Ngày 13-7 vừa qua, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam đã ký quyết định đình chỉ công tác một số đăng kiểm viên của 3 Trung tâm đăng kiểm tại TP.Hồ Chí Minh sau khi báo chí phản ánh vụ việc đăng kiểm viên móc ngoặc với “cò” lấy tiền của lái xe, bỏ qua lỗi kỹ thuật của phương tiện, không kiểm tra xe mà vẫn dán tem kiểm định, lấy tiền của lái xe để trên buồng lái trước khi vào đăng kiểm. Nhanh chóng, kiên quyết và nghiêm túc là những ưu điểm nổi bật mà dư luận ghi nhận và đánh giá cao đối với lãnh đạo Cục này. Nhưng ấn tượng đặc biệt nhất đằng sau đó chính là cái cách làm thể hiện rõ tinh thần cầu thị, thiện chí, trách nhiệm của người đứng đầu một ngành “nhạy cảm” như phát biểu của ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng: “Tất cả những thông tin phản ánh tiêu cực liên quan lĩnh vực đăng kiểm dù chính danh hay nặc danh đều được xác minh điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định” (theo báo Nhân Dân ngày 14-7-2015). Chính danh thì không có gì phải bàn! Nhưng cả thông tin “nặc danh” cũng xem xét, xử lý và đạt kết quả thì phải chăng đây là một trong những “giải pháp” nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang diễn ra bức xúc trong bộ máy công quyền hiện nay mà những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xây dựng luật pháp, chính sách vĩ mô cần tiếp thu, nhìn nhận và nghiên cứu một cách thấu đáo!
Cũng đơn vị này, trong năm 2014, đã có 68 đăng kiểm viên và 3 trung tâm bị đình chỉ. Và từ đầu năm đến nay, 35 đăng kiểm viên, 4 dây chuyền kiểm định thuộc 18 trung tâm trên toàn quốc tiếp tục bị Cục này đình chỉ. Theo đó, hàng chục trường hợp lãnh đạo trung tâm bị cách chức, luân chuyển do để xảy ra sai phạm tại đơn vị. Giá như bộ, ngành nào, cơ quan, tổ chức nào của hệ thống chính trị các cấp cũng đều vào cuộc chống tiêu cực một cách rốt ráo, quyết liệt như thế thì tốt cho đất nước, xã hội biết bao! Nhưng vấn đề đặt ra là các cơ quan hữu trách nên hay không nên xem xét, thẩm tra, xác minh nguồn thông tin phản ánh, tố cáo nặc danh đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực? Có lẽ lâu nay, đây chính là một trong những “điểm nghẽn” lớn của cuộc đấu tranh không kém phần cam go, thử thách này?
Trước hết, chúng ta đều biết rằng, đối tượng tham nhũng chủ yếu là những cá nhân có chức, có quyền, có mối quan hệ sâu rộng, có trình độ cao, am hiểu luật pháp, có nhiều thủ đoạn, mánh khoé tinh vi… Cho nên việc người dân hoặc cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền đứng ra phản ánh, tố cáo chính danh các đối tượng mà “miệng có gang có thép” này chẳng khác nào “húc đầu vào đá”! Trong khi đó, lại chưa có giải pháp bảo vệ nào thực sự hữu hiệu đảm bảo cao nhất về sự an toàn tính mạng và quyền lợi của người tố cáo, phản ánh. Đã từng có địa phương cấp tỉnh công khai “mua tin” tố cáo tham nhũng, với số tiền hàng chục triệu đồng/tin nhưng hầu như hiếm có ai hưởng ứng. Thực tế đã từng có không ít người dũng cảm đứng ra tố cáo lãnh đạo cơ quan, đơn vị có hành vi tham nhũng, tiêu cực đã phải phải chịu biết bao nhiêu nguy hiểm từ nhiều phía. Nhẹ thì bị trù dập, điều chuyển công tác đến những vị trí trái ngành trái nghề… Nặng thì bị buộc thôi việc một cách oan uổng, vô lý, thậm chí tính mạng bản thân, người thân trong gia đình bị đe dọa phải “mai danh ẩn tích” trốn chui trốn nhủi. Rõ ràng là “đấu tranh - tránh đâu”, cái khẩu ngữ đầy cay đắng và bi hài ấy, với những hệ lụy có thật, vẫn cứ nghiễm nhiên tồn tại ngấm ngầm trong xã hội và trong hệ thống công quyền của chúng ta. Đây là điều đáng sợ nhất của những người tố cáo, cung cấp thông tin chính danh! Vậy nên, mới có tình trạng “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm, né tránh… diễn ra phổ biến trong nội bộ cơ quan, tổ chức các cấp. Vũ khí đấu tranh tự phê bình, phê bình, vì thế, đã bị vô hiệu hóa như một lẽ đương nhiên!
