(13),
Yếm trắng như cô phải chọn chồng(14).
Cách đó mấy năm nghe tin cô Cáy lấy chồng rồi được ít lâu thì cô chết. Còn anh Khuê đến năm Quý Sửu (1913), khi tôi đang bị giam vì quốc sự phạm ở tỉnh nhà thì nghe tin anh ốm mà tạ thế. Năm ấy anh 28 tuổi. Đang lúc bị giam cầm nghe tin buồn, tôi không nghĩ ra được câu gì. Chỉ nhớ câu cổ thi rồi ngâm ngợi thầm:
多少朱門年少子
被風吹上北芒山
Đa thiểu châu môn niên thiếu tử
Bị phong xuy thượng Bắc Mang sơn
(Ít nhiều dòng dõi cửa son
Gió đưa lên ở trên cồn Bắc Mang)
Cũng trong di cảo lại có câu đối viếng Tú Xương của phó bảng Vũ Tuân. Câu đối như sau:
風塵落落,束髮已相知,宴西湖,遊傘 嶺,嘯傲乎三湘.廾年長咏追尋,宇宙遣懷俱莫逆.
舊雨寥寥,近來多棄我,悲幻鳳,泣平川,伊人亦云逝.已矣風流人散,文章結業向誰論.
Phong trần lạc lạc, thúc phát dĩ tương tri, yến Tây hồ, du Tản lĩnh, khiếu ngạo hồ Tam Tương. Trấp niên trường vịnh truy tầm, vũ trụ khiển hoài câu mạc nghịch.
Cựu vũ liêu liêu, cận lai đa khí ngã, bi Ảo Phượng, khấp Bình Xuyên, y nhân diệc vân thệ. Dĩ hỹ phong lưu nhân tán, văn chương kết nghiệp hướng thùy luân?
Tạm dịch:
Thản nhiên trong gió bụi, biết nhau thủa búi tó củ hành, từng dự tiệc Tây hồ, ngao du non Tản, cao ngạo tiếng thơ vùng Tam Tương(15). Hai chục năm dài ca vịnh truy tầm, trong cõi tiếc thương cùng một dạ.
Lèo tèo vài bạn cũ, gần đây nhiều người lánh bỏ tôi, buồn Ảo Phượng, khóc Bình Xuyên(16), những người ấy cũng đi hết cả. Ôi thôi! Những bậc phong lưu đều tản mác, cái nghiệp văn chương biết bàn luận cùng ai? (Nguyễn Tiến Đoàn dịch)
Phần lạc khoản ghi rõ:
武 挽謂川陳繼昌
Vũ Tuân vãn Vị Xuyên Trần Kế Xương
舊雨舊友義同
Cựu vũ cựu hữu nghĩa đồng
(Cựu vũ, cựu hữu nghĩa như nhau).
_____
(1) Xem tiểu sử Nguyễn Công Chuẩn:
- Từ điển Thái Bình (tr.621)
- Địa chí Thái Bình tập 4 (tr.296)
- Kiến Xương xưa và nay (tr.350). NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 7-2010.
(2) Ác thiếu: thiếu niên nghịch ngợm, đùa bỡn.
(3) Ba Tự: tức Vũ Công Tự, con tiến sĩ Vũ Công Độ - người có tiếng thơ hay ở thành Nam. Có mấy tập thơ nổi tiếng: Lại minh thi khảo, Thính già.
(4) Cụ Tu: tức Nguyễn Hữu Bản (1840-1883), con đầu văn nhân yêu nước Nguyễn Mậu Kiến, quê làng Động Trung (nay là xã Vũ Trung), huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Gia đình bỏ tiền của mộ được 300 nghĩa binh, được luyện tập chu đáo đem quân sang giữ thành Nam Định, trấn giữ cửa Đông cùng với quan quân triều đình. Sau khi hy sinh, được vua Tự Đức truy tặng tước Hàn Lâm tu soạn và được thờ ở đình làng.
(5) Lê ông: tức đề đốc Lê Văn Điếm, một trong những chiến tướng giữ thành Nam Định và đã hy sinh ở thành Nam tháng 3-1883.
(6) Ấm Kiểm: tức Trần Song Ứng, con đầu Tam nguyên Trần Bích San. Một địa chỉ đỏ của các vị tổ chức Tâm Tâm xã, Việt Nam thanh niên đồng chí hội. Nơi Lê Hồng Sơn, Đinh Chương Dương, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Chuẩn thường qua lại để đưa người sang Quảng Châu học lớp chính trị đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.
(7) Tiêu đề có chữ “vịnh” là thơ khen. Song còn hàm ý than thở trước những bức xúc xã hội mà tác giả đã khéo gửi gắm vào hai câu kết.
(8) Mình cô thì một: có một mình cô, lại đẹp nữa. Ai là người bảo vệ cô trước số đông?
(9) Tùy ngang dọc: mặc sức vẫy vùng. Thành ngữ có câu: “Ngang như cua”. Cua hay cáy đều đi ngang cả.
(10) Chớ hãi hùng: đừng có sợ! Thành ngữ có câu “Nhát như cáy”, tuy tên là Cáy nhưng cô là người chứ đâu phải loài cáy (cua) mà khiếp sợ!
(11) Buôn trứng: Đây chỉ trứng cáy, một loại thực phẩm tuyệt ngon. Cửa lỗ: chỉ lỗ cáy. Nghĩa đen muốn bắt cáy để có trứng cáy thì phải đến lỗ cáy ở. Còn ý hóm hỉnh của tác giả là: Thiếu gì kẻ thô bỉ mưu toan áp sát “cửa lỗ”!
(12) Còng: còng (có nơi gọi càng) cua, còng cáy cắp đau, có khi ngón tay bị cắp chảy máu. Chân loài cáy đều có lông. Sợ cô chống đỡ nên không ai dám động đến…
(13) Câu này tác giả than thở: Thiên hạ bây giờ cũng lem nhem, tầm thường nhiều như cua ra, cua rốc ngoài đồng ruộng, sông ngòi vùng Nam Định, Thái Bình.
(14) Yếm trắng: cáy cái, cáy đực đều có yếm. Cáy cái yếm to trùm toàn thân. Loại cáy có yếm trắng, chân có lông làm mắm cáy ngon, thơm, ngọt hơn loại cáy còng đỏ, gọng đỏ, yếm cũng hung hung đỏ. Tác giả ngụ ý khen cô Cáy là loài cáy yếm trắng ngon ngọt, thơm tho.
(15) Tam Tương: chữ dùng cho đẹp. Ở đây muốn chỉ sông Vị Hoàng, sông Nhĩ Hà và sông Ninh Cơ, những sông này chảy qua Nam Định.
(16) Ảo Phượng, Bình Xuyên: tên hiệu các bạn của Vũ Tuân và của Tú Xương. Chưa tra cứu được tên thật.