
|
Nhà Hán học Phạm Thị Hảo |
Bà Phạm Thị Hảo, sinh năm 1933, quê gốc ở Nam Trực – Nam Định, một vùng đất văn hiến lâu đời và nổi tiếng. Từ đầu những năm 50 thế kỷ trước, trong kháng chiến chống Pháp, bà được chọn cử đi học tại Trung Quốc. Sau đó bà giảng dạy tại trường Trung cấp Sư phạm (1953-1959), Đại học Sư phạm Hà Nội (1959-1975) và Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh (từ 1975 cho đến khi về hưu). Bà cũng là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Trong bao nhiêu năm giảng dạy Trung văn – văn học Trung Quốc đó, với cái vốn tích lũy từ Trung Quốc, bà đã kiên trì nghiên cứu, nâng cao, để trở thành một chuyên gia hàng đầu về cổ văn Trung Quốc. Bà đã tích cực cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Tạp chí Hồn Việt, đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và viết nhiều bài báo chất lượng cao trên Hồn Việt.
Tác phẩm đã xuất bản: Kinh thi tinh tuyển (chọn dịch), Văn tâm điêu long (dịch và giới thiệu cùng với phu quân là GS Trần Thanh Đạm), Thuật ngữ lý luận văn học Trung Quốc, Đỗ Phủ thi tuyển (dịch và hiệu đính, đang in).
Bà là một nhà sư phạm gương mẫu, uyên bác và tận tâm; một đảng viên cộng sản mẫu mực; một người mẹ hiền đã sinh thành và dưỡng dục các con trưởng thành: TS sử học Trần Thị Thanh Thanh, PGS-TS văn học Trần Thị Phương Phương…
Bà mất đi, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Tạp chí Hồn Việt mất đi một nhà nghiên cứu chủ chốt, đáng tin cậy, chỗ dựa vững chắc của việc nghiên cứu văn học Trung Hoa, cả cổ điển lẫn hiện đại, cả bạch thoại lẫn cổ văn. Đó là một khoảng trống không dễ thay thế.
Chúng tôi chân thành chia buồn sâu sắc với gia đình GS Trần Thanh Đạm và xin bày tỏ lòng thương tiếc sâu đậm nghĩa tình của những người bạn, những người đồng nghiệp…
Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Tạp chí Hồn Việt