Thăm Ấn Độ

Bạn ơi đến đây đừng nao lòng
Hãy bước đi trên trái đất cằn khô
Hãy bước xuống hòa vào đời bình dị… (R.Tagore)

Tôi nhớ mấy câu thơ ấy của đại thi hào Tagore khi hòa vào đoàn người trong đêm lễ hội sông Hằng. Ấn Độ mênh mông và dân đông (1,1 tỷ) nên dân còn khổ lắm. Y như bên ta thôi.

Các bác lái xe “túc túc” – một thứ xe lam giá rẻ, các ngươi cùng dân… đông lắm. Người nông dân làm ruộng trên những cánh đồng ngút mắt và ta thấy thân thương khi nhìn thấy con trâu, đàn cò, màu xanh ngô, lúa…

Nhưng dầu sao, Ấn Độ đang là nước nổi lên với nền công nghiệp, khoa học kỹ thuật phát triển, quân sự mạnh…

Cái đặc biệt nhất đối với người Việt Nam, không phải là ở chỗ như người ta nói: người Ấn Độ ăn không giống ai, mặc không giống ai, hay người phụ nữ Ấn ít đi làm lắm, “nam giới để làm gì mà phụ nữ phải đi cấy” (như ở Việt Nam)… Cái đặc biệt là lòng yêu Việt Nam, yêu Hồ Chí Minh của họ.

Ta ở nhà, ta không đo hết được lòng người thế giới yêu mến Việt Nam, kính trọng Việt Nam và Hồ Chí Minh qua cuộc chiến đấu anh hùng như thế nào. Nhất là ở các nước vốn là thuộc địa, lệ thuộc, những nước đấu tranh cho quyền dân tộc của mình.


Vẻ đẹp huyền bí của phụ nữ Ấn Độ.

Ấn Độ và ta là như thế! Và còn hơn thế nữa. Ấn Độ và ta là anh em. Ta ở bán đảo Trung Ấn (Indochina) nghĩa là một bán đảo ở giữa (Trung Hoa và Ấn Độ) chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Ấn từ đầu Công nguyên.

Đạo Phật, kiến trúc Ấn, âm nhạc vũ đạo Ấn… đã vào Việt Nam, nhất là ở phía nam, rồi lan tỏa ra cả nước. Đó là một sự tiếp nhận hòa bình, không áp đặt bằng vũ lực, “tên anh là Việt Nam, tên tôi là việt Nam, chúng ta là Việt Nam”.

Hàm Anh, một nhà thơ ở sứ quán Việt tại New Dehli kể rằng: khi hội thảo ở Calcutta (tên cũ), một chiếc xe chở đoàn Việt Nam và cả các đoàn khác khởi hành, người lái xe sợ bị phạt, thì ông Sharma, Chủ tịch hội Việt - Ấn bảo: cứ dán hai chữ Việt Nam vào đầu xe.

Cảnh sát huýt còi, lái xe chỉ vào hai chữ Việt Nam họ vui vẻ cho đi! Người các nước khác trên xe vô cùng ngạc nhiên. Chính ông Sharma ấy, ở Hội nghị quốc tế về văn học Việt Nam đã nói: Việt Nam là ngôi nhà thứ 2 của tôi, còn nhà tôi là ngôi nhà thứ 2 của bạn, các bạn hãy thăm Ấn Độ và đến nhà tôi, đừng ở khách sạn…

Hội của ông mấy chục năm nay hoạt động cho Việt Nam, cho tình hữu nghị Việt - Ấn, nghèo lắm nhưng vô cùng cao thượng… Hai dân tộc anh em mà còn biết nhau quá ít.


Một người đàn ông cầu nguyện trên sông Hằng.

Tôi đi thăm Ấn Độ, hòa vào lễ hội sông Hằng, thăm đến Đá trắng Tamatha nổi tiếng, thăm các đền thờ Hồi giáo, Phật giáo, đến đất Phật chiêm ngưỡng cây bồ đề đức Phật thành đạo…, mới chỉ mấy ngày thì không thể hiểu hết chiều sâu của văn hóa Ấn Độ.

Cho nên, một trong những mục tiêu mà chúng ta nên hướng đến là bên cạnh kinh tế, thương mại, ta hãy làm sao cho bạn hiểu ta hơn qua sách báo văn hóa và làm sao ta cũng hiểu bạn nhiều hơn.

Ấn Độ thân yêu, gần gũi chúng ta lắm. Trong một thế giới nhiều biến động, một thế giới đa cực, nhưng có một số “cực” không “hiền lành”, thì tình bạn với Ấn Độ là một việc tốt đẹp…

Ấn Độ là đất nước của Phật giáo, đất nước của Gandhi, của Nehru, của Tagore…, đất nước của cả tỷ người từ thân phận nghèo đói, thương khó… đang vươn lên trong cuộc phấn đấu gian truân… Hãy đến thăm Ấn Độ và bạn sẽ thấy lòng mình đầy yêu thương, ấn tượng…

GS-TS MAI QUỐC LIÊN