TS Mai Thúc Luân, nguyên Tổng Biên tập báo Văn Hóa của Bộ Văn hóa, đảng viên 65 tuổi Đảng, đã từ trần ngày 7-6-2014 tại TP Hồ Chí Minh. Lễ tang đã được tổ chức trọng thể. Bà con ở quê nhà (Điện Bàn - Quảng Nam), ở Hà Nội; các bạn hữu, đồng nghiệp… ở TP Hồ Chí Minh; các cơ quan, trường học thân hữu của GS - TS Mai Hồng Quì, Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM, trưởng nữ… đã đến viếng, đặt vòng hoa (hơn 300 vòng hoa). Trong số vòng hoa đó, có vòng hoa của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, của đồng chí Lê Thanh Hải và các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy, của các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Doan, Phạm Vũ Luận…
Ông Từ Danh, một lão thành đồng hương, có câu đối viếng:
Vạn cổ phương danh lưu Quảng địa,
Thiên thu linh phách vọng Nam thiên.
萬古芳名留廣地
千秋灵魄望南天
Xin giới thiệu bài văn điếu của ông Mai Thúc Lân, em ruột ông Mai Thúc Luân, thay mặt gia đình, đọc trong lễ tang.
|
TS Mai Thúc Luân |
Anh Mai Thúc Luân sinh năm 1929 tại làng Nông Sơn (nay là xã Điện Phước), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình công chức nhỏ có truyền thống yêu nước sâu sắc. Ông nội, cụ Tú tài Mai Luyện, tham gia phong trào dân chủ, duy tân 1908 và bị bắt bỏ tù. Cụ Mai Dị, bác ruột, cử nhân khoa thi 1904 đã tích cực tham gia phong trào, cùng với các yếu nhân của phong trào như Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài… giảng dạy tại trường duy tân nổi tiếng Phong Thử. Cụ vào Nam ra Bắc để liên kết các đầu mối và bị bắt ở Nam Định, bị tù 3 năm. Sau đó cụ tham gia khởi nghĩa Duy tân - Trần Cao Vân và lại bị tù 3 năm, mất không lâu sau khi ra tù… Điện Bàn - Quảng Nam vào thời đó là một cái nôi của phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc mà những tên tuổi tiêu biểu như Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… là những tên tuổi bất tử trong lịch sử. Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ba má anh và các em đều tham gia hoạt động cách mạng, tích cực đóng góp cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.
Sinh ra trong một gia đình và một quê hương như vậy, nên anh Mai Thúc Luân đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào ngay từ sau ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945. Anh đã từ một học sinh trường Quốc Học (hồi đó gọi là Khải Định) Huế, trở thành một cán bộ trẻ, giàu năng lực và nhiệt huyết của công tác tuyên truyền - xung phong - vũ trang ở vùng địch chiếm Quảng Nam (Đà Nẵng, Điện Bàn, Hòa Vang…). Năm 1949, 19 tuổi, anh đã được kết nạp vào Đảng. Do những thành tích xuất sắc của anh trong công tác tuyên truyền văn hóa ở vùng địch chiếm, nhất là sau những lần trực tiếp tham gia chiến đấu dũng cảm ở các trận Vân Ly, Ái Nghĩa.., và cũng một phần vì anh đã là một dịch giả đầu tiên qua tiếng Pháp dịch các tác phẩm văn học Xô Viết của A.Tolstoi, I.Erenburg, B.Polevoi… mà anh đã được cấp trên chọn cử đi học Liên Xô. Đó là vào năm 1953, năm chót của cuộc kháng chiến chống Pháp. Anh đã từ Quảng Nam, Khu 5 vượt đường bộ ra Khu 4 rồi lên Việt Bắc, từ đó qua Bắc Kinh-Trung Quốc, qua Siberi đến Moskva. Sau khi học tiếng Nga, anh vào học Khoa Báo chí, Đại học Lomonosov Moskva, một đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới lúc đó. Sau 5 năm học đại học, anh về nước năm 1960 và công tác ở Bộ Văn hóa. Anh đã làm Tổng biên tập báo Văn Hóa của Bộ, làm Giám đốc Phát hành phim cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau ngày thống nhất đất nước, nghiên cứu lý luận văn học, văn hóa, giảng dạy ở Đại học Điện Ảnh, dịch các tác giả văn học Xô Viết… Với vốn văn hóa được tích lũy sâu rộng, nhất là văn học Nga và thế giới, anh đã có những cống hiến trong công tác báo chí, trong nghiên cứu văn học và lý luận… Là một trong những người được đào tạo chính quy ở một đại học lớn nước ngoài, anh đã cùng các bạn bè đồng chí khác góp phần làm nên một thời kỳ văn hóa rực rỡ - thời đại văn hóa Hồ Chí Minh. Anh đã trở lại Liên Xô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ mà anh viết dở dang lần trước. Các đồng chí cùng công tác với anh ở báo Văn Hóa, ở Bộ Văn hóa thường nhắc đến kiến thức sâu rộng của một Tổng biên tập, tinh thần cầu tiến ham học hỏi của anh, cũng như đức tính thẳng thắn mà khoan dung của anh đối với cán bộ cấp dưới và đồng nghiệp.
Anh Mai Thúc Luân đã vĩnh biệt chúng ta. Anh đã đi qua trên trái đất này 85 năm và đã để lại cho chúng ta hình ảnh một thanh niên ưu tú của kháng chiến, một sinh viên, một nghiên cứu sinh ưu tú ở Liên Xô, một Tổng biên tập báo, một dịch giả, một nhà nghiên cứu lý luận văn hóa xuất sắc của một thời kỳ gian khổ và hào hùng.
Cũng như bao người khác trên đời, cuộc đời anh có những năm tháng vinh quang nhưng cũng có những thời gian lận đận khó khăn; khó khăn vì bị hiểu lầm về quan điểm, nhưng khó khăn nhất là những năm cuối đời lâm bệnh, bệnh tật và tuổi già đã làm thân anh đau yếu! Mặc dù anh đã được các con, các bác sĩ ở bệnh viện hết lòng chăm sóc nhưng tuổi cao sức yếu, quy luật sinh lão bệnh tử đã chẳng từ ai.
Và anh đã ra đi, mang theo bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ của anh, của gia đình, bạn bè, của một thời không thể nào quên… Và chúng ta còn mãi mãi nhớ thương anh…
Anh Mai Thúc Luân ơi, xin vĩnh biệt!
_____
(*) Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội.
(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 42)