Thân nhau thì cụng đầu nhau

Đến tảng đá dưới gốc cây lộc vừng, đội trưởng Huyên dừng lại. Anh bố trí chiến sĩ cảnh giới rồi cho đội tuần tra nghỉ chân. Anh định ngồi lên tảng đá thì... giật mình, dừng lại. Bởi anh nhìn thấy đường “vận tải” của kiến ngay dưới chân tảng đá. Đội trưởng cúi xuống nhìn, anh ngạc nhiên thấy đàn kiến rừng con thì tha những hạt bột trắng, con thì cõng trên lưng những mảnh vụn bột kết lại chưa tan. “Sao giữa rừng sâu lại có những thứ kỳ lạ này?”. Anh đội trưởng liền lần theo con đường “vận tải” của đàn kiến. Đến đám thảm rừng sau gốc cây lộc vừng có bụi mâm xôi rậm che khuất, anh phát hiện ra đám cỏ được ai đó lót lá chuối làm ổ nằm. Chính nơi đây có những thứ mà đàn kiến rừng đã đánh hơi tìm đến ăn và đang tha về tổ. Những con kiến hối hả bò đến. Những con kiến ì ạch, tất bật bò đi. Đường “vận tải” của chúng mỗi lúc thêm đông đúc. Gặp nhau trên đường, kiến cũng có “thủ tục xã giao” riêng theo thói quen hoang dã của chúng. Chúng cụng đầu nhau, chạm miệng nhau để tỏ sự thân tình, để thông tin với nhau nơi có mồi ngon. Và, con tha mồi về tổ nhả ra chút dinh dưỡng chia vui với bạn cùng đàn...

Đội trưởng Huyên đứng im nhìn đàn kiến rừng. Đọc các tài liệu về loài kiến, anh đã hiểu về chúng. Kiến sống hầu như khắp nơi trên trái đất, chỉ trừ vùng Bắc cực và đại dương. Xã hội loài kiến có tổ chức cực kỳ chặt chẽ, có “tôn ti trật tự”. Chúng sống hiền hòa, thân thiện với nhau, cùng đàn biết bảo vệ nhau. Chúng biết phân chia công việc cho nhau. Một bầy kiến có từ vài trăm đến vài triệu con. Tổ của nó to, dài hàng mét được chia ra nhiều ngăn, nhiều phòng. Phòng riêng cho kiến chúa và trứng, phòng chứa nhộng, phòng ở cho kiến thợ... Trong tổ cũng có kho dự trữ lương thực, phòng nuôi nấm. Mùa hè, chúng chui ra ngoài hưởng gió mát. Mùa lạnh, kiến xuống ở phòng sâu nhất, ấm áp. Đứng đầu đàn, quản lý chung là “bà kiến chúa”. “Bà” to lớn nhất tổ, và có đôi cánh màu sắc rực rỡ. Còn kiến thợ nhỏ hơn, đều là kiến cái, không có cánh. Đó là đội quân chủ lực xây tổ, tìm thức ăn, phụng dưỡng “bà chúa” và chiến đấu bảo vệ tổ lúc có sự xâm lấn. Vì trong rừng cũng có loài “kiến lê dương” sống “vô gia cư”, tụ tập từng bầy đi cướp phá các tổ kiến khác để ăn con non, ăn trứng, chiếm thức ăn. Nó cắn chết, phanh thây những con kiến chống lại. Vũ khí chiến đấu của đội “nữ chiến binh” có kim chích ở ngay dưới bụng để phun nọc độc axit formic vào kẻ thù. Trong tổ kiến có một nhóm rất ít kiến đực. Chúng được ưu đãi nhất, thảnh thơi nhất và có cánh như kiến chúa. Chúng chỉ xuất hiện trong thời kỳ kiến chúa cần giao phối để duy trì nòi giống. Thời kỳ ấy, kiến chúa và kiến đực cùng chui ra khỏi tổ, bay lên cao tung tẩy vờn nhau rồi giao phối. Xong việc, kiến chúa ung dung xếp cánh về tổ. Còn kiến đực bò quanh tổ một vòng như để vĩnh biệt đàn, vĩnh biệt tổ... rồi chết. “Bà kiến chúa” có thể giao phối với nhiều “chàng” kiến đực. “Bà chúa” kiểm soát số lượng tinh trùng trong bụng để sinh sản suốt đời làm chúa 15 đến 20 năm. Kiến thợ có tuổi thọ 1 đến 5 năm. Kiến đực đoản thọ nhất chỉ vài tuần hoặc vài tháng sau khi kiến chúa cần đến. Trong rừng có trên 10 loại kiến. Các nhà khoa học đã phân chia chúng ra làm 8 nhóm theo thói sống hoang dã của chúng. “Kiến lê dương” là nhóm tàn bạo, hung ác nhất, kiến chủ nô, kiến nhà nông, kiến sữa, kiến mật, kiến nấm, kiến đan tơ, kiến đục gỗ. Loài kiến to nhất cũng chỉ dài 3,5mm và con nhỏ nhất chỉ 1mm. Điều cực kỳ đặc biệt ở loài kiến là nó có sức mạnh phi thường. Nó có thể tha, cõng một vật nặng đến 50 lần so với cơ thể nó (như con người ta nặng 60kg thì tha được 3.000kg). Kiến sống nhiều nhất ở vùng nhiệt đới. Thực chất tổ kiến là tổ của “bà chúa” chỉ huy đội “nữ chiến binh” nên chúng rất có kỷ luật, chăm chỉ, miệt mài đào hầm, khuân đất xây tổ... Chúng biết leo lên cành cây, tìm các hốc cây, đan, kết lá cây, làm tổ tránh mùa mưa. “Đội nữ binh trong mùa khô thiết lập các con đường “vận tải”, tìm nhặt hoa quả, hạt cây, xác sâu bọ chuyển về kho dự trữ trong mùa mưa rét. Kiến còn biết “bắt cóc” côn trùng về nhốt, nuôi như nuôi bò sữa để lấy dinh dưỡng chúng tiết ra “dâng bà chúa” và nuôi kiến non. Các nhà khoa học cho biết rằng cách đây vài triệu năm, kiến là con vật tiến hóa từ loài ong bắp cày. Cấu tạo cơ thể của chúng rất giống nhau. Chúng có một nốt tròn chuyển tiếp giữa bụng và ngực để tạo ra eo. Chúng đều có ba cặp chân, mỗi bàn chân có hai móc để bám cành cây, mặt phẳng, bới móc, đào hầm xây tổ.

