Mùa thu năm ấy, thời tiết miền Bắc nặng nề, oi ả. Trời không nắng gắt cũng chẳng mưa rào, suốt ngày và chiều đêm bức bối. Mây đen vần vụ, đám này vừa tan hé chút sáng, đám kia xuất hiện. Đài khí tượng báo bão biển Đông sắp đổ vào Quảng Bình, Vĩnh Linh. Dường như mọi người cùng linh cảm có chuyện không hay sắp xảy ra. Mấy cụ già người Hà Nội bảo thời tiết dạo này giống hệt năm Ất Dậu 1945. Sang thu trời nặng chịch, rồi mưa to ập xuống, lũ tràn về, nước sông Hồng tràn vỡ đê. “Được cái là ngay sau đấy, Cụ Hồ về đọc Tuyên ngôn Độc lập” - một cụ nói thêm như để trấn an nhau.
Chúng tôi công tác tại báo Nhân Dân ai cũng biết tin Bác Hồ lần này mệt, Bác yếu lắm, tuy nhiên chỉ thì thầm và lặng lẽ theo dõi nét mặt thủ trưởng. Mấy ngày liền khoảng gần trưa và cuối chiều, anh Hoàng Tùng đi họp về, mặt buồn thiu lầm lũi lên gác vào phòng làm việc, khác với thói quen gặp ai giữa sân hay tránh nhau tại cầu thang, bao giờ anh cũng buông một câu bông phèng.
5 giờ sáng ngày 3 tháng 9 (22 tháng 7 âm lịch năm Kỷ Dậu), chị phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam buồn bã đọc Thông báo của Trung ương về tình hình sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không riêng Hà Nội, cả nước xôn xao. Chương trình Thời sự 8 giờ sáng tiếp theo, phát Thông báo mới, mặc dù được các bác sĩ tận tình chăm sóc, sức khỏe Bác Hồ vẫn chưa khá lên.
Mọi người ngầm hiểu: Vậy là gay rồi. Bác Lâm nhân viên thường trực cơ quan hỏi nhỏ: “Thế nào, hở anh Quang?”. Ý bác: “Cụ Hồ mất rồi sao?” nhưng không nói thẳng. Tôi cũng vòng vo: “Đồng bào miền Nam chắc xúc động lắm, bác nhỉ”. Bác Lâm òa ra khóc. Bác người Thừa Thiên, vốn là chủ tịch xã, không thuộc diện cán bộ tập kết nhưng bị bọn tay chân Ngô Đình Diệm săn lùng dữ quá, một mình vượt biên ra Bắc và được nhận vào làm một chân thường trực-bảo vệ cơ quan báo. Bác Lâm cao tuổi, hiền lành, răng đen, cằm lơ thơ chòm râu chưa bạc, một thân một mình ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân kê ngay phòng trực. Suốt ngày đêm hầu như bác chỉ quẩn quanh ở đấy, ngóng ngày trở lại quê hương.
Lại gặp anh Viên, một nhân viên khác bên gốc cây đa cổ thụ. Hôm ấy hầu như không ai đứng ngồi yên một chỗ. Anh Viên thương binh người Quảng Ngãi, trước là du kích chiến đấu bị thương hỏng một mắt. Tính anh nóng nảy, thất thường. Anh hỏi: “Cụ Hồ mất rồi sao?”. Tôi loanh quanh, anh bực bội bỏ đi.
Trưa về nhà, bà cụ giúp việc bế cháu nhỏ chờ ở cửa: “Cụ Hồ mệt nặng lắm, phải không chú?” - vừa nhìn thấy tôi cụ đã lo lắng hỏi. Đến đêm, sau bữa ăn, không hiểu sao bà cụ hiền lành từ vùng quê ra chưa lâu, ít khi trò chuyện với ai hôm nay bỗng dưng mau miệng: “Có phải Bác mất rồi, hả chú?”.
Đêm ấy nhiều người trằn trọc. Hà Nội có dông. Bão biển Đông đổ vào Quảng Bình như về hùa với bom đạn Mỹ(1). Bốn giờ sáng, tôi dậy mở đài ngóng tin. Chương trình Thời sự đầu tiên trong ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam phát Thông báo mới, Trung ương công bố tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Thực tế nhiều người đã thầm thì báo cho nhau biết tin dữ không rõ từ đâu lan truyền trong đêm.
Trước khi dắt xe đi làm sớm hơn mọi bữa, tôi bảo cháu trai vừa thức dậy: “Bác Hồ mất rồi, con à”. Nó buông hai tiếng: “Đừng hòng!” rồi vùng vằng quay lưng. Hai tiếng ấy cháu chưa bao giờ thốt ra trước mặt người lớn mà chỉ vào những lúc la hét đùa giỡn với bạn bè. Cháu quay lại nhẹ nhàng nói: “Bác Hồ chỉ ốm thôi” - “Bác Hồ mất thật rồi, con à. Đài vừa báo đó” - “Con không tin”, nó lại đáp cộc cằn.
Làm sao lứa tuổi cháu tin nổi Bác Hồ không còn ở trên đời này!
Trưa về, nhìn thấy trên bàn học cháu có tờ giấy nắn nót ghi: “Bác Hồ mất lúc 4 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9 năm 1969”. Cháu bảo: “Con viết ra cho khỏi quên”.
