Thương nhớ, ngưỡng mộ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm

Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cùng làng với tôi – làng Chánh Lộ. Ông ở bến Tam Thương, phía đông thành cổ Quảng Ngãi, tôi ở Yên Phú, phía tây thành, cách nhau khoảng 4km. Làng rộng lắm, nay được chia thành 6 đơn vị hành chánh, vẫn cứ rộng.

Từ nhỏ đã nghe ông có chân trong phong trào Thơ mới với Chế Lan Viên, Tế Hanh, Bích Khê, Xuân Diệu…, nhưng mãi đến những năm kháng chiến, tôi mới được gặp và quen biết ông. Đó là vào năm 1952, sau trận bão lửa khủng khiếp, cây cối cháy khô, liền đó quân Pháp đổ bộ lên Kỳ Tân, An Chuẩn, nay thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đốt phá ghe mành, nhà cửa, mùa màng. Nhiều người chết vì giặc, không ít người chết đói thê thảm!

Đoàn chúng tôi toàn lính, trung đoàn 126, còn rất trẻ, không ngờ gặp đoàn bên tỉnh ủy, cũng khá đông, hầu hết họ đều lớn tuổi, hỏi thăm mới biết có các nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng, Lưu Trùng Dương, nhạc sĩ Vân Đông…

Về sau, tuy không ở gần các ông, nhưng tôi vẫn thường xuyên được gặp các ông qua những trang viết đầy ắp không khí kháng chiến, tình cảm quân dân, hậu phương, tiền tuyến trên các báo, tạp chí văn nghệ của tỉnh, của Liên khu 5, như tờ Thông Tin, Quân Nhân Học Báo…, cả những đêm văn nghệ lửa trại lưu động, rất sôi nổi.
Gian khổ, thiếu thốn đủ thứ nhưng ai cũng hân hoan, rạo rực, tin tưởng, dạt dào tình cảm..

Phong trào văn hóa-văn nghệ ở Quảng Ngãi hồi đó rất rầm rộ, có sức cuốn hút mạnh mẽ, tạo thành như một trung tâm, quy tụ được khá nhiều tên tuổi lớn, như cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông Phạm Văn Đồng, tướng Nguyễn Sơn; các nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhạc sĩ, họa sĩ như Văn Cao, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp, Tế Hanh, Lê Thương, Phan Huỳnh Điểu, Vân Đông, Nguyễn Đỗ Cung, Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Thế Vinh, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, Dương Minh Ninh, Dương Minh Viên, Dương Minh Hòa, Mai Trường Lưu, Yến Lan, Nguyễn Vỹ…

Có thể nói không sợ quá lời: Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm là một trong số không nhiều người đã khai mở, gầy dựng để có phong trào văn nghệ ở Quảng Ngãi bấy giờ mà ông là Hội trưởng (từ 1945 đến 1954). Cũng thời gian này, ông là Ủy viên Thường trực Liên đoàn văn hóa kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Liên khu 5.

Theo lệ, gần như năm nào ông cũng về quê lo giỗ chạp và bao giờ ông cũng ghé thăm tôi.

Lần giở lại thời gian, từ buổi xa quê đến cuối đời, ông chỉ làm độc mỗi việc… văn chương và đã gặt hái được kết quả đáng trân trọng: 7 tập thơ, 12 tập truyện ngắn, bút ký, nghiên cứu, nhiều bản dịch thơ, văn xuôi của các tác giả danh tiếng thế giới.

Điều đáng quý, đáng mừng hơn là trên chặng đường dài, từ bóng đêm đến hôm nay, ông còn hạnh phúc lớn là được anh em, đồng nghiệp, nhân dân nhớ thương và ngưỡng mộ.

______

* Nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ngãi.

(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 35)

NGUYỄN TRUNG HIẾU*