Từ thành phố công nghiệp Birmingham suốt ngày ồn ào và sôi động, xe chúng tôi băng qua những cánh đồng lúa mì vừa gặt hái xong xám lợt màu đất, cùng những cánh đồng cỏ mướt xanh trên đó nhởn nhơ những bầy cừu, những đàn bò sữa khoang nổi tiếng của nước Anh để hướng về quê hương Đại văn hào William Shakespeare ở thành phố Stratford - Upon - Avon cách đó không xa. Chúng tôi hạ kính cửa xe để được hưởng làn gió mát rượi thổi vào mang theo mùi cỏ hăng hắc, mùi hoa thơm nồng hay mùi lê táo chín trĩu trịt các cành cây trong vườn các gia đình nông dân miền Trung Anh giàu có.
Stratford – Upon – Avon là một đô thị xinh xắn có dáng vẻ kiến trúc cổ điển phổ biến ở Anh quốc. Những đường phố nhỏ hẹp như Hà Nội cổ, những dãy nhà phố không cao tầng, những hồ nước thơ mộng có từng đàn thiên nga bơi thanh thản. Những nhịp cầu xinh xắn soi bóng trên những dòng kênh đào mà trên mặt nước có thật nhiều ca-nô, thuyền buồm thể thao hay các du thuyền đủ mọi sắc màu rực rỡ đang neo đậu.
Hoa tươi rực rỡ trên khắp các công viên, trên lan can, cửa sổ các nhà hoặc trên các vỉa hè, trên dải đất phân cách luồng xe chạy của đường phố, cũng như viền đẹp chân tường các dãy nhà. Thành phố thật nên thơ và thanh bình, nhất là khi chúng tôi đi vào công viên trung tâm nơi có nhà hát Hoàng gia Shakespeare xây bằng đá cẩm thạch trắng đứng nổi bật giữa bãi cỏ xanh, và phía sau là cả một cánh rừng thưa xanh rờn mọc bên dòng sông nhỏ đang xao xác tiếng kêu của thiên nga về họp bầy đông đảo.
Xe dừng lại trước quán cà phê nhỏ mang hai tên được vẽ trên hai mặt bảng lớn: "Vịt con xấu xí” và “Thiên nga trắng”. Sau khi uống một ly nước chanh tươi và thấm thía cảm giác của biết bao lớp nghệ sĩ xưa cùng thời với William Shakespeare thường ra ngồi nghỉ tại quán phía sau nhà hát này, lúc giải lao hay sau xuất hát và cũng là để tưởng tượng lại hình ảnh đại văn hào trên lối đi xưa. Chúng tôi tìm đến phố Henley để thăm ngôi nhà đã sinh ra kịch tác gia vĩ đại vào năm 1564, ngôi nhà hiện được gìn giữ như một bảo tàng lịch sử nổi tiếng của nền văn học và sân khấu Anh vĩ đại.
Đó là một ngôi nhà hai tầng bằng gỗ bình dị không khác gì những căn nhà khác nằm chung trên đường phố nhỏ này. Nhà lợp ngói và có những căn phòng áp mái trổ cửa sổ hình chữ nhật nhìn xuống phố. Sau hàng rào gang đúc thưa là dải đất hẹp trước nhà trồng đầy hoa và những khoảnh vườn nhỏ thật xinh. Dưới hàng cây phong thân trắng có tàn lá lả lướt bay là những con đường nhỏ trải đá dăm và những chiếc ghế bành dài làm bằng gỗ thô mộc, nơi mà nhà văn xưa từng đi dạo sau những phút miệt mài sáng tác hoặc để tìm thi hứng, tìm những tứ mới cho những vở bi kịch, hài kịch để đời.

Ngôi nhà nơi Shakepeare ra đời
Vườn nhà Shakespeare có thật nhiều các loại hoa tươi vừa cho màu sắc đẹp vừa tỏa hương thơm, bên cạnh đó là rất nhiều cây cảnh trồng thành bụi thấp và một số cây lớn cho bóng mát và cây ăn trái quen thuộc. Điều thú vị là theo người hướng dẫn tham quan ngôi nhà, tất cả các loại hoa, cây cảnh, cây lớn… có trong vườn này đều được nhà thơ điểm mặt trong các tác phẩm thơ, văn xuôi và kịch nổi tiếng của ông. Lý do thật dễ hiểu là vì đã gần 400 năm rồi kể từ ngày nhà văn từ giã cõi đời, làm sao còn giữ lại được những loài cây hoa ngày đó. Vậy là nhà bảo tàng cứ căn cứ vào tác phẩm của ông, theo sự mô tả của ông ngày xưa mà trồng lại các loại cây cỏ và hoa trái trong vườn.
