Thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lài Cài

60 năm về trước, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ truyền đi cả nước, kêu gọi mọi người dân Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp. Lúc ấy Bác Hồ và Trung ương Đảng đã về ở làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông). Sau đó cơ quan của Bác đã lần lượt về ở thôn Hậu Ái (xã Vân Canh - huyện Hoài Đức) ngày 6/11/1946, rồi ở xã Xuân Dương (Hà Tây) ngày 19/12/1946, sau đó về ở xóm Lài Cài (xã Cần Kiệm - huyện Thạch Thất - Hà Nội) lâu nhất, 19 ngày đêm từ 13/1/1947 đến 2/2/1947. Khi cơ quan của Bác chuyển lên căn cứ Việt Bắc, ngôi nhà của Bác ở xóm Lài Cài (nhà của cụ Nguyễn Đình Khuê và anh con cả là Nguyễn Đình Kỳ - người Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Cần Kiệm) vẫn được giữ gìn mặc dù nhà chỉ lợp lá gối, tường đất, nền đất. Nhân dân và Đảng bộ xã Cần Kiệm vẫn luôn tu bổ và bảo quản những hiện vật, đặc biệt là sưu tầm được một số trang viết của Bác để lưu lại cho con cháu đời sau.

Đến nay đã trải qua hơn nửa thế kỷ, qua những đổi thay của một làng quê hẻo lánh, ngôi nhà Bác Hồ chọn để về ở và làm việc 19 ngày đêm vẫn được giữ nguyên. Có thay đổi là ở lối đi từ quốc lộ vào đến nhà Bác nay đã được sửa lại, không còn phải lần theo bờ ruộng hoặc len qua rừng cây, bụi tre như trước. Đường đã mở rộng và đổ bê tông kiên cố để con cháu của Bác từ bốn phương về chiêm ngưỡng, để hiểu được phần nào những khó khăn gian khổ của Bác thời ấy.

pic

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xóm Lài Cài - xã Cần Kiệm - huyện Thạch Thất - Hà Nội

Bước lên mấy bậc đá ong, qua chiếc cổng sắt đơn sơ đi vào mảnh sân đất nện mà bâng khuâng nhớ Bác thuở nào Bác đã về đây. Nơi đây lại là đất địa linh có núi Câu - sông Tích, cạnh nhà Bác còn có cánh đồng rộng để các cán bộ trong cơ quan chơi bóng, khi tăng gia xong ra sông tắm mát. Người đi chọn địa điểm này quả có con mắt tinh đời. Chả thế mà từ thời xưa Bảng nhãn Lê Quý Đôn, nhà bác học của đất nước thời phong kiến, đã có câu đối ca ngợi cảnh núi Câu sông Tích:

“Phúc lý vĩnh ngưng Câu Lậu tú

Thư hương tràng dẫn Tích giang lưu”

(Phúc của làng đọng mãi nơi núi Câu

Hương của sách vẫn trải dài theo dòng Tích)

Mở cánh cửa đơn sơ đan bằng tre, bước vào những căn phòng bằng tre lá ta được chứng kiến những di vật của Bác còn để lại: một chiếc giường tre giản dị; một bàn mộc và chiếc đèn bão; chiếc vại sành để đựng tài liệu; và những bút tích của Bác viết về những vấn đề nóng bỏng thời đó, đọc lên như hơi thở còn nóng hổi tính thời sự, mà phong cách lại rất giản dị, pha chút hóm hỉnh. Ta hãy xem một đoạn bài viết về cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp dưới đề hỏi và trả lời:

“Có người hỏi kháng chiến sẽ bao giờ thắng lợi?

Tôi trả lời: Giồng khoai 3 tháng mới có củ.

Giồng lúa 4 tháng mới được ăn.

Giồng tự do độc lập ít nhất cũng phải 1 năm hoặc 5 – 7 tháng.

Thử xem Trung Quốc kháng chiến 8 năm mới thắng lợi.

Nam Dương kháng chiến 2 năm chưa thành công.

Pháp cướp nước ta hơn 80 năm, nếu ta cần kháng chiến 4 năm mà được hoàn toàn tự do, độc lập thì cũng sướng lắm rồi (1947)”.

Những ngày ở xóm Lài Cài, bác đã có hai lần đi họp Chính phủ: Kỳ họp ngày 29 tháng chạp năm Giáp Tuất (tức ngày 19/1/1947) ở Quốc Oai và kỳ họp ngày 2/2/1947 ở nhà thờ họ Nguyễn tại Chúc Sơn.
Kỳ họp ngày 29 Tết, Bác đã căn dặn trong thư gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, như sau:

“Gửi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Hữu Nam,

Trước ngày 29 Tết chú chuẩn bị triển khai một cuộc họp Hội đồng Chính phủ khuếch đại (có cụ Bùi, chú Anh, cụ Trực v.v…).

1.Khai trương hồi 6 giờ chiều.

2.Tại Bureau phủ Quốc Oai (phải giữ bí mật).

3.Chú tìm xe chở các người dự họp đến.

4.Canh gác cẩn thận.

5.Sắp xếp chương trình nghị sự.

6.Nếu có thể thì sắm vài con gà quay hoặc luộc, một ít xôi, ca nước chè gọi là tết Chính phủ”.

Theo nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, thì lần họp Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai là đêm giao thừa Tết năm Đinh Hợi mưa rét, đường trơn, xe nhiều lúc không đi được phải xuống đẩy. Đến Quốc Oai họp xong đã gần 12 giờ đêm, Bác lại đến hang núi Trầm nơi đặt Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam để đọc lời chúc tết đồng bào. Khi đến nơi vừa đúng lúc giao thừa, Bác đã đọc trước mấy lời chúc tết và cả bài thơ chúc đồng bào, mà có lẽ đây là bài thơ mở đầu cho lệ cứ mỗi lần chúc tết Bác lại có thơ chúc đồng bào cả nước. Bài thơ chúc tết năm Đinh Hợi (1947):

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi

Thống nhất độc lập, nhất định thành công

Chúc tết xong đã quá 12 giờ đêm, trời vẫn mưa to, sau khi gặp sư cụ trụ trì ở chùa Trầm để chúc tết, quay ra Bác lại lên xe để về xóm Lài Cài. Cuộc đi thật vất vả, nhiều lúc phải xuống đẩy xe, đến gần nhà xe lại tụt xuống ruộng. Vào giữa đêm giao thừa chẳng nhờ được ai, Bác cùng đồng chí Vũ Kỳ phải cuốc bộ về đến nhà đã quá 4 giờ sáng. Sáng mồng 1 Tết anh em trong cơ quan phải đi khênh xe, sau đó về ăn cơm nguội.

Mãi đến 9 giờ tối mồng 1 Tết các anh Nhân, anh Văn, anh Nam mới mang quà tết đến và các anh lại vào họp để chúc tết Bác. Các anh đến lại báo tin xúi quẩy là xe của các anh cũng bị tụt xuống hố. Các anh Vũ Kỳ và lái xe của Bác lại đi khênh xe. Trời mưa lạnh buốt, 12 giờ mới về, anh Vũ Kỳ nói đùa: “Tết này là tết khênh xe”.

Cái tết đầu tiên bước vào cuộc kháng chiến của Bác gian khổ như thế, nhưng mọi người vẫn vui vẻ vì họ tin tưởng vào cuộc kháng chiến sẽ nhất định thắng lợi như lời Bác đã khẳng định.

Tạ Ngọc Hà