Loài kiến có hai mắt. Mắt kiến thuộc loại đa tròng. Có loài kiến mắt có nhiều đồng tử nhưng chỉ phân biệt được sáng và tối. Kiến có hai tai nhưng chúng nghe được ở ngực, đầu và cả chân nữa. Giác quan chính của loài kiến tập trung vào hai cần ăng ten ở đầu nó. Đó là thính giác, xúc giác, khứu giác để ngửi mùi trong không khí, xác định phương hướng, giao tiếp, kiểm tra thức ăn, nhận đồng loại... Kiến còn tiết ra mùi đặc trưng, rất nhạy là hóa chất pheromone ở đầu, ở bụng, ở các sợi lông quanh mình để nhận bạn cùng tổ, cùng đàn, để chúng thông tin cho nhau nơi có thức ăn hoặc báo cho nhau điều nguy hiểm cần tháo chạy.

... Đội trưởng Huyên nhặt mấy mảnh vụn bột trắng bỏ vào lòng bàn tay. Anh bóp nát rồi gọi các chiến sĩ đến cùng xác định. “Đây chính xác là bột bánh bích quy, lương khô và có cả đường trắng. Đàn kiến rừng đã giữ hiện trường và mách chỗ kẻ gian ẩn nấp giúp chúng ta...”- Nói với các chiến sĩ rồi đội trưởng chỉ cho mọi người nhìn chỗ mồi giun đùn bùn non lên còn in rõ dấu giày đi ra phía biên giới. Đội tuần tra chia thành hai mũi truy bắt ngay. Một mũi truy theo đường mòn, một mũi thần tốc xuyên núi bám đường biên, đón lõng. Vừa lúc ấy ba chiến sĩ đội cơ động ở đồn đuổi theo kịp đội tuần tra. Các anh thông báo lệnh của Bộ chỉ huy: “Có hai tên vượt biên mang ma túy vào bản Nà Noi bị dân quân bắt. Trên đường áp giải về công an xã, chúng đã gây thương vong cho hai dân quân. Trong lúc chạy trốn, chúng đã xông vào quán của dân cướp bánh, kẹo, đường, sữa làm lương ăn”. Vì giữa lũng núi sâu, không có sóng điện, các anh đến truyền đạt mệnh lệnh và tăng cường lực lượng truy bắt tội phạm.

Đội trưởng Huyên tăng thêm một mũi truy lùng nữa. Mũi này gồm ba chiến sĩ cơ động khép chặt lũng núi dọc đường mòn phòng tội phạm quay lại trốn trong vùng “nước đục” nơi ta rà soát.

Ngay chiều hôm ấy, hai tên tội phạm đã lọt vào trận địa của mũi đón lõng giáp biên. Nhưng lợi dụng rừng rậm mù sương, một tên chạy về phía rừng nội địa, tên này đã gặp các chiến sĩ cơ động tăng cường.

Trên đường đưa tội phạm về đồn, lúc đi qua cây lộc vừng, tảng đá có đường “vận tải” của đàn kiến, một chiến sĩ đội tuần tra đã ghi lại cảm xúc chiến công:

“Con kiến nhỏ giữa rừng

Giúp ta nên việc lớn

Kiến tảo tần trưa sớm

Ta chăm chú chuyến tuần

Đâu chỉ nhìn to nhỏ

Đâu chờ khen nhiều lời

Ơi con ong cái kiến

Góp việc tốt giúp đời...”

TRẦN HỮU TÒNG