Bước vào trong nhà, chúng ta lại gặp những vật liệu xây dựng truyền thống giống như mọi ngôi nhà cổ được xây dựng hồi cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI ở vùng Stratford - Upon - Avon: những cột nhà và xà gồ bằng gỗ khai thác từ bìa rừng Arden, đá xanh đen lấy về từ vùng núi Wilmcote, nơi làng quê mà mẹ của Shakespeare đã sống suốt thời thiếu nữ. Căn nhà của cha mẹ Shakespeare cũng giản dị đơn sơ như những ngôi nhà của bao gia đình bình thường khác.

Và căn phòng nơi William Shakepeare được sinh ra
Chúng tôi thành kính đi qua căn phòng nơi nhà thơ đã sinh ra. Một chiếc giường nhỏ, một hòm gỗ dày và thô đựng quần áo, chiếc nôi gỗ và chiếc ghế gỗ kiểu cổ nơi mẹ ông đã ngồi đưa nôi và ru ông bằng các bài hát dân gian của những người làm vườn miền Trung Anh ngày nào. Thú vị nhất là phòng bếp với bàn ăn, tủ đựng chén bát, hỏa lò đốt củi và dàn sắt treo những chiếc nồi đun nấu bằng đồng thau…
Căn phòng vẫn còn nguyên màu khói ám trên vách tường gạch thô loang lổ màu sắc của ngày xưa. Chắc hẳn tại căn phòng này đã nhiều lần cậu bé Shakespeare vòi mẹ cho nếm thử những món ăn thơm nức vừa được nấu xong trong những chiếc nồi đồng bóng láng còn nghi ngút khói.
Dạo qua phòng ngủ của cha mẹ nhà thơ rồi tới phòng khách, phòng học, phòng đọc sách ngày đông có lò sưởi lớn đốt củi, phòng quay sa kéo sợi của mẹ ông, phòng chơi của con trẻ trên tầng áp mái… Chúng ta có thể hình dung lại những cảnh sinh hoạt hàng ngày của ông khi còn là một chú bé vừa đủ tuổi cắp sách tới trường…
Ngôi nhà tuổi thơ của William Shakespeare chính là một chốn thiêng liêng đã in hình trong tâm trí của đại văn hào suốt trên nửa thế kỷ sống và sáng tác. Hiểu được môi trường sống, được đi lại trên những con đường nhà thơ hồi trẻ đã từng đi, thấy rõ thành phố quê hương của ông, chúng ta dễ dàng nhận vì sao các tác phẩm của ông lại hiển hiện những quảng trường, vườn hoa, những bến tàu thuyền, những khu thành quách, những lâu đài và biệt thự, những góc sân, những phố xá... thật tỉ mỉ, góc cạnh và sinh động đến vậy.
Cuộc sống thật sự của Stratford – Upon - Avon đã hiện ra lung linh trên từng trang viết của đại văn hào khiến chúng ta, những người đọc hậu sinh khi tới thăm quê hương ông và căn nhà nơi ông đã sinh ra, cảm thấy như được trở về một nơi thân thiết quen thuộc từ bao giờ.
Buổi chiều ở Stratford - Upon - Avon thật êm đềm. Những cánh thiên nga trắng bay rợp trên hồ lớn, trên kênh đào hòa cùng tiếng kêu xao xác của chúng, làm cho ta có cảm giác như đang đi dạo trên một miền quê, hay trên một ven rừng có dòng suối trong róc rách. Chúng ta cứ thoải mái thả hồn vào không khí lịch sử cách nay 400 năm và sung sướng mỉm cười vì vừa bắt gặp cảnh chàng trai William Shakespeare ôm cặp sách nặng vừa bước ra khỏi cổng trường tiểu học địa phương mang tên Grammar thì đã nhào ngay vào lòng ông John Shakespeare cha cậu.