Ở đầu đề bài Phải chăng Thúy Kiều đã bỏ lọt tội khi báo ân báo oán(*), tác giả Nguyễn Gia Nùng dùng từ “Phải chăng” nghĩa là chưa khẳng định vấn đề nêu ra (“Thúy Kiều bỏ lọt tội phạm”). Vậy ta bàn đôi chút cho hết nhẽ. Tác giả viết: “Chính cái thằng bán tơ này đã đột nhiên dựng chuyện, vu oan giá họa cho gia đình Vương Ông đang yên bình bỗng lao vào vòng lao lý (...). Thằng bán tơ mới chính là thủ phạm đầu tiên gây bao nỗi đoạn trường cho nàng Kiều. Vậy mà khi báo ân báo oán, Thúy Kiều tuyệt nhiên không nhắc đến hắn”; tác giả còn viết: “Với uy danh và thế mạnh của quân tướng Từ Hải, nếu truy lùng rất có thể tìm ra tên tội phạm này”.
Ai cũng biết: còn xã hội loài người, dù ở bất cứ chế độ nào cũng còn những người vu oan giá họa (bịa đặt ra để trút tai vạ cho người khác). Kẻ vu oan giá họa (kiểu như thằng bán tơ xưng xuất) thật đáng trách nhưng không phải kẻ vu oan nào cũng đem đến tai họa cho người khác bởi vì sự quyết định là ở người nghe, là pháp luật ở thời ấy ra sao, là người nắm quyền xử lý sự việc nghe được đó ra sao? Thằng bán tơ khai gì thì khai nhưng phải có chứng cứ chứng minh là Vương Ông có tội, không có chứng cứ thì tin sao được! Sự thật ấy nếu gặp quan thanh liêm, chính trực thì tai họa có giáng xuống nhà Kiều không? Chắc chắn là không. Lúc ấy sẽ đánh giá “thằng bán tơ” thế nào? Trong Truyện Kiều không diễn ra tình huống như ta vừa nêu, tên quan đã mượn cớ “xưng xuất” của thằng bán tơ để cho sai nha đến bắt Vương Ông, Vương Quan, cướp phá nhà Kiều, gây bao đau khổ cho nàng Kiều và gia đình Kiều. Vậy nên kết tội thằng bán tơ hay tên quan? Có kết tội chăng là kết tội tên quan mượn cớ để “kiếm ăn”. Bảo người ta (Vương Ông...) có tội nhưng khi “có ba trăm lạng” thì lại hết tội (“mới xuôi”). Căn cứ vào những điều vừa nêu trên, có người cho thằng bán tơ là tội phạm, có người cho chính tên quan mới là tội phạm. Đấy là ta bàn đôi chút cho ra nhẽ còn thì tùy thuộc ý của mỗi người. Ở phần trao đổi này, ta chủ yếu giải quyết vấn đề theo hướng mà tác giả Nguyễn Gia Nùng nêu lên: “thằng bán tơ” có tội mà Thúy Kiều lại bỏ lọt tội phạm, không nhắc đến, không trị tội hắn. Xin thưa: “thằng bán tơ” không nằm trong tầm tay của Thúy Kiều (tức là cũng không nằm trong tầm tay của Từ Hải nên “với uy danh và thế mạnh của quân tướng Từ Hải, nếu truy lùng rất có thể tìm ra tên tội phạm này” (lời tác giả Nguyễn Gia Nùng). Như vậy không thể bắt được “thằng bán tơ” mà trị tội! Sao vậy? Vì hắn ở mãi tận Bắc Kinh mà Từ Hải lại cát cứ ở vùng Đông Nam Trung Quốc. Hắn có ở Lâm Tri, ở Vô Tích, ở Phúc Kiến, ở Chiết Giang... đâu mà bắt, mà trị tội hắn. Căn cứ vào đâu mà bảo hắn ở Bắc Kinh? Hãy nghe “lại già” họ Đô thưa lên với Kim Trọng (thi đỗ, được bổ làm quan “ngoại nhậm Lâm Tri” - câu 2873) khi Kim Trọng hỏi tin tức về nàng Kiều: “Sự này đã ngoại mười niên/ Tôi đà biết mặt biết tên rành rành/ Tú Bà cùng Mã Giám Sinh/ Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về/ Thúy Kiều tài sắc ai bì” (câu 2887- 2891). Nhà Thúy Kiều ở Bắc Kinh thì “thằng bán tơ” cũng ở Bắc Kinh, có thế hắn mới vu oan cho gia đình Kiều được chứ! Như vậy có thể kết luận: trong “báo oán”, nàng Kiều đã không bỏ lọt tội phạm là “thằng bán tơ”.
Nhân bàn về vấn đề “bỏ lọt tội phạm”, xin được trình bày: Thúy Kiều không bỏ lọt tội phạm là “thằng bán tơ” nhưng lạ thay lại bỏ lọt một tội phạm khác. Nói “lạ thay” là vì tên tội phạm này nàng Kiều biết rõ tội ác của nó, lại ở trong tầm tay mình mà lại bỏ qua, không động đến (hoặc không dám động đến!). Ai vậy? Đó là Hoạn Bà (Hoạn phu nhân). Hãy lấy chính lời nói, thái độ và hành động của mụ để chứng minh tội ác của mụ: khi “Khuyển, Ưng hai đứa nộp nàng dâng công”, Kiều vừa tỉnh thì bà ta “Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra” (câu 1725), Kiều đành “Sự mình nàng phải cứ mà gửi thưa”, tức là nói tất cả sự thật của đời mình. Chẳng có căn cứ nào mà bà ta lại nhiếc Kiều “những giống bơ thờ quen thân”, “con này chẳng phải thiện nhân” rồi tuôn ra một hồi “phường trốn chúa, quân lộn chồng” rồi “mèo mả gà đồng”. Trơ trẽn hơn nữa, bà ta lại còn nói: “Đã đem mình bán cửa tao”. Ai bán mà bà ta mua!? Bà ta chẳng khác gì Bạc bà (đã bị trị tội) “Hư không đặt để nên lời”, họ giống nhau ở điểm này nhưng Hoạn bà lại vượt trội hẳn ở sự sỉ nhục nàng Kiều, thậm tệ hơn nữa lại cho bọn tay chân đánh Kiều “Nào là gia pháp nọ bay/ Hãy cho ba chục biết tay một lần” và thế là “Trúc côn ra sức đập vào/ Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh/ Xót thay đào lý một cành/ Một phen mưa gió tan tành một phen” (câu 1739-1742). Lời bịa đặt, nhiếc móc có thể quên chứ đau đớn “máu rơi, thịt nát” thì không thể nào quên được! Dân gian có câu “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” cơ mà! Cũng lạ, sao nàng Kiều lại bỏ lọt tội phạm này nhỉ? Bắt Khuyển, Ưng ở nhà bà ta để trị tội nhưng lại không động đến mụ ta. Phải chăng Hoạn bà là phu nhân của quan Thượng thư Bộ Lại?
Nàng Kiều không những bỏ lọt tội phạm như vừa nêu trên mà việc “báo ân” cũng lại quên một người đã cứu giúp mình khi hoạn nạn. Đó là trường hợp Mã Kiều. Hãy nhớ lại đoạn khổ ai, đau đớn của nàng Kiều khi bị Sở Khanh lừa tình rủ trốn đi và bị Tú Bà bắt lại, đánh đập tàn tệ đến nỗi Kiều phải xin “Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa” (câu 1147-1148). Nghe Kiều van xin, mụ Tú Bà bắt phải có người “bảo lãnh” làm tơ cung chiêu. “Bảo lãnh” là nhận lấy trách nhiệm, chịu trách nhiệm về những điều mà nàng Kiều hứa hẹn. Có thể nói: nhận “bảo lãnh” là nhận sự rắc rối, sự hy sinh của bản thân mình với “đối tượng” mà mình “bảo lãnh”. Trong hoàn cảnh ấy, Mã Kiều đã đứng ra “bảo lãnh” và làm tờ cam đoan cho nàng Kiều:“Bày vai có ả Mã Kiều/ Xót nàng nên mới đánh liều chịu oan” (câu 1151-1152). Mã Kiều còn khuyên nhủ, căn dặn chí tình với nàng Kiều và lại còn vạch trần sự câu kết giữa Tú Bà và Sở Khanh “Thôi đà mắc lận thì thôi/ Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh/ Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/ Một tay chôn biết mấy cành phù dung/ Đà đao sắp sẵn chước dùng/ Lạ gì một cốt một đồng xưa nay/ Có ba mươi lạng trao tay/ Không dưng chi có chuyện nầy trò kia” (câu 1157-1164).
Qua những điều vừa trình bày trên ta thấy công ơn của Mã Kiều hơn hẳn mụ Quản gia (đã được Kiều “báo ân” nghìn vàng) về tình thương, về sự hy sinh bản thân cho nàng Kiều. Giả sử nàng Kiều không làm theo lời căn dặn của mụ Quản gia thì chỉ có Kiều thiệt còn nếu Kiều làm trái lời Tú Bà thì không chỉ Kiều chịu tội mà Mã Kiều cũng phải chịu liên đới. Thế mà không hiểu sao khi vinh hoa phú quý thì nàng Kiều lại quên phắt người bạn cùng cảnh ngộ với mình xưa kia, người đã liều thân cứu mình.
Với nàng Kiều, dù gì đi chăng nữa thì việc “báo ân báo oán” thế là xong. Nàng có thể vui vẻ nói với Từ Hải “Ân oán đã xong”. Nhưng với người đọc, với người viết bài này thì câu “chút còn ân oán đôi đường chưa xong” vẫn còn đó, vẫn còn nguyên nghĩa của nó, vẫn còn gieo vào lòng người đọc câu hỏi: Vì sao mà quên ơn Mã Kiều, vì sao bỏ lọt tội phạm là Hoạn phu nhân, vì sao không dám động đến kẻ quyền thế đó? Người viết bài này muốn kêu to lên: “Hỡi nàng Kiều! Vì sao?... Vì sao?...”.
______
* Hồn Việt số 85 (tháng 9-2014)