Khi gặp Kiều, Từ chỉ hỏi vậy thôi nhưng đã vô tình hé ra sự nổi tiếng của Kiều. Từ đã nghe đồn Kiều kiêu ngạo từ lâu, nghe đồn đại nhiều lần từ trước cái đêm gió mát trăng thanh ấy. Trong một xã hội phong kiến mà một cô gái lầu xanh nổi tiếng vì sự kiêu sa, đến nỗi một trang anh hùng hiệp khách như Từ phải tò mò tìm đến tận nơi để kiểm chứng thì chứng tỏ cái phẩm chất của Kiều hiếm hoi và đáng trân trọng lắm.
Nếu có ai xứng đáng là người làm chứng cho Kiều trong phiên tòa đạo đức để biện hộ cho sự trinh trắng kiêu hãnh đó, để khẳng định Kiều đã luôn đứng cao hơn bùn lầy xã hội mà mình đã chịu vấy, thì người đó chính là Từ Hải.
Kiều có gì để kiêu hãnh thế? Chắc không phải Kiều ý thức được giá trị của tài viết chữ và tài đánh đàn, cũng không phải Kiều ý thức về nhan sắc vì tài sắc chẳng phải là cái để một người con gái trong xã hội ấy lấy làm điểm tựa cho lòng kiêu hãnh sâu xa. Cái lòng kiêu hãnh ngoan cường và có vẻ trớ trêu phi lý ấy có một bản chất khác - đó là bản chất thủy chung của người phụ nữ Việt Nam:
Chồng ta áo rách ta thương Chồng người áo gấm xông hương mặc người. |
Người phụ nữ Việt Nam gắn bó với con người cụ thể qua mùi mồ hôi quen thuộc, miếng vá quen thuộc, giọng nói quen thuộc và cả những thói tật quen thuộc nữa. Kiều gắn bó với Kim Trọng theo cái cách của người phụ nữ Việt Nam như vậy. Khi đã có Kim Trọng ngự trị trong tâm hồn thì bất cứ ai cũng không thể nào lọt vào mắt xanh của nàng nữa. Nhưng Từ lại hiểu thái độ đó là sự kiêu hãnh của con người tự do, cao ngạo, khinh đời:
Một đời được mấy anh hùng Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi! |
Chỉ một câu nói ấy thôi ta thấy rõ Từ Hải tự coi mình là một trong những anh hùng ít ỏi của cõi đời này, không phải loại người “cá chậu chim lồng” lâu nay vẫn đến lầu xanh. Từ vào thanh lâu không phải để tìm kiếm thân xác của Kiều mà để kiểm định một nhân cách, để tìm kiếm một tự do.
Từ nhầm lẫn ngay từ phút đầu tiên ấy. Từ không nhìn thấy ở Kiều một con người “nữ nhi thường tình” gắn bó sâu sắc những hình ảnh cụ thể mà nhìn thấy một khát vọng anh hùng. Đó là cái sai lầm sâu thẳm dẫn Từ đến chỗ đưa Kiều vào “dự quân trung luận bàn” như một người lãnh đạo khởi nghĩa nông dân để rồi từ cái vị thế lầm lẫn ấy, Kiều đã trở nên có tội, dù Kiều vẫn là Kiều thôi, vẫn hành động theo tiếng gọi của đàn bà Việt, chẳng để ai lọt vào mắt xanh khi con mắt ấy đã bị choáng ngợp bởi một gia đình bình thường, yên ấm.
Từ tưởng rằng với cốt cách anh hùng, ngang tàng của mình, Từ có thể lọt vào mắt xanh của Kiều. Nhưng thực ra thì con người anh hùng của Từ đâu có lọt vào mắt xanh của Kiều mà chỉ có một ông chồng Từ Hải, ông quan Từ Hải lọt vào đôi mắt ấy cùng những viễn cảnh tương lai trong toan tính của một nữ nhi thường tình.
Từ Hải đến với Kiều trước hết bằng lòng kiêu hãnh – Từ muốn chứng tỏ ngay trong lĩnh vực tình ái Từ đã hơn đứt cánh đàn ông khác. Lẫn lộn lầu xanh và chiến trận, Từ nhân danh bản lĩnh anh hùng để xông vào chinh phục thành lũy trái tim Kiều.
Có thể nói, cuộc chiếm đoạt thành trì Thúy Kiều là chiến tích đầu tiên của người anh hùng Từ Hải. Nhưng đó là một chiến tích phung phí. Vì thực ra, dù Từ không phải là một anh hùng “chọc trời khuấy nước” mà chỉ là loại mặt mo huênh hoang như Sở Khanh thôi thì Kiều cũng sẵn sàng dựa vào để thoát khỏi lầu xanh. Kiều tuy có nói đôi lời tri kỉ khiến Từ xúc động, nhưng không phải Kiều đợi chờ người anh hùng Từ Hải. Với Kiều, anh hùng, lái buôn hay kẻ mặt mo cũng đều có cùng một sứ mệnh giải phóng nàng ra khỏi lầu xanh.
Kiều không tư duy bằng đạo đức, bằng chính trị và tư tưởng. Kiều chỉ tìm kiếm một chỗ dựa bằng sự thôi thúc của con tim thèm khát một cuộc đời bình thường lương thiện. Kiều đâu có ý thức dấn thân vào cuộc chơi vĩ đại của họ Từ. Kiều không hề chuẩn bị để làm bà lớn, làm Vương phu nhân.
Từ Hải đã không hiểu được cảnh ngộ đó nên cứ hồn nhiên đưa Kiều vào guồng quay của sự nghiệp chính trị để chính Từ trở thành nạn nhân của con người nhi nữ thường tình trong Kiều dù đã có lúc ngờ ngợ:
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri” Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình? |
Bi kịch của Kiều là một bi kịch của một tâm hồn bình dị, ân tình, thiết thực bị gắn vào các danh hiệu “liệt nữ” “thuyền quyên”. Vì thế, có thể nói thực chất Truyện Kiều là một hành trình bóc tách mọi lớp vỏ chữ ốp lên thân phận Kiều, tình tự Kiều, phẩm giá Kiều làm hiện lên một nàng Kiều đích thực, một người đàn bà Việt kiên định và nuôi dưỡng tình yêu, tình người, tình đời trong các lớp vỏ khác nhau: một nghệ sĩ tài hoa, một người con có hiếu, một con đĩ “thanh lâu hai lượt” một anh hùng liệt nữ tự do, một kẻ trung quân ái quốc… Dù ở trong cái vỏ nào thì Kiều vẫn là Kiều thôi.
Đó là cái bản lĩnh của một người Việt “dĩ bất biến, ứng vạn biến” có thể tạm thời đánh mất mình trong dung hòa, thỏa hiệp để giữ lấy một cái gì rất riêng, rất sâu, không bao giờ bị mất - đó là cái “mình” là nhân cách, là bản sắc.

Xuân Diệu từng phân tích rất sâu về chữ “mình”, nhưng chưa đi vào cái run rẩy sợ mất mình, sợ tha hóa trong tâm hồn Kiều. Giữ cho mình luôn là mình, không bị vấy, đó là cái khát vọng văn hóa sâu thẳm trong tâm thức con người Việt Nam.
Trong “Đọc lại Truyện Kiều”, Vũ Hạnh nhìn tình yêu của Kiều từ cái nhìn phân tích kiểu phương Tây để thấy Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải là ba mảnh của một người tình lý tưởng mà xã hội phong kiến đã cắt rời ra làm nên một thiệt thòi, thiếu hụt cho Thúy Kiều. Nhưng Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải là ba biểu hiện khác nhau của cùng một phẩm giá Kiều. Đó là ba cái lồng cho con chim Thúy Kiều hót cùng một tiếng hót.
Kiều thích nghi với từng hoàn cảnh lúc là người tình, lúc là vợ lẽ, lúc là phu nhân nhưng Kiều luôn luôn vẫn là Kiều, luôn luôn giữ gìn, ấp ủ nâng niu một cái gì riêng gọi là “mình” trong sâu thẳm tâm tư. “Giật mình mình lại thương mình xót xa” là như vậy.
Khi gặp Từ Hải, về phương diện quyền lực, Kiều đã được lên ngôi, nhưng về phương diện văn hóa, Kiều đã bị trở thành con người một chiều, rạch ròi, sòng phẳng và chính xác. Có lẽ đó là cái logic dẫn Kiều đến bế tắc. Nếu như trong tư cách gái làng chơi, vợ lẽ, con hầu và người tu hành Kiều sống cuộc sống của một biểu tượng trong trắng, thanh cao, thoát tục, thì trong tư cách phu nhân của họ Từ, Kiều giống hệt như những bà lớn nữ nhi thường tình khác.