Trong điều kiện như thế, việc phát sinh đơn thư tố cáo nặc danh, thông tin phản ánh nặc danh đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực như một quy luật tự thân “tức nước thì vỡ bờ”. Nhưng oái oăm thay là, cho đến nay, pháp luật nước ta nói chung kể cả quy định của các tổ chức là không bắt buộc phải thẩm tra, xác minh hoặc tiến hành điều tra đối với dòng thông tin này, mà chỉ mang tính chất “tham khảo, nghiên cứu” thêm. Do vậy, tất cả đều được liệt vào diện: không đúng quy định, không đủ điều kiện để xem xét, không có cơ sở để xử lý và “xếp lưu” vô thời hạn, thậm chí còn có cả định kiến coi đó là hành động phá hoại nội bộ, bôi nhọ tổ chức, cán bộ hoặc có ý đồ xấu… bởi “bằng chứng đâu?”. Đây chính là cái “bảo bối” để các cơ quan chức năng vặn vẹo làm khó hoặc lấy cớ để từ chối trách nhiệm của mình một cách hợp lý và an toàn nhất!
Công dân, công chức, viên chức bình thường đâu dễ gì có được bằng chứng, làm gì có thể biết hoặc có cơ chế nào để được quyền tiếp cận mọi thứ thông tin thuộc quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân lãnh đạo, quản lý các cơ quan, tổ chức của nhà nước, nhất là với những thông tin, những vấn đề khuất tất, mờ ám! Trừ trường hợp những sai phạm đó bị phơi bày, lộ diện, bị “bắt tận tay, day tận trán”, không còn đường chối cãi trước bàn dân thiên hạ mà thôi!
Tất nhiên, theo dòng thông tin nặc danh này, dứt khoát không thể tránh khỏi những thông tin tố cáo, phản ánh thiếu trung thực, khách quan, mang dụng ý không tốt, nhưng nhà nước không thiếu những công cụ, phương tiện để thẩm định đâu là “thật”, đâu là “giả” và chắc chắn rằng đó cũng không bao giờ là số nhiều cả! Và, hơn thế, đã từng trải bao nỗi đau chiến tranh, hầu hết người dân Việt Nam ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau vẫn luôn thường trực trong tâm khảm mình tấm lòng nâng niu, trân trọng những điều cốt tử rất đỗi quý giá và thiêng liêng của một đất nước, xã hội bình yên, ổn định mà mình đang được thụ hưởng!
Nhiều năm qua, cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, đã có không ít hội thảo quốc tế chuyên đề về vấn nạn này được tổ chức, nhưng hiệu quả chưa đạt được là bao, chưa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ và nhân dân. Vừa mới đây, tại hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2015 các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước, ông Phạm Anh Tuấn - Phó trưởng ban Nội chính Trung ương đã thẳng thắn phát biểu: “Mức độ thiệt hại và quy mô tham nhũng ngày càng lớn, mang tính tổ chức, lợi ích nhóm rất rõ, rất khó thu hồi tài sản”, “tham nhũng giờ không chỉ một người, một nhóm người mà nhiều người, nhiều cấp… nên chống rất khó” (theo báo Tiền Phong ngày 24-7-2015). Như thế, rõ ràng tham nhũng đã và đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, bức xúc.
Cho nên, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét tính pháp lý và hiệu quả thực tiễn của “kênh” thông tin nặc danh như cái cách mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đã làm. Chắc chắn rằng đó sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu cùng góp phần bài trừ “quốc nạn” tham nhũng trong điều kiện của đất nước ta hiện nay.