Ngày 1/1/1966, từ Hà Nội, tôi cùng với một số văn nghệ sĩ, khoảng bốn mươi người, vượt Trường Sơn. Con đường xuyên rừng, qua núi, qua đèo, qua suối, qua sông, dài 1600 cây số - con đường cũng có tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Với đôi dép cao su, ngày đi đêm nghỉ, đói và sốt rét, gần bốn tháng thì về tới căn cứ của Trung ương Cục, được gọi là R trong cụm rừng già tỉnh Tây Ninh. Tôi xuống chiến trường đồng nước Tháp Mười.
Đến đồng bằng, người giao liên đầu tiên mà tôi gặp là một cô gái tuổi 17-18 tên là Thu. Cô đưa tôi xuống chiến trường vào một đêm tối trời bằng chiếc xuồng máy đuôi tôm xuôi theo dòng sông Vàm Cỏ Đông. Trên chiếc xuồng đầy lá nguỵ trang, có nhiều giề lục bình. Lấy làm lạ, tôi hỏi và cô cho biết đó là lá nguỵ trang. Tôi nhớ, thời kháng chiến chống Pháp, hành quân ban ngày thì phải nguỵ trang, còn ban đêm, trời tối, cần gì phải nguỵ trang?
Cô giao liên không giải đáp những thắc mắc của tôi mà hỏi: Chú ở miền Bắc mới về phải không?- Phải. - Hèn gì, chặng đường sông hôm nay chú sẽ biết. Trước khi chiếc xuồng máy đuôi tôm rời bến, cô dặn dò đoàn khách mấy điều.

Xuồng máy đuôi tôm.
Trong khi cô nói, máy bay phản lực của quân Mỹ gầm rít trên bầu trời, tiếng bom từ xa dội về, tiếng pháo nổ xa.
Chiếc xuồng máy đuôi tôm “lạch xạch” nổ rồi xuôi theo dòng sông Vàm Cỏ Đông. Cảm xúc của tôi lúc bấy giờ thật khó tả, vừa vui mừng được trở về miền Nam sau 12 năm, 12 năm ray rứt nhớ quê, vừa thích thú lần đầu tiên ngồi trên xuồng máy đuôi tôm.
Hồi chín năm đánh Pháp, đi đâu cũng ngồi trên chiếc xuồng chèo, chèo đến rã tay, làm gì được ngồi hưởng những ngọn gió thổi mát từng sợi tóc, lại nghe sóng vỗ vào bờ, đồng thời cũng rất lo, chẳng biết điều gì xảy ra, vì những chuyến đi, đâu phải chuyến nào cũng trót lọt êm xuôi, có biết bao đồng chí đã hy sinh trên đường dây giao liên. Rồi đúng như dự đoán của cô giao liên, có tiếng trực thăng. Tiếng trực thăng càng lúc càng to, càng gần, cùng một ánh đèn pha bay dọc theo sông, hướng về phía chúng tôi.
Chiếc xuồng tắt máy, tấp sát vào bờ, một cái bờ trống lốc không cây cối, cô ra lệnh cho chúng tôi rời khỏi xuồng, trầm mình xuống nước, lấy lục bình đội lên đầu. Chiếc trực thăng rà tới, ngọn đèn rọi xuống sáng chói. Tôi gồng mình để nước không gợn sóng. Rất may, nó không đảo lại, mà đảo lại là có chuyện, nó bay thẳng.
Chờ khi không còn tiếng động cơ của nó, chúng tôi mới lên xuồng và xuồng lại nổ máy. Trong đầu tôi mơ hồ về một truyện ngắn. Có thể nói, hình bóng cô giao liên vai đeo cây cạc-bin đứng sau lái, lái con xuồng trên sông trong đêm tối, như là một đầu mối chỉ cho tôi lần ra câu chuyện Chiếc lược ngà.
Khi trở về chiến trường miền Nam, tôi như người vừa rời khỏi ghế nhà trường, bắt đầu bước vào đời, cuộc đời của chiến tranh, luôn ngỡ ngàng. Bất cứ điều gì, chuyện gì xung quanh tôi đều như rải màu trên trang giấy trắng của tâm hồn: một tiếng súng, tiếng bom, tiếng pháo, tiếng gầm rít của máy bay phản lực Hoa Kỳ, một đường khói trên bầu trời của máy bay B52, tiếng “lạch xạch” của trực thăng, hình ảnh anh bộ đội, chị cán bộ, một bà mẹ chiến sĩ…
Tiếp theo những chặng đường khác, chặng đường nào cũng có cô gái giao liên, những cô gái trẻ là con của người cha đi tập kết hoặc con của liệt sĩ. Họ là thế hệ trẻ đang tiếp bước con đường cứu nước của cha ông, mỗi cô mỗi vẻ, nhưng rất giống nhau: dũng cảm, thông minh, luôn tỉnh táo trước những tình huống nguy hiểm.
Trước khi rời căn cứ, ở cơ quan tôi, có một cán bộ được vợ và con vào thăm. Đứa con gái sáu tuổi, từ khi lọt lòng mẹ, chưa một lần gặp cha. Khi gặp, cháu không chịu nhận cha, quyết liệt không cho cha mẹ ngủ chung… cùng nhiều tình tiết vừa đau lòng vừa tức cười… Hình ảnh của cháu gái không chịu nhận cha cùng hình ảnh của các cô giao liên cứ lởn vởn trong tâm trí tôi, mỗi lúc mỗi gần nhau, quyện vào nhau thành một, một cô Thu trong Chiếc lược ngà.
Về đến căn cứ của chiến trường, một cụm rừng trên đồng nước, tôi sống trong một cái chòi sát tàn cây, dưới sàn chòi là chiếc xuồng ba lá. Từ ngày rời cái bàn viết trong một căn phòng của ngôi nhà ở Hà Nội, đã hơn nửa năm, tôi không viết một chữ nào, có thể nói tôi là một nhà văn bị đói viết. Đói ăn thì ăn ngấu nghiến, đói viết thì chữ trong ngòi bút cứ trào ra.
Không có bàn để viết, tôi ngồi trên xuồng, lấy tấm ván kê lên hai đầu gối làm bàn. Cạnh cái “bàn viết” là chiếc cần câu. Khi viết, tôi như không nghe tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng bom nổ rền trên đồng nước, tiếng pháo “đì đùng”...
Tôi cứ cắm đầu viết, viết và viết. Tôi viết mê man, viết một mạch từ chữ đầu đến chữ cuối. Chữ từ trong đầu tôi chảy xuống ngòi bút, chảy như một dòng suối từ trên thác đổ xuống vậy. Chiếc lược ngà viết xong trong một buổi sáng, buổi sáng ngày 23/9/1966. Sau khi viết xong, Ban tuyên huấn chiến trường điện ra Hà Nội. Một tuần sau, đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đọc Chiếc lược ngà trong buổi phát thanh Đọc truyện đêm khuya.
Trong những năm chiến tranh ấy, bộ đội, cơ quan, ai ai cũng đón nghe đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội – Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đêm ấy, hàng chục chiếc xuồng quây xung quanh cái chòi của tôi, mỗi chiếc xuồng, mỗi chiếc radio cùng phát Chiếc lược ngà. Giọng của nữ phát thanh viên lan dài trên đồng nước trong cụm rừng. Không thể biết có bao nhiêu thính giả đã nghe Chiếc lược ngà!
Ấy là truyện ngắn đầu tiên khi tôi trở về chiến trường miền Nam.
1 | Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, hội viên sáng lập Hội Nhà Văn, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật; nguyên Phó Tổng Thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam. |