Một nữ nghệ sĩ diễn hài là tác giả của những vần thơ bay bổng và lãng mạn; một nhà văn say mê với việc kinh doanh cà phê sách; một nam diễn viên “hảo hán” trên màn ảnh có tài nấu bếp. Đó không còn là những sở thích nhất thời hay phút ngẫu hứng khi nghệ sỹ tự cân bằng tâm hồn mình bằng những công việc khác. Dường như, “tài lẻ” trở thành một phần không thể thiếu bên cạnh nghề nghiệp chính, đưa họ trở về với chính mình nhiều nhất…
NSƯT Minh Vượng: Những vần thơ cô đơn đến nao lòng
Khán giả vẫn thường gặp Minh Vượng trong những vai hài trên truyền hình, nhưng phía sau màn ảnh chị là một người đàn bà đa cảm.
Dường như càng sôi nổi bao nhiêu trên sâu khấu hay những phút hò reo “nổ trời” cùng trái bóng (chị là “fan” của đội MU), chị càng lặng lẽ hơn bên trang viết. Phía sau dáng vẻ chao chát và ồn ào của những nhân vật do chị thủ vai là một tính cách dịu dàng, nhẹ nhàng và một trái tim yếu mềm rất phụ nữ.

NSƯT Minh Vượng.
Với một tâm hồn nhạy cảm, nâng niu sự sống và cái đẹp khiến những vần thơ của chị luôn bay bổng và dạt dào cảm xúc.
Minh Vượng nhiều lần được mời tham gia chương trình CLB Thơ của Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam. Đến nay, “gia tài” thơ của chị lên đến hàng trăm bài. Bạn bè “thắc mắc”, sao chị không in sách để chia sẻ nỗi niềm và tìm kiếm sự đồng điệu, nhưng Minh Vượng vẫn chỉ muốn thơ lưu giữ những kỷ niệm của riêng mình.
Có lần, người bạn thân gửi thơ của chị đến báo Người Hà Nội. Bài thơ được đăng khiến chị càng được nhiều người “hỏi thăm”.
Minh Vượng đến với thơ từ những năm tháng tuổi trẻ. Chị quan niệm, làm thơ như viết nhật ký để ghi lại những khoảnh khắc rung động của tâm hồn, những phút giây hạnh phúc và cả những buồn đau của một kiếp người, cả những thảng thốt đàn bà rất đỗi se sắt:
“Sớm lạnh trong mùa thu đến sớm / Em đi tìm anh sau một tối thật dài / Em đến muộn con đò vừa rời bến / Mang anh đi xa cách một khoảng rồi / Phù sa chảy đưa thuyền dần xa bến / Cát bên sông vẫn bên lở bên bồi / Trôi theo nước rồi về đâu hỡi cát / Có phải chăng em theo kiếp luân hồi / Em theo sóng tạo nên thành bờ mới / Đứng bên sông lòng nuối tiếc ngậm ngùi / Mà chợt tỉnh bao giờ em cũng muộn”.
Có lẽ, người đàn bà trở về lặng lẽ một mình trong ngôi nhà riêng sau những ồn ào của phố xá và nhiều vai diễn sôi sục trên sân khấu ấy, ở cái tuổi không còn trẻ nữa ấy, càng thấm thía hơn từng thời khắc của thời gian qua nhanh.
Có lúc chị trẻ trung, khao khát đến cuồng nhiệt nhưng thẳm sâu vẫn là một trái tim đàn bà mong manh, nhạy cảm:
“Đừng để mất nhau xin đừng để mất / Hãy ôm chặt em trong vòng tay thường nhật / Đi suốt cùng em tận cuối cuộc đời…”
Chị cũng có khá nhiều câu thơ viết về nỗi niềm của nghệ sĩ khi tấm màn nhung khép lại. Nhưng dường như chị vẫn không “trốn thoát” khỏi nỗi cô đơn ngự trị dù khi có cả hai người:
“Sau đêm diễn ta lại tìm nơi ấy / Nơi vườn xưa ta ươm hạt tình ta / Trong đêm tối cố dò tìm hương cũ / Mong nhặt trong cỏ dại đang lên / Một nhánh héo của cây tình đã chết / Nhói trong ta cặp tình nhân trước mặt / Đang nồng say trao nhau nụ hôn gần / Dưới sương lạnh có lẽ nào họ biết / Ta thương thầm ước cho họ ngày xanh / Tình cứ sống đừng như tình mình dang dở”.
Chị ít khi đặt tên cho những bài thơ. Nói đúng hơn, hầu hết là những đoạn thơ ghi lại tâm trạng của chị chứ chị không hoàn chỉnh thành bài thơ có tiêu đề, có kết cấu đầu đuôi. Chính ở khía cạnh này cho thấy một hình ảnh nghệ sĩ tinh tế, giàu cảm xúc nhưng không câu nệ, trau chuốt hay chịu ràng buộc của một hình thức nào cả.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: cà phê và những niềm hạnh ngộ
Sau khi chia tay công việc ở một toà soạn tạp chí chuyên về điện ảnh, Võ Thị Xuân Hà mở quán cà phê. Thư quán Hà Thế (104A Tô Hiến Thành, Hà Nội) là địa điểm chị “trụ” được lâu nhất sau 5 lần chuyển quán. Tác giả của nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết gây tiếng vang trên văn đàn đứng sau quầy pha cà phê cho khách trở thành hình ảnh quen thuộc đối với nhiều khách hàng mê cà phê Hà Thế.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
Từ việc chẳng có tí vốn liếng nào về quán xá, cà phê cũng không biết uống, chị liều mình mở quán với mục đích ban đầu để kiếm tiền nuôi con.
