Chế Lan Viên viết: sau này có người đọc thơ anh, xúc động vì một câu thơ anh, anh sẽ lại về. Anh sẽ về trong gió, trong cây, trong sỏi, trong đá, trong những gì không phải anh. Không phải sự bất tử tầm thường. Bởi vì, cái người ta vẫn gọi là danh ấy, nó không phải là cái danh vĩnh hằng (Danh khả danh phi thường danh – Lão Tử). Cái bất tử là bản thể của vũ trụ, thể hiện qua những hiện tượng cụ thể (sắc tướng) mang bản thể ấy.
Và anh tồn tại. Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên.
 |
Chân dung nhà thơ Chế Lan Viên Tranh: NGUYỄN XUÂN HOÀNG |
Chế Lan Viên vốn bị bệnh lao phổi. Đi điều trị ở Trung Quốc mấy năm. Bệnh khỏi, về Hà Nội, lại bị “thất tình” - bà vợ, người yêu thuở thanh xuân, bỏ anh theo người khác. Một bi kịch quá thường tình phải không? Nhưng nó đã để lại vết thương sâu trong tâm hồn anh, hẳn thế. Và “trời xanh ở sông Hàn này đã vỡ”. Và vẫn phải sống, chật vật sống nuôi con thơ và làm thơ để tồn tại, để mơ ước. Sau Điêu tàn, viết năm 16 tuổi, Ánh sáng và phù sa đột khởi trong thơ Việt ra đời trong một hoàn cảnh cá nhân như thế, và sâu xa hơn số phận cá nhân nhà thơ là số phận của Tổ quốc những năm ấy. Nhưng năm “miền Bắc ăn ngô đẻ ra nhà máy thép”, và đánh Mỹ ở cả hai miền.
Chế Lan Viên hồi ấy như một vì sao phát ra ánh sáng và thu hút tình yêu về phía mình. Mỗi lời thơ của anh phát ra như tình yêu Tổ quốc hiện thành thơ, như lương tâm, như mệnh lệnh, như tâm hồn nhân dân. Anh là thi nhân mà oai vũ, hiên ngang như một vị tướng: “Thuyền ta đi như thi sĩ như anh hùng. Đi chiến đấu và ngợi ca Tổ quốc”. Mới thấy cái uy lực của thơ. Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, bài hịch có sức mạnh vô địch của một đạo quân. Chế Lan Viên sống ở thời Hồ Chí Minh, là cháu con Nguyễn Trãi nhưng cùng dòng máu thơm thiên cổ ấy, dòng văn hùng tráng ấy, anh viết những bài thơ chiến trận, viết Tuyên bố của lòng người, Khẩu súng, nhành hoa… viết những bài thơ gọn nhỏ, xinh tươi của tình ái, đời thường: “Em đi như chiều đi. Gọi chim vườn bay hết. Em về tựa mai về. Rừng non xanh lộc biếc. Em ở trời trưa ở. Nắng sáng màu xanh che…” (Tình ca ban mai).
Người đọc Chế Lan Viên, đọc anh, rất đỗi tự hào. Tự hào vì Tổ quốc, nhân dân, Đảng và Bác Hồ, tự hào vì một thời đại lớn mà mỗi một con người đều sống vượt lên cho một tình yêu lớn.
Chế Lan Viên là người thi sĩ “đứng ngang tầm chiến lũy”, nghĩa là đứng ngang tầm thời đại. Anh có văn hóa toàn nhân loại, văn hóa phương Đông, dân tộc, sức nghĩ sức cảm xúc ôm trùm rất lớn. Sức lay động của thơ anh sâu xa vì nó nằm ở những vỉa tầng văn hóa lớn, ở tình yêu lớn… thật không hổ thẹn với thời mình, nhân dân mình, hy sinh, anh dũng, đau khổ…
Những tâm hồn trẻ của lớp sinh viên Văn khoa chúng tôi thời ấy tìm thấy ở tâm hồn Chế Lan Viên một ngọn lửa ấm của yêu thương, của trí tuệ, tìm thấy một lý tưởng sống phong phú và sinh động qua một cuộc đời, một số phận. Những câu thơ, những bài thơ anh có những phẩm chất khác lạ mà ít có thi sĩ nào đạt đến. Đặt anh bên cạnh bất cứ một nhà thơ lớn nào của thế giới hiện đại, anh cũng có những phẩm chất thơ ngang hàng hoặc đặc sắc hơn, sâu thẳm hơn. Đáng tiếc là tiếng Việt của chúng ta không phải là thứ tiếng đã được phổ cập toàn cầu, và sự thất bại rồi rối ren ở Liên Xô - Đông Âu…, những khó khăn của chúng ta… hiện giờ, cũng làm giá trị thơ anh bị ảnh hưởng. Nhưng anh sẽ tồn tại như tro nguội - lâu dài, vĩnh viễn: “lửa hoan lạc một giây, tro cay đắng một đời” - nhưng tro tồn tại.
* * *
Mới đây, chị Vũ Thị Thường có kể cho tôi nghe một câu chuyện nhỏ về anh, mà tôi cũng là người trong cuộc.
Nữ tiến sĩ tâm lý học Tô Thị Ánh ở trường tôi, một nữ tiến sĩ yêu thơ và dịch văn Chế Lan Viên, có được giấy mời đi Hội thảo châu Âu và gặp chút rắc rối. Tôi đến thăm anh Bảy Hương ở Thành ủy phụ trách giải quyết việc này. Anh là chồng của Quế Nga, lớp trưởng lớp Văn mà tôi phụ trách. Tôi ra Bà Quẹo, rủ anh Chế cùng đi qua nhà Quế Nga ở gần nhà anh. Quế Nga gặp thầy rối rít pha trà, rót nước, hỏi thăm thầy, quên khuấy rằng bên cạnh thầy là một thiên tài thơ của nhân loại! Anh Bảy Hương về, giải quyết việc chóng vánh và chị Ánh đi châu Âu.
Chị Thường kể: chị Ánh có đem biếu anh Chế 2 chỉ vàng. Nên nhớ lúc đó anh chị 3 tháng mới được Hà Nội gởi cho một lần lương, mà lương bao cấp tính ra chưa bằng lương thợ dệt! Lúc anh Chế ốm, tôi và anh Khổng Đức, một người yêu thơ anh, in một tập thơ nhỏ để anh Đức đi vận động quyên góp giúp anh… Được bao nhiêu đưa hết cho chị Thường, tôi nhớ những đồng tiền lẻ, cũ, nhưng đó là tấm lòng của bao người… Thế nhưng khi chị Ánh biếu vàng, anh Chế khóc mà không nhận.
Thương anh cao khiết biết chừng nào!
Anh là một người giữa đời thường, ngay thẳng, lương thiện, đạo đức: “ta nhận vào phẩm chất của Người” - đó là một vần thơ anh viết về Bác…