Cuộc sống lưu lạc, chìm nổi đã khắc sâu trong tâm thức Kiều nỗi ám ảnh của định mệnh, mặc cảm về thân phận của kẻ dưới đáy mà gắn liền với nó là nỗi hận đời, là khát vọng đổi đời, là ý chí tự khẳng định. Vì thế, khi đã trở thành phu nhân của họ Từ quyền nghiêng thiên hạ, việc Kiều nghĩ đến đầu tiên là báo ân báo oán chứ không phải là tìm cách về quê với cha mẹ và Kim Trọng. Kiều xin Từ Hải cho báo ân báo oán vì cái thôi thúc lớn nhất trong tâm trí Kiều là thôi thúc giải thân phận, đổi đời, tự khẳng định thân phận mình trước “thanh thiên bạch nhật”.
Về phương diện văn hóa thì đó là những toan tính thuộc phạm trù “diện mạo” gắn với “miếng giữa làng”, với tiếng thơm, với tâm lý về làng để kiêu hãnh với những người từng coi khinh mình, rẻ rúng mình lúc hàn vi. Đây là nét tâm lý khá điển hình của người Việt xưa nay. Khi đã dấn thân vào con đường khẳng định diện mạo trước cộng đồng thì xu hướng gắn với cái chính thống gần như là tất yếu. Kiều đã để lộ cái mặc cảm về tính chất giặc cỏ của Từ Hải, run sợ miệng lưỡi thế gian:
“Làm chi để tiếng về sau Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!” |

Cái thái độ “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” của Từ không chỉ hàm nghĩa coi khinh quyền thế mà tự nó còn hàm nghĩa bất chấp mọi thế lực, dù đó là thế lực của dư luận, của số đông. Nhưng cái thái độ ấy của Từ Hải lại mâu thuẫn với nhu cầu ổn định của Kiều, Kiều đã thấm mệt. Và cái logic truyền kiếp trong tâm thức người Việt muốn “ích nước lợi nhà”, muốn hãnh diện trước cộng đồng, muốn dung hợp những thái cực đã dẫn đến những toan tính của Kiều:
Bằng nay chịu tiếng vương thần Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì! Công tư vẹn cả hai bề Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương Cũng ngôi mệnh phụ đường đường Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha. |
Những toan tính của Kiều thể hiện một logic biến chuyển về tâm lý con người thời hậu chiến. Khi đã thắng lợi rồi thì cái tâm lý mệt mỏi, nghỉ ngơi, hưởng thụ, thu vén cho gia đình, cho bản thân và kèm theo nó lại là nhu cầu ổn định và nhu cầu danh dự len lỏi hiện lên từ chiều sâu tâm thức như một logic nghiệt ngã. Kiều thể hiện tâm thức phổ biến ấy trong nhu cầu tinh thần và những toan tính rất đặc trưng cho con người Việt Nam. Đó là một trong các nguyên nhân chủ quan đưa Kiều đến chỗ xui Từ Hải đầu hàng.
Về phương diện khách quan, nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Hồ Tôn Hiến là chủ nghĩa gia đình và tâm lý thích được tôn trọng của người Việt Nam. Chính vì “Biết nàng cùng dự quân trung luận bàn” mà Hồ Tôn Hiến bày mưu mua chuộc và dụ dỗ. Và, giống như một sự trả nợ đời, nếu như trước đây cái tâm lý “Một lời đã biết đến ta” đã khiến Từ Hải làm tất cả cho Kiều, thì giờ đây cái thủ đoạn “Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu” mà Hồ Tôn Hiến áp dụng cho Kiều đã khiến Kiều làm mọi việc cho Hồ Tôn Hiến.
Cái tâm lý xả thân làm tất cả cho kẻ khác nếu kẻ đó có lời với mình, biết tôn trọng mình, hiểu ra vai trò và giá trị của mình và tâm lý phổ biến của người Việt thể hiện ra trong tâm lý Từ Hải, Thúy Kiều. Bản chất của tâm lý đó là cái mặc cảm thân phận truyền kiếp, cái khát vọng về diện mạo của con người Việt Nam. Vì “một lời đã biết đến ta” của Kiều mà Từ Hải cho Kiều vào luận bàn việc công rồi nghe theo lời khuyên của nàng, cũng vì “một lời đã biết đến ta” của Hồ Tôn Hiến mà Kiều đã chấp nhận phương án đầu hàng để thỏa mãn nhu cầu ổn định, nhu cầu chính thống.
Vậy là, logic chiều sâu của vụ án Từ Hải đầu hàng là những diễn biến đặc thù của tâm thức người Việt và những hệ quả xã hội dây chuyền của nó. Không nhạy cảm với tâm lý người Việt, không có một tư duy sáng tạo đồng cảm, đồng điệu với vô thức cộng đồng, Nguyễn Du khó có thể mô tả sâu sắc thành công những chuyển biến tâm lý và số phận của Kiều và Từ Hải trước và sau khi khởi nghĩa thành công.
Bài liên quan: