Tội nghiệp tiếng Việt

Mới đây, khi về quê, tôi nhận được một thiệp cưới gửi bà con họ hàng nội ngoại của một đứa cháu họ, bất ngờ khi thiệp cưới được in hai thứ tiếng Anh – Việt và đó là một kiểu tiếng Anh rất… Việt Nam!
Tôi hỏi cháu sao không in tiếng Việt thôi vì khách của cháu toàn là người Việt Nam mà in tiếng Anh chi vậy, cháu nói: “Đó là mốt chú ơi!”.  

Tôi đi uống cà phê với người bạn làm phóng viên, thấy anh cầm trên tay mấy tạp chí dày, in ấn rất đẹp mắt, tôi mở ra và lại thêm một lần ngạc nhiên nữa: tạp chí làm cho người Việt Nam đọc, có nội dung bằng tiếng Việt nhưng sao đề mục lại bằng tiếng Anh? Nào là “relax”, “beauty”, “recorder”, “music”… đủ thứ hết. Lạ là tên đề mục tiếng Anh nhưng tên bài là tiếng Việt (hoặc có khi tiếng Anh) nhưng thân bài viết lại bằng tiếng Việt. Tôi chẳng biết họ làm vậy để làm gì? Lại cũng có tạp chí mua bản quyền từ nước ngoài về, thân bài cũng bằng tiếng Việt nhưng tên chuyên mục lại song ngữ… Đọc cứ thấy lổm cà lổm cổm thế nào. Tôi đem thắc mắc hỏi anh bạn mình, anh cười hềnh hệch: “Mốt bây giờ nó thế chú ơi, chú sống ở nước ngoài lâu mà chẳng văn minh tí nào…”. Tôi trợn mắt hỏi lại: “Thế nào là văn minh?”, bạn cười phá lên rất sảng khoái: “Thoáng thoáng cái đầu tí đi, viết tên chuyên mục bằng tiếng Anh là văn minh biết không? Tại vì mấy báo này có độc giả dân trí cao, họ toàn biết tiếng Anh hết, họ đọc họ hiểu mà, để tiếng Việt thấy quê quê lắm!”.  

Tôi bật truyền hình lên, thấy người dẫn một chương trình truyền hình mua bản quyền từ nước ngoài cũng “oh yeah” với “okie” liên tục, còn giám khảo người Việt Nam thì lại thỉnh thoảng xen tiếng Anh vào. Đã vậy, còn không ít ca sĩ hát mấy bài hát mà tôi nghe rất lạ tai vì cả bài tiếng Việt nhưng câu cuối lại có tiếng Anh là “I’m sorry”, có lúc lại là “I love you”, còn bài khác cũng bằng tiếng Việt nhưng lại có câu “You and I”… Tôi cũng đem thắc mắc này đi hỏi và cũng nhận được câu trả lời tương tự như vụ “báo chí” kia: “Giờ vậy không à chú ơi, cho nó văn minh, hiện đại, hội nhập mà chú!”.

Tôi lại có người bạn làm nghề quảng cáo, bạn cằn nhằn với tôi: “Trời, cái công ty đó kỳ quá, toàn người Việt không mà bắt gửi bản thuyết trình dự án bằng tiếng Anh, rồi đến khi đi thuyết trình cũng nói bằng tiếng Anh mà cho toàn người Việt nghe. Thấy có kinh dị không?”. Tôi hỏi sao kỳ vậy, bạn nói là chắc tại thói quen, với lại một số công ty quảng cáo tuy có người giao dịch với mình là người Việt Nam nhưng còn sếp là người nước ngoài nên phải trình cho họ xem, để họ biết. Ờ, vậy cũng được, nhưng sao cái vụ bạn nói toàn người Việt Nam mà cũng thư từ, thuyết trình diễn giải bằng tiếng Anh vậy? Bạn nói: “Vậy mới… bó tay! Tui làm theo yêu cầu vì khách hàng là thượng đế mà, còn tại sao vậy thì tui không hiểu! Chắc tại vậy cho văn minh, giờ ai nói tiếng Việt với khách hàng quảng cáo nữa, quê mùa lắm”.

Còn nhớ hồi mới quen, tôi hỏi bạn sao nói chuyện toàn chêm tiếng Anh không vậy, bạn cười bẽn lẽn: “Quen miệng rồi, lĩnh vực này nó vậy”. Có lần đi ăn trưa với một nhóm bạn làm nghề quảng cáo, tiếp thị, tôi nghe mà ù hết tai vì các bạn nói chen tiếng Anh tiếng Việt lộn xộn vô cùng. Một câu chừng 10 từ thì hết 5 từ tiếng Anh. Lại thắc mắc thì được giải đáp: “Nói vậy cho nhanh, có khi kiếm từ tiếng Việt để thay thế dài lắm, mệt lắm” (lý do này xem ra dễ chịu hơn lý do của anh bạn phóng viên, tôi nghĩ vậy). Những thư điện tử trao đổi qua lại của các bạn làm nghề này cũng toàn tiếng Anh, dù chẳng có “sếp” nào kiểm tra cả.

Tôi không biết mình có phải là “mông muội” lắm không khi thấy mình khó mà “tiêu hóa” được quan niệm về văn minh trong những trường hợp vừa kể. Chỉ thấy tự nhiên tội nghiệp tiếng Việt. Tiếng Việt đẹp đẽ vậy mà bị chê bai quá, bị thay thế bằng thứ tiếng Anh giả cầy (sai ngữ pháp, sai chính tả tùm lum). Tôi có cổ hủ quá không?

Văn Nguyên