Sáng ngày 4 tháng 9, trên đường từ phía gò Đống Đa về bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi gặp nhiều công nhân nam nữ từ nội thành ngược về khu công nghiệp Thượng Đình giống như mọi ngày, có điều hôm nay mặt ai nấy buồn rượi. Nhiều chị mím môi như nén khóc. Một số người đã kịp dán dải băng đen lên ngực áo. Đến phố Khâm Thiên thì các nhà hai bên đường hầu hết đều đã treo cờ rủ. Tới phố Ấu Triệu sát nách Nhà thờ Lớn, gặp một bà già ngồi trên vỉa hè trước cửa lúi húi khâu dải băng tang vào lá quốc kỳ ông chồng cầm ở tay.
Bầu trời Hà Nội hôm nay nặng chịch mây đen như khuôn mặt đăm chiêu của tất cả mọi người.
Họp tòa soạn giao ban sáng. Tổng biên tập Hoàng Tùng chưa mở miệng đã khóc. Anh nén buồn thông báo diễn biến sức khoẻ Bác mấy ngày cuối và cho biết sơ nội dung Di chúc Bác để lại. Nghe anh nói ước nguyện của Bác Hồ muốn đi thăm đồng bào miền Nam và cảm ơn bạn bè quốc tế, mọi người ứa nước mắt. Đến yêu cầu của Bác xin được hỏa táng thì cả cuộc họp, nam cũng như nữ cùng vỡ òa đau thương.
Những điều quan sát vào những thời khắc đau buồn “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” (Tố Hữu) tôi ghi luôn vào sổ tay “cho khỏi quên”. Có ngờ đâu một phần tư thế kỷ sau, tình cờ bắt gặp tại một bộ Đại bách khoa toàn thư danh tiếng hàng đầu thế giới câu kết mục từ Hồ Chí Minh dài vượt xa số chữ thông thường dành cho một danh nhân kim cổ: “Là nhân vật bản lề, vừa là nhà hòa giải vừa là người khởi xướng (cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do), Hồ Chí Minh là nhà cách mạng của thời đại mà sự từ trần gây tổn thất và xúc động tâm can đông đảo người dân nhất (bao gồm cả những người) chưa bao giờ nghĩ mình là người cách mạng”(2).
* * *
…Vậy là đã 45 năm Ngày Bác Hồ đi xa. Gần nửa thế kỷ, hai phần ba đời người. Đã có thêm hơn hai thế hệ mới ra đời, nhiều người trong họ có cống hiến lớn cho dân tộc. Đất nước ta qua những ngày nổ bùng niềm vui toàn thắng, bức bối khi kinh tế sau chiến tranh gần như sụp đổ, đời sống người dân lại khó khăn trong lúc phải gồng mình chặn tay giết người của Khmer Đỏ tại Tây Nam và đánh tan cuộc xâm lăng tàn bạo của Trung Quốc ở phía Bắc, một số con em lại lên đường chiến đấu. Rồi tiếp đó đổi mới, đất nước khởi sắc như con sông chuyển dòng, càng về xuôi càng thuận nước cho dù sóng cả gió to.
Bác Hồ ra đi đã 45 năm. Tấm gương phong cách, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường dân tộc. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm… Lời Bác vang vọng. Tuy nhiên xin chớ nói, chớ viết: “Tên tuổi Hồ Chí Minh đời đời tỏa sáng” dù đó là thực tế trăm phần trăm, thực tế vững bền. Bác Hồ thích hành động, bác không muốn tụng ca. Suốt đời Bác có màng chi công danh, tên tuổi.
Riêng tôi, gần sáu mươi năm qua tôi vẫn ghi lòng tạc dạ lời Bác đích thân dạy bảo. Ấy là vào năm 1958. Phóng viên theo Chủ tịch nước về Hưng Yên thăm bà con nông dân làm thủy lợi, đào sông dẫn nước mở rộng diện tích vụ lúa xuân. Ấn tượng và xúc động trước cảnh Bác Hồ chân mang đôi dép cao su lấm bụi đất thoăn thoắt lội bộ dưới nắng chang chang qua cánh đồng phơi ải, bắt tay hỏi han trò chuyện với bà con, hết đội xã này sang đội xã khác, không để một xã nào bà con không được gặp Bác…, tại bài tường thuật viết trong đêm, tôi mấy lần nhấn mạnh chi tiết mình ngỡ là đắt giá.
Sáng hôm sau, đầu giờ làm việc, phóng viên được gọi lên Phủ Chủ tịch. Bác nói hiền từ: “Chú Phan Quang đấy à? Bác đã đọc bài của chú. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú: Chú viết Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng. Vậy Bác Hồ từ xưa tới nay chỉ biết ngồi xe, Bác Hồ không đi bộ bao giờ à?”. Rồi cao giọng, Bác gắt: “Chuyện Bác Hồ đi bộ giữa đồng thì có gì mà nói lắm thế!”.
_____
(1) Từ tháng 5-1968, Hội nghị giữa ta và Mỹ họp tại Paris bàn việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Mỹ ngừng oanh tạc miền Bắc nước ta từ vĩ tuyến 18 trở ra, dồn hỏa lực vào tàn phá “vùng cán xoong” (từ thành phố Vinh vào sông Bến Hải).
(2) Encyclopedia Universalis, Paris, 1996, tập XI, tr.529-532.