Chị kể, hồi mới mở quán, bạn văn đưa chị đi... tham quan các quán cà phê, chỉ bảo cho chị cách nhận biết cà phê chồn, cà phê capuchino... Thấm thoát gần chục năm, chị đã trở thành bà chủ quán kỳ cựu. “Ngón nghề” pha cà phê giờ đã trở thành “bí kíp” mà “bà chủ” dành để truyền cho các nhân viên của quán.
Không chỉ pha cà phê ngon, cái tinh tế của người đứng trước tách cà phê còn thể hiện ở chỗ: biết khách hàng là người thế nào, tâm trạng ra sao và vào quán vào lúc nào để chế biến tách cà phê phù hợp.
Thư quán Hà Thế không chỉ có nhiều giá sách với những cuốn sách còn thơm mùi mực mới mà còn được trang trí nhiều giỏ cây, những bức tranh… Khách vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa đọc sách và thả mình trong không gian mát rượi...
Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo hay các độc giả yêu văn chương trở thành khách hàng thường xuyên của Thư quán Hà Thế.
Khách sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi biết chị không mở quán cà phê đơn thuần mà kinh doanh sách. Chị quan niệm, kinh doanh sách là góp phần tôn vinh văn hoá đọc, góp phần làm cho sách có đời sống tinh thần phong phú, đồng thời là cái nghiệp thật sự.
Việc kinh doanh quán cà phê không ngờ mang đến cho chị nhiều hạnh ngộ. Chị đã nên duyên với anh kể từ khi mở cà phê sách. Có lẽ, anh là một trong những người mê mẩn hương vị cà phê do chị tạo ra. Anh chính là nhân vật “người ấy” trong truyện ngắn “Cà phê yêu dấu” của chị được nhiều độc giả yêu thích.
Diễn viên điện ảnh Võ Hoài Nam: Làm món ăn nhanh, gọn và giá cả hợp lý
Võ Hoài Nam bây giờ đã trở thành đạo diễn của Hãng phim Truyện Việt Nam sau khi anh tốt nghiệp khoa Đạo diễn - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh.
Là bố của ba “nhóc tỳ”, trông anh vẫn trẻ trung. Hoài Nam cho biết, cả gia đình đã vào Nam sinh sống và tiếp tục kinh doanh nhà hàng. Khi ở Hà Nội, vợ chồng anh từng mở quán “Bạn tôi” trong suốt nhiều năm liền, khi tên tuổi đang nổi với những vai diễn trên màn ảnh nhỏ và màn ảnh lớn.
Có lần, anh thổ lộ là chẳng hề có ý định trở thành đầu bếp và kinh doanh hàng quán, nhưng do... hoàn cảnh đưa đẩy.

Diễn viên điện ảnh Võ Hoài Nam.
Vợ anh, nghệ sỹ múa Lan Anh, tình nguyện lui về hậu phương, hai vợ chồng thuê phòng trọ ở tầng 1, Khu tập thể Trung Tự (Hà Nội). Anh có khá đông bạn bè và người hâm mộ qua lại, khuyên anh mở quán. Thế là cà phê “Bạn tôi” ra đời.
Bạn bè, đồng nghiệp và người thân quen nghe tiếng kéo đến ủng hộ, hai vợ chồng lăn vào bếp làm món ăn đãi bạn… Thế là cà phê “Bạn tôi” thành quán rượu “Bạn tôi”.
Từ đó, ngoài những đợt đi đóng phim, chàng diễn viên đẹp trai, ga-lăng trên phim nhảy vào bếp cùng vợ phục vụ khách, cũng tay dao, tay thớt không thua kém một đầu bếp chuyên nghiệp nào.
Giá cả hợp lý, không khí ấm cúng, ngồi xếp bằng nhâm nhi rượu đế với món lợn Mường, lại được ông chủ nhiệt tình và hiếu khách nên mặc dù “Bạn tôi” nằm khuất nẻo trong khu tập thể đông đúc, lại phải đi khá vòng vèo, nhưng chiều về tối thì hầu như không lúc nào ngớt khách.
“Xào xáo” nhiều thành quen, rồi tham khảo thực đơn các nhà hàng và sáng tạo một số món riêng của quán, vợ chồng Nam trở thành những đầu bếp điệu nghệ, phục vụ được khá nhiều món ăn theo yêu cầu của quý khách.
Phương châm chế biến món ăn của vợ chồng nghệ sỹ này là đơn giản, nhanh gọn và giá cả hợp lý. “Đầu bếp” Nam cũng chẳng giấu điểm yếu là sợ… sát sinh. Vì vậy, khác với động tác giết lợn thuần thục như nhân vật Nam “đồ tể” mà anh thủ vai trong Chuyện phố phường, ở quán “Bạn tôi”, phần “chọc tiết” anh luôn… nhường cho vợ (!). Kinh doanh quán “Bạn tôi” trở thành nguồn thu chính của gia đình Nam suốt nhiều năm liền.
Võ Hoài Nam vừa hoàn thành bộ phim Hoa mua đầu núi với bối cảnh tại tỉnh Hà Giang. Chàng diễn viên vinh dự nhận giải thưởng "Diễn viên trẻ xuất sắc" tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 47, còn là tác giả kịch bản Kẻ lộng quyền đang nằm trên bàn duyệt. Với đề tài chống tham nhũng, đây là câu chuyện anh ưng ý nhất và muốn làm đạo diễn. Anh thổ lộ, cuộc sống bây giờ tạm ổn, việc kinh doanh, anh “nhường” cho vợ để tập trung làm nghề.
Bài